Tiếng chuông khuya

Ba tôi bệnh rất nhiều, mẹ và cậu đã cố gắng đưa ba đi trị bệnh khắp nơi, từ thuốc tây cho đến thuốc ta! Càng ngày ba tôi càng gầy ốm, bác sĩ nói ba bị thương hàn lại bệnh lâu nên ba không ăn được như bình thường nữa, chỉ húp nước súp và nước gạo lứt rang vàng mà thôi!

Phòng của ba mẹ và phòng khách được ngăn bằng tấm vách tường; nhà tôi rộng bề ngang cho nên phòng khách chia hai, sát tường bên tay phải là cái đi-văng gỗ xưa, đi-văng này và cái đồng hồ cổ là hai vật kỷ niệm “dằn tâm” của người chủ trước căn nhà đã tặng lại cho ba mẹ tôi.

Đi-văng được đặt sát tường kế bên cửa sổ nhỏ nhìn qua sân nhà ông Mười, hai chị em tôi ngủ trên đi-văng này. Cách đi-văng một khoảng rộng hơn một chiếc chiếu là bộ salon bằng mây có lót nệm đỏ.

Ảnh minh hoạ.

Giữa bức tường trên cao ba có làm một khung hình bán nguyệt, phía sau khung bán nguyệt có thờ hình Bồ-tát Quan Âm in trên giấy carton dày. Hình Phật Bà ngồi trên tòa sen, tay phải có bế một em bé trai còn rất nhỏ, tay trái cầm nhành dương liễu; quỳ dưới chân Ngài cũng là một bé trai lớn hơn bé trai kia, tay cầm vòng càn khôn.

Khi mới dọn về nhà này, ba mẹ qua chùa Phật Bửu thỉnh bức tranh Phật về thờ cùng với bài vị thần tài và ông táo. Hàng ngày, khi thì mẹ, khi thì ba hay cậu đốt nhang và cúng trái cây ngày rằm hoặc mồng một. Từ khi ba bệnh nhiều, ngoài người thân trong gia đình thì có hàng xóm tới thăm, trong số đó có bà Tư đầu xóm lớn tuổi nhất, bà khuyên mẹ qua chùa quy y và thỉnh kinh về đọc cho ba, mong ba có thể được chư Phật gia hộ mau chóng khỏi bệnh.

Ba bệnh nhiều nên mỗi lần người lớn hoặc chị em tôi có việc phải đi ngang qua cửa buồng của ba thì ba thường nhíu mặt, đi khẽ cách mấy ba cũng nghe và khó chịu trong người, cho nên mẹ hay chắc lưỡi ngó làm chúng tôi càng sợ, không dám nhìn và thật ra người lớn cũng không cho con nít ra vô thường vì sợ lây bệnh!

Ba cứ nằm như vậy mà bệnh tình không thuyên giảm. Thế là mẹ nghe theo lời bà Tư qua chùa Phật Bửu chính thức quy y, mặc dù trước đó những ngày rằm, mùng một mẹ cũng hay dắt hai chị em qua chùa lễ Phật, lạy sám hối như Phật tử của chùa. Những năm tháng này Phật tử không mặc quần áo xám hay áo tràng như bây giờ, bà Tư và mẹ chỉ mặc nguyên bộ bà ba tay dài khi thì màu trắng, lúc áo hoa nhỏ màu nhu...

Nghe lời sư ông trụ trì, mẹ thỉnh kinh Pháp hoa, kinh Nhật tụng, kinh Sám hối về đêm đêm yên tĩnh ngồi xếp bằng tụng kinh cầu nguyện cho ba. Theo lời mẹ dẫn giải, ban đầu trước khi đi ngủ hai chị em tôi cùng ngồi sau lưng mẹ, cũng đứng lên, quỳ xuống theo mẹ, nhưng vì hãy còn con nít cho nên em tôi ngủ hồi nào không hay, còn tôi tuy buồn ngủ nhưng cũng ráng ngồi... Sau này mẹ không bắt chúng tôi quỳ sau lưng mẹ nữa, mẹ cho chị em đi ngủ sớm, tuy nằm trong mùng nhưng chúng tôi vẫn nhìn rõ mẹ trong bộ bà ba lụa trắng ngồi trước bàn thờ đọc kinh cho ba. Em tôi ngủ nhanh vì tiếng kinh nho nhỏ êm tai, riêng tôi không hiểu sao hay vạch mùng ló đầu nhìn mẹ đọc kinh. Nhìn mẹ rồi nhìn hình Phật Quan Âm cũng trong xiêm y lụa trắng, tôi thấy sao mẹ giống Phật vô cùng. Tiếng mẹ đọc kinh nhỏ đều, thỉnh thoảng điểm tiếng chuông đánh khẽ ngân nga, thêm vào đó mùi nhang lan tỏa xen với mùi hoa dạ lý hương nở về đêm làm tôi cảm thấy dễ chịu, một niềm an ổn vô biên thật nhẹ nhàng nhưng ấm áp lan tỏa, tôi không muốn ngủ dù rất buồn ngủ.

Mẹ chỉ đánh chuông mà không gõ mõ. Tiếng mõ tuy không lớn nhưng ba không chịu được. Một điều lạ lùng là mỗi tiếng động nhỏ hay tiếng chân đi thật khẽ cũng làm ba khó chịu chắc lưỡi, nhưng mỗi đêm tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông điểm nhẹ ba lại ngủ yên giấc hơn!

Bỗng nhiên ba không húp cháo hay súp nữa. Mọi người thật sự lo lắng. Bà Tư an ủi, khuyên mẹ cứ nhẫn nại đọc kinh cứu khổ cứu nạn cho ba... Tuy còn rất nhỏ, nhưng tôi thấy thương mẹ vô cùng. Ba bệnh không đi làm được, lương của ba không đủ cho chi phí thuốc men. Ban ngày mẹ phải làm sổ sách hụi, mẹ còn theo bà Tư hướng dẫn mua bán cẩm thạch và hột xoàn thêm mới đủ chi phí cho cả gia đình. Tối về, sau khi xong mọi việc thì mẹ lại lo kinh kệ cầu nguyện cho ba!

Có một đêm ba trở bệnh nặng hơn, mẹ dắt hai chị em vô phòng thăm. Nghe tiếng mẹ gọi, ba chỉ mở mắt lờ đờ nhìn rồi lại nhắm mắt như khó chịu trong người. Mẹ lại dắt hai chị em ra. Lần đó, tôi thoáng thấy mẹ và cậu khóc! Ba ra dấu than lạnh, cậu lấy khăn hơ trên than nóng đắp lên trán, trên tay và chân cho ba, nước mắt cậu rơi trên than nghe xèo xèo!

Rồi mẹ cố gắng đọc kinh, tiếng mẹ đọc nhỏ nhưng không đều đều mà thỉnh thoảng ngắt quãng. Chắc mẹ cũng khóc âm thầm như cậu! Đêm đó, mẹ đọc khuya thật khuya. Mẹ ra dấu kêu tôi ngủ không cho ló đầu ra ngoài mùng nữa!

... Thức hơi khuya, cho nên tôi dậy muộn. Nắng rọi từ cửa sổ phòng khách xuyên qua mùng làm chị em tôi tỉnh giấc, cũng ngạc nhiên vì không ai đánh thức. Trong phòng ba có tiếng nói của mẹ và cậu, hàng xóm cũng có vài người đang nói chuyện bình thường với nhau không khe khẽ như trước. Đó là một việc khác thường chưa từng có trong thời gian ba bệnh nặng, lúc đó ai đến cũng đi thật khẽ, nói thật nhỏ, vô thăm ba xong đi ra phòng ngoài mới nói chuyện với mẹ.

Tò mò không giữ ý nữa, tôi và em gái chạy vào phòng xem sao thì thấy ba đã mở mắt, mặt ba tỉnh táo và sinh động hơn, ba không khó chịu khi có đông người... Theo lời ba kể sau này, đêm đó ba thấy khó chịu vô cùng, người bứt rứt nặng nề mà ba không mở miệng nói được, tuy nhiên ba vẫn nghe tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông điểm nhẹ bên tai... Ba nghĩ rằng có lẽ ba sẽ không qua khỏi. Ba nói, đột nhiên ba cũng chảy nước mắt. Lúc ấy ba bỗng thấy có một người đàn bà rất đẹp như bà tiên mặc bộ đồ lụa trắng dài đứng bên giường cúi nhìn ba và nói với ba là mệt lắm phải không con, bây giờ cố gượng, nhổm cái lưng lên bà sẽ bế con xê qua phía bên kia con sẽ đỡ mệt!

Như có một sức mạnh huyền bí nào, tự nhiên ba nghe theo, cố gồng cho lưng mình cong lên và người đàn bà đó lòn hai cánh tay xuống dưới lưng ba, đưa ba qua phía bên kia giường. Ba kể, lúc đó trong người ba như có một luồng gió mát thật nhẹ nhàng; ba cảm thấy như mình trải qua một giấc ngủ dài, không nóng nảy, không nặng nề và tỉnh lại thật nhẹ nhõm và bình thường!

Mọi người đều mừng và chúc ba sớm bình phục. Ba cảm thấy đói bụng đòi ăn cháo! Và từ từ, sau hôm đó ba khỏe lại. Ba ngồi lên được và cậu dìu ba đi chầm chậm trong nhà... Mọi người đều nói đó là nhờ công đức của mẹ đã hết lòng trì tụng cầu nguyện cho ba.

Ngày ba khỏe lại hẳn, bà ngoại ở Bạc Liêu lên, bà con bên ngoại ở Xóm Củi, bà con bên nội ở Tân Định đều ghé thăm, nghe mẹ kể lại câu chuyện nằm mơ của ba ai cũng tin đó là Phật Bà Quan Âm chứng cho lòng thành của mẹ. Em gái tôi ngây thơ hỏi: “Ba, như vậy bà đó ẵm ba thiệt hả ba? Sao bà ẵm ba nổi? Sao con thấy ba vẫn nằm chỗ này mà?”.

Câu hỏi ngây thơ của em làm mọi người ai cũng cười. Riêng tôi thấy ba nhìn lên bàn thờ và nói: “Nét mặt của bà đêm hôm đó cũng hiền từ nhân hậu như hình Phật Bà trên trang thờ...!”.

Ông nội vừa qua đời xong thì tới ba tôi bệnh... Giờ đã qua hết rồi “tang khó”, bà con chúc ba mẹ sẽ sớm có hai đứa con trai khôi ngô tuấn tú như hình hai em bé trong hình thờ Phật...

Mẹ và ba tôi lần lượt qua đời đã hơn 30 năm, không gia sản để lại cho con. Cái còn lại duy nhất là cái chuông ngày xưa. Tấm hình Phật Bà Quan Âm cùng hai bé trai cũng mục nát, kệ khung thờ bằng gỗ bị mối ăn, sau này mẹ thỉnh lại tượng bằng gốm. Tiếng của chuông không còn trong và ngân như xưa. Nhiều lần đi chùa nghe tiếng chuông tuy nhỏ nhưng ngân vang, tôi có ý muốn thỉnh cái chuông khác... Nhưng tôi lại chạnh lòng, đây là cái chuông duy nhất còn sót lại của căn nhà bé thơ năm xưa sau trở thành nhà lầu năm tầng; đây cũng là di vật của mẹ để lại, kỷ niệm một thời hạnh phúc đầm ấm lúc ba mẹ và hai chị em tôi chưa có hai em trai.

Và tôi lại đổi ý. Đây là chuông của kỷ niệm nghĩa mẹ tình cha, tiếng chuông linh ứng hòa với tiếng đọc kinh của mẹ đã đưa ba vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, tiếng chuông đánh động lòng từ bi của Đức Phật, cho nên dù chuông có rè không ngân nga, không sáng bóng như xưa, nhưng đó là một báu vật mà tôi cần phải gìn giữ!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tiếng chuông khuya

Phật pháp và cuộc sống 08:30 10/01/2025

Ba tôi bệnh rất nhiều, mẹ và cậu đã cố gắng đưa ba đi trị bệnh khắp nơi, từ thuốc tây cho đến thuốc ta! Càng ngày ba tôi càng gầy ốm, bác sĩ nói ba bị thương hàn lại bệnh lâu nên ba không ăn được như bình thường nữa, chỉ húp nước súp và nước gạo lứt rang vàng mà thôi!

Lòng chí thành cảm hóa được người âm

Phật pháp và cuộc sống 13:48 08/01/2025

Lòng chí thành chí kính có thể hóa giải được chướng nạn. Cái điểm quan trọng là mình có thật sự thành tâm chí thành để điều giải hay không?

Lòng người ích kỷ như giếng sâu không đáy…

Phật pháp và cuộc sống 14:41 07/01/2025

Người ta hay nghĩ là, ích kỷ là chuyện nhỏ xíu, rằng nó chỉ là đôi lần tranh phần, đôi chút giành giật những điều mong muốn.

Nam bác sĩ hồi sinh nhờ lá phổi từ người hiến chết não

Phật pháp và cuộc sống 11:11 07/01/2025

Bác sĩ 28 tuổi mắc bệnh phổi nặng, thời gian sống chỉ tính bằng tuần, may mắn hồi sinh nhờ được ghép hai lá phổi hiến của người cho chết não.

Xem thêm