Thư gửi Đức Phật của đời con
Dù chúng ta luôn ở rất gần nhau, nhưng đã rất lâu rồi con chưa gặp Cha Mẹ. Và hôm nay con muốn tâm sự với Cha Mẹ thông qua việc kể cho Cha Mẹ nghe câu chuyện về một đứa trẻ mà nó đã từng ở rất sâu thẳm trong bên trong tâm trí của con.
Đó là một đứa trẻ khá bình thường. Tuy có chút sự ham thích, tò mò với đạo Phật; nhưng với sự hạn chế trong nhận thức của một đứa nhỏ và gia đình nó chưa có đủ nhiệt thành để giải quyết mối bận tâm của con trẻ. Dần dần sự tò mò đầu đời đó cũng lùi xa để nhường chỗ cho những ưu tư thực tế hơn mà định kiến xã hội đã áp đặt lên một đứa trẻ - nó phải đến trường và học những kiến thức chuẩn hóa, phải như vậy, như vậy… mới đúng là một đứa trẻ “bình thường và thực tế”.
Được sinh ra trong gia đình không quá khá giả; nhưng nó chưa bao giờ phải chịu đựng một hoàn cảnh sống quá bần hàn. Bởi vì nó có người cha, người mẹ luôn cần mẫn lao động để chăm lo cho tương lai của nó.
Nhưng lạ lùng thay, đứa trẻ đó lại từng nghĩ vì sao Cha Mẹ đã rời bỏ nó. Và nó cũng từng than trách rằng:
“Vì sao Cha Mẹ không bên cạnh con trong những lúc con đau buồn nhất?
Vì sao những lúc con tổn thương và yếu đuối nhất - cái lúc con cần nhất sự an ủi của Cha Mẹ - cái lúc con chỉ cần được Cha Mẹ nắm tay và dìu con bước qua những khổ đau của cuộc đời này thì không có một lần nào Cha Mẹ có mặt bên con?
Cha Mẹ có biết con rất thương Cha Mẹ và rất khao khát tình yêu của Cha Mẹ dành cho con trong cuộc đời này không?”
Có quá đáng thương cho một đứa trẻ với một tâm hồn khuyết tật khi phải xa cách với Cha Mẹ nó?
Nếu nó có một mái ấm gia đình hạnh phúc như những đứa trẻ khác thì bản thân nó có phải sẽ hạnh phúc hơn và đỡ cảm thấy bất hạnh hơn không?
Cha Mẹ nghĩ nó có đáng thương và thật bất hạnh không?
Thật sự thì hoàn toàn không phải vậy! Cha Mẹ nó không phải không thương nó mà phải nói là Cha Mẹ nó thương nó nhất trên đời này. Nếu Cha Mẹ nó không thương nó thì sao mà Cha Mẹ nó chấp nhận sự rẻ khinh của thiên hạ để đem những mồ hôi và nước mắt chỉ mong sao đổi lấy tiền bạc cho con mình ăn học. Nếu Cha Mẹ nó không thương nó thì sao mà Cha Mẹ nó lại bất chấp đến nỗi ngoài những nghề phi pháp thì Cha Mẹ nó có thể làm hầu hết các công việc không ngại sang hèn để lo thật đàng hoàng từng miếng cơm manh áo cho nó… Tất cả, tất cả những điều đó phát xuất chỉ với nỗi khát khao khiêm tốn nhất có thể là chấp nhận hạn chế về tri thức của mình, hy sinh không ngại cả cuộc đời mình để đổi lấy tri thức cho con mình, mong sao một tương lai tương sáng có thể đến với con và đừng như Cha Mẹ!
Không ai có thể chối bỏ tình yêu mà Cha Mẹ nó dành cho nó!
Nhưng nhiều khi nó cũng lại mong được Cha Mẹ hiểu rằng:
“Con không phải là sự phóng chiếu tâm hồn của Cha Mẹ, mà con là một con người với mong muốn độc lập với những người xung quanh. Dù con có cố gắng đến nhường nào thì làm sao con có thể đáp ứng được tất cả những kỳ vọng của Cha Mẹ dành cho con, con có thể thấy không phù hợp với bản thân mình, nên con không thực hiện…”
Nó là một đứa trẻ đáng thương nhưng cũng thật nực cười khi một mặt oán trách Cha Mẹ không thương mình, không quan tâm mình; còn một mặt lại tìm cách để độc lập khỏi sự kiểm soát - phát xuất từ sự kỳ vọng của Cha Mẹ nó.
Nói thật tình thì sự kỳ vọng của Cha Mẹ nó cũng như sự kiểm soát mà các đấng sinh thành khác dành cho con mình thì đâu có gì là hoàn toàn xấu xa và đáng chê trách!
Đó cũng chỉ là vì đời này Cha Mẹ nó quá khổ nên Cha Mẹ nó thật sự mong muốn nó không phải mắc phải các sai lầm như thế, lỡ đâu lại ngây dại rồi khổ như Cha Mẹ thì sao?
Nếu Cha Mẹ nó không thương nó nhất trên đời này thì làm sao mà Cha Mẹ nó lại nóng giận như thế khi nó sai? Nếu Cha Mẹ nó không thương nó nhất trên đời này thì làm sao mà Cha Mẹ nó còn đau khổ hơn cả nó khi nó phải chịu bất kỳ cơn đau hay sự buồn khổ nào?
Nhưng thật không may cho một đứa trẻ, với một tai nạn - Cha Mẹ đã không gặp được lại nó nữa rồi! Cha Mẹ nó lúc này mới thật sự xa cách nó - ai mà có ngờ sự đâu bất hạnh lại đến bất ngờ như thế - ai mà có ngờ vô thường lại đến vào lúc đó chứ?
Nó cũng khóc nhiều lắm chứ!
Đứa trẻ đó, vì nó biết là Cha Mẹ nó đã không còn bên nó nên nó phải thật ngoan cường trước mặt mọi người, nên dù có xúc động đến cỡ nào thì nó cũng chỉ có thể thút thít và nuốt nghẹn nước mắt vào trong. Còn những lúc nó ở một mình thì nó hoàn toàn có cả một không gian để khóc lớn hơn, thoải mái hơn mà không phải dè chừng xung quanh.
Cái thứ mà nó cố giấu đi là con tim đầy cô đơn và đầy những thương tích. Nó sợ rằng khi người khác biết rằng họ sẽ nghĩ nó yếu đuối và lạc lõng giữa cuộc đời này. Nhưng đứa trẻ đó không phải là một thánh nhân, nên dù nó có ra sức chối bỏ hay trốn tránh thì thực tại đau khổ vẫn tồn tại trong thế giới nội tâm của nó. Hằng ngày, hằng đêm giằng xé tâm trí nó - chưa bao giờ và cũng không bao giờ mà thực tại khổ đau đó có ý buông tha nó. Người khác có thể bị nó đánh lừa bằng vẻ ngoài tĩnh tại, hào nhoáng… nhưng chính nó lúc đó chưa bao giờ chuyển hóa được sự đau thương đó mà lại còn cố đánh lừa chính bản thân mình bằng sự thương hại.
Đứa trẻ đó, không ai khác là chính con! Nhưng con thật tình là bản thân mình vô cùng may mắn và đầy đủ phước báu khi được Cha Mẹ sinh ra và sống bằng thân người đến tận lúc này.
Không những thế, con còn may mắn hơn khi được vào nhà Như Lai, và nghe Như Lai chỉ dẫn. Đó là một dịp tình cờ vào năm 2008, con đọc được Thông điệp mùa Vu Lan của Thiền sư Nhất Hạnh - một vị Thầy với phạm hạnh cao quý.
Thầy không giảng giải Phật giáo một cách tín điều, và khó hiểu. Lời dạy của Thế Tôn được vận dụng đầy uyển chuyển qua sự giảng giải rất đỗi gần gũi của Thiền sư. Con ngỡ như Đức Phật và Ngài luôn luôn bên cạnh con từ rất lâu, và con biết các Ngài bằng trí tuệ của mình - thật sự vô cùng thấu cảm trái tim của con.
“ [...] Có thể những vụng về trong quá khứ về phía Cha Mẹ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm khuất lấp tình thương ấy. Mình biết nếu có gì xảy ra cho mình thì Cha Mẹ sẽ khóc hết nước mắt.. Và nếu có gì xảy ra cho Mẹ hay cho Cha thì mình cũng sẽ khóc hết nước mắt. Phải thấy rằng các vị đã có nhiều khổ đau và khó khăn mà chưa đủ khả năng chuyển hóa nên đã tự làm khổ mình và làm khổ lây đến các con. Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực tức, và do đó đã lỡ nói những lời không dễ thương, có những phản ứng không đẹp đẽ với Cha và với Mẹ. Bên nào cũng chịu một phần trách nhiệm.” - Những lời này của Thiền sư đã tạc vào tâm trí con, lúc ghi được những dòng này con phải biết ơn sự giúp đỡ của đạo Phật.
Con đã thấu hiểu và xin nguyện đời đời thương yêu Cha Mẹ!
Cha Mẹ là Phật của những đứa con; con biết ơn và nguyện nương tựa Phật - Pháp - Tăng!
Chú giải:
Câu chuyện được tôi viết thành bức thư này dựa vào chất liệu của cuộc sống mà tôi trải qua, cùng với sự quán chiếu về cuộc sống xung quanh. Với đó tôi san sẻ nỗi niềm với nhân vật trong chuyện và với những người cùng cảnh ngộ.
Tôi gửi đến mọi người, cho những ai có duyên, và phước báu vẫn còn bên Cha Mẹ. Và đồng thời, với tình yêu thương của đạo Phật, chúng ta phát nguyện và hồi hướng công đức đến với những người đang đau khổ, mong cho họ sẽ sớm chuyển hóa và có được sự an vui, hạnh phúc.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT - TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Xem thêm