Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 27/09/2018, 14:35 PM

Tiến trình hoàn thành chùa Đại Phước ở Myanmar

Vào ngày thường cũng như ngày Rằm, mùng Một hàng tháng, các phật tử Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại Myanmar hay các đoàn hành hương Phật tích Việt Nam thường ghé thăm chùa và đốt nhang cầu nguyện.   

Nằm trong kế hoạch xây dựng một chùa Việt Nam thuộc hệ phái Theravàda từ tác ý của Sư Thiện Ngọc, đệ tử của cố TT.Thích Thiện Minh trong thời gian sư còn tu học tại Myanmar.

Sư Ngọc đã nhiệt tình giúp đỡ các tăng, ni sinh Việt Nam về mọi mặt từ những bước đầu bỡ ngỡ khi tham gia học Phật tại đất nước quốc giáo này và cũng chính từ nhu cầu cần thiết phải có nơi dừng chân dành cho tăng sinh Việt Nam có nơi lưu trú khi qua Miến Điện tu học và nhu cầu cần có nơi làm trung tâm hành hương tâm linh dành cho phật tử Việt Nam đang sinh sống tại Miến Điện và các phái đoàn phật tử Việt Nam đến du lịch đất nước chùa tháp này, nên sư Thiện Ngọc đau đáu trong lòng về việc nên hay chăng lập một ngôi già lam phong cách Việt Nam tại đây. 


Những trăn trở trên mà cố TT.Thích Thiện Minh đã hậu thuẫn cho ý tưởng của sư đệ tử để rồi chùa Đại Phước (Mahāpuññavihāra), ngôi chùa Theravada Việt Nam đầu tiên trực thuộc GHPGVN tại đất nước chùa tháp Miến Điện được hai thầy trò phối hợp xây dựng. TT.Thích Thiện Minh, Viện chủ chùa, Trưởng ban vận động và sư Thiện Ngọc vừa là trụ trì chùa, vừa là trưởng ban kiến thiết xây dựng.

Năm 2016, Thượng tọa Thiện Minh và sư Thiện Ngọc đã tổ chức lễ khởi công xây dựng và kiết giới Sīmā ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại đất nước chùa Tháp xinh đẹp – Miến Điện (Myanmar).

Theo kế hoạch và dự án xây dựng tổng thể, chùa Đại Phước có tổng diện tích đất xây dựng là 8.000m2. Kiến trúc chùa được thiết kế hài hòa mang đậm nét văn hóa Việt Nam và những đặc trưng theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravāda của các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. 

Từ ngoài vào bên phải cổng chùa là:

1. Tháp thờ Ngài Sīvāli theo mô hình chùa Một Cột Việt Nam. 

2. Bên trái cổng vào là tháp thờ Ngài Upakut Katha theo mô hình Quốc Tử Giám Việt Nam. 

3. Trung tâm là chánh điện – trụ tháp chính hai tầng với tổng diện tích là 25x35, tầng dưới chánh điện là Thiền đường. Chánh điện được bao quanh bởi Tăng xá, Trai đường, Khách đường thiết kế theo ba dãy hình chữ U. Các hoa văn, họa tiết sử dụng đều là hình hoa sen và chim hạc theo mô phỏng hoa văn, họa tiết trên mặt trống đồng. Mái chánh điện xây dựng theo kiến trúc Cổ Lầu, mang đậm văn hóa mái chùa cổ Việt Nam. Tổng kinh phí dự kiến cho việc xây dựng mọi hạng mục của chùa là khoảng 30 tỷ đồng Việt Nam.
  
Dự án xây dựng chùa đã được khởi động từ năm 2015 nhưng việc xây dựng chùa Đại Phước giữa chừng phải chựng lại vì sự ra đi đột ngột do bệnh duyên của TT. Thích Thiện Minh,Viện chủ 4 chùa Việt Nam trực thuộc GHPGVN tại hải ngoại: chùa Đại Lộc (Ấn Độ); chùa Đại Phước (Myanmar); chùa Đại Thọ (Phần Lan); chùa Đại Hạnh (Cambodia) và ngoài ra ngài còn là viện chủ một số tự viện thuộc PG Nam tông trong nước. 

Trước những khó khăn khi trụ trì chùa Đại Phước, Sư Thiện Ngọc vừa đảm đương trọng trách xây dựng chùa, vừa gian nan tìm kiếm sự hỗ trợ của thí chủ về tài chính tiếp tục công việc xây dựng chùa để hoàn thành tâm nguyện của sư phụ là ươm trồng nhân lực tầm học Pháp bảo PG Nam tông. Sáng ngày 20/9/2018, trên chuyến bay VN943, HT.Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (Gò vấp) đã tháp tùng cùng sư Thiện Ngọc đưa 18 thiếu niên mồ côi cha mẹ của chùa gửi qua Myanmar để theo học Phật pháp và đào tạo tăng tài.

Trước tình thực tế này, phóng viên tạp chí PGNT đã có cuộc phỏng vấn với Sư Thiện Ngọc khi thầy về Việt Nam:      

PV: Xin sư giới thiệu sơ bộ về bản thân và vị trí hiện nay của sư?   

Sư Thiện Ngọc (TN): Tôi xuất gia tu học tại chùa Bửu Quang năm 2009, là đệ tử của Cố TT.Thích Thiện Minh (GS.TS) - Ủy viên HĐTS - GHPGVN. 

Đầu năm 2013 tôi qua Myanmar du học, vì có vốn tiếng Miến và có duyên lành tiếp cận với các bậc tăng tài của Miến, nhất là các vị Tam Tạng. Trong thời gian tu học tôi tình nguyện tham gia giúp đỡ các du học tăng Việt Nam về mọi mặt và nhất là thông dịch tiếng Miến giúp các sư và rất thông cảm với hoàn cảnh của quý sư du học tăng về việc khó tìm chỗ ở, nên nảy ra ý tưởng thành lập ngôi chùa Việt Nam trên đất Miến. Cuối tháng 9 năm 2015, sau nhiều lần tác ý, tôi đã được sự ưng thuận trợ giúp của Ngài Tam Tạng thứ VII (Sayadaw Sīlakkhandhābhivamsa) và được sự ưng thuận minh thị bằng công văn của sư phụ chúng tôi, Cố TT.Thích Thiện Minh hậu thuẫn xây dựng chùa Đại Phước tại Yangon Myanmar. 
 
Chỉ trong vòng 28 ngày tôi đã kiếm được đất (28/10/2015) và từ năm 2016, sau lễ kiết giới Sima đến nay, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cùng các hạng mục phụ của kế hoạch xây dựng chùa. Ngày 30/06/2017, thầy trò chúng tôi được BTS Giáo hội Phật giáo Myanmar (GHPGMM) cấp quyết định Viện chủ cho TT.Thích Thiện Minh và quyết định trụ trì chùa cho tôi (ĐĐ.Thích Thiện Ngọc). Riêng tôi được sư phụ phân công làm Trưởng Ban Kiến thiết trông coi việc xây dựng chùa.   
 
PV: Xin sư tóm lược về những công việc sinh hoạt tôn giáo của chùa Đại Phước từ khi thành lập tới nay? 

Sư TN: Từ khi thành lập tới nay, chùa Đại phước đã tổ chức các sinh hoạt tâm linh như ngày 18/03/2018, Đại lễ Cầu an đầu xuân Mậu Tuất 2018 tại chùa Đại Phước Myanmar và Lễ cầu siêu cho các anh hùng chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nhân kỉ niệm 30 năm Hải chiến Gạc Ma (14/03/1988-14/03/2018). Thời gian tới sẽ tổ chức các khóa tu Phật thất ngắn ngày. Ngoài ra vào ngày thường cũng như ngày Rằm, mùng Một hàng tháng, các phật tử Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại Myanmar hay các đoàn hành hương Phật tích Việt Nam thường ghé thăm chùa và đốt nhang cầu nguyện.   
 
PV: Thưa sư, dự án xây dựng chùa Đại Phước lúc sinh thời của Viện chủ Thích Thiện Minh dự kiến sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn tất? Xin sư cho biết những khó khăn mà sư phải đối mặt sau khi TT.Thích Thiện Minh vắng bóng?

Sư TN: Lúc đầu 2 thầy trò dự định 5 năm sẽ hoàn tất xây dựng cơ bản nhưng sau khi hoàn tất các hạng mục phụ thì sư phụ viên tịch do bệnh duyên. Tôi là đệ tử cảm thấy hụt hẫng, cảm giác như một đứa con đang được cha chở che thì đột ngột cha từ trần nên chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ, cảm thấy nửa chặng đường còn lại sẽ rất gian nan và không biết nên bắt đầu từ đâu? Khó khăn lớn nhất là không biết nên vận động tài chính như thế nào vì lúc sinh thời sư phụ là trưởng ban vận động tại Sài Gòn, còn tôi bên Myanmar là trụ trì kiêm trưởng ban kiến thiết, coi sóc việc xây dựng chùa, chỉ thực hiện xây dựng được khi có tài chính từ bên nhà sư phụ gửi qua.   

PV: Ở cương vị trụ trì chùa, xin thầy cho biết về tiến độ tiếp tục xây dựng chùa ra sao? Những khó khăn cần giải quyết đơn phương khi viện chủ vắng bóng?

Sư TN: Những ngày cuối, sư phụ có nói: “Ráng qua mùa mưa năm nay (khoảng tháng 11-2018) phải tiến hành xây chánh điện” và chúng tôi đã khả hứa với sư phụ về việc này. Nhưng chỉ khoảng 1 tuần sau, sư phụ viên tịch nên tôi cảm nhận khó khăn lớn nhất là tài chính cần thiết để xây dựng chùa. Vừa qua vào mùa an cư kiết hạ, chúng tôi đã tự thân vận động phật tử, chư tăng các chùa, các mạnh thường quân và nhận được số tiền trợ giúp ủng hộ xây dựng chùa Đại Phước trên 700 triệu và hết mùa mưa năm nay chúng tôi sẽ khởi công trong hạn mức tài chính cho phép. 

Tôi mong chờ các nhà hảo tâm đã và đang hỗ trợ cho sư phụ chúng tôi trước đây cũng như trong tương lai sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiệt tâm, chung tay cùng chúng tôi đi tiếp nửa chặng đường gian nan còn lại trong việc hoàn thành xây dựng chùa Đại Phước cho đúng tiến độ hợp với ý nguyện của Cố TT.Thích Thiện Minh. 

PV: Việc ra đi của cố TT.Thích Thiện Minh đã để lại cảm xúc gì và sư sẽ làm gì để thực hiện những tâm nguyện của TT.Thích Thiện Minh?  
    
Sư TN: Sư phụ chúng tôi nếu tiếp cận thì mọi phật tử sẽ cảm nhận được lòng từ bi của người với tâm luôn hướng về Tam bảo và ước muốn hoằng pháp lợi sinh. Ngài đã thành lập các chùa trong và ngoài nước. Khi ngài đột ngột ra đi thì bản thân tôi, trụ trì chùa Đại Phước cảm thấy vô cùng khó khăn nên qua thực tế chúng tôi cảm thấy việc làm của sư phụ thật vĩ đại, như bóng mát của cây đa hay cây đề để hàng hậu học chúng tôi nương dựa. Những đại nguyện của sư phụ chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành, không chỉ việc xây dựng chùa mà còn tham gia đào tạo thế hệ trẻ mầm non theo học Phật pháp, đào tạo tăng tài cho Phật giáo Việt Nam mai sau. 
 
PV: Xin sư cho biết về tâm nguyện thứ hai của Cố TT.Thích Thiện Minh và nói rõ hơn về dự án dài hạn này?
  
Sư TN: Nửa chặng đường còn lại biết bao gian nan và thử thách trước mắt cần phải vượt qua, phận là đệ tử chúng tôi luôn phấn đấu để hoàn thành trọng trách này của Cố sư phụ đã giao phó. Việc đón 18 chú nhỏ sang Myanmar cho tu học là theo ý nguyện của sư phụ và theo quy định của nước quốc giáo thì việc đào tạo tăng tài phải mất trên 20 năm hoặc hơn mới có kết quả. 18 chú nhỏ sau thời gian đào tạo sẽ tự quyết định tương lai của bản thân: muốn ở lại Myanmar để hoằng pháp hay hoằng pháp ở quê nhà, chứ không hề có sự áp đặt của các sư thầy. 

Còn về dự án đào tạo tăng tài thì chúng tôi trong thời gian du học hữu duyên đã kinh qua các lớp đào tạo và có quan hệ mật thiết với hầu hết các vị làu thông Tam Tạng. Vì vậy chúng tôi đã nắm rõ lộ trình đào tạo và lộ trình này sẽ được áp dụng một cách bài bản dành cho 18 chú Sadi. Với tâm nguyện duy trì mạng mạch Phật pháp, trách nhiệm của người cha tinh thần, tôi tha thiết kêu gọi ủng hộ, góp sức chung tay của các tăng ni sinh, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hãy vì tiền đồ của Phật giáo Việt Nam mà bảo trợ tài chính nuôi dạy các chú tiểu trong suốt thời gian tu học về mọi mặt trong sinh hoạt và học tập. 
 
Cần nói thêm là 18 chú tiểu đều bị cha mẹ bỏ rơi, nhận được sự nuôi dưỡng của HT.Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2. Lúc sinh tiền, Cố TT.Thích Thiện Minh cùng HT.Thích Thiện Chiếu đã đồng ý gửi các chú sang tu học Phật pháp tại Myanmar, nhằm đào tạo thế hệ sau giữ gìn kho tàng pháp bảo Tam Tạng của đức Phật. Các chú tiểu cũng thuận duyên được ngài Tam tạng thứ 7 nhận dạy dỗ học Tam Tạng theo chương trình của chính phủ Miến quy định. Còn chúng tôi chịu trách nhiệm nuôi dạy các em tại chùa với tâm nguyện hy sinh vì Phật pháp và được HT.Thích Thiện Chiếu chấp thuận.      

PV: Sư có những đạo đạt và thỉnh cầu gì đến lãnh đạo GHPGVN?  

Sư TN: Chúng tôi từ trước đến nay nương nhờ vào sư phụ (chức sắc trong GHPGVN) lo liệu về thủ tục pháp lý của chùa Đại Phước theo những quy định của Giáo hội và tâm nguyện của sư phụ là xây dựng hoàn thiện ngôi chùa. Kính mong lãnh đạo GHPGVN tạo điều kiện cho chúng tôi dễ dàng trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý về giấy tờ cúng dường chùa Đại Phước, để chùa được xem như tài sản của GHPGVN tại Mynamar; được công nhận và trường tồn lâu dài như một ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại đất nước chùa tháp giống như chùa Đại Lộc tại Ấn Độ...

PV: Xin sư cho biết hiện nay chùa Đại Phước có bao nhiêu chư tăng? Và tiến độ xây dựng chùa Đại Phước như thế nào? Có sự giúp đỡ của các vị tăng khác không?

Sư TN: Cuối năm 2016 tới nay, giai đoạn chùa đang xây dựng các hạng mục phụ nên chúng tôi chỉ có một mình phụ trách cả đối nội lẫn đối ngoại nên tiến độ xây dựng chưa cao. Kể từ tháng 3/2017 đến tháng 7/2/2018, khi sư phụ viên tịch, chưa có vị nào đăng ký qua ở để phụ giúp và chia sẻ cùng chúng tôi trong xây dựng mà chỉ có một số ít phật tử thân quen vận động mọi người âm thầm công quả giúp chùa mà thôi. 

PV: Từ lúc bắt đầu xây dựng, được biết qua trang mạng xã hội sư đã nhận được sự hỗ trợ ưu ái của Giáo hội PG Myanmar và các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar. Việc sư phụ Thiện Minh qua đời có ảnh hưởng đến mối quan hệ này hay không?
     
Sư TN: Thầy trò chúng tôi có mối quan hệ ngoại giao tốt với Giáo hội PG Myanmar và cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Myanmar nên khi sư phụ chúng tôi qua đời thì mối quan hệ vẫn tiến triển tốt và họ vẫn nhiệt tình ủng hộ, tạo thuận duyên xây dựng chùa Đại Phước. Các doanh nghiệp Việt ủng hộ cũng cử đại diện tới thăm viếng chùa và hỗ trợ chúng tôi về tinh thần, dù đây đều là những doanh nghiệp mới kinh doanh khởi nghiệp kể từ khi chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Myanmar.  
 
PV: Xin sư cho biết ngoài việc xây dựng chánh điện thì sư còn phải thực hiện những hạng mục nào? Thời gian dự kiến khánh thành chùa Đại phước được dự định là khi nào?   

Sư TN: Hai hạng mục chính trong xây dựng là chánh điện và tăng xá. Thời gian hoàn thành sẽ tùy duyên, được thực hiện khi có thí chủ cúng dường. Chúng tôi cũng rất mong được khánh thành sớm nếu tình hình kinh phí khả thi. Tất cả chi phí xây dựng đã được nhóm kỹ sư Việt Nam giúp chiết tính giá thành cho mỗi mét vuông xây dựng, sau đó sẽ công khai minh thị vận động để thí chủ hùn phước đóng góp một cách cụ thể. Cách dự toán của chúng tôi như sau:  

1. Giá thành hùn phước xây dựng của từng tăng xá. 

2. Giá thành hùn phước trong xây dựng từng hạng mục của chánh điện v.v...

Nếu được như vậy thì sự tài trợ từng phần hoặc toàn phần của thí chủ sẽ dễ dàng và đạt kết quả tốt như cách làm của chùa Đại Lộc tại Ấn Độ.      
PV: Xin sư cho biết về hoạt động trong tương lai của chùa Đại Phước? Sư có những dự định gì về việc phát triển chùa và duy trì mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Myanmar?
   
Sư TN: 

1. Mong muốn của sư phụ và chúng tôi là hoàn thành việc xây dựng chùa Đại Phước để sau này cống hiến cho quê hương Tổ quốc, là nơi tăng ni sinh và phật tử Việt Nam tới tu tập hay cộng đồng doanh nghiệp tới chùa để sinh hoạt văn hóa dân tộc theo ý nghĩa “Mái chùa che chở hồn dân tộc”.

2. Mong muốn thứ đến là biến chùa trở thành cái nôi đào tạo pháp học cũng như pháp hành, đào tạo tăng tài cho PGVN và cho PG Myanmar.

3. Mong muốn GHPGVN & PG Myanmar gắn kết tình hữu nghị qua mô hình chùa Việt Nam tại hải ngoại. Chúng tôi mong muốn Phật giáo Myanmar tạo điều kiện tốt giúp đỡ cho tăng ni sinh VN về mọi mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ như vi-sa và điều kiện học tập Phật pháp tại đây.

Kết luận:

Với nỗ lực hoằng dương chính pháp không mệt mỏi, Cố TT.Thích Thiện Minh xứng đáng là vị tăng tài của GHPGVN. Với những phật sự đồ sộ trong và ngoài nước mà Thượng tọa cùng những đệ tử tâm huyết như ĐĐ.Tường Quang (chùa Đại Lộc - Ấn Độ); ĐĐ.MinhTấn (chùa Đại Thọ – Phần Lan); ĐĐ.Thiện Ngọc (chùa Đại Hạnh – Campuchia); ĐĐ.Thiện Ngọc (chùa Đại Phước - Myanmar) và nếu như nửa chặng đường đầu Thượng tọa đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển và xiển dương PG Nam tông thì nửa chặng đường còn lại rất gian nan và tùy thuộc vào thiện xảo của hàng pháp hữu hay đệ tử theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Nửa chặng đường sau chỉ có thể thành công viên mãn với chí nguyện vững chắc của quý sư và sự trợ giúp mạnh mẽ và bền bỉ của các vị mạnh thường quân, các thí chủ và các nhà hảo tâm khi nghĩ về tiền đồ của PGVN. 

Ngài Tam tạng 7 Sīlakkhandhābhivamsa bày tỏ: “Chùa Đại Phước đã làm được nhiều phúc lành, là trung tâm đoàn kết của tăng, ni sinh và phật tử Việt Nam ở Myanmar, là trung tâm của sự gặp gỡ và giao thoa văn hóa tâm linh, đạo đức xã hội. Tôi mong muốn rằng, trong tương lai, chùa Đại Phước sẽ tạo được nhiều điều phước báu hơn nữa, đem lại nhiều hơn nữa lợi lạc cho chúng sinh cả hai đất nước Việt - Miến, là cầu nối cho tình bằng hữu bang giao giữa hai dân tộc Việt - Miến".
 
Chơn Minh - Tấn Phát

Mọi đóng góp ủng hộ xin gửi theo thông tin sau:
 
Địa chỉ chùa Đại Phước:
Ramawati Road. 90 Quarter – Dagon Newtown, Yangon City, Myanmar
Điện thoại: +95.96994.56789 (Sư Thiện Ngọc – Trụ Trì)
Email: suthienngoc2011@gmail.com 
Tên tài khoản: Đặng Ngọc Toàn.
Số tài khoản: ‎0381000416558.
Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Thủ Đức.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm