Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 05/11/2023, 16:22 PM

Thực hành thiền niệm hơi thở

Đức Phật đã từng dạy phương pháp thiền niệm hơi thở trong nhiều bài kinh khác nhau và từ pháp thiền hơi thở ấy sẽ làm nền tảng để đi đến mục đích cuối cùng đó là đi đến giác ngộ các sự thật và giải thoát, chấm dứt khổ đau sinh tử.

Phương pháp thực hành thiền hơi thở là một trong bốn mươi đề mục về thiền định mà Đức Phật đã dạy. Lộ trình mà một người hành giả cần thực hành đó là thực hành giới, định, tuệ. Nếu như một người không giữ giới trong sạch thì sẽ không bao giờ đắc thiền được, không bao giờ có thể thành công trong sự thực hành thiền. Đầu tiên là mình cần phải thọ trì những giới căn bản nhất, đó là bỏ những việc ác, làm những việc lành. Thọ trì giới bằng cách đó là sống có sự phòng hộ, có sự thu thúc các căn. Phòng hộ ở đây là mình tránh xa những cái cảnh trần mà gây ra những ô nhiễm, những phiền não ở trong nội tâm. Một người mà còn quá tham đắm với những trò vui ở thế gian, như là xem ca nhạc, múa hát, xem phim truyện... hay là còn ưa thích những niềm vui phàm trần, không phòng hộ các căn thì tâm sẽ luôn luôn bị loạn tưởng, bị loạn động và sẽ không thực hành được. Sự giữ giới ở đây là mình cần có sự phòng hộ đối với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của mình; không để cho những phiền não ở bên ngoài thâm nhập vào trong nội tâm.

Giữ giới ở đây bằng cách là nuôi mạng thanh tịnh, tức là sống bằng một nghề chân chánh, không sống bằng nghề bất chánh - một nghề nghiệp mà tạo ra những cái ác nghiệp. Giữ giới ở đây bằng cái cách nữa là sống có sự thiểu dục, có sự tri túc, tức là không quá tham đắm đối với những vật chất ở thế gian. Thiểu dục với những cái những vật dụng trong đời sống hàng ngày, như là ăn có sự tri túc, ngủ có sự tri túc, mặc có sự tri túc, tức là biết vừa đủ với mình chứ không quá tham đắm, đắm nhiễm vào những vật dụng thường tình. Thì đó cũng là một đời sống có giới hạnh.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Khi một người sống có giới hạnh như vậy thì lúc đó giới thanh tịnh sẽ làm nền tảng cho tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh rồi mình sẽ thọ trì một pháp thiền. Nếu như mình lựa chọn sẽ thực hành pháp thiền hơi thở thì đầu tiên sẽ cần phải có một trú xứ, một môi trường phù hợp. Tức là phải hành thiền ở một nơi nào đó yên tĩnh nhất, ít tiếng ồn nhất.

Rồi vị ấy ngồi trang nghiêm tề chỉnh, nhắm mắt hoàn toàn, để cho hơi thở đi vào tự nhiên, hơi thở đi ra tự nhiên nhất.

Vị ấy hướng tâm lên trước cửa mũi, để ý hơi thở đi vào đi ra có một làn gió rất nhẹ chạm vào da ở ngay cửa mũi.

Trước tiên là đếm hơi thở từ 1 đến 10 trong khoảng 20 đến 30 phút đầu: hơi thở vào ra đếm 1, vào ra đếm 2, đếm 3… 10

Sau đó ngưng đếm chỉ chỉ biết hơi thở vào ra một cách tự nhiên – có khi hơi thở vào nhanh, ra nhanh vị ấy cũng nhận biết như vậy. Hoặc hơi thở vào chậm ra chậm vị ấy cũng nhận biết như vậy.

Hơi bắt đầu đi vào – đang đi vào – kết thúc đi vào vị ấy cũng nhận biết được như vậy.

Hơi thở đi vào đi ra giống như một làn gió rất là vi tế, rất là nhẹ nhàng. Nó chạm vào vùng da ở hai bên cánh mũi, hoặc nó chạm vào vùng da ở chóp mũi, hoặc nó chạm vào da ở môi trên. Mình cần phải hướng tâm lên điểm xúc chạm đó, tập trung tâm vào một điểm rất nhỏ ở ngay trước đầu mũi, ở ngay trước cửa mũi, hay ở cánh mũi ấy thôi. Để cái tâm ở đó, giữ cái tâm ở đó không được đưa tâm đi đến vị trí khác. Không được đưa tâm lên mắt, không được đưa tâm lên đầu, không đưa tâm lên trán, không được đưa tâm xuống ngực, không được đưa tâm xuống bụng, không được quan sát chân tay, không được quan sát những cảm giác ở trên thân, mà phải luôn giữ tâm ở cửa mũi này. Và lúc ấy khi thấy làn hơi thở đi vào thì cái ý thức của mình chánh niệm ghi nhớ biết nó đang đi vào, chánh niệm tỉnh giác ghi nhớ biết nó đang đi ra. Chánh niệm có nghĩa là mình đang nhận biết nó, tỉnh giác có nghĩa là mình quan sát được nó một cách rõ ràng, chi tiết.

Hơi thở đi vào, có khi nó vào nhanh ra nhanh, có khi nó vào chậm ra chậm, như một người thợ quay thiện xảo, khi quay nhanh vị ấy biết mình quay nhanh, khi quay chậm vị ấy biết mình quay chậm. Cũng vậy, với một người hành thiền có chánh niệm tỉnh giác, nhận biết thiện xảo thì khi hơi thở vào nhanh, ra nhanh vị ấy biết rõ ràng hơi thở vào nhanh, ra nhanh; khi hơi thở vào chậm, ra chậm vị ấy cũng nhận biết rõ ràng hơi thở đang vào chậm, ra chậm. Chánh niệm tỉnh giác nhận biết được hơi thở khi nó bắt đầu đi vào kết thúc đi vào mình cũng biết; khi nó bắt đầu đi ra, kết thúc đi ra mình cũng biết. Như Đức Phật dạy rằng, “Hơi thở vào dài vị ấy biết hơi thở vào dài, hơi thở ra dài vị ấy biết hơi thở ra dài, hơi thở vào ngắn vị ấy biết hơi thở vào ngắn, hơi thở ra ngắn biết hơi thở ra ngắn. Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vào vị ấy tập, cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra vị ấy tập”. Hơi thở vào dài ra dài, ở đây tức là dài theo khoảng thời gian, tức là hơi thở vào chầm chậm ra chầm chậm. Còn hơi thở vào ngắn ra ngắn, tức là ngắn về thời gian, nó thoáng vào một tí thoáng ra một tí.

“Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vào, cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra vị ấy tập”, toàn thân ở đây là toàn thân của hơi thở, vị đó nhận biết được hơi thở đó từ thời điểm bắt đầu, thời điểm giữa và thời điểm kết thúc. Hơi thở đi ra vị ấy cũng biết được từ thời điểm đầu, thời điểm giữa và thời điểm kết thúc.

Trú tâm ở mức độ vừa phải, trung bình, không quá mạnh không quá yếu. Giống như một người đánh đàn, sợi dây đàn không được căng quá mà cũng không được chùn quá, mà dây đàn phải vừa vừa thì nó mới phát ra được tiếng đàn hay nhất. Cũng vậy, không nên chú tâm mạnh quá, cũng không nên chú tâm yếu quá mà luôn luôn phải có sự thiện xảo trong cách chú tâm. Làm sao nó ở mức trung bình vừa vừa, không mạnh không yếu thì mình sẽ nhận biết hơi thở rất thoải mái, rất nhẹ nhàng, và rất dễ dàng.

Yếu tố để có thể dễ dàng quan sát được hơi thở đó là tâm lý phải thoải mái và tự nhiên. Nếu một người có tâm lý không được tự nhiên, như là mình quá quan trọng, luôn luôn suy luận, phân tích, đánh giá rằng mình cần phải chú tâm hết mình, phải chăm chú hết khả năng của mình khi ngồi thiền. Như vậy thì sẽ tạo ra một áp lực, một sự căng thẳng và cái tâm hôm đó sẽ bị loạn động nó rất khó có thể lắng đọng, tĩnh lặng lại được. Vậy thì tâm lý phải rất là thoải mái. Sự hành thiền cũng giống như tất cả những hoạt động thông thường khác. Hơi thở vào, hơi thở ra lúc nào nó cũng hiện diện, không lúc nào nó ngưng nghỉ, và nhiệm vụ của mình hướng tâm, hướng ý thức về đó để nhận biết nó thôi. Biết nó đang đi vào, biết nó đang đi ra.

Với một cái tâm không được tu tập, không được huấn luyện, nó cũng giống như là một con thú hoang dã. Nó lăng xăng, nó chạy nhảy và nó làm những chuyện xấu, nó tạo ra những nghiệp bất thiện, nó làm hại người này, người kia, nó làm khổ mình và khổ người. Tâm không được tu tập thì có rất nhiều phóng dật, lăng xăng, nhiều phiền não. Thực hành thiền là để thuần hóa, hàng phục tâm. Hơi thở cũng giống như là sợi dây để cột cái tâm lại, không cho nó đi lang thang nữa, giữ nó ở một điểm. Vì trước đến giờ nó có thói quen suy nghĩ mông lung, chạy nhảy lăng xăng rồi, nên bây giờ cột nó lại thì nó sẽ vùng vẫy và khó chịu. Người mới hành thiền có thể sẽ gặp khó khăn ở bước đầu, có sự ức chế, khó chịu, căng thẳng. Cần phải có sự kham nhẫn, tinh tấn, quyết tâm mạnh thì mới có thể thành công trong quá trình thuần hóa nội tâm mình.

Mặc dù tâm sẽ luôn luôn hướng đến cái này, hướng đến cái khác, nó muốn bung ra, nó muốn suy nghĩ mông lung nhưng lúc đó luôn phải có sự thúc giục tâm, nhắc nhở tâm, sách tấn tâm, và bắt nó quay trở về với hơi thở khi nó nghĩ sang một chuyện khác. Mình phải nhắc nhở cái tâm là không được suy nghĩ sang chuyện này, nó không đem lại lợi ích gì cả, hãy quay về hơi thở. Khi có tác ý như vậy, khi có sự thúc giục như vậy thì rồi dần dần cái tâm sẽ được thuần thục, nó sẽ được thuần hóa dần dần và sau đó sẽ trở về an trú trên hơi thở. Đến một lúc nào đó, nó chấp nhận an trú trên hơi thở mà không chạy nhảy lăng xăng nữa. Chỉ đến khi nào cái tâm chấp nhận hơi thở thì vui thích với hơi thở, sự hỷ lạc, khinh an sinh khởi thì việc hành thiền mới có sự hạnh phúc an lạc, tự tại.

Muốn tâm chấp nhận hơi thở thì mình cần phải suy tư, cần phải tác ý đến lợi ích của một cái tâm có định tĩnh, sẽ làm cho mình tiến hóa trong đời sống tâm linh, sẽ làm cho nội tâm càng ngày càng thanh tịnh, sẽ làm cho phiền não càng ngày càng giảm bớt đi, làm cho trí tuệ càng ngày càng tăng trưởng lên, và đây là con đường đi đến giác ngộ giải thoát, đi đến niết bàn, đi đến chấm dứt khổ đau. Mình phải thấy rằng Đức Phật cũng đã thực hành pháp môn này, tu tập con đường này, mà ngài cũng từ một phàm nhân trở thành một bậc Thánh nhân, từ một người si mê trở thành một bậc giác ngộ, một bậc vĩ đại, một bậc đáng được tôn trọng, cung kính, cúng dường nhất trên thế gian này. Vậy thì, nếu như mình thực hành pháp môn này, đi theo đạo lộ này mình cũng sẽ đạt được những lợi ích cao quý, đạt được giải thoát giác ngộ như vậy. Khi hiểu như vậy, có niềm tin như vậy, có ý chí như vậy thì cái tâm nó mới chấp nhận hơi thở.

Còn nếu không hiểu rằng sự thực hành này đạt được cái gì, hay là niềm tin không được thâm sâu, hay là còn một chút hoài nghi do dự rằng không biết mình có thể đạt được nhất tâm không, không biết con đường này có đi đến giải thoát giác ngộ, có sự lợi lạc, lợi ích gì không... thì cái tâm nó không bao giờ chấp nhận hơi thở. Mình không bao giờ đạt được nhất tâm, không bao giờ đạt được định tĩnh. Vậy thì phải làm như thế nào đó, tác ý suy xét như thế nào để cho tâm hoan hỷ với hơi thở. Khi đó mình ngồi thiền sẽ thấy có trạng thái hỷ lạc, khinh an sinh khởi, có niềm vui thích bắt đầu khởi lên. Cái tâm thích thú với hơi thở, thân tâm sẽ trở nên nhẹ nhàng, an lạc.

Khi hỷ lạc càng lúc càng sung mãn, khinh an, định tĩnh sẽ sinh lên. Với tâm có định thì sẽ dần dần giảm bớt đi những triền cái, những cấu uế, như tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, hoài nghi, phóng dật.

Khi tạp niệm lăng xăng giảm bớt đi thì tâm sẽ trở nên thanh tịnh dần dần. Tâm thanh tịnh sẽ được thể hiện ra bằng những định tướng, quang tướng, tức là nó tạo ra những sắc tướng trong sáng, tỏa sáng, nó giống như hào quang tỏa chiếu, được gọi là Nimitta, hay là định tướng, tợ tướng.

Có ba mức độ nimita là: chuẩn bị tướng, học tướng và tợ tướng.

Lúc đầu mình sẽ thấy trước mặt có một làn khói mờ mờ màu xám, đó là chuẩn bị tướng. Nhưng không được đi theo nó, không được chú tâm vào đó, cứ tiếp tục quan sát hơi thở.

Làn khói đó dần dần nó sẽ trắng lên, đó là học tướng.

Rồi màu trắng này nó dần dần tỏa sáng rực rỡ ra, đó là tợ tướng, là quang tướng đã xuất hiện. Nhưng mình vẫn không đi theo những ánh sáng đó, vẫn tiếp tục quan sát hơi thở. Sự hỷ lạc, khinh an càng lúc càng mạnh hơn, quang tướng càng lúc càng sáng hơn, rồi xuất hiện những màu sắc, những hình dáng, khác nhau. Minh không được để tâm đến màu sắc, hình dáng, của nimitta đó, mà cứ tiếp tục quan sát hơi thở thôi cho đến khi hơi thở và quang tướng ấy sẽ hợp nhất lại với nhau. Với một người chuyên tu có thể thực hành miên mật thì định tướng Nimita ấy có thể kéo dài suốt ngày đêm không gián đoạn.

Khi thấy những dấu hiệu như là: có sự hỷ lạc, khinh an, hay là thấy xuất hiện những quang tướng, những hình tướng, màu sắc, ánh sáng thì không được khởi lên cái tâm hoài nghi, tò mò, muốn phân tích, hay là đi theo những cái cảnh đó. Mà mình chỉ có quan sát hơi thở thôi thì ánh sáng định mới càng ngày càng phát triển. Còn nếu như mình đi theo những hình ảnh đó thì tâm sẽ bị tán loạn, dễ sinh ra những ảo tưởng vì khi đó mình tưởng tượng ra cảnh gì thì quang tướng sẽ xuất hiện và biến thành cảnh đó. Mình nghĩ đến bông hoa thì mình sẽ thấy cái quang tướng giống như bông hoa, mình nghĩ đến một rừng cây mình sẽ thấy nó giống như rừng cây, mình nghĩ đến Phật thì mình sẽ thấy quang tướng biến thành hình Phật, mình nghĩ đến hình chư Thiên mình sẽ thấy quang tướng biến thành chư Thiên... Cho nên, rất nhiều người tự thực hành, đến khi có định một chút thì người ta hay sinh ra những ảo tưởng khác nhau. Họ thấy cảnh này, cảnh kia và họ tưởng rằng mình đạt được những năng lực gì đó cao siêu huyền bí. Cho nên cần phải bỏ qua tất cả những cảnh đó. Cần phải luôn luôn quan sát hơi thở, cho đến khi định tướng xuất hiện, không đi theo nó mà cứ tiếp tục quan sát hơi thở thì định tướng ấy sẽ càng ngày càng mạnh mẽ và vững chắc hơn.

Con đường thực hành thiền là con đường làm thanh tịnh hóa nội tâm, làm cho nội tâm của mình càng ngày càng thanh tịnh hơn. Khi nó xuất hiện những quang tướng ấy thì những phiền não càng bị đè nén mạnh mẽ hơn, rồi dần dần năm triền cái không thể khởi lên được nữa. Đến lúc định tướng thật sự đã vững chắc mạnh mẽ thì mới được chuyển tâm từ hơi thở sang quang tướng, chú tâm trên đó, giữ tâm vững vàng, an ổn, định tĩnh, duy trì tâm ở đó liên tục không gián đoạn thì dần dần sẽ vào được các trạng thái của các tầng thiền.

Trạng thái Sơ thiền lúc đó cái tâm chỉ còn biết một đối tượng đó là tợ tướng, ánh sáng rực rỡ tỏa chiếu mạnh mẽ, lúc ấy những tâm dục giới sẽ dừng lại và những tâm thiền sắc giới sinh khởi cùng với năm chi thiền là: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Đến lúc đó thì vị ấy hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và an trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh có tầm có tứ.

Khi vào được Sơ thiền thì những bước tiếp theo vị ấy cần làm đó là phân biệt được các chi thiền. Năm thiền chi này là những pháp chân đế, nó rất là thâm sâu, vi tế, chỉ những ai vào đến mức độ đó mới có thể hiểu, cảm nhận và phân tích được. Còn nếu như chưa đạt đến mức độ đó, mình có cố gắng cũng không phân tích hay cảm nhận được, và không thể thấy biết được các chi thiền này nó sinh khởi như thế nào.

Kiểm tra các thiền chi bằng cách hướng tâm xuống vùng trái tim hay ý môn ở bên trái nếu thấy được nimita tợ tướng xuất hiện ở sâu dưới ý môn, rồi thấy được các chi thiền sinh khởi: có thiền chi tầm hướng và đặt tâm vào tợ tướng, có thiền chi tứ duy trì bám sát tợ tướng, có thiền chi hỷ thích thú với tợ tướng, có thiền chi lạc thoải mái dễ chịu, có thiền chi nhất tâm định tĩnh lặng lẽ trên tợ tướng. Năm thiền chi ấy cần được phân tích ra, cần được quán sát, cần được tuệ tri, cần được cảm nhận, và cần được thấy một cách rõ ràng. Nếu một người có thể phân tích, có thể thấy được các thiền chi ấy nó sinh khởi lên thì vị đó chắc chắn đã vào đến Sơ thiền. Và khi đã đạt đến Sơ thiền rồi thì những tầng thiền tiếp theo thực hành sẽ rất là dễ dàng.

Quá trình thực hành bắt đầu từ lúc chú tâm trên hơi thở cho đến khi xuất hiện ánh sáng sẽ tùy vào từng người. Có người rất là nhanh, chỉ trong một thời thiền, hoặc là một buổi thiền, hoặc hai buổi thiền, nhưng cũng có người phải trải qua cả tháng, cả năm, cả nhiều năm. Và quá trình từ lúc xuất hiện ánh sáng định tướng ấy cho đến khi đạt đến Sơ thiền thì cũng tùy từng người, có người chỉ từ một ngày đến bảy ngày đã vào được đến Sơ thiền, hoặc là cũng có người phải trải qua nhiều tháng, nhiều năm mới vào được. Cái này là tùy vào căn tánh: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ của người đó.

Nếu người nào mà đã có niềm tin vững chắc rồi, có sự tinh tấn mạnh mẽ, có chánh niệm tỉnh giác cao, có nhất tâm, và có trí tuệ sắc sảo rồi thì người đó sẽ tiến vào các tầng thiền an chỉ định rất là dễ dàng.

Những người mà Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ còn yếu, tức là niềm tin vào con đường giải thoát giác ngộ, vào Đức Phật, vào giáo pháp, vào khả năng có thể đi đến giác ngộ chưa cao thì trong quá trình thực hành vị ấy cần phải vun bồi năm căn quyền này. Cần phải vun bồi thêm niềm tin, cần phải phát triển thêm đức tinh tấn, phát triển chánh niệm, phát triển nhất tâm định tĩnh, và cần phát triển trí tuệ dần dần.  

Khi thuần thục với Sơ thiền rồi vị ấy muốn lên Nhị thiền thì cần tác ý đến sự bất lợi của Sơ thiền là nó gần với năm triền cái và có hai thiền chi: tầm – tứ là thô làm tâm dạo động, ước muốn hướng lên Nhị thiền có hỷ - lạc – nhất tâm an tịnh hơn. Rồi nhập lại Sơ thiên kiểm tra năm thiền chi, tác ý loại bỏ hai thiền chi tầm – tứ, rồi an trú trên tợ tướng ấy thì tâm sẽ hướng lên Nhị thiền.

Khi thuần thục với Nhị thiền muốn lên Tam thiền cũng tương tự như vậy, tác ý đến bất lợi của Nhị thiền có thiền chi hỷ là thô làm tâm dao động, ước muốn lên Tam thiền có lạc – nhất tâm an tịnh hơn. Rồi nhập vào Nhị thiền phân biệt ba thiền chi hỷ - lạc – nhất tâm, tác ý loại bỏ thiền chi hỷ, rồi an trú trên tợ tướng ấy thì tâm sẽ hướng lên Tam thiền.

Khi thuần thục với Tam thiền muốn lên Tứ thiền thì tác ý đến bất lợi của Tam thiền có thiền chi lạc thô làm tâm dạo động, ước muốn lên Tứ thiền có xả nhất tâm an tịnh hơn. Rồi nhập vào Tam thiền phân biệt thiền chi lạc nhất tâm. Rồi tác ý loại bỏ thiền chi lạc, rồi an trú trên tợ tướng ấy thì tâm sẽ hướng lên Tứ thiền.

Khi vào đến Tứ thiền thì vị ấy không còn cảm nhận thấy hơi thở nữa, hơi thở đã dừng lại hoàn toàn, không còn ở trước cửa mũi nữa. Mức độ vi tế của hơi thở đạt đến tối đa như vậy.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Tư liệu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tư liệu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Tư liệu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Bay qua miền hạnh phúc

Tư liệu 17:30 18/11/2024

Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.

Xem thêm