Thứ ba, 15/12/2020, 14:07 PM

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Phúc

Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Phúc, thế danh Lê Văn Xa, sinh ngày 15/04/1936 tại làng Tân Ninh, tỉnh Gia Định (nay là phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Sơ Tổ Trúc Lâm trọn đời vẹn đạo

Trưởng lão Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông, hiền lương, phúc hậu, có lòng kính tin Tam Bảo. Ngài là con thứ ba trong gia đình có năm chị em. Thân phụ Ngài là Cụ ông Lê Văn Xoàn. Sau này Cụ ông cũng xuất gia tu học với pháp danh Minh Đức. Thân mẫu Ngài là Cụ bà Lương Thị Ỷ.  

Thuở nhỏ, cha mẹ cho Ngài đến trường tiểu học Đông Tác, Dĩ An, Bình Dương học chữ. Thời gian đi học chưa tròn con chữ, gặp thời ly loạn nên Ngài ngưng việc học, ở nhà phụ giúp công việc đồng áng cho gia đình.

Trưởng lão HT.Thích Giác Phúc (1936-2020)

Trưởng lão HT.Thích Giác Phúc (1936-2020)

Xuất gia tu học

Duyên lành Phật pháp tích tụ nhiều đời, tánh giác năm xưa đợi Thầy điểm hóa, năm 1957 – 1958, Đại lão Hòa thượng Pháp Sư Giác Nhiên cùng đoàn Du Tăng hành đạo tại vùng Sài Gòn - Gia Định và Dĩ An - Bình Dương. Túc duyên nhiều đời, Thầy trò hội ngộ, pháp nhủ trầm hùng của Đại lão Hòa thượng Pháp Sư giúp Ngài khai tâm mở trí, hạt giống Bồ-đề được tưới tẩm, chí xuất trần thượng sĩ nung nấu bấy lâu, nay được dịp nảy nở.

Ngày 29 tháng 09 âm lịch năm 1958, Ngài cùng Trưởng lão Giác Hậu, Trưởng lão Giác Hiền và Trưởng lão Giác Nhẫn đến Tịnh xá Ngọc An (Dĩ An) đảnh lễ Hòa thượng Pháp Sư Giác Nhiên làm Thầy tế độ, khi ấy Ngài tròn 22 tuổi.

Một năm sau, vào ngày Rằm tháng 10 năm 1959, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Sa-di tại Tịnh xá Ngọc Chánh (Bà Chiểu).

Cũng trong dịp này Hòa thượng Pháp Sư xin phép đoàn Du Tăng thành lập Giáo đoàn IV.

Mùa Hạ năm Quý Mão (1963), sau hơn 3 năm hầu cận Thầy để thọ học và thực hành hạnh đức của một vị tập sự Tỳ-kheo. Vào ngày Rằm tháng 7 năm 1963, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo tại Tịnh xá Ngọc Giang (An Giang).

Sau đó, Ngài cùng Hòa thượng Pháp Sư đi hành đạo khắp các tỉnh miền Nam và miền Trung, dựng lập đạo tràng tịnh xá như Tịnh xá Ngọc Hương (Vũng Tàu), Tịnh xá Ngọc Hạnh (Hóc Môn), Tịnh xá Trung Tâm (Bình Thạnh), Pháp Viện Minh Đăng Quang (Quận 2), Tịnh xá Ngọc Thuận (Trảng Bàng), Tịnh xá Ngọc Sơn (Rạch Giá), Tịnh xá Ngọc Hưng (Sóc Trăng), … Đâu đâu cũng lưu dấu chân hành đạo của Ngài.

Năm 1966, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam được thành lập, Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Kiểm soát.

Năm 1975, Hòa thượng về trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang (Quận 2).

Năm 1978, Hòa thượng Bổn sư Pháp sư hành đạo phương xa, Ngài được công cử kế tục trách nhiệm thiêng liêng Trưởng Giáo đoàn IV cho đến ngày nay. Từ đó, Ngài cùng chư Tôn đức đệ tử lớn của Hòa thượng Pháp Sư, nỗ lực, kiên trung, kiền thành thực hiện chí nguyện “Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi” của Hòa thượng Pháp sư, tiếp tục khai mở và dựng lập nhiều ngôi đạo tràng tịnh xá. Cũng trong thời gian này, mỗi năm Ngài thường vân du các miền tịnh xá của Giáo đoàn IV, ân cần thăm hỏi, khuyến khích chư Tăng Ni tinh tấn tu học, hoằng dương giáo pháp với một tinh thần xả kỷ lợi tha, đại hỷ đại xả. Có khi Ngài lui về ẩn mật tịnh tu tại Tịnh xá Ngọc Hương (Vũng Tàu), Tịnh xá Trung Tâm (Bình Thạnh), Pháp viện Minh Đăng Quang (Quận 2) và Tịnh xá Ngọc Minh (Thủ Đức).

Tháng 11 năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Ngài là thành viên trong phái đoàn Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam tham gia Hội nghị Thống nhất Phật giáo. Từ năm 1997 đến năm 2007, Ngài là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương và Phó Ban Tăng sự Trung ương. Năm 2007, Ngài được Đại hội suy tôn vào Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội cho đến ngày nay.

Năm 2001, 2005, 2007, Ngài cùng chư Tôn Đức Giáo đoàn trong và ngoài nước du phương hoằng hóa đến các nước Úc, Hoa Kỳ…

Nhị Tổ Pháp Loa trong sự nghiệp đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc

Truyền đăng tục diệm 

Từ năm 1978, kế thừa trách nhiệm Trưởng Giáo đoàn IV từ Hòa thượng Bổn sư, Ngài thế độ nhiều thế hệ Tăng Ni xuất gia tu học trong Giáo đoàn IV. Và trong nhiều năm, Ngài được cung thỉnh vị trí Hòa thượng Đàn đầu, Giới đàn Phương trượng của Giáo đoàn và Hệ phái tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm. Ngài được cung thỉnh trong hàng Thập sư, Tôn chứng nhiều giới đàn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Gương hạnh sáng ngời 

1. Mô phạm tùng lâm

Cả cuộc đời tu học, dù du hành hay dừng bước tịnh tu, Ngài luôn nghiêm mật hành trì tu tập làm mô phạm cho hàng Tăng Ni, Phật tử. Phong thái thong dong, cốt cách thoát tục, ngôn ngữ từ ái, tâm đức từ hòa, đạo phong thanh thoát, giới đức tinh nghiêm, Ngài không những là tàng cây bóng mát, chỗ dựa tinh thần của chư Tôn đức Tăng Ni trong Giáo đoàn, mà còn là gạch nối, kết tình huynh đệ keo sơn, là tấm gương mô phạm, hiền đức, đại từ - đại bi - đại hỷ - đại xả.

2. Tấm gương hiếu đạo

Có thể nói, Trưởng lão Hòa thượng là tấm gương hiếu đạo của người đệ tử đối với Thầy!

Năm 2007, dù Phật sự bộn bề và tuổi đã cao nhưng Ngài vẫn gác hết công việc Phật sự tại quê nhà để sang Hoa Kỳ hầu cận và chia sẻ Phật sự khó khăn với Đại lão Hòa thượng Bổn sư Thích Giác Nhiên.

Trải qua 4 năm, từ năm 2007 đến năm 2011, dù đối diện nhiều khó khăn gian khổ, chướng duyên, nhưng Ngài vẫn một lòng kiên trung, trọn vẹn bổn phận hiếu đạo của người học trò đối với Thầy!

Cả cuộc đời tu học của mình, cho dù ở gần hay ở xa Thầy, hoặc sau khi Bổn sư viên tịch, mỗi khi nhắc đến Thầy, Ngài đều thể hiện một lòng kính thương vô vàn đối với Thầy Bổn sư!

3. Tinh thần hiếu học

Dù tri thức thế học khiêm tốn, nhưng khi xuất gia, Trưởng lão Hòa thượng lại là tấm gương hiếu học khó ai bì. Ngài miệt mài tự học chữ Hán. Trải qua nhiều năm, Ngài có thể đọc thông thạo những bản kinh bằng chữ Hán và điều này trở thành thói quen thường nhật, là niềm vui mỗi ngày tu học của Ngài! Thật là một tấm gương hiếu học hiếm thấy cho hàng đệ tử noi theo!

4. Từ bi vô lượng

Ai có duyên tiếp cận Trưởng lão Hòa thượng đều cảm nhận sự tươi mát, nhẹ nhàng, ấm áp, từ bi của Ngài lan tỏa. Từ âm thanh giọng nói, ánh mắt, nụ cười… nhất cử nhất động đều toát lên sự nhẹ nhàng, thanh thoát, bao dung, từ mẫn của bậc Thầy hiền đức. Khi khuyến tu cho Phật tử tại gia, Ngài sử dụng ngôn ngữ bình dị, đơn giản nhưng toát lên tình yêu thương vô hạn. Khi khuyến hóa cho đệ tử xuất gia, Ngài luôn gần gũi, thân thiện, hun đúc, tài bồi tinh thần thoát tục cho người xuất gia.

Khi đệ tử lỗi lầm, Ngài luôn bao dung, độ lượng, nâng đỡ, không một lời trách phiền, làm tổn thương bất cứ vị nào với suy nghĩ “ẩn nhẫn, kham chịu chứ không làm buồn lòng người khác”.

Thời kỳ tịnh dưỡng và viên tịch 

Bốn năm hoằng pháp tại Hoa Kỳ, sức khỏe Trưởng lão Hòa thượng có phần suy giảm. Năm 2012, nhận thấy công việc Phật sự của Bổn sư tạm ổn định, Ngài đảnh lễ từ giã Hòa thượng Pháp sư trở về quê hương Việt Nam.

Về Việt Nam, Ngài tịnh dưỡng tại Tịnh xá Trung Tâm (Bình Thạnh). Đến năm 2016, công trình xây dựng Pháp viện Minh Đăng Quang tạm ổn định, nhận lời thỉnh cầu của Hòa thượng Trụ trì, Ngài dời về Pháp viện Minh Đăng Quang tịnh dưỡng.

Từ năm 2018, thân tứ đại của Trưởng lão Hòa thượng hiện tướng bệnh nhẹ do tuổi già. Ngài ít đi đây đó, chỉ thỉnh thoảng dạo quanh khuôn viên Pháp viện, dáng vẻ thong dong, thanh thoát và đầy từ ái! Rồi cứ thế.., cứ thế mỗi ngày…, mỗi ngày trôi qua…, có khi Ngài hiện tướng bệnh yếu, mỏi mòn như ngọn đèn cạn dầu trước gió, mong manh, khi mờ khi tỏ! Rồi… “củi hết lửa tắt!” Lúc 7 giờ sáng ngày 28 tháng 10 năm Canh Tý, Ngài thâu thần an nhiên thị tịch!

85 năm trần thế, 57 mùa an cư, đời – đạo mấy độ thăng trầm, nhưng tinh thần và khí chất của bậc xuất trần vẫn ẩn mật, an yên thoát tục trước sự duyên trần thế!

Cuộc đời của Trưởng lão Hòa thượng mãi mãi là tấm gương sáng của bậc Hiền Tăng, cho hôm nay và mai sau bằng sự tu tập, thực hành lời giáo huấn đặc sắc của Tổ sư Minh Đăng Quang:

Giữ thân giới trong sạch là xứ Phật của mình

Giữ khẩu định trong sạch là Pháp Phật của mình

Giữ ý huệ  trong sạch là con Phật của mình.

Người trọn đời giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý trong sạch thì nhất định sẽ thành tựu hạt giống Tâm Bồ Đề đời đời tuyên lưu chánh pháp.

Giác ngộ viên dung thân chứng Giới - Định - Huệ hoằng dương chánh pháp

Phúc  đức tròn đầy tâm hiện Bi - Trí - Dũng tế độ quần sanh

Nam Mô Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thượng Giác Hạ Phúc  thùy từ chứng giám.

Pháp viện Minh Đăng Quang, ngày 29 tháng 10 năm Canh Tý

Môn đồ đệ tử thành kính cung soạn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

HT.Thích Chơn Kim - đời khí phách, tu nghiêm mật

Tăng sĩ 09:47 19/12/2024

HT.Thích Chơn Kim thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, Pháp danh Tâm Phú, đời thứ 43 dòng Lâm Tế, xuất thân từ dòng họ Nguyễn ở Gia miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa. Tiên tổ là ngài Nguyễn Kim bậc đại thần đã tận trung phục hưng lại nhà Hậu Lê là Lê Trung Hưng; tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 đời chúa kế sau đã trấn giữ và mở mang bờ cõi đến tận phương Nam.

Lễ giỗ Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo tại tổ đình Chúc Thánh

Tăng sĩ 13:45 07/12/2024

Chư tôn đức Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh sáng 6/12 đã cử hành khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo và lịch đại Tổ sư, tại tổ đình Chúc Thánh (P.Tân An, TP.Hội An, Quảng Nam).

Thà chết chứ nhất định không phá giới

Tăng sĩ 19:30 27/11/2024

“Nếu chết thì xin được chết, chứ không thể phá bỏ giới luật”.

Vài nét về tiểu sử Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Tăng sĩ 11:21 27/11/2024

Hòa thượng Giới Đức có thế danh Nguyễn Duy Kha, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1944 tại Dạ Lê thượng, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Thân sinh Hòa thượng Giới Đức là cụ ông Nguyễn Duy Hoan và mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Sừng.

Xem thêm