Thứ tư, 14/02/2018, 11:24 AM

Thiền Trúc Lâm Yên Tử - Chư Tổ khai sáng

Đề cập đến Thiền học Việt Nam, tức phải nói đến đời nhà Trần vì triều đại nhà Trần là một triều đại mà suốt cả các vị vua đều được hun đúc bởi tư tưởng Thiền học, trong đó Trần Thái Tông là người tiêu biểu nhất. Một gốc tích đáng kể nhất, và có thể được coi là quan trọng nhất trong chứng cứ khởi phát Thiền Trúc Lâm Yên Tử đó là núi Yên Tử. Núi Yên Tử đã được gắn liền với Thiền Trúc Lâm, và chính nơi đây Trần Thái Tông đã khai mở con đường mới về Thiền học.

Tiết một:
 Nguyên lai xuất phát

Trước khi xét đến nguyên lai phát xuất của Trúc Lâm Yên Tử, chúng ta ngược dòng Thiền tông để tìm khởi nguồn của nó.

Tại Hội Linh Sơn, khi đức Phật cầm hoa sen khai thị trước đại chúng, lúc bấy giờ tất cả đại chúng đều im lặng, chỉ riêng có ngài Ca-diếp trực ngộ được tâm ý của Phật, mỉm cười. Phật liền bảo: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, pháp môn vi diệu, thật tướng, vô tướng, nay đem phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp”.

Chính lời phó chúc bí pháp ấy là khởi điểm truyền thống Thiền tông. Thiền tông được truyền thừa từ ngài Ca-diếp đến A-nan, rồi lần lượt truyền đến vị Tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma. Bồ-đề-đạt-ma muốn nối tiếp làm sống dậy Thiền học nên đã tiếp tục lộ trình từ Tây Trúc sang Trung Hoa thuyết giảng yếu chỉ Thiền học. Nền Thiền học bắt đầu du nhập vào Trung Hoa và chính Bồ-đề-đạt-ma là vị Tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Hoa.

Thế rồi Thiền tông được nối tiếp lần lượt bởi các ngài Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín vv… Đồng thời với ngài Đạo Tín có ngài Tì-ni-đa-lưu-chi. Ngài Tì-ni-đa-lưu-chi sang truyền pháp tại Việt Nam; đem những tư tưởng Thiền học gieo rắc vào trong nhân gian. Ngài chính là người sáng lập Thiền tông Việt Nam và được tôn xưng là đệ nhất Tổ Thiền tông Việt Nam. Sau đó ngài truyền cho Pháp Hiền lập thành một phái Thiền tông.

Đến đời Đường (820) lại có ngài Vô Ngôn Thông cũng là người Trung Hoa sang truyền giáo lập thành phái Thiền thứ hai. Rồi sau đó là phái Thảo Đường.

Những trình bày trên chỉ là sơ lược sự truyền thừa Thiền tông. Ở đây chúng ta sẽ đặc biệt tìm điểm khởi nguồn trực tiếp của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, như là một trong những nét đặc thù xuất phát của Thiền học Việt Nam.

Đề cập đến Thiền học Việt Nam, tức phải nói đến đời nhà Trần vì triều đại nhà Trần là một triều đại mà suốt cả các vị vua đều được hun đúc bởi tư tưởng Thiền học, trong đó Trần Thái Tông là người tiêu biểu nhất. Một gốc tích đáng kể nhất, và có thể được coi là quan trọng nhất trong chứng cứ khởi phát Thiền Trúc Lâm Yên Tử đó là núi Yên Tử. Núi Yên Tử đã được gắn liền với Thiền Trúc Lâm, và chính nơi đây Trần Thái Tông đã khai mở con đường mới về Thiền học.

Núi Yến tử là một dãy rừng ở Bắc Việt. Bắc giáp Bắc Giang. Đông giáp bờ bể Đông Hải. Núi Yên Tử còn được gọi là Tượng Sơn. Thanh nhất thống chí có chép: “An Kỳ Sinh thời Hán bên Tàu đã chứng đạo tại đây”. Chính vì An Kỳ Sinh chứng đạo ở trên núi này nên đời sau người ta gọi là An hay Yên Tử. Sách, theo đó, cũng viết như vậy.

Đại Nam nhất thống chí chép: “Đời Đường, Tôn Quang Định có bài ký ‘Động thiên phước địa’ nói: Núi An Tử ở nước ta là một phước địa (kiểu đất tốt) trong 72 phước địa”. Và Hải nhạc thanh sơn đời Tống lấy núi này làm phước địa thứ tư. Sách Sử Lễ chí đời Minh nói: “Nước An Nam có 21 danh sơn liệt kê vào tự điển, mà núi An Tử và núi Kiệt đặc là hai núi trong số ấy".[1]

Như thế, núi Yên Tử vốn là một danh sơn đáng kể. Các vua đời Trần đã lấy núi này làm nơi để lập am mà tu hành, tham cứu Phật pháp và chính ở đây các thiền sư đời Trần như Pháp Loa, Huyền Quang vv… đã đắc pháp, truyền y bát.

Hơn thế, núi Yên tử còn có những đặc tính riêng mà không núi nào có thể sánh được. Dù khách trần tục hay những bậc đạo sĩ khi bước chân vào núi Yên Tử là thấy ngay cảnh chùa Bí Tượng, quanh đồi thì có suối tắm và cửa ngăn. Suối tắm là nơi Điều ngự Giác hoàng vào Yên Tử có xuống tắm; cửa ngăn là cửa bước vào rừng. [2]

Tiến đến là cảnh chùa Linh Nham. Linh Nham cũng được gọi là Cầm Thực và tiếp theo là chùa Long Động cũng gọi là chùa Lân. Ở đây tháp tượng thật nguy nga, thờ ba vị Tổ Trúc Lâm. Sau chùa có một ngôi tháp lớn bằng đá, trong tượng đá có ghi hàng chữ "Sắc kiến tịch quang tháp". Đây là tháp Tổ đệ nhất có bia khắc năm Bảo thái Lê Dụ Tông thứ 8 (1727) của Sa di Như Như, thuật lại sự tích "Tuệ Đăng Hòa thượng Chính Giác Chân Nguyên Thiền sư" và chính là vị Tổ của chùa Lân.

Từ chùa Lân đi sâu vào là suối Giải Oan. Giác hoàng lập một ngôi chùa ở đây với mục đích làm chay siêu độ cho những cung nhân đã tuẩn tiết khi theo gót vua Trần Nhân tông cho nên cũng gọi là chùa Giải Oan. Suối Giải Oan rộng độ hai trượng, phát nguyên từ đỉnh núi, nước xanh biếc, mát lạnh, còn gọi là Hổ Khê. Sư Huyền Quang có làm bài thơ:

Am bức thanh tiêu lãnh,          庵逼青霄冷
                  Môn khai vân thượng tằng.      門開雲上層                  
Dĩ can Long động nhật,           已竿龍峒日
Do xích Hổ khê băng.              猶尺虎溪冰
Bão chuyết vô dư sách,           抱拙無餘策
Phù suy hữu sấu đằng.            扶衰有瘦籐
Trúc lâm đa túc điểu,              竹林多宿鳥
Quá bán bạn nhàn tăng.          過半伴閒僧
Việt dịch:
Ở Am An Tử:
Chiếc am cao lạnh lẽo,
Cửa mở giữa tầng mây.
Trời động Rồng đã đứng,
Băng khe Hổ còn dày.
Kém tài không mẹo dấu,
Nhờ gậy đỡ thân gầy.
Rừng trúc nhiều chim ngủ,
Phần đông bạn với thầy [3]

Bài thơ trên là chỉ tự bến Trung Phong thẳng đến chùa Giải Oan. Trước mặt của chùa này có khe và sau có núi, nhiều thông, trong có chùa Thanh Thạch (chùa Đá Xanh); có núi đá gọi là núi Hạ Kiệu (mỗi khi vua Anh Tông nhà Trần đến đây phải xuống kiệu nên gọi tên như thế). Bên cạnh núi Ngọc có ba ngọn tháp Tổ, rồi đến "Huệ Quang kim tháp" tức là tháp "Điều Ngự Giác Hoàng" Tổ thứ nhất trong Trúc Lâm Tam Tổ.
 
Từ tháp "Điều Ngự Giác Hoàng" đi thẳng lên là chùa Hoa Yên. Thời trước chùa này có tên là Vân Yên rồi do vua Lê Thánh tông (1470-1497) đổi lại là Hoa Yên. Ngoài ra còn được gọi là chùa Cả hay chùa Ân Tử.

Một ngôi chùa khác cũng đáng được kể. Đó là Chùa Am Trượng, đặc biệt trồng rất nhiều cây mộc tê (cây hoa mộc). Cứ mỗi lần hoa nở thì mùi hương thơm ngát, vì thế Thái Thuận đã có câu thơ: "Nhất thanh thu tại mộc tê hoa" (Một tiếng thu động thì hoa mộc tê nở). Từ chùa Hoa Yên đi lên đỉnh, lại có chùa Vân Tiêu. Chùa Vân Tiêu thờ tượng tháp uy nghiêm hơn cả và chính nơi đây Trần Anh Tông có vịnh một bài thơ:

Đình đình bảo cái cao ma vân,
Kim tiên cung khuyết vô phàm trần.
Tuyệt phong cánh hữu Phật đường tại,
Thanh phong lãng nguyệt tương vi lân.
Thanh phong tác địa vô hưu yết,
Minh nguyệt đương không diệu băng tuyết.
Thử phong thử nguyệt dữ thử nhân,
Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt.
Việt dịch:

Thẳng tắp tầng mây che lọng lớn,
Nơi tiên cung chẳng gợn bụi trần.
Đỉnh non chùa Phật trân trân,
Trăng trong gió mát bạn thân nơi này;
Vùng quạnh nẽo, suốt ngày gió mát,
Gương Hằng Nga như hệt tuyết băng;
Này người, này gió, này trăng,
Hợp nên tam tuyệt đâu bằng Vân Tiêu![4]

Sau chùa Vân TIÊU thẳng lên là chùa Đồng tại đỉnh núi. Bên trong có một hòn đá đứng tự nhiên cao ba thước. Đấy là tượng An Kỳ Sinh. Trong thời ba tượng Quan Âm và tượng Trúc Lâm Tam Tổ. Chính đây là tuyệt đỉnh của núi An Tử. Đặc biệt lên đây hễ ai nói tới hay đánh một tiếng chuông thì trời liền u ám đổ mưa:

Nào ai quyết chí tu hành
Có lên (về) An Tử mới đành lòng tu.
(Ca dao)

Đại Nam Nhất thống chí có viết: “Chùa này có nhiều sự linh dị. Mỗi khi đến ngày mồng một hay ngày rằm, sơn tăng lên thắp nhang rồi xuống núi trụ trì tại chùa Hoa Yên. Một hôm có sơn tăng ngủ lại một đêm ở trong chùa Vân Tiêu nằm mộng thấy sơn thần bảo: "Đây là nơi thiên phủ, phải để thanh vắng chứ không phải chỗ phàm trần nằm nghỉ". Sau chúng tăng đến bái Phật ra về, rồi cứ lấy tiếng chuông chùa ở Thần Khê làm chừng” [5]

Trên đây là địa thế và một vài cảnh trí đặc biệt của núi Yên Tử mà sử sách còn ghi lại. Đây chính là nơi mà ngọn đuốc Thiền Trúc lâm được thắp sáng để mở đầu cho một trào lưu Thiền học thuần túy Việt Nam.
 
Tiết hai
Nhân vật khai sáng: Trần Thái Tông

Trong lịch sử Việt Nam, đời Trần là một triều đại nổi bật về nhiều lĩnh vực, nhất là trào lưu Thiền học, mang nhiều sắc thái độc đáo nhất của Phật giáo Việt Nam. Sắc thái độc đáo đó được gói trọn trong Trúc Lâm Yên Tử.

Trúc Lâm Yên Tử mang tính chất độc đáo và quan trọng như thế, cho nên đã được các nhà sử gia đề cập khá chi ly, đầy đủ nhất là đối với Trần Thái Tông, người đã mở đường cho Thiền Trúc Lâm. Dưới đây là một ít sử liệu tiêu biểu.

An Nam Chí lược của Lê Tắc viết: “Suốt cuộc loạn đời Lý, Trần Thừa cùng em là Kiến Quốc đánh giặc có công, được phong chức thái úy. Kiến Quốc được làm đại tướng quân. Con trai lấy con gái của Lý Huệ Vương là Chiêu Thánh, nhân đó được truyền ngôi”.

Trần Cảnh con giữa của Thái Tổ (Trần Thừa); tính người khoan hậu, nhân từ, thông tuệ, văn võ kiêm toàn, lấy tư cách con rể nhà Lý kế vị quốc vương. Chiêu Thánh hậu không có con. Cảnh lại lấy người vợ của anh, sinh được ba người con”.[6]

Đại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết: “Vua khoan dung nhân từ, đại độ, có cái lượng của bậc đế vương; cho nên có thể khai sáng nghiệp lớn để lại truyền thống, lập ra kỷ cương bành trướng, đấy là chế độ nhà Trần vĩ đại vậy. Nhưng mực thước mưu mô đều do tay Thủ Độ làm ra, trong buồng khuê có nhiều điều hổ thẹn…“Vua tự tay viết lấy bài minh ban lời dạy bảo cho các hoàng tử lấy trung, hiếu, hòa, tốn, ôn, lương, cung, kiệm”.[7]  

Việt sử tiêu án của ngô Thời Sĩ đề cập đến Trần Thái Tông một cách đầy đủ hơn cả:
Vua tên là Cảnh, được bà Chiêu hoàng truyền ngôi cho; làm vua được 33 năm. Tiên tổ vốn người Phúc Kiến, bên Trung hoa; đến ông tổ là Kinh sang nước Nam ở làng Tức mặc, phủ Thiên Tường, sinh ra Hấp. Hấp sinh ra Lý. Lý sinh ra Trần Thừa, làm nghề đánh cá, lấy bà Lê Thị làm vợ; đến năm Mậu Thìn sinh ra vua Thái Tông. [8]

“Vua là người khoan nhân, có độ lượng đế vương, lập ra chế độ, điển chương đã văn minh đáng khen, nhưng chỉ vì Tam cương lộn bậy, nhiều điều xấu xa trong chốn buồng khuê…

“Vua ra lịnh thi Tam giáo…

“Vua xuống chiếu "Các nhà trạm đều tô vẽ tượng Phật”. Tục nước ta vì nắng bức nên lập ra nhiều đình quán ở dọc đường cho hành khách nghỉ ngơi tránh nắng. Khi vua còn hàn vi, thường vào nghỉ ở một cái đình; có thầy tăng bảo rằng: "Cậu bé này ngày sau phải đại quý”. Nói rồi không biết thầy tăng ấy đi đâu mất, cho nên đến khi bấy giờ phàm chỗ nào có quán trạm đều tô vẽ tượng Phật…

“Vua lấy vợ của anh là Trần Liễu lập làm Hoàng hậu (tức là Thuận Thiên công chúa họ Lý); giáng bà Chiêu Thánh xuống làm công chúa. Bấy giờ bà Chiêu Thánh không có con mà vợ Liễu đã có mang ba tháng. Thủ Độ và bà Thiên Cực mật mưu lấy cho vua làm Hoàng hậu. Liễu giận lắm tụ tập đại quân ở Đại Giang làm loạn. Trong lòng vua bất tự an, đương đêm ra ở với Phù Vân Quốc sư ở núi Yên tử (thầy tăng này là bạn của Thái Tông). Thủ Độ đưa quần thần đến mời về kinh đô. Vua nói: “Ta tuổi trẻ không cha, chưa kham nổi việc nước, nên không dám ở ngôi vua để làm nhục cho xã tắc. Thủ Độ nói: Vua ở đâu tức là triều đình ở đấy, xin phá núi để xây dựng cung điện.

“Quốc sư xin với vua: Bệ hạ nên hồi loan không nên để cảnh sơn lâm của đệ tử bị phá hủy”. Vua mới chịu về. Liễu tự nghĩ mình thế cô, lén chèo thuyền độc mộc đến nơi vua xin đầu hàng. Thủ Độ nghe tin đi thẳng đến thuyền vua ngự, lớn tiếng rằng: Phải giết giặc Liễu! Vua vội vàng dấu Liễu đưa thân ra nhận. Thủ Độ ném thanh kiếm nói: Thủ Độ này là con chó săn thôi, biết đâu sự thuận nghịch của anh em nhà vua?

“Vua phải giảng giải mãi, rồi cho Liễu đất An Sinh làm nơi ở riêng và phong cho Liễu làm An sinh vương mà giết những kẻ theo làm loạn. Vua Thái Tông đang đêm qua sông Bàn Than vào chùa Yên Hoa ở núi Yên Tử để tiếp kiến Trúc Mộc Thiền sư, muốn xin trụ trì ở đó; vừa gặp Thủ Độ đi yên giá kéo đến. Thiền sư nói:

“Làm vua thì phải lấy lòng dân làm lòng mình. Dân chúng muốn thế, xin vua hồi loan. Sau này hoàng tử trưởng thành có thể nối ngôi lớn được, nhiên hậu hãy bỏ vào núi tu luyện!

“Vua cho là phải. Bấy giờ vua mới bốn mươi tuổi đã có ý chán trần tục, cho nên các vua triều Trần đều bắt chước theo như thế là vì sở đắc của Trúc Lâm bí quyết…[9]

Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú về mục "Nhân vật chí" chép Trần Thái Tông:
Họ Trần tên là Cảnh, người làng Tức Mặc, phủ Thiên Tường, tiên thế là người tỉnh Mân (Trung Hoa). Tổ bốn đời là Kinh mới đến làng Tức Mặc. Đời đời làm nghề chài lưới. Khi mới sinh ra vua là người tuấn tú hùng vĩ. Lên tám tuổi làm quan hậu chính ở Chí ưng cục triều Lý, vào hầu ở trong cung vua, bèn nhận bà Chiêu Hoàng truyền ngôi cho. Thiên tính vua rất khoan hậu và chuộng văn. Khi đã lên ngôi, đặt ra khoa mục, tin dùng hiền tài, định ra các lễ nghi, hình luật, pháp độ, điển chương; đáng nên khen ngợi. Đến khi truyền ngôi vua cho con, lui vào ở Bắc cung, càng lưu ý vào học vấn, rất thích nội điển (Phật học) đến chỗ tinh vi thâm thúy. Duy có một điều là bày đặt việc gì, nhất thiết mặc ý Trần Thủ Độ, đến nỗi chỗ khuê môn có điều xấu xa, gia phong bất chính, người bản xứ lấy làm tiếc.

“Tại vị 33 năm, tôn vị 19 năm, hưởng thọ 60 tuổi, ba lần kỷ nguyên: Kiến trung, Thiên ứng chính bình và Nguyên phong”.[10]

Sơ lược một vài sử liệu trên cũng đủ chứng minh cho con người của Trần Thái Tông một cách khá đầy đủ. Theo đó, tất cả các sử gia đều thừa nhận Trần Thái Tông là một vị vua văn võ kiêm toàn, có cốt cách một bậc hiền nhân quân tử chứ không phải một vị vua nhu nhược văn dốt võ nhác. Sử gia Lê Tắc cũng đã viết về con người của Trần Thái Tông: “Khoan, nhân, thông tuệ, văn võ kiêm bị”. Trong lúc đó Ngô Sĩ Liên cũng viết: “Có lượng đế vương, khoan, nhân đại độ hữu đế vương chi lượng”. Và Ngô Thời Sĩ, một sử gia đứng về quan điểm Nho học chính thống cũng xác nhận: “Vua là người khoan, nhân, có độ lượng đế vương; lập ra chế độ điển chương đã văn minh đáng khen”.

Trên đây, chỉ mới là hình ảnh một Trần Thái Tông, nhà vua trước trách nhiệm đối với quốc gia, xã hội. Ngoài ra còn một Trần Thái Tông Thiền sư mà sự nghiệp trí tuệ với địa vị của ngài trong Thiền tông thực không phải nhỏ.

Con người Trần Thái Tông luôn luôn chủ trương áp dụng cái học thực tiễn, cái học “tu, tề, trị, bình” vào các lĩnh vực quốc gia xã hội để cho xã hội quốc gia được phát triển trong tinh thần tự chủ tự cường của dân tộc. Nhưng song song với chủ trương đó, Trần Thái Tông không bao giờ quên lãng cái học nội điển, đặc biệt là sự tu luyện về yếu chỉ Thiền tông của đạo Phật. Do đó, ngài đã xuất gia đầu Phật năm bốn mươi tuổi để từ đây vất bỏ những gì nhỏ hẹp cá nhân mà hướng tới cái đại thể của vũ trụ, mở đường cho Thiền Trúc Lâm.

Trong phả hệ của Thiền Trúc lâm, không có ghi vua Trần Thái Tông. Nhưng không phải vì vậy mà địa vị của vua kém quan trọng. Vua không những là người sáng nghiệp nhà Trần, đặt ra những điển chương cho đời sau noi theo, mà trên phương diện tư tưởng, chính vua là người đã chuyển hướng Phật giáo Thiền tông sang một con đường mới, với đường lối hành trì mới mẻ. Quả nhiên, TTBH đã đặt vua vào vị trí xứng đáng:

Chư Tổ truyền đến nước ta
Thiền tông Nam chỉ chép ra lời này
Trước kể Trần triều cho hay
Đế vương học đạo là Trần Thái Tông.
(TTBH, câu 107-110)

Dĩ nhiên, cuộc đời cũng như công nghiệp của nhà vua là những điều rất quen thuộc đối với tất cả chúng ta. Do đó, ở đây chúng tôi chỉ ghi lại một đoạn ngắn của Đại Việt Sử ký Toàn thư: "Vua họ Trần, húy là Cảnh, trước húy là Bồ; làm Chi hậu Triều Lý, được Chiêu Hoàng truyền ngôi cho. Ở ngôi 33 năm, nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi, băng ở cung Vạn thọ, chôn ở Chiêu Lăng. Vua là người khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể mở nghiệp, truyền sau, đặt giềng giăng mối, chế độ nhà Trần tốt đẹp. Song quy hoạch việc nước đều do Trần Thủ Độ làm, mà trong chốn buồng the có điều hổ thẹn”.

Đằng khác, chúng ta có TTBH, chép khá đầy đủ về sự nghiệp của vua đối với Phật giáo. Nói về cơ duyên và sở ngộ của vua, TTBH viết:

Nhớ lời thầy dạy chẳng vong
Xin chư Thiền đức lão Tăng vào triều
Thăm hỏi kinh giáo trước sau
Kim cang thường tụng lẽ mầu tinh thông
Liễu đạt tám chữ làm xong
Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm
Vua ngồi tức lự trầm ngâm
Hoát nhiên đại ngộ mới thâm vào lòng.
(TTBH, câu 285-292)

Cơ duyên và sở ngộ này đã được chính vua Trần Thái Tông viết trong Thiền tông Chỉ Nam tự của vua. Nó cũng đồng trường hợp với Huệ Năng, Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa, khi nghe người tụng kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" thì tỏ ngộ được tất cả chỗ uyên áo trong tâm tông của Phật Tổ. Đây cũng có thể chỉ là điều sáo cổ, nhưng nó cũng chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của kinh Kim Cang đối với vua. Nhất là ảnh hưởng của Huệ Năng. Ngay trong lời mở đầu của Thiền tông Chỉ Nam tự, vua đã lập lại những lời của Huệ Năng đối đáp với Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn: “Phật vô Nam Bắc, quân khả tu cầu, tánh hữu trí ngu đồng triêm giác ngộ”.

Đây cũng là những sáo ngữ của vua, cũng như câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Nhưng tất cả những sáo ngữ đó quy tụ chung quanh lý tưởng “Trụ vô trụ vô xứ” của kinh điển Bát Nhã. Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, chính lý tưởng “Trụ vô trụ xứ” đó làm nảy sinh một Duy-ma-cật. Bởi không trụ vào đâu hết, không trụ sinh tử, cũng không trụ Niết-bàn, nên lý tưởng hành động của Phật giáo Đại thừa là lý tưởng đại đồng phổ biến. Do đó, các vua chúa nhà Trần nêu cao lý tưởng hành động của mình qua căn bản vô trụ vô trụ xứ của Kim Cang quả là đặc thể. Những sáo ngữ nơi vua Trần Thái Tông không phải là những lý luận suông không có sự thật của nó.

Một đoạn khác của TTBH cho ta thấy sở đắc của Trần Thái Tông:

Thuở ấy ngoại quốc tông sư
Lại nghe Nam Việt có vua tu hành
Tên người là Tống Đức Thành
Trèo non lặn suối một mình tìm sang
Vào triều bái tạ thiên nhan
Thiền gia làm lễ dám thăm lời rằng.
(TTBH, câu 333-338)

Và những lời tham vấn của Đức Thành cũng khá quan trọng, nên TTBH ghi cả nguyên văn chữ Hán: "Đức Thành vấn viết: "Tích Thế Tôn Thích Ca vị ly Đâu Suất dĩ giáng vương cung; vị xuất mẫu thai, độ nhân dĩ tất, thời, như hà?". Thái Tông Hoàng đế đáp vân: "Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt, vạn lý vô vân vạn lý thiên”. Đức Thành hựu vấn: "Vị ly vị xuất, mông khai thị. Dĩ ly dĩ xuất sự nhược hà?". Thái Tông vấn đáp: "Vân sinh Nhạc đỉnh đô lô bạch, thủy đáo Tiêu tương nhất dạng thanh".

Những lời hỏi và những lời đáp trên đây được thấy rất thường trong các tác phẩm Thiền tông Trung Hoa. Thoạt đầu, Đức Thành hỏi: "Đức Thế Tôn Thích Ca chưa rời khỏi Đâu Suất mà đã giáng hạ vào Vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ mà độ người đã xong. Đấy là nghĩa như thế nào?". Sau khi được vua trả lời, Đức Thành lại hỏi tiếp: "Đã được khai thị về việc chưa rời (cung Đâu Suất) và chưa xuất gia (của Phật Thích Ca) rồi. Còn như sau khi ngài đã rời (khỏi cung Đâu Suất) và đã xuất gia, thì sao?". Cả hai câu trả lời được TTBH tường thuật bằng thể lục bát như sau:

Mây lên núi bạc bằng lau
Nước xuống giòng Tào vằng vặc sáng thanh
Pháp thân trạm tịch viên minh
Tự tại tung hoành phổ mãn thái hư
Tùy hình ứng vật tự như
Hóa thiên bách ức độ chư mọi loài
Ứng hiện dưới đất trên trời
Khắp hòa thế giới mọi nơi trong ngoài
Đã đặt là hiệu Như Lai
Sao còn hỏi xuất mẫu thai làm gì?
(TTBH, câu 339-348)

Tiếp đến, Đức Thành hỏi về nhân duyên ngộ đạo của nhà vua. TTBH viết:

Này lời Thái Tông thưa ra
Lưỡng thủy đồng hỏa đôi ta khác gì
Đương cơ đối đáp thị thùy
Thật tánh ứng dụng cùng thì nhất ban
Phóng ra buộc hết càn khôn
Thâu lại nhập một mao đoan những là
Ma ha Bát Nhã Ba La
Tam thế chư Phật chứng đà nên công
(TTBH, câu 353-360)

Sở ngộ của vua mà được mô tả như thế, thì hoàn toàn căn cứ trên bản tánh và diệu dụng của trí Bát-nhã. Nhưng sự thể hiện của bản tánh và diệu dụng đó lại là đạo lý tự nhiên của Thiền:

Bách giang vạn thủy triều đông
Ngộ đáo giá lý thật cùng tày nhau
Phật tiền Phật hậu trước sau
Bát nhã huyền chỉ đạo mầu truyền cho.
(TTBH, câu 361-364)

Qua những sự kiện được trình bày, chúng ta thấy rằng, dù Trần Thái Tông không trực thuộc trong bất cứ dòng Thiền nào, nhưng tinh thần triết lý và hành động của vua quả là đã mở đầu cho một con đường mới của Phật giáo. Con đường đó, nói một cách vắn tắt, lấy sở ngộ từ kinh Kim cang Bát nhã, và sở hành của nó là đạo tự nhiên của Thiền. Ở đây, đạo tự nhiên ấy không gì khác hơn là tông chỉ trụ vô trụ xứ, là lý tưởng mà kinh Duy-ma- cật tích cực nêu cao để làm căn bản hành đạo của những Bồ tát cư sĩ. Cứ sở ngộ và sở hành như thế, Phật giáo vào đời Trần, bắt đầu từ Trần Thái Tông, đã chọn thế tục làm môi trường hoạt động: Theo đó mà nhìn thì chúng ta thấy ngay địa vị trọng yếu của Trần Thái Tông trong sự hình thành thế hệ của Thiền Trúc Lâm, một dòng Thiền quy kết được tất cả cái đặc chất của tinh thần Thiền học Việt Nam với ba vị Tổ kế tục là: Điều Ngự, Pháp Loa và Huyền Quang.
 
Tiết ba:
Sự tích Tam Tổ 

I. Điều Ngự 

Điều Ngự tên thật là Trần Nhân Tông (1278). Vua cha là Thánh Tông lên ngôi Thái thượng Hoàng bèn nhường ngôi cho con là Thái tử Khâm, tức Trần Nhân Tông. Ngài có pháp tự là Điều Ngự Giác Hoàng, sùng mộ đạo Phật từ hồi còn nhỏ. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng thái tử, thường theo Thánh Tông Hoàng đế vân du núi Yên Tử thuộc tỉnh Hải Dương. Trần Nhân Tông đã nhiều lần ngõ ý muốn xin vua cha cho phép nhường ngôi lại cho Trần Anh Tông để xuất gia vào núi Yên Tử tu hành, song không được chấp thuận.

Một thời gian sau, dù đã lên ngôi Hoàng đế, nhưng tư chất của ngài vốn có chủng tử đạo và Thiền nên ngài vẫn sống tịnh tu và chuyên tham cứu về những qui tắc Thiền học. Ngài tham học với Tuệ Trung Thượng sĩ, thấu triệt được đạo Thiền.

Nhưng con đường tham Thiền học đạo chưa trọn với ý nguyện thì giặc Nguyên quấy rối; ngài đành phải xếp kinh kệ để lo giữ gìn quê hương đất nước. Nhờ những vị tướng tài giỏi như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tận tâm giúp nên đất nước sớm được thái bình. Và khi quốc gia đã an bình, ngài lại lui về sống một đời sống hướng nội, chuyên nghiên cứu kinh điển nhà Phật để đào luyện tinh thần hướng tới giải thoát.
 
Năm Quý Tỵ (1293), Trần Nhân Tông truyền ngôi cho Trần Anh Tông. Đến năm Kỷ Hợi (1299), ngài vào núi Yên Tử, quyết định thực hiện con đường xuất gia theo Phật pháp. Ngài lấy pháp hiệu là "Hương Vân Đại Đầu Đà" hoặc "Điều Ngự Đầu Đà", rồi hợp các danh tăng ở chùa Phổ Minh để thuyết giảng kinh điển. Ngài thường đi khắp nước với mục đích là bố thí pháp trong nhân gian, giải trừ những điều mê tín dị đoan, loại bỏ những đền thờ quỷ thần không chính đáng.

Trên con đường giảng đạo, đệ tử thọ pháp với ngài rất nhiều. Trong số đệ tử thân tín nhất là Pháp Loa Thiền sư, Pháp Loa thường bạch ngài: "Tôn đức bây giờ tuổi cũng đã khá cao, vậy mà cứ xông pha với sương tuyết, lỡ thân thể bất an, thì vận mạng Phật Pháp như thế nào?"

Ngài dạy:

- Thì giờ đã đến nơi rồi, ta chỉ còn đợi ngày giải thoát mà thôi.

Ngày 5, tháng 10, niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308) được tin Thiên Thụy Công chúa bịnh nặng và muốn gặp Điều Ngự. Ngài về thăm người chị xong, khi trở về núi, đi chưa hết đường, ngài bảo mấy người đệ tử rằng:

- Ta muốn lên am Ngọa Vân. Nhưng chân ta yếu không thể đi nổi. Vậy hãy làm cách nào?

Đệ tử bạch:

- Chúng con có thể giúp ngài lên được.

Đệ tử dìu ngài lên, khi mới vừa tới núi Ngọa vân. Ngài gọi Pháp Loa đến, mặt tươi cười bảo:

- Đã đến giờ ta đi.

Pháp Loa bạch:

- Điều Ngự đi nơi nào?

Ngài liền đọc bài kệ:
Nhất thiết pháp bất sinh,          一 切 法 不 生
Nhất thiết pháp bất diệt;          一 切 法 不 滅
Nhược năng như thị giải,          若 能 如 是 解
Chư Phật thường hiện tiền,       諸 佛 常 現 前
Hà khứ lai chi hữu.                  何 去 來 之 有
Việt dịch:
Hết thảy pháp không sinh,
Hết thảy pháp không diệt;
Nếu biết được như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Vậy còn có gì là đi với đến. [11]

Sau khi đọc bài kệ cho Pháp Loa xong, ngài ngồi chấp tay mà an nhiên tự tại. Ngài tịch năm Long Hưng thứ 16 (1308), thọ 51 tuổi.

Pháp Loa Thiền sư theo lời di chúc, đưa ngài lên hỏa đàn. Sau đó vua Trần Anh Tông cùng đình thần rước ngọc cốt về an táng vào Đức lăng và xây tháp trên núi Yên Tử để thờ ngài, lấy tên là "Huệ Quang Kim tháp" và được xưng tôn hiệu là "Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật". Ngài là vị Tổ thứ nhất của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

II. Pháp Loa

Pháp Loa là người họ Đồng, ở làng Cửu La, phủ Nam Sách. Thân mẫu là Vũ Thị Nguyên. Nhân một đêm nằm mộng thấy một người lạ trao cho thanh kiếm, bà ưa thích nên liền nhận lãnh và cất giữ. Được ít lâu, bà mang thai, nhưng lại ghét vì thường cứ sinh con gái nên không muốn sinh nữa, bèn dùng thuốc làm trụy thai nhưng vô hiệu. Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa sinh ra ngài, bà rất mừng rỡ đặt tên cho ngài là Kiên Cương (cứng chắc).

Khi lớn lên, Pháp Loa bản chất thông minh, khác hẳn với người thường. Đặc biệt là không ưa thích mùi tanh hôi thịt cá trong những bữa ăn hàng ngày.

Năm Hưng Long thứ 12 (1304), nhân Điều Ngự đến mạn Sông Nam Sách (thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Bắc phần), Pháp Loa đến bái yết. Điều Ngự thấy đó là con người có đạo nhãn và sau này có thể đắc pháp, nên đặt tên là Thiện Lai, thâu làm đệ tử; đưa về núi cho học đạo. Trong thời gian này, Pháp Loa một mình chuyên tâm tham cứu kinh điển, chú tâm đọc bộ kinh Hải Nhỡn, dần dần thấu đạt tinh nghĩa của kinh. Một hôm, Pháp Loa trông thấy một cái hoa đèn rụng xuống, Pháp Loa tĩnh ngộ việc đời và quyết chí tu theo giới hạnh Thập nhị đầu đà.

Năm thứ 16, niên hiệu Hưng Long, Điều Ngự lên đỉnh núi Ngọa Vân và cho Pháp Loa tu ở đó. Điều Ngự bắt đầu khai đàn thuyết giảng ở chùa Siêu Loại, có cả vua và đình thần đến dự lễ. Điều Ngự thuyết pháp xong, lấy y bát và hơn hai trăm bộ kinh phú chúc cho ngài hộ trì. Từ đó, ngài kế thế trú trì ở chùa Siêu Loại, làm chủ sơn môn Yên Tử, đệ nhị Tổ.

Niên hiệu Hưng Long 21 (1313), ngài tu sửa 800 ngôi già lam, đúc trên ngàn tượng Phật, rồi xây thêm tháp và giảng đường v. v… và thâu nhận hàng đệ tử. Sau đó ngài trở về chùa Vĩnh nghiêm ở Lạng Giang. Tại đây, cứ ba năm lại một lần phổ độ tăng chúng.

Trên con đường giáo hóa, ngài đã sáng lập nhiều danh lam thắng tích như núi Quỳnh lâm viện, Hồ thiên Chân lạn am, Ngài có bài thi nhan đề là "Luyến thanh san":

Thưa gầy làn nước vút,
Chót vót ánh soi trong,
Ngẫng đầu coi chẳng hết,
Đường tới lại trùng trùng.

Vòng sinh, lão, bệnh, tử cứ vây quanh ngài mãi, có lúc tưởng đến hồi nguy kịch nhưng đều thoát khỏi. Thế rồi thời gian vô thường thân mạng chóng qua, một hôm cơn bệnh quá nặng đến. Huyền Quang là người đệ tử đã từng theo gót cuộc đời thầy lâu nay và cũng đã trực nhận những lời giảng dạy của thầy, bèn liền thưa:

- Các vị Tổ ngày xưa, gặp những lúc này đều phó chúc những lời gì cho hậu thế, vậy thầy lại không có hay sao?

Một lát sau, Pháp Loa ngồi dậy, đem pháp bảo của Điều Ngự đã truyền, truyền lại cho Huyền Quang và đọc bài kệ rằng:
Trần duyên rủ sạch từ xưa,
Bốn mươi năm lẻ bây giờ là tiên.
Hỏi chi thêm bận thêm phiền,
Trăng thanh gió mát là miền tiêu dao.

Xong thì ngài tịch, thọ 47 tuổi. Sau khi mất ngài được truy tôn là "Tịnh Trí Đại Tôn Giả" và hàng đệ tử đem di hài an trí ở núi Thanh Mai.

Vua Anh Tông nghe Pháp Loa viên tịch có làm bài thơ viếng trong đó có hai câu như sau:

Pháp Loa từ bỏ cõi đời,
Khắp trong thiên hạ ai người chân tu?

Pháp Loa đã trước tác để lại những tác phẩm như Đoạn sách lục, Tham Thiền chỉ yếu, Bộ Kim Cương trường Đà la ni kinh v. v…[12]   

III. Huyền Quang

Ngài họ Lý, húy là Đạo Tái, người làng Vạn Tải. Cha là Tuệ Tổ, rất có công dẹp giặc Chiêm Thành nhưng lại không chịu ra làm quan. Thiếu thời, Huyền Quang có hình dung kỳ dị nhưng bẩm tính rất thông minh. Lên 9 tuổi ngài đã thành thạo các lối thi văn. Năm 20 tuổi thi đổ Hương cử, năm sau vào thi Hội đỗ đầu cho nên gọi là Trạng nguyên đời nhà Trần.

Sau khi thi đỗ, tuy được bổ đi làm quan ở viện Hàn lâm và đi sứ sang Tàu nhưng ngài luôn luôn có ý nghĩ là xin phép nhà vua vào núi tu hành. Một hôm theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh, ngài liền trực ngộ. Khi về ngài dâng biểu xin từ chức để xuất gia học đạo. Vua thuận cho. Ngài liền làm lễ thọ giới với Pháp Loa. Pháp Loa đặt pháp hiệu là Huyền Quang. Từ đây ngài cùng với Điều Ngự và Pháp Loa đi thuyết giảng đó đây trong dân gian. Ngài còn soạn những bộ sách Chư phẩm kinh, Công văn tập.

Được Pháp Loa truyền tâm ấn, ngài trú trì ở chùa Vân Yên núi Yên Tử. Nơi đây đã quy tụ hàng nghìn tăng theo học. Ngài cũng in kinh, mở hội bố thí cho những người nghèo khổ. Ngoài con đường giáo hóa độ sinh, ngài còn chuyên lo sáng tác thi văn và thường ngâm vịnh những bài ngụ tình. Khi viên tịch ngài còn để lại tập Ngọc tiên do chính ngài soạn, song bị thất lạc. Hiện nay chỉ thấy còn lại một bài thơ theo lối cổ thi và 20 bài làm theo lối cận đại. Sau đây là một bài cổ thi và một bài cận đại tiêu biểu:

Lối cổ thi:
Chu trung tác:                                                            舟中作
Nhất diệp thiên châu hồ hải khách:                 一 葉 扁 舟 湖 海 客
Sanh xuất vi hàng phong thích thích.               撐 出 葦 行 風 慼 慼
Vi mang tứ cố vãn trào sinh.                         微 忙 四 顧 晚 潮 生
Giang thủy liên thiên nhất âu bạch.                 江 水 連 天 一 鷗 白
Dịch nghĩa:
Làm ở trong thuyền.
Một chiếc thuyền con khách hồ hải:
Qua hàng lau, gió vi vu thổi.
Mênh mang bốn mặt sóng trào dâng.
Sông nước ngang trời, âu trắng nổi[13] .
Lối cận đại:
Mai hoa tác:                                                           梅花作 
Dục hướng thương thương vấn sở tùng?            欲 向 蒼 蒼 問 所 從
Lẫm nhiên cô trĩ tuyết san trung.                      凜 然 孤 峙 雪 山 中
Chiết lai bất vị già thanh nhãn.                         折 來 不 為 遮 青 眼
Nguyện tá xuân tư úy bệnh ông.                      願 借 春 思 慰 病 翁
Dịch nghĩa:
Vịnh hoa mai.
Toan tới xanh kia, hỏi đến đâu?
Ngọn non trơ trọi tuyết phau phau.
Bẻ về không phải vì che mắt.
Muốn mượn xuân này đỡ lão đau. [14]

Ngài thị tịch vào năm Đại Trị thứ 7 (1364) đời vua Trần Dụ Tông và được vua ban tự hiệu: "Trúc Lâm Thiền sư đệ Tam Đại tự pháp Huyền Quang tôn giả". Và từ đấy nghiễm nhiên ngài là vị Tổ thứ ba của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử vậy.

Đinh Quang Mỹ
-
Chú thích:
[1] Đại Nam nhất thống chí, quyển số 33, bản dịch của Đông Minh Đặng Chu Kình. Viết về "Núi An Tử", Bộ Văn hóa và Thanh niên, Saigon 1968, tr 39-40.
[2] Cf. Nguyễn Đăng Thục, Núi An Tử với thiền học Trúc Lâm An Tử Việt Nam, tập san Tư tưởng số 2-1972.
[3] Tam Tổ Hành Trạng, bản dịch Việt của Trần Tuấn Khải, Saigon PQVKĐTVH, 1971, tr 25.
[4] Cf. Nguyễn Đăng Thục, "Núi An Tử với Thiền học Trúc Lâm An Tử Việt Nam", tập san Tư tưởng số 2, 1972.
[5] Đại Nam nhất thống chí, số 33, bản dịch của Đặng Chu Kình. Viết về "Núi An tử", Saigon, bộ VH và TN, 1968, tr 39.
[6] Trần thị thế gia,An Nan Chí lược, Lê Tắc. Viện Đại học Huế xuất bản 1961, tr 209.
[7] Bản kỷ q.v. Trần kỷ,Đại việt sử ký toàn thư.
[8] Theo Việt sử lược – Lược truyện các tác giả Việt Nam – Hà Nội 1952, thì nói là Mậu dần 10-7-1218.
[9] Việt sử tiêu án, Ngô gia văn phái, bản dịch của Văn hóa Á châu, Saigon, tr. 168.
[10] Bản dịch Văn hóa Á châu.
[11] Tiểu sử đầy đủ nhất của Trần Thái Tông, xem Triết lý Trần Thái Tông của GS. Nguyễn Đăng Thục, ở đây xin khỏi dài dòng.
[12] Tam Tổ Hành Trạng, bản dịch Việt của Trần Tuấn Khải, Saigon PQVKĐVH, 1971, tr. 15-16.
[13] Ibd., tr, 21.
[14] Ibd., tr. 23

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm