Thứ tư, 18/01/2012, 14:09 PM

Thư gửi Tăng,Ni,Phật tử toàn quốc và hải ngoại

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong nước và hải ngoại hãy tích cực tham gia vào mọi hoạt động của phong trào bảo vệ hòa bình trong nước và ngoài nước, nói lên tiếng nói hòa bình và đoàn kết của đạo Phật

Kính gửi Tăng, Ni, Phật tử toàn quốc và ngoài nước!

Đại hội Phật giáo kỳ II, họp trong 2 ngày 28 và 29 tháng 10 năm 1987 tại thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã quy tụ 200 đại biểu Tăng, Ni và của Phật tử các địa phương trên toàn quốc, đã kiểm điểm với thái độ nghiêm túc và cởi mở công việc mọi mặt của Giáo hội trong thời gian nhiệm kỳ I, thảo luận và đề ra chương trình hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ II, suy tôn bổ sung những thành viên mới của Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự mới.

Trong lễ khai mạc long trọng, hàng nghìn đại biểu Tăng, Ni và Phật tử thủ đô đã đến chào mừng và tặng hoa Đại hội. Trong thời gian họp Đại hội, Đại hội đã nhận được nhiều thư từ và tặng phẩm của các Tỉnh, Thành  hội Phật giáo, của nhiều cá nhân Tăng Ni và Phật tử Thủ đô và địa phương. Đoàn Chủ tịch Đại hội, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự mới của Giáo hội hết sức hoan hỷ và cảm động gửi tới Tăng, Ni và Phật tử hảo tâm trong cả nước và ở thủ đô cũng như ở hải ngoại, lòng biết ơn chân thành, sự thông cảm sâu sắc với mối quan tâm của tất cả mọi người đối với công việc và sự thành công của Đại hội.

Cũng trong buổi lễ khai mạc, Đại hội có vinh dự được Cụ Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi thư thể hiện sự quan tâm của Trung ương Đảng đối với Phật giáo và được Cụ Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến tham dự và phát biểu nhiều ý kiến khích lệ.

Hỡi đồng bào Tăng, Ni, Phật tử trong nước và hải ngoại!

Sự thống nhất Phật giáo trong cả nước được thành tựu trong Đại hội Phật giáo kỳ I, sẽ được tăng cường và mở rộng hơn nữa trong thời gian nhiệm kỳ II. Đó là sự thống nhất trên tinh thần tôn trọng truyền thống tu học biệt truyền của các hệ phái vốn tồn tại từ lâu ở nước ta, như một thực tế lịch sử. Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tuyên bố bảo vệ mọi truyền thống lành mạnh về nhận thức giáo lý, về nền nếp hành trì đạo pháp của mỗi hệ phái thành viên của Giáo hội, trên cơ sở phương châm chung của Giáo hội là Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Mỗi một tổ chức của Giáo hội ở bất cứ cấp nào, mỗi chùa chiền, Tăng xá và tu viện, cho đến mỗi cá nhân Tăng, Ni và Phật tử, sống độc cư hay ở trong chúng, làm việc đạo hay việc đời đều phải cố gắng thể hiện trong mọi lời nói và hành động của mình lòng từ bi và tính trí tuệ của đạo. Lòng từ bi là tình thương người và chúng sinh, không gợn chút tính toán vị kỷ, tính trí tuệ là sự tỉnh táo, sáng suốt để mọi hành vi, ứng xử của mình đều nhất quán với đạo lý, với lẽ phải. Tất cả các mục trong chương trình hoạt động của Giáo hội, được thông qua tại Đại hội kỳ này từ việc xúc tiến sự nghiệp đào tạo tăng tài trong các trường lớp cao cấp, cũng như trong các trường lớp trung và sơ cấp, cho đến các việc phiên dịch, xuất bản các bộ Đại Tạng kinh Việt Nam Bắc và Nam Tông, các báo chí và tập văn Phật học, tổ chức các cuộc hội thảo, quốc tế, quốc gia và về địa phương về các chủ đề triết lý Phật giáo, văn hoá Phật giáo, lịch sử Phật giáo thế giới và Việt Nam...cho đến các việc xây dựng, tu bổ và sắp xếp lại các chùa chiền, tu viện, tổ chức giới đàn, tổ chức an cư kiết hạ, việc kế thừa tổ đạo tổ chức Tăng, Ni, Phật tử tham gia sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm góp phần thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng và Chính phủ, cũng như tham gia vào các lĩnh vực khác của đời sống chính trị xã hội của đất nước v.v... tất cả mọi công việc nằm trong chương trình hoạt động của Giáo hội trong thời gian nhiệm kỳ II đều nằm thể hiện rõ nét, bằng tổ chức và hành động, lòng từ bi và trí tuệ cao của đạo.

Cùng Tăng, Ni, Phật tử trong nước và ngoài nước.

Đức Phật Thích Ca, vị Bổn sư của chúng ta đã dạy rằng: Đạo Phật là đạo của hành động, tức là tất cả mọi hành động thiện lành ích nước, lợi nhà, lợi dân mọi Phật tử đều phải làm hết lòng mình. Đạo Phật, như lời vị Bổn sư dạy, cũng là đạo không hành động, nghĩa là mọi hành động phi pháp, phi nhân bản, tiêu cực, hại nước, hại dân, hại nhân phẩm con người, các Phật tử chúng ta đều nhất quyết không làm.

Đó là thuyết hành động và không hành động mà đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu  Ni đã dạy chúng ta. Thuyết đó đến nay, vẫn còn nóng bỏng giá trị thực tế. Là học trò đức Phật, chúng ta hãy biến thuyết đó thành hiện thực cuộc sống, góp phần chống tiêu cực lành mạnh hoá đời sống xã hội hưởng ứng cuộc vận động “Những việc cần làm ngay” đang được triển khai sâu rộng từ gần một năm nay trong toàn quốc.

Cùng Tăng, Ni Phật tử trong và ngoài nước!

Đạo Phật là đạo của hòa bình và an lạc. Trong giờ phút nghiêm trọng của lịch sử nhân loại, vào những năm bản lề giữa hai thế kỷ, vấn đề chiến tranh hay hòa bình được đặt ra như là vấn đề nhân loại muốn tồn tại hay là muốn bị tiêu diệt, muốn còn hay mất trên hành tinh này. Và vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đó lại là tuỳ thuộc vào thế hệ chúng ta đang sống.

Chúng ta phải làm gì đây, để ngăn chặn thảm hoạ một cuộc chiến tranh huỷ diệt.

Chúng ta phải làm gì đây để đẩy lùi những thế lực đen tối đang âm mưu gây chiến?

Chỉ còn một cách là lực lượng yêu chuộng và bảo vệ hòa bình của toàn thế giới phải liên hiệp lại, đoàn kết lại, không phân biệt màu da và chính kiến, tín ngưỡng và tôn giáo, giới tính và nghề nghiệp, tất cả hãy tuyên bố ý chí hòa bình của mình, bằng tiếng nói, và hành động, tất cả hãy đứng lên bảo vệ sự sống trên hành tinh này, sự sống của chúng ta và con em chúng ta!

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong nước và hải ngoại hãy tích cực tham gia vào mọi hoạt động của phong trào bảo vệ hòa bình trong nước và ngoài nước, nói lên tiếng nói hòa bình và đoàn kết của đạo Phật, bắt tay với các tôn giáo khác, các hệ tín ngưỡng khác tạo thành một sức mạnh tổng hợp đẩy lùi chiến tranh, giành lấy hòa bình, giành lấy sự sống!

Hỡi đồng bào Tăng, Ni và Phật tử trong nước và hải ngoại!

Một thế giới hòa bình đồng thời cũng phải là một thế giới của tình thương, tự do, công lý và sự thật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng rằng thế giới đó không phải là một ảo tưởng. Là ảo tưởng hay không phải là ảo tưởng, cái đó còn tuỳ thuộc vào nỗ lực của mọi người chúng ta, là Phật tử theo lời dạy của đức Bổn sư, chúng ta là những con người hành động, những người làm ngay những việc cần làm và có thể làm, không ngại gian khổ, chúng ta sẽ góp phần xây dựng một xã hội của tình thương, tự do, công lý và sự thật, và cùng với toàn nhân loại xây dựng một thế giới của tình thương, tự do, công lý và sự thật, một trật tự xã hội và đạo đức mới của thế giới, một cõi Nát Bàn trên thế gian này!



Nam
mô Bổn sư Thích Ca Mâu  Ni Phật!

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM



Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

  • Tags:
Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đại hội Đại biểu Toàn quốc GHPGVN lần II nhiệm kỳ 1987 - 1992

Kỳ II 11:34 28/11/2012

Nhiệm kỳ II là giai đoạn phát triển các mặt hoạt động theo chương trình nội dung 6 điểm của Giáo  hội trong thời kỳ đổi mới của xã hội và đất nước, với 37 thành viên Hội đồng Chứng minh, 60 thành viên Hội đồng Trị sự...

Ban Tôn giáo của Chính phủ thông báo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

Kỳ II 15:03 22/01/2012

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhận thấy những điểm sửa đổi trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là phù hợp với pháp luật. Ghi nhận Hiến chương (sửa đổi) đó và thành phần nhân sự lãnh đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Thư của GHPGVN gửi Ban Tôn giáo Chính phủ

Kỳ II 14:18 18/01/2012

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhận thấy những điểm sửa đổi trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là phù hợp với pháp luật và uỷ nhiệm Ban Tôn giáo của Chính phủ thông báo cho Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động.

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Kỳ II 14:13 18/01/2012

Huy hiệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hình tròn, vòng trong ở giữa có hoa sen trắng tám cánh, trên nền xanh lá cây đậm với gương sen 8 hột, vòng ngoài có chữ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Xem thêm