Thứ năm, 17/01/2013, 11:25 AM

Tìm về Chùa Hành Cung Vũ Lâm - nơi Trần Nhân Tông xuất gia tu hành

Vũ Lâm là nơi xuất gia tu Phật đầu tiên của đức Phật hoàng Trần Nhân tông. Các cụ còn kể đã đi Yên Tử, nơi Phật hoàng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Việt Phật đầu tiên của nước ta...

Sách Đại Việt sử ký toàn thư tờ 538 do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin in năm 2004 có ghi: “Bấy giờ thượng hoàng (chỉ Trần Nhân tông sau khi đã nhường ngôi cho con từ tháng 3 năm 1293) ngự đi Vũ Lâm”. Thời gian này vào khoảng tháng 7 năm Giáp ngọ (1294).

Sang năm Ất mão (1295) Đại Việt sử ký toàn thư tờ 540 lại ghi: “Mùa hạ, tháng 6, thượng hoàng về kinh sư. Đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, lại trở về vậy”.

Như vậy, Trần Nhân tông sau hai lần lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống giặc dữ Mông - Nguyên đại thắng, và sau khi ngài nhường ngôi cho con chưa được hai năm thì ngài xuất gia. Nơi ngài tu Phật đầu tiên là chùa Hành Cung hay còn gọi là hành cung Vũ Lâm..

 Tượng Phật Trần Nhân Tông

Ngày nay ở thôn Hành Cung xã Ninh Thắng huyện Hoa Lư có ngôi chùa cổ, dân quen gọi là chùa Hành Cung, nhưng chùa có tên riêng là “Khai phúc tự” tức là chùa Khai Phúc.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Ninh Bình trích theo nguồn thư tịch cổ như sách “Thái Vi quốc tế ngọc ký (viết trong tập Trần Gia ngọc phả , lập năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1667), sao lại năm Bảo Đại thứ 3 (1924) lưu tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình thì: “Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258) vua Trần Thái tông 40 tuổi, đã nhường ngôi cho hoàng thái tử Hoảng (Trần Thánh tông) về vùng núi lập am Thái tử để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng hành cung Vũ Lâm”.

Việc các vua Trần xây dựng hành cung Vũ Lâm cũng như các vua đi đến hành cung được sách Đại Việt sử ký toàn thư tờ 452 ghi: “Canh tí (1240), mùa xuân, tháng giêng, sai Phùng Tá Chu dựng 5 sở hành cung ở phủ Thanh Hóa”.

Và việc thượng hoàng Trần Nhân tông đi về hành cung Vũ Lâm và xuất gia tại đó như phần đầu bài viết này.

Ta chưa biết chính xác nhà Trần cho dựng hành cung Vũ Lâm vào năm nào; có thể là cùng hoặc muộn hơn thời gian Phùng Tá Chu dựng hành cung ở phủ Thanh Hóa. Nhưng rõ ràng đã có một hành cung và một ngôi chùa mà tại đó vào năm 1294, lần đầu tiên thượng hoàng Trần Nhân tông xuất gia tu Phật ở Vũ Lâm.

Chúng tôi đã nhiều lần về hành cung Vũ Lâm và chùa Khai Phúc. Gặp gỡ các vị trong Ban quản lý di tích, vị trưởng thôn hoặc các vị trong Ban Mặt trận Tổ quốc thôn Vũ Lâm. Các vị cũng như các cụ cao tuổi trong làng đều hết lòng gìn giữ và tôn tạo di tích. Tất cả bà con trong làng đều lấy làm vinh dự khi được biết, Vũ Lâm là nơi xuất gia tu Phật đầu tiên của đức Phật hoàng Trần Nhân tông. Các cụ còn kể đã đi Yên Tử, nơi Phật hoàng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Việt Phật đầu tiên của nước ta. Lại cũng được biết dòng thiền Trúc Lâm đang được phục hưng bởi Hòa thượng Thích Thanh Từ và nhiều vị thạc đức khác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều thiền viện như Thường Chiếu (Vũng Tầu), Trúc Lâm (Đà Lạt), Long Động (Yên Tử), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) v.v… Tất cả các Thiền viện đều có tăng đoàn tu tập và thường xuyên hoằng pháp trong và ngoài tự viện, được dân chúng hoan hỷ hưởng ứng.

Trở lại thực trạng hành cung và ngôi chùa cổ Khai Phúc ở Vũ Lâm.

Hành cung, theo lời kể của bà con, xưa nằm trên một doi đất cao, xung quanh là rừng vầu quanh năm xanh tốt, chợt có làn gió nhẹ đã nghe thấy tiếng lá reo như tiếng nhạc. Hành cung là một ngôi nhà gỗ lợp ngói. Đó là một ngôi nhà vừa phải không có gì gọi là xa hoa cầu kỳ, vẫn tồn tại tới trước 1954. Chỉ có điều trong kháng chiến chống Pháp, giặc đốt cháy mất một góc. Sau đó ta vá sửa bằng chính tre vầu đốn chặt trong khuôn viên hành cung. Và được dùng cho một vài lớp học của trường cấp I trong thôn. Nhưng đến khoảng cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, khi hợp tác xã nông nghiệp đưa lên cấp cao với qui mô toàn xã. Nên xã quyết định phá ngôi nhà gọi là hành cung và cả rừng vầu, san phẳng đi để làm sân kho Hợp tác xã nông nghiệp, còn cột gỗ thì xẻ ra làm nhà kho. Sân kho này rộng khoảng hai hecta (hai vạn mét vuông), được liệt hạng là sân kho lớn nhất huyện Hoa Lư. Hiện nay Hợp tác xã coi như tan rã, sân kho là một bãi đất hoang, không ai dám lấn chiếm, xã cho đấu thầu nhưng không ai ngó tới.

Chùa Hành Cung hay Khai Phúc tự nằm ở phía trước hành cung, cách 60 mét. Ngôi chùa cũng bị tàn phá không còn gì. Tượng Phật, đồ thờ, tường mái đều mất hết. Nghe nói khoảng tháng 6 năm 1953, giặc Pháp đã đến làng, đốt chùa, nhà thờ Thiên Chúa và cả hành cung.

Khoảng năm 1990, các Phật tử đứng ra quyên góp cùng dân làng dựng lại ngôi chùa bằng tranh tre để thờ tạm, nhưng trải hơn hai chục năm đã mục và dột nát không thể vá víu được nữa.

Chúng tôi về chỉ nghe tiếng than thở của bà con. Tôi tìm hiểu về các cổ vật vĩnh cửu như bia đá, chuông đồng được bà con cho biết. Mặc dù giặc đốt phá nhưng chùa vẫn còn lưu giữ được 9 tấn bia đá khá to. Tôi lấy làm mừng lắm, nhờ bà con dẫn đi xem. Duy nhất còn một tấm “bia Hậu”. Tức là bia ghi tên tuổi những người mua “Hậu Phật”, không cho ta biết một chút gì về lịch sử ngôi chùa và lịch sử địa phương. Hỏi còn 8 tấm bia nữa ở đâu. Bà con cho biết, lệnh trên sai đập vỡ để lấy đá xây chân móng nhà kho hợp tác xã. Chúng tôi thật sự nghẹn ngào, và không biết nói như thế nào đối với hành vi ngược đãi văn hóa đến xấc xược như vậy.

Hiện chùa còn giữ được chiếc chuông nhỏ khá đẹp, đúc vào thời Lê trung hưng.

Mới đây, ngày 26 tháng 12 năm 2012, chúng tôi trở lại Vũ Lâm. Một sự thay đổi đáng kể. Chùa đã hưng công, dựng được bộ khung, nếu hoàn thiện cũng tạm gọi là rộng rãi và khang trang.

Tôi hỏi bà Minh, một cán bộ hưu trí đã hơn 80 tuổi, trong Ban quản lý di tích, rằng bà con lấy tiền đâu để dựng chùa. Bà Minh trả lời: “Đây là bà Nhân bà ấy vận động chứ dân làng làm gì có tiền. Các ông có gặp bà Nhân chúng tôi cho người đi tìm”.

Thực tình tôi nghĩ, bà Nhân là một đại gia, hay một nhà tài trợ độc quyền hay một người đấu thầu nào đó, nên tôi không muốn gặp. Tôi nói với bà Mai: “Chúng tôi chỉ là khách vãng lai, nên không muốn làm phiền bà Nhân”. Trong lòng tôi thầm nghĩ đến nhiều người thực tâm hiếu kính tiền nhân, nên không quản khó nhọc để gìn giữ hoặc tu bổ di tích. Nhưng cũng không thiếu nơi giả danh hiếu Phật để buôn Phật. Như ngôi chùa nọ đang trong thời gian xây dựng, đã rao bán một ngàn bức tượng Phật nhỏ, cao cỡ một gang tay, với giá 5 triệu đồng một bức, ai mua sẽ được ghi tên vào đít bụt và đặt trong hốc tường. Một ngàn bức tượng nhỏ kia, cái chùa buôn Phật ấy đã thu về 5 tỉ bạc. Và nếu đã làm hàng loạt như hàng hóa, giá mỗi bức tượng kia chỉ dăm trăm ngàn đồng là cùng.

Thời buổi này, ai buôn bán giỏi, lời 10 phần trăm coi như là thắng rồi, thế mà buôn Phật lãi gấp 10 lần, ai chẳng muốn mở cái tâm phàm ra mà đớp của thiên hạ.

Chúng tôi theo về nhà bà Mai để xem một số tài liệu về ngôi chùa cổ, mà các vị cao niên trong làng đã sưu tầm và ghi chép lại. Bà Mai chưa kịp pha trà thì thấy một Ni sư  xuất hiện ở đầu sân.

Tôi vẫn giữ thái độ dè dặt. Nhưng Ni cô chạy ào vào nhà, giọng hồ hởi: “Từ ba ngày nay con đã quán chiếu thấy có khách về thăm chùa. Chiều nay, ruột nóng như sôi, thế là con chạy sang thẳng đây. May quá gặp quí khách”. Trong đoàn chúng tôi có một vài người mới chỉ gặp thoáng Ni cô một lần. Nay họ nhận ra nhau thân mật như những người bạn cũ.

Khi biết Ni cô chính là bà Nhân như bà Mai nói, tôi thật yên tâm. Nhưng trước đó bà lại không nói rõ là Ni cô Thích Diệu Nhân. Được biết Ni cô trụ trì tại chùa Yên Ninh, thôn Đông Trang xã Ninh An cùng huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Yên Ninh ở cách Vũ Lâm chừng 3 ki lô mét. “Thấy chốn tổ xuất gia đầu tiên điêu tàn quá, lòng con không yên, thế là cắp bát đi khắp thiên hạ, ai cho đồng nào bỏ vào đấy tích góp lại được hơn 1 tỉ đồng, mới làm xong được bộ khung thôi các cụ ạ. Con thiếu 500 triệu nữa thì hoàn thiện được ngôi Tam bảo”. Ni cô trần tình công việc của mình như vậy.

Tuyệt nhiên Ni cô Diệu Nhân không mở lời yêu cầu bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào tài trợ, để bà hoàn thành nốt phần công việc còn lại.

Tôi hỏi: - Ni cô lấy tiền đâu để làm tiếp?

Nhà sư trẻ cười hồn hậu giãi bầy rất khiêm tốn- Dạ thưa, số tiền dựng lên được bộ khung chùa này là của bá tính thập phương, chứ nhà chùa con lấy đâu ra tiền. Thôi thì cái duyên mới tới đấy hãy dừng lại đấy. Con xin nguyện sẽ cùng bà con thôn Hành Cung dựng lại ngôi chùa Khai Phúc cho thật khang trang để thờ Phật hoàng Trần Nhân tông, nhưng tới lúc nào hoàn tất cũng còn tùy duyên, chứ con không dám nài nỉ thập phương bá tánh.

Ôi một nhà sư trẻ, một ni cô đi “ăn mày” thiên hạ lấy tiền xây chùa mà vẫn giữ được tâm hồn cao thượng. Thật đáng trọng thay nhân cách một con người. Thế mà những kẻ đang tay xâm hại các di tích lịch sử, những kẻ buôn thần bán Phật lại không biết hổ thẹn sao.

 Am Ngọa Vân - nơi Trần Nhân Tông nhập cõi Niết Bàn

Địa danh Vũ Lâm đã đi vào lịch sử từ hơn 700 năm nay. Nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bộ sử lớn nhất nước là Đại Việt sử ký toàn thư. Nó cũng được ghi rất trịnh trọng trong sách “Tam tổ thực lục”. Cũng không hiểu ông giám đốc Sở Văn hóa Ninh Bình đã báo cáo tình trạng di tích sắp trở thành phế tích với Cục Di sản chưa? Và Cục di sản Bộ Văn hóa TT-DL đã báo cáo việc này với ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa TT-DL chưa.

Kinh nghiệm như năm 2001, khi chúng tôi không tin vào sách hướng dẫn về di tích danh thắng Yên Tử của ông giám đốc sở Văn hóa-Thông tin, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Quảng Ninh, viết chung với một vị giáo sư tiến sỹ rất có uy tín trong giới sử học chỉ ra “Am Ngọa Vân nằm phía sau Thác ngự dội (Thác tử)”. So với những gì ghi lại trong sách “Thánh đăng lục” khiến tôi không tin, đã trở về Đông Triều và tìm thấy “Am Ngọa Vân”, có cả mấy tấm bia trùng tu từ đời Lê, đời Nguyễn, lại có cả “Tháp Phật hoàng”. Chúng tôi viết bài, chụp ảnh và dịch cả văn bia đăng Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Sau đó, Bộ Văn hóa - Thông Tin đã kịp thời nghiên cứu và cấp bằng xếp hạng DI TÍCH QUỐC GIA CHÙA NGỌA VÂN thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh theo quyết định số 55/2006/QĐ BVHTT ngày 29 tháng 5 năm 2006 do ông Bộ trưởng Phạm Quang Nghị ký.

Mong sao cụm di tích lịch sử Vũ Lâm sớm được đối xử như Am Ngọa Vân! Không lẽ gì Am Ngọa Vân là nơi Phật hoàng Trần Nhân tông nhập niết bàn thì được xếp hạng di tích quốc gia, còn Vũ Lâm là nơi đầu tiên Thượng hoàng Trần Nhân tông xuất gia tu Phật lại bỏ hoang phế và không được liệt hạng di tích lịch sử quốc gia?


Nhà văn Hoàng Quốc Hải

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

  • Tags:
Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm