Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 22/02/2022, 08:26 AM

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Niệm Nghĩa – Tôn hiệu Đại giới Đàn Niệm Nghĩa (2022)

Hòa thượng Thích Niệm Nghĩa, thế danh Lê Huệ Kiếm, Húy Ngộ Trị, hiệu Niệm Nghĩa, phổ hệ Dịch Diệp Tương Thừa, đời pháp thứ 39, dòng “Tổ Đạo Giới Định Tông…”

ggggggggggggggggg-1920x1189
2022-02-18_215436
Hòa thượng Thích Niệm Nghĩa: 1894 – 1973

Hòa thượng Thích Niệm Nghĩa: 1894 – 1973

Hòa thượng sinh năm Giáp Ngọ (1894) trong một gia đình trung nông tại xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Thân phụ là cụ ông Lê Văn Mực, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Kỷ, Hòa thượng là người thứ 06 trong gia đình 08 anh chị em.

Khi lên 07 tuổi, Hòa thượng được thân sinh gởi học Nho với cụ đồ Lê Doãn Cung (một thầy nho nổi tiếng trong làng), ở gần chùa Phước Sơn[1]. Học được ba năm, vì gần chùa lời kinh tiếng kệ, phong cảnh thanh u, đạo hạnh thanh thoát của hàng Tăng bảo khiến hạt giống Bồ đề trong lòng Hòa thượng chớm nở, từ đó sau giờ học chiều Hòa thượng lại đến chùa nghe kinh.

Rằm tháng bảy năm Giáp Thìn (1903), Hòa thượng được 10 tuổi, Cụ ông dẫn Hòa thượng đến chùa Phước Sơn đảnh lễ Hòa thượng trụ trì (Hòa thượng Thích Minh Định)[2] thế phát quy y. Thắm thoát trải qua năm năm, Hòa thượng thông thuộc hai thời khóa tụng, bốn quyển Thiền môn Trường hàng luật.

Năm 1908 (được 15 tuổi), Hòa thượng thọ giới Sa di và dự khóa Luật tại giới đàn chùa Phước Lưu, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, do Hòa thượng Thích Đạt Thông tổ chức.

Năm 1910, Hòa thượng dự khóa Hạ đầu tiên tại chùa Bửu Lâm[3], do Hòa thượng Thiên Trường làm Thiền chủ. Sau khi dự Hạ về, Hòa thượng nghiên cứu bộ Địa Tạng Kinh, Di Đà Chú Giải và bộ Quy Nguyên Trực Chỉ.

Năm 1913 (được 20 tuổi), Hòa thượng được Cụ tổ Minh Định cho đăng đàn thọ giới Cụ túc tại chùa Viên Giác[4], do Hòa thượng Thích Phổ Tịnh làm Đàn đầu Hòa thượng. Cũng trong năm này Hòa thượng dự khóa Hạ thứ hai tại chùa Hội Phước, Cái Tào Thượng, tỉnh Long Xuyên, do Hòa thượng Thích Quảng Đạt làm Thiền chủ.

Năm 1916, Phật tử chùa Long Phước (Bang Tra)[5] đến chùa Phước Sơn thỉnh Cụ tổ Minh Định về Bang Tra trùng tu ngôi Tổ đình Long Phước và xin Hoà thượng trụ trì chùa Phước Sơn.

Năm ấy Cụ tổ về chùa Long Phước, còn lại một mình Hòa thượng tuổi còn kém nhỏ không ai dạy bảo, mà “rừng thiền thăm thẳm, bể pháp mênh mông” biết nương tựa vào ai để nghiên tầm áo nghĩa, Hòa thượng bèn đến tham học với Cụ tổ Lê Khánh Hòa[6]. Ở đây Hòa thượng học được bộ Pháp Bảo Đàn Kinh, Pháp Hoa Kinh, Kim Cang chư gia, Phật Học đại cương và Lăng Nghiêm Chánh Mạch.

Năm 1917, Cụ ông Lê Văn Mực qua đời, Hòa thượng phải về nhà cư tang báo hiếu. Tang chế xong Hòa thượng lại tiếp tục con đường học đạo.

Năm 1923, được 30 tuổi, Hòa thượng nhập khóa Hạ thứ ba với chức vụ Thư ký tại chùa Tiên Linh[7], do Cụ tổ Lê Khánh Hòa làm Thiền chủ. Tháng chạp năm đó Cụ bà Phạm Thị Kỷ lại qua đời, Hòa thượng lại về nhà lo cư tang báo hiếu.

Từ đây song thân đã khuất, việc hiếu đã xong, Hòa thượng rày đây mai đó tham học với nhiều Cao tăng thạc đức. Đầu tiên sau khóa Hạ năm 1924 tại chùa Viên Giác (tỉnh Bến Tre), Hòa thượng đến tham học khoa Du Già Thí Thực với Hòa thượng Hoằng Tiên tại chùa Liên Trì – Cái Nứa[8], sau đó đến y chỉ với Hoà thượng Thục Hảo Tâm Thông trụ trì chùa Minh Đức và thay tự Ngộ Trị thành Bổn Trị.

Năm 1925, Hòa thượng được chư Tăng cử làm giáo thọ A xà lê ở giới đàn chùa Tân Long – xã Tân Thuận – tỉnh Đồng Tháp, do Hòa thượng Thích Phổ Tế tổ chức. Sau giới đàn, Hòa thượng đến nhập khóa Hạ thứ tư với nhiệm vụ Phó chúng, tại chùa Long Phước – tỉnh Trà Vinh, do Hòa thượng Thích Hoằng Đức làm Thiền chủ.

Năm 1926, Hòa thượng cùng bổn đạo trùng tu Chính điện chùa Phước Sơn.

Năm 1928, Hòa thượng được Chư Tôn Thiền đức mời làm hội viên sáng lập “Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội” tại chùa Linh Sơn – Saigon. Được vài năm, do nhiều trở lực nên Chư Tôn Thiền đức về chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh mở “Lưỡng xuyên Phật học hội”.

Năm 1935, Hòa thượng nhận lời mời viết mục phụ trương giáo lý cho tờ báo Lục tỉnh tân văn, được 05 bài thì nhà báo đóng cửa, kế đến chủ nhà báo (ông huyện Của) từ trần, nhà báo tan rã, lúc bấy giờ Hòa thượng được 41 tuổi.

Năm 1940-1943, Hòa thượng đắc cử Cố vấn Ban Giáo dục Hội Lưỡng xuyên Phật học [9].

Năm 1941, Hội Lưỡng xuyên Phật học mời Hòa thượng nhận chức Yết ma A xà lê truyền quy giới cho cư sĩ tại gia tại hội này.

Năm 1943, Hòa thượng Thích Thành Đạo mở Đại giới đàn tại chùa Sắc tứ Linh Thứu – Mỹ Tho, Hòa thượng được mời làm Hòa thượng Tuyên Luật Sư, cũng trong năm này Hòa thượng làm Kiểm soát Ban Giáo dục Hội Lưỡng xuyên Phật học (1943-1945) [10].

Năm 1945, đất nước đang hồi khói lửa, phong trào cách mạng chống Pháp bùng nổ, giặc Pháp lùng bắt dân chúng, chiều ngày 24/06/1947, chúng bắt Hòa thượng lên xe chở về Mỏ Cày hành quyết, vì tội làm Việt Minh và chứa Việt Minh chống Pháp, chúng chở Hòa thượng đến Cầu Đúc (thuộc xã An Bình, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre hiện nay) bị bộ đội Việt Minh chặn đánh, Pháp bị thua, Hòa thượng bị thương nơi chân và được đồng bào Phật tử lưu đi thoát nạn. Từ đó Hòa thượng bặt vô âm tích.

Năm 1950, Phật tử đã tìm gặp Hòa thượng ở một ngôi chùa nhỏ tại huyện Thạnh Phú và thỉnh về làm Sám chủ trong đại lễ trai đàn tại hội chợ Bến Tre.

Sau lễ trai đàn Hòa thượng về chùa tạm yên, tiếp tục con đường hoằng dương chánh pháp, mở lớp dạy giáo lý, dạy nghi lễ, được bốn năm, sáng ngày 30/03/1954, Hòa thượng bị đạn của Pháp (mọt chê) bắn trọng thương nơi bả vai phải, phải nằm bệnh viện Bến Tre bốn tháng mới lành. Cũng trong năm ấy, Giáo hội Phật giáo Tăng già thành lập tại chùa Ấn Quang – Saigon, Hòa thượng được Chư Tôn Thiền đức thỉnh về chùa Viên Giác – Bến Tre nhận chức Ban Hoằng pháp tỉnh, sau ba năm mãn nhiệm kỳ, Hoà thượng nhận chức Trưởng ban Giám luật tỉnh.

Năm 1957, Hoà thượng cùng bổn đạo trùng tu nhà giảng chùa Phước Sơn.

Năm 1960, mãn nhiệm kỳ làm giám luật, Hoà thượng được mời làm Tăng trưởng nhưng Hòa thượng khước từ.

Năm 1961, Hòa thượng Tăng trưởng Thích Chí An bệnh nặng, lại một lần nữa Chư Tôn tái thỉnh Hòa thượng đảm nhận chức Tăng trưởng, Hòa thượng chấp nhận.

Sau vụ Ngô Đình Diệm triệt hạ cờ Phật giáo, đàn áp Tăng, Ni trong ngày lễ Phật đản năm 1963, và các tướng lãnh đảo chánh Ngô Đình Diệm ngày 30/09/1963, đến tháng 12 năm đó chư Tôn đức Tăng Ni tôn cử Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Tăng thống, lấy hiệu Giáo hội là “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” và Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già tự giải tán.

Năm 1965, chiến tranh dữ dội, nhà khách chùa Phước Sơn bị sập, Hòa thượng phải lánh nạn ở một nhà nhỏ trong ruộng của chùa. Từ đó phần chiến tranh tàn khốc, phần tuổi cao sức yếu (71 tuổi), Hòa thượng không thể đến với Giáo hội ở tỉnh, cũng như ở Trung ương.

Năm 1969, Chính phủ bình định, đất nước tạm yên, Hòa thượng đã 75 tuổi, Ngài trở về tu bổ lại chùa Phước Sơn, cũng là trang bị lại ngôi tổ ấm để Ngài nương náo khi tuổi già sức yếu.

Trải qua bao thăng trầm vất vả, xác thân của Hòa thượng bị luật vô thường công phá dữ dội, sức cùng lực kiệt, bệnh tật liên miên, mắt mờ, tai lãng thế mà vì lòng từ bi Hòa thượng nhận lời mời của Thượng tọa Thích Giác Thanh, đảm nhận Chứng minh Đạo sư cho Đại giới đàn tháng 11 năm 1970 tại chùa Viên Giác[4]. Đây cũng là Phật sự cuối cùng của đời Ngài.

Vào lúc 17 giờ, ngày 19 tháng 03 năm Quí Sửu (1973), Hòa thượng thu thần thị tịch tại chùa Phước Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Trụ thế 79 năm. Hạ lạp 59 mùa.

Ôi! Rừng thiền hiu hắt gió Đông may,

Vắng tiếng pháp âm vắng bóng thầy,

Muôn thuở còn ghi lời giáo huấn,

Ngàn đời luôn nhớ đức cao dày.

ttttttttttttttt

Chú thích bài viết:

(1) Theo Di chúc của Hòa thượng Thích Niệm Nghĩa thì chùa Phước Sơn, ấp Bình Tây, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre hiện nay do Bà Nguyễn Thị Nghi thành lập năm 1845 [năm thứ 5 đời vua Thiệu Trị (1841 – 1847)]. Linh vị của Bà hiện còn thờ tại chùa Phước Sơn.

(2) Hòa thượng Thích Minh Định gọi đủ là “Đạt Chánh Minh Định” còn gọi là Hoà thượng Long Phước, Hòa thượng Vạn An (không phải Hòa thượng Đạt Thới Chánh Thành thường gọi là Hoà thượng Vạn An, vì Hoà thượng ở chùa Vạn An), đời thứ 38 Thiền phái Lâm Tế phả hệ Dịch Diệp Tương Thừa “… Liễu Đạt Ngộ Chơn Không …” thế danh Đoàn Văn Cứu sinh năm 1859, quê quán ở tỉnh Quảng Nam, chưa biết Hòa thượng vào tỉnh Bến Tre và đến trụ trì chùa Phước Sơn lúc nào! Chỉ biết thời gian từ năm 1900 đến năm 1916 Ngài là trụ trì chùa Phước Sơn, năm 1916 Hoà thượng về trụ trì chùa Long Phước, ấp Giồng Chùa, xã Nhuận Phú Tân (Nhuận Phú Tây xưa), huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Năm 1932, Ngài làm hội viên Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học (theo Tạp chí Từ Bi Âm, kỳ thứ 16, ra ngày 15 Aout 1932, trang 36), lúc này Hoà thượng đang trụ trì chùa Long Phước, nên gọi là Hòa thượng Long Phước. Ngài tịch ngày 25/4/1939, tại chùa Long Phước. Năm 2014, thân nhân cải táng linh cốt của Hoà thượng đem về xây tháp phụng thờ tại chùa Phước Sơn.

(3) Chùa Bửu Lâm, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hiện nay.

(4) Chùa Viên Giác, phường 5, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre hiện nay.

(5) Chùa Long Phước, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre hiện nay.

(6) Cụ tổ Khánh Hòa, chùa Tiên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

(7) Chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre hiện nay.

(8) Chùa Liên Trì, xã Sơn Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre hiện nay.

(9) Lưỡng Xuyên Phật học hội (1940), Ban Giáo dục, Tạp chí Duy Tâm Phật học số 42, trang 30, Ban Trị sự Lưỡng Xuyên Phật học hội, Trà vinh.

(10) Lưỡng Xuyên Phật học hội (1943), Ban Giáo dục, Tạp chí Duy Tâm Phật học số 49-50, trang 31, Ban Trị sự Lưỡng Xuyên Phật học hội, Trà vinh.

Bài viết này bám sát với bảng Tiểu sử của Sư cụ Thích Niệm Nghĩa trụ trì chùa Phước Sơn xã Cẩm Sơn, Kiến Hòa do Ban Tri sự chùa Phước Sơn viết ngày 06/11/1971 đã được Hoà thượng Thích Niệm Nghĩa duyệt qua, và tham khảo thêm một số tư liệu đã nêu.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Tông trưởng Thiền Tịnh đạo tràng

Tăng sĩ 10:27 06/11/2024

Trưởng lão Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, ngài đã đóng góp nhiều công đức trong sự phát triển, ổn định của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Là bậc Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng, ngài là bậc đống lương, nương tựa của tứ chúng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống thiền môn.

Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức

Tăng sĩ 10:30 01/11/2024

Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, thế danh Mai Văn Tạo, pháp húy Nhựt Quang, thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ, sinh ngày 12/4/1949 tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Sư thầy hai bằng thạc sĩ, lấy bằng tiến sĩ tuổi ngoài 60

Tăng sĩ 09:39 07/10/2024

Con đường tu học không điểm dừng, đó là điều nhiều người thấy được từ hòa thượng Danh Lung - trụ trì chùa Chantarangsay, người vừa nhận bằng tiến sĩ dân tộc học ở độ tuổi ngoài 60.

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931-1995)

Tăng sĩ 14:27 02/10/2024

Hòa thượng Thích Chánh Trực là một trong những vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ, trung kiên với lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thiết thân với chư huynh đệ trong đạo tình pháp quyến, lân mẫn và gắn bó với tín đồ ở các hoàn cảnh nguy khốn...

Xem thêm