Thứ năm, 10/04/2025, 17:55 PM

Cuộc đời và đạo nghiệp của Hòa thượng Thích Tâm Hoàn

Nhân húy nhật lần thứ 44 của Hòa thượng Thích Tâm Hoàn, Phatgiao.org.vn đăng hành trạng của Ngài để quý Tăng Ni, Phật tử cùng hướng tâm tưởng niệm, tri ân công đức một bậc Thầy không chỉ của Phật giáo Bình Định mà còn của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG HÚY THƯỢNG TÂM HẠ HOÀN TỰ GIẢI QUY HIỆU HUỆ LONG (1924 - 1981)

Cuộc đời và đạo nghiệp của Hòa thượng Thích Tâm Hoàn 1
Di ảnh Hòa thượng Thích Tâm Hoàn. Ảnh tư liệu

I - THÂN THẾ:

Hòa thượng thế danh NGUYỄN HƯỚNG, pháp danh TÂM HOÀN tự GIẢI QUY, hiệu HUỆ LONG, thuộc dòng thiền phái Lâm Tế đời thứ 43.

Hòa Thượng sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tý (1924) trong một gia đình môn phong Nho giáo tại làng Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Dòng họ Nguyễn Phúc định cư dưới chân đồi Phốc Lốc tính đến đời Ngài đã trải qua 7 đời.

Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phúc Trì tự Tung pháp danh Không Đảnh, đích mẫu là cụ bà Trần Thị Kiện mất sớm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Chiếu pháp danh Không Chiêu, ông bà đều là đệ tử quy y với Quốc sư Phước Huệ trú trì Tổ đình Thập Tháp Di Đà.

Thân phụ Ngài là một Hương chức trong làng, một vị đồ Nho giỏi văn chương thi phú, tín ngưỡng tôn sùng Phật giáo, ông bà sống rất phúc đức nhân hậu với mọi người. Gia đình Hòa thượng có mười anh em (5 anh em trai, 5 chị em gái), Ngài là con thứ tám. Người anh cả của Hòa thượng thế danh Nguyễn Cao theo Pháp sư Phổ Huệ vào Nam, sau đó ở lại định cư lập nghiệp tại Vĩnh Long, người anh thứ năm là Hòa thượng Không Tôn - Nguyên Giác trú trì chùa Diêu Quang (xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), là đệ tử xuất gia của Tổ Phước Huệ được suy cử là Trưởng môn phái của Tổ đình Thập Tháp sau khi Hòa thượng Không Hoa - Huệ Chiếu viên tịch. Em trai út là Nguyễn Phúc Thành pháp danh Như Tựu thừa kế tông môn.

II - XUẤT GIA HỌC ĐẠO:

Thuở Hòa thượng còn nhỏ, mỗi lần Quốc sư Phước Huệ về Phước Lộc thăm song thân đều ghé thăm thân sinh Hòa thượng là cụ đồ Hương Hào On, hai bên đàm đạo văn chương chữ Hán, truyền trao giáo lý Phật-đà. Hơn nữa thân sinh Hòa thượng thường về chùa Thập Tháp tả kinh cho Tăng chúng học, hầu hết các vị đệ tử xuất gia của Tổ Phước Huệ đều có học qua Hán văn với thân sinh Hòa thượng, có Hòa thượng Thích Kế Châu ảnh hưởng cả văn chương thi phú.

Từ những thuận duyên sẵn có ấy, Ngài đã sớm thừa hưởng được phước báu từ gia đình trong cả hai lãnh vực, đạo pháp và tri thức. Khi lớn lên, những nếp sinh hoạt mang nặng truyền thống Phật giáo của gia đình, Ngài đều thuần thục. Cũng như hai bậc sanh thành, Ngài luôn ngưỡng mộ nếp sống đạo phong ung dung thanh thoát của các bậc Tăng-già phạm hạnh, lời kinh tiếng kệ, cảnh thiền môn đã ghi sâu vào tâm thức Hòa thượng mỗi khi theo thân sinh về chùa, hun đúc Hòa thượng chí hướng xuất trần.

Lại thêm một nhân duyên quý báu nữa, Hòa thượng Thích Giác Tánh vốn là học Tăng tại Thập Tháp, thân hữu với dị bào huynh của Hòa thượng, tấn dẫn Hòa thượng xuất gia tại Tổ đình Long Khánh - Quy Nhơn, sau khi được sự đồng ý của song thân.

Hòa thượng xuất gia vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Ất Hợi (1935) vừa tròn 12 tuổi, Bổn sư là Hòa thượng húy Trừng Chấn hiệu Chánh Nhơn.

Vốn tính thông minh mẫn tuệ, năm 1941 đựơc Hòa thượng Bổn sư thương mến cho ra Phật học đường Báo Quốc - Huế học 5 năm (1941- 1945). Thời gian này, Ngài được sự tận tình dạy dỗ của chư tôn đức giáo thọ nổi tiếng, trong đó có Ngài Đốc giáo Thích Trí Độ và bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, là hai vị đang nỗ lực đào tạo Tăng tài cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Cùng khóa được đào tạo với Ngài tại Phật học đường Báo Quốc có quý Hòa thượng Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Nghiêm, Thích Trí Thành, Thích Trí Luân...

Đến năm 1945, vì hoàn cảnh đất nước, Phật học đường Báo Quốc không còn hoạt động, Hòa thượng trở về lại quê nhà tham gia Phật giáo cứu quốc tại Bình Định, cùng nhân dân chống Pháp xâm lược, thể hiện trọn vẹn tinh thần Đạo pháp và Dân tộc.

Năm 1944, lúc 20 tuổi Ngài thọ Cụ túc giới tại Tổ đình Hưng Khánh, trong giới đàn này Ngài được chọn là Vĩ Sa-di.

III - HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH:     

Những năm 1947 - 1948 Hòa thượng là Giáo thọ sư tại các Phật học đường Thập Tháp (An Nhơn), Thiên Đức (Tuy Phước).

Năm Giáp Ngọ 1954 Ngài được tấn phong lên ngôi vị Thượng tọa.

Năm 1956, Tổng hội đồng Hội Việt Nam Phật học mời Hòa thượng giữ chức vụ Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Trung phần niên khóa 1956 - 1957. Cũng trong năm 1957, Ngài giữ chức Phó giám đốc Phật học đường Nha Trang.

Đại hội đồng lần thứ 25 Tổng hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung phần thỉnh cử Hòa thượng là giảng sư vĩnh viễn của Tổng hội và trực tiếp tham gia Phật sự của toàn hội cùng 17 vị: Thích Đôn Hậu, Thích Mật Nguyện, Thích Trí Thủ, Thích Mật Hiển, Thích Thiện Siêu, Thích Thiện Minh, Thích Trí Nghiêm, Thích Huyền Quang, Thích Minh Châu, Thích Thiên Ân, Thích Chơn Trí, Thích Đức Tâm, Thích Trí Không, Thích Mãn Giác, Thích Thiện Giải, Thích Thiện Châu.

Hạ bán niên năm Đinh Đậu (1957), Môn phái chính thức suy cử Hòa thượng đảm nhiệm Trú trì Tổ đình Long Khánh - Quy Nhơn.

Tháng 9 năm 1959 Hòa thượng cùng Hòa thượng Thích Thiện Minh đại diện Tăng cho Hội Phật giáo Trung phần, tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ 3 tại Sài Gòn, một kỳ đại hội đánh dấu cột mốc quan trọng, liên hiệp hợp nhất sáu Tập đoàn Phật giáo thành Tổng hội Phật Giáo Việt Nam. Cũng trong năm này Hòa thượng được suy cử chức vụ Phó Hội trưởng Hội Phật học tỉnh Bình Định.

Năm 1960, Hòa thượng giữ chức Phó Giám viện và Giáo thọ tại Tu viện Nguyên Thiều, Hòa thượng là một trong mười hai thành viên sáng lập Tu viện.

Năm 1964, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Hòa thượng được suy cử Phó nhất Đại diện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định (Hòa thượng giữ cương vị này cho đến cuối đời)

Năm 1968, Hòa thượng là Chánh Hoá chủ Đại Giới đàn Bình Định (trong giời đàn này Hòa thượng cung thỉnh Hòa thượng Tâm Tịnh - Huệ Chiếu đồng Chánh Hóa chủ), tổ chức tại Tổ đình Long Khánh - Quy Nhơn, một sự phát nguyện làm tiền đề cho việc khai mở của một đại giới đàn trong thời kỳ này.

Năm Canh Tuất (1970), Hòa thượng là Phó Giám viện và Giáo thọ tại Phật học viện Phước Huệ - Tổ đình Thập Tháp.

Năm 1973 là Chánh chủ khảo Đại giới đàn Phước Huệ tại Nha Trang.

Năm 1976 là Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn chùa Hưng Long, Bình Định.

Trong những trách nhiệm nặng nề, Ngài luôn luôn tận tụy đảm đang dày công vun đắp, xây dựng cơ sở Giáo hội, hình thành xây dựng Khuôn hội, Huyện hội, động viên tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng có nơi tín ngưỡng và tu học.

Để thắp sáng ngọn đèn chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà đã nhịp nhàng với Giáo hội Trung ương, xiển dương và hiện đại hoá Phật giáo, xây dựng và tổ chức các trường Bồ Đề trong tỉnh. Với cương vị Giám đốc Trung Tiểu học Tư thục Bồ Đề Quy Nhơn, Ngài có công xây dựng từ một ngôi trường Tiểu học nhỏ đến một ngôi trường Trung học lớn, có tầm vóc nhất nhì trong cả nước. Ngài vừa giáo dục Tăng Ni và học sinh, vừa quản lý điều hành trường lớp, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng với chức vụ Trú trì thuyết pháp độ sinh, vừa điều hành công việc Giáo hội, với bao nhiêu công việc bận rộn, nặng nề, Ngài đã không quản khó khăn nhẫn nại đảm nhiệm chu toàn.

Bên cạnh đó Hòa thượng còn là cố vấn giáo hạnh của Gia đình Phật tử, Ngài cũng đã giảng dạy giáo lý, hướng dẫn, đào tạo thế hệ thanh thiếu niên trẻ, con em của các gia đình Phật giáo, những mầm non trẻ của Đạo, từ Oanh vũ đến Đoàn sinh, Thanh thiếu niên và Huynh trưởng có một niềm tin vững chắc đối với Tam Bảo.

Hòa thượng cũng thường xuyên mở lớp giảng dạy giáo lý thuyết pháp cho hàng ngàn Phật giáo đồ và dạy dỗ hàng trăm Tăng sĩ tại bản tự. Về mặt truyền pháp độ sinh, đệ tử của Ngài phần lớn đều được gởi đi tu học và xuất thân từ các Phật học đường danh tiếng, nhiều vị đã trở thành giảng sư lỗi lạc, đang tiếp tục con đường hoằng hóa của Ngài. Kể cả giới Cư sĩ Phật tử tại gia cũng không hiếm người lỗi lạc đang tiếp tục tu học ở khắp mọi nơi. Số thiện tín quy y Tam Bảo có hàng vạn Phật tử ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn và Sài Gòn.

Cuộc đời và đạo nghiệp của Hòa thượng Thích Tâm Hoàn 2
Di ảnh và tượng Hòa thượng Thích Tâm Hoàn tôn trí tại tổ đình Long Khánh - Quy Nhơn.

IV - CÔNG CUỘC TRÙNG TU

Đối với Tổ đình Long Khánh, một ngôi cổ tự được khai sáng từ năm 1700 do Tổ sư Đức Sơn, vị Thiền sư người Trung Quốc khai sơn. Trải qua bao năm tháng lịch sử thăng trầm, vì chiến tranh tàn phá cảnh chùa hoang tàn hư nát. Với sự chủ trương của Hòa thượng Tâm Tịnh - Huệ Chiếu trưởng môn phái trụ trì Tổ đình Thiên Đức bán một số ruộng chùa, sự trợ lực của chư huynh đệ trong môn phái.

Năm 1957, Ngài đứng ra làm công cuộc đại trùng tu kéo dài trong 20 năm, đến năm 1976 vì thời cuộc đổi thay nên tạm ngưng. Công cuộc trùng kiến Tổ đình của Ngài trải qua các giai đoạn sau:

Năm 1956-1957: Hoàn thành việc tái thiết Chánh điện

1958: Xây Tam quan và tường thành

1960: Đúc tượng đồng Đức Thế Tôn

1962: Trùng tu Đông đường và Tây đường

1967: Tái thiết Tổ đường (lầu)

1969: Đúc Đại hồng chung Giác Thế Mộng

1971: Tái thiết lầu chuông, lầu trống

1972: Tôn trí tượng Đức Di Đà phóng quang.

Từ công cuộc kiến thiết xây dựng của Ngài làm nên đường nét cơ bản tổng thể của ngôi phạm vũ huy hoàng. Hậu bối kế thế truyền thừa tiếp nối sự nghiệp ấy đã tô bồi vun đắp xây dựng ngôi Tổ đình ngày một khang trang tráng lệ xứng tích với danh lam thắng cảnh của đất Quy Nhơn - Bình Định.

V- NHỮNG NGÀY CUỐI:

Cả cuộc đời của Hòa thượng thể hiện nếp sống tam thường bất túc, giản dị, nhu hoà, nhẫn nhục, lúc nào cũng nghiêm khắc với bản thân, khiêm tốn và nhã nhặn với mọi người. Hòa Thượng rất thương yêu đồ chúng và hết lòng phụng sự Tam bảo, tuy Phật sự đa đoan nhưng công phu tu niệm hai thời Ngài không bao giờ trễ nãi. Lúc nào Ngài cũng lo cho Phật Pháp xương minh, miên viễn trường tồn. Cả cuộc đời Ngài đã hy hiến cho đạo pháp và dân tộc, sơn môn đồ chúng, pháp hữu tình thâm.

Trải gần 60 năm sống giữa trần đời, hòa đồng cùng nhân thế vào lúc 5h sáng mùng 7 tháng 3 năm Tân Dậu (1981), Hòa thượng an nhiên thị tịch tại Tổ đình Long Khánh, TP.Quy Nhơn, hưởng 58 tuổi đời, 38 tuổi đạo trong sự bàng hoàng tiếc thương của Phật giáo đồ cùng hàng đệ tử môn nhân pháp quyến.

Sau khi Ngài viên tịch, Viện Hoá đạo xét công đức cao dày trong việc hoằng hóa độ sanh và xây dựng Giáo hội, đã tấn phong Ngài lên ngôi vị Hoà thượng mặc dù tuổi chưa tới 60.

Môn đồ pháp quyến phụng soạn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cuộc đời và đạo nghiệp của Hòa thượng Thích Tâm Hoàn

Tăng sĩ 17:55 10/04/2025

Nhân húy nhật lần thứ 44 của Hòa thượng Thích Tâm Hoàn, Phatgiao.org.vn đăng hành trạng của Ngài để quý Tăng Ni, Phật tử cùng hướng tâm tưởng niệm, tri ân công đức một bậc Thầy không chỉ của Phật giáo Bình Định mà còn của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

Tiểu sử Tổ Trung Hậu - Hòa thượng Thích Trừng Thanh (1861 - 1940)

Tăng sĩ 07:18 23/03/2025

Hòa thượng thế danh Nguyễn Ất, pháp hiệu Thanh Ất, sinh năm Tân Dậu (1861) tại làng Thượng Trưng, tổng Thượng Trưng, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (1). Năm Ngài lên 12 tuổi (1873), nhân một hôm được thân mẫu dẫn tới vãng cảnh chùa Trung Hậu ở Phúc Yên. Thấy Ngài có cốt cách khác phàm, vầng trán cao rộng, với đôi mắt sáng, Hòa thượng đệ nhị Sư Tổ đem lòng yêu mến thọ ký và cơ duyên tốt lành đó khiến Ngài phát tâm bước vào cửa thiền với tâm nguyện chí thành cao đẹp.

Đôi nét về tiểu sử Hoà thượng Thích Từ Phong

Tăng sĩ 15:03 22/03/2025

Hòa thượng Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường, sanh năm Giáp Tý (1864) tại Sông Tra, thôn Đức Hòa Thượng, tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

HT.Từ Phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam

Tăng sĩ 09:58 22/03/2025

Khi nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, có lẽ chúng ta không thể nào quên một thời kỳ vàng son, rực rỡ, là thời đại Lý-Trần. Ngược lại, chúng ta cũng không thể không nhớ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi Phật giáo không còn ở ngôi vị quốc giáo như thời hoàng kim xưa kia nữa.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo