Thế Tôn, Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con - Bài 6: Bậc được tôn kính nhất thế gian
"Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhơn hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai" - kinh Kim Cương.
Thế Tôn, Ngài là bậc được thế gian tôn kính. Ngài được tôn sùng là Chánh Biến Tri (Người hiểu biết đúng tất cả các pháp), là Minh Hạnh Túc (Người có đủ trí tuệ và đức hạnh), là Thiện Thệ (Người đã khéo đi qua thế gian), là Thế Gian Giải (Người thấu hiểu thế giới), là Điều ngự Trượng phu (bậc có khả năng điều phục con người qui chánh), là Phật (bậc thức tỉnh giữa cuộc đời). Ngài còn được tôn xưng là đấng Như Lai, đấng Ứng Cúng, đấng Giác Ngộ, đấng Giải Thoát, đấng Đại Từ Bi…
Trời người tôn kính Ngài, tán dương Ngài với biết bao đức hiệu, mỹ hiệu nói lên sự chứng ngộ tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có danh hiệu nào tôn sùng Ngài là bậc “giữ giới thanh tịnh”. Nếu chỉ nhìn Ngài như một người phẩm hạnh thanh cao, gìn giữ giới đức thì rõ ràng là nhìn Ngài bằng ánh mắt rất phàm, chưa thực sự hiểu một tí nào về Thế Tôn.
Đành rằng Thế Tôn đã dứt tuyệt cái ác, ba nghiệp thuần tịnh, đoạn tận mọi phiền não thô và tế (tiểu giới); Ngài khước từ mọi lợi dưỡng thế gian, sống đời thanh tịnh, giản dị, tinh khiết vô nhiễm (trung giới); Ngài nuôi mạng chân chánh bằng hạnh khất thực và tín thí hỷ cúng, không vì phục vụ theo thị hiếu của người đời (đại giới). Ấy vậy mà khi có người tán thán Đức Thế Tôn là người giữ giới thanh tịnh Ngài đã quở trách: “Chỉ hạng vô văn phàm phu mới tán thán giới hạnh của Như Lai”. Ngài dạy thêm, chỉ những người thiểu trí, không rõ biết những ân đức to lớn của Đức Như Lai - Tịnh đức, Bi đức, và Trí đức - thì mới tán thán giới hạnh của Ngài.
Thế Tôn, Ngài đã chứng đạt ngũ uẩn pháp thân, đã thành tựu Vô thượng Thánh đạo thì không thể tán dương Ngài chỉ vì thanh tịnh giới hạnh. Ngài đã chứng đắc tuệ giác vô thượng mà không ai chứng được trên đời mới là điều nên tán thán. Ngài dạy: “Này các Tỷ-kheo, có những pháp khác, sâu kín, khó thấu, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị chỉ những người trí mới nhận hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến (Kinh Phạm Võng - Trường bộ I). Đây là điều mà bậc trí tán thán Thế Tôn. Chỉ khi nào đạt được trí tuệ vô lậu giải thoát, mới xuất ly sinh tử, mới hóa độ chúng sinh, mới được tôn sùng là Phật, là Thế Tôn.
Trong kinh Trạm xe, Ngài đưa ra lộ trình bảy điểm giúp hành giả đạt được tối thượng niết bàn. Cũng như một người đi xe từ điểm A đến điểm B phải đi qua bảy trạm xe. Không đi qua trạm xe thứ nhứt thì không thể qua được trạm xe thứ hai nói gì trạm xe thứ bảy, nhưng nếu chỉ đứng lại ở trạm xe thứ nhất thì cũng không thể đi xa hơn.
“Giới thanh tịnh” là trạm xe đầu tiên và “Vô thủ trước Niết-bàn” là trạm xe thứ bảy - đích đến. Một người chỉ đứng lại ở giới thanh tịnh thì không thể thăng tiến trên lộ trình tu tập để đạt thêm tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh… nói gì đến tối thượng Niết-bàn.
Là người có học Phật, chúng con ý thức được một người đang tu giới rõ biết đây là người đang tu giới, một người đang tu định, đang tu tuệ, rõ biết đây là người đang tu định, đang tu tuệ. Đó là chánh tri kiến. Kính trọng người có giới là phát khởi thiện tâm, là tùy hỷ tâm nhưng không vì vậy mà cuồng tín, tôn sùng thái quá. Năm xưa cùng thời với Thế Tôn đã có hàng nghìn nghìn du sĩ sống lao khổ, tự khắc nghiệt với chính mình, Ngài đã phê bình đó là người tà kiến đang đi trên mê lộ. Vậy mà thời nay, chỉ với dáng vẻ thực hành nếp sống ly tham, thanh bần, tối giản nhưng chúng con đã không có đủ chánh kiến, chánh tư duy tôn sùng ngang hàng với Đức Thế Tôn. Chúng con còn gọi là “Phật tái thế”.
Chúng con không nghĩ ra rằng nếu tôn sùng ai thái quá sẽ khiến vị ấy trở nên tự mãn “tưởng mình là Phật rồi; từ đó tô bồi thêm bản ngã, lấy pháp mình đang hành cho là cứu cánh, làm bít lấp lý tưởng, không còn khả năng đi xa hơn trên lộ trình tu định, tu tuệ hướng đến giác ngộ.
Chúng con rõ biết nếu thiếu căn bản kiến thức Phật học, chúng con sẽ không nhận thức được đường lối tu hành, sẽ rơi vào lạc lối. Như vậy, tự thân chúng con còn tu tập sai nói gì đến hướng dẫn người khác tu tập.
Chúng con không đủ trí tuệ để lường trước hậu họa của việc nhào nặn một phàm nhân thành thánh nhân, huống hồ dựng lên một “Phật tái thế” mà “tâm chúng sinh” thì sẽ mang bất hạnh cho đời cho đạo đến nhường nào!
Tôn sùng một người giữ giới (cũng chưa chắc đã có được “giới thể” nhờ thọ giới) ngang hàng Đức Phật sẽ khiến quần chúng ngộ nhận những lời nói kia là “khuôn vàng thước ngọc” và những việc làm kia là “ánh đuốc sáng ngời” rồi truyền rộng như kinh như điển - dường như đã xảy ra rồi. Đây là mối họa cho đạo pháp khi tin Phật mà thiếu học Phật để hiểu Phật, khiến đạo pháp suy vong.
Đức Thế Tôn đã khuyến cáo chúng con “Tin ta mà không hiểu ta, đó là phỉ báng ta vậy!”. Ngài cũng nhắc nhở thêm nếu chỉ nhìn sắc tướng, nghe âm thanh mà cho rằng đó là Phật, là Thế tôn là rơi vào tà kiến, sẽ bị dẫn dắt vào con đường lầm. Người đó không bao giờ thấy được Như Lai - Thế Tôn. (Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhơn hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai - kinh Kim Cương).
Là một đông cung thái tử ngồi trên ngai vàng, quyền lực cao tột, nắm cả giang sơn, có được gia đình ấm êm hạnh phúc nhưng Đức Thế Tôn đã bước xuống một cánh nhẹ nhàng đi thẳng vào rừng để trở thành một tu sĩ ẩn dật. Ngài thực sự là một bậc xả ly, ly tham, ly dục - Một sự từ bỏ vĩ đại - nhưng lúc bấy giờ Ngài cũng chỉ là một Sa-môn Gotama chưa ai tôn sùng là Phật, là Thế Tôn.
Thiền sư Trúc Lâm - Trần Nhân Tông cũng là bậc thánh tu khổ hạnh với tôn hiệu là Hương Vân đại đầu đà. Cũng là bậc đế vương như Sĩ Đạt Ta năm xưa, nhưng Ngài từ bỏ địa vị thế gian để cần cầu thứ địa vị vô thượng giải thoát; từ bỏ quyền lực giả tạm để cần cầu thứ quyền lực vô song làm chủ được kiếp tử sinh; từ bỏ thứ tài sản vật chất để cần cầu thứ tài sản vô giá trí tuệ giác ngộ nhưng sách sử cũng chỉ ghi Ngài là tổ sư. Cho đến gần đây, thế gian mới tôn kính Ngài với tôn hiệu là “Phật hoàng” (vị vua tu hành đắc đạo).
Thời nay, có trường hợp có vẻ như là thực tập hạnh buông bỏ. Về sự tướng thì đúng là buông bỏ tất cả nhưng cái bỏ tối trọng là cái “ngã” thì lại không bỏ được mà còn dựng xây “thành trì bản ngã” to lớn thêm, vững chắc thêm; trong khi, cảnh giới giác ngộ giải thoát không có bóng dáng của hữu ngã.
Lấy phàm nhân đặt lên ngôi vị Phật quả rõ ràng là không hiểu Phật, không tôn kính Đức Phật.
Thương thay!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm