Thiền sư Thích Nhất Hạnh và bài thơ “Bướm bay vườn cải hoa vàng”
Từ hôm qua tới giờ, vào trang Facebook, có cảm giác thiệt buồn, đâu đâu cũng ngập tràn hình ảnh của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ cùng với những tâm tình, khắp nơi nơi, tưởng nhớ, tiếc thương.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc tăng tài bạt chúng, kiến thức uyên bác, phật học uyên thâm, kỳ vĩ.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc hiền giả đại bi, đại dũng, đại trí, đại hạnh.
Trong dòng miên man, tôi lại nhớ đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ngài cũng mới vừa viên tịch hồi năm ngoái, 22/1/2022 tại chùa Từ Hiếu, Huế.
Các ngài, đều bậc đạo sư, đều là những nhà lãnh đạo tinh thần, là tác giả của hàng trăm đầu sách thâm viễn, uyên áo; phụ trách những công trình lớn lao, đồ sộ, dịch kinh, chú giải.
Các ngài, thảy đều giản dị, đơn sơ đến đạm bạc mà vẫn ngời ngời tự tại, an nhiên.
Các ngài, còn đều là những nhà thơ. Là tác giả của những bài thơ khoáng đạt mà rung động, bình lặng mà minh triết, thuần khiết mà thức tỉnh, mộc mạc mà thâm thúy, phiêu lãng mà ảo diệu khôn cùng. Các ngài làm thơ như nước chảy, mây trôi mà thấu thị muôn vạn pháp trong đời.
Nếu Khung Trời Cũ của ngài Tuệ Sỹ là những nỗi mênh mang về kiếp nhân sinh vô thường, về sự hữu hạn của con người, về quy luật tự nhiên của đất trời thì khi ta đọc Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng của ngài Nhất Hạnh, ta lại gặp một giọng thơ khác.
BƯỚM BAY VƯỜN CẢI HOA VÀNG
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
mười năm vườn xưa xanh tốt
hai mươi năm nắng dọi lều tranh
mẹ tôi gọi tôi về
bên bếp nước rửa chân
hơ tay trên bếp lửa hồng
đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống.
tôi không bao giờ khôn lớn
kể gì mươi năm, hai mươi năm, ba mươi năm
mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng
mẹ và em còn đó
gió chiều như hơi thở
mơ gì một mảnh tương lai xa xôi?
gió mang tiếng ca, ngày ra đi em dặn: “nếu ngày về thấy khung trời đổ nát, thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh”
tôi đã về. (có tiếng hát ca) bàn tay trên liếp cửa
hỏi rằng: “có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì?”
gió thì thầm: em nên hát ca
bởi vì hiện hữu nhiệm màu
hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười
hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?
hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau
tôi tìm em.
(như đêm giông tố loạn cuồng
rừng sâu đen tối
những cành cây sờ soạng
đợi ánh chớp lòe ngắn ngủi
thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)
em hãy là đóa hoa, đứng yên bên hàng giậu
hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.
tôi đứng đây. chúng ta không cần khởi hành
quê hương chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ, xin đừng ai xâm phạm - tôi vẫn còn hát ca
đầu còn gối trên Thánh kinh, sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng
công trình xây dựng ngàn đời.
những công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất
bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài đưa chúng ta đi tới
nắm lấy tay tôi, em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt tự ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu.
tóc mẹ tôi còn xanh, và dài chấm gót
áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước giậu
nắng sớm mùa thu
tôi ở đây. chính thực vườn xưa
những cây ổi trái chín thơm
những lá bàng khô thắm
đẹp
rụng
còn chạy chơi la cà trên sân gạch
tiếng hát vẳng bên sông
những gánh rơm thơm vàng óng ả
trăng lên, quây quần trước ngõ
vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua.
tôi không ngủ mơ đâu
ngày hôm nay đẹp lắm, thực mà
em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ
chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa,
đến đây,
khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm, trong
ai nói cho em nghe rằng Thượng đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng Người?
chúng ta đã từng nắm tay nhau từ trong vạn kiếp
khổ đau vì không tự biết là lá là hoa
em hát ca đi, bông cúc cười cùng em bên hàng giậu
đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát
những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình.
để cho chúng tôi hát ca, để cho chúng tôi là những đóa hoa, chúng tôi đang ở trong cuộc đời - mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy.
bàn tay cũng là hoa, đừng biến bàn tay em tôi thành dây chằng
thành khớp răng cưa
thành móc sắt
hiện hữu không kêu gọi tình thương.
hiện hữu không cần ai phải thương ai
nhưng em phải là em, là đóa hoa, là bình minh hát ca, không đắn đo suy tính
xin ghi vào đây một Tân Ước nữa của tất cả chúng ta
và xin vẫn nghe lời tôi như nghe suối reo như nhìn trăng sáng
em về, đưa mẹ về cho tôi thăm
cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài xanh như tóc mẹ.
Bài thơ được viết bằng giọng thơ rất hồn nhiên, hồn nhiên và xinh đẹp. Chỉ thoạt nghe cụm từ “nắng dọi lều tranh” thôi, là cũng đủ cho hồn ta lạc vào miền cổ tích.
Ta, như sống lại ngày nào, còn mẹ, còn tình thương ăm ắp bể trời của mẹ, như sống lại thuở xưa, thuở mà tưởng chừng “không bao giờ khôn lớn”.
Quá khứ, thực tại như xen vào nhau, len vào nhau, không lằn ranh, không phân biệt, tất cả đều như vừa mới, đang là. Và mẹ, dường như đang hiện hữu. Mẹ, dường như đang có mặt.
Còn mẹ là ta còn hoài một đứa trẻ. Còn mẹ là ta còn tuổi thơ. Còn mẹ là ta còn những buổi cười vang khi rửa chân bên cầu ao, thích thú khi hơ tay lên bếp lửa thơm nồng, ríu rít như bầy gà con, nghe bụng sôi rào rào bên bếp cơm rau, chiều khói ấm.
Em cũng vậy. Em hiện hữu. Em chính là đóa hoa. Em chính là nụ cười. Hạnh phúc.
Tác giả cũng đang hiện hữu, và, vì thế, chúng ta không cần phải khởi hành. Chỉ cần đừng ai xâm phạm. Tuổi thơ, sẽ vẫn mãi mãi còn. Và tình yêu thương, sẽ không bao giờ mất.
Từ “nhiệm mầu” được nhắc đi nhắc lại, như một niềm tin, niềm tin vào Thượng Đế, niềm tin vào Mẹ. Mẹ hiện hữu và cứu rỗi đời con.
Những dấu câu, những cách viết câu vừa lạ vừa quen. Những dấu chấm, những dấu phẩy, những ngắt nhịp, khi nhặt, khi khoan, khi dồn dập, tới tấp, khi buông buông như sợi nắng, khi lơi lơi như dòng mây, thơ của người, đẹp như một bức tranh đồng quê, thơm phưng phức màu hạnh phúc.
Thơ dường đẹp hơn cả thơ. Lời thơ, ý thơ, cách viết thơ đẹp như chưa từng bao giờ, đẹp như thế. Và người đọc thơ, như đi lạc vào trong rừng hoa, bát ngát hoa, chỉ hoa thôi và chẳng còn gì khác. Chẳng khổ đau. Chẳng mất mát, ly tan.
Đại từ nhân xưng “em” trong bài, đóng vai trò như là đối tượng trò chuyện của tác giả, để tác giả được khẳng định đi khẳng định lại, sự hiện hữu của “em”, em là đóa hoa, em là bình minh, em là suối reo, em là trăng sáng.
Và em, hãy giùm đưa mẹ về cho tác giả được thăm. Đưa mẹ về trong em, trong chính em, hiện hữu. Em hiện hữu. Và, mẹ chúng ta, hiện hữu.
Em đưa mẹ về cho tôi thăm, để cho tôi, mãi một đứa trẻ bình yên.
***
Hạnh phúc miên viễn đã có mặt tại đây, lúc này, cho em và cho tôi như chưa từng bao giờ đánh mất. Quá khứ có mặt, từ ngay trong hiện tại.
Bên em, tôi nhìn thấy mẹ. Mẹ chưa bao giờ mất. Mẹ tiếp nối, trao truyền.
Bất tận. Thiên thu.
***
Lúc này, khi đọc xong, viết xong cảm nghĩ về bài thơ Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng rồi, tôi vẫn không dứt ra được dòng miên man ấy, ngài Thích Tuệ Sỹ, ngài Thích Nhất Hạnh, đang hiện hữu, cùng chúng ta.
Thiên thu. Bất tận.
Sài Gòn 26/11/2023
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiểu sử Hoà thượng Thích Thanh Định (1960 - 2024)
Tăng sĩ 06:30 24/12/2024Cuộc đời của Hoà thượng là một tấm gương sáng về đạo hạnh, hết lòng hi sinh trong việc lợi đạo ích đời, đặc biệt là có công lao rất lớn trong việc xiển dương Phật Pháp.
HT.Thích Chơn Kim - đời khí phách, tu nghiêm mật
Tăng sĩ 09:47 19/12/2024HT.Thích Chơn Kim thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, Pháp danh Tâm Phú, đời thứ 43 dòng Lâm Tế, xuất thân từ dòng họ Nguyễn ở Gia miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa. Tiên tổ là ngài Nguyễn Kim bậc đại thần đã tận trung phục hưng lại nhà Hậu Lê là Lê Trung Hưng; tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 đời chúa kế sau đã trấn giữ và mở mang bờ cõi đến tận phương Nam.
Lễ giỗ Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo tại tổ đình Chúc Thánh
Tăng sĩ 13:45 07/12/2024Chư tôn đức Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh sáng 6/12 đã cử hành khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo và lịch đại Tổ sư, tại tổ đình Chúc Thánh (P.Tân An, TP.Hội An, Quảng Nam).
Thà chết chứ nhất định không phá giới
Tăng sĩ 19:30 27/11/2024“Nếu chết thì xin được chết, chứ không thể phá bỏ giới luật”.
Xem thêm