Tìm về chùa Khai Phúc - chốn Tổ vua Trần xuất gia tu Phật
Một nơi địa linh nhân kiệt là thế, ấy vậy mà lịch sử đã phũ phàng phủ một lớp bụi thời gian dài tưởng như vô tận cho mãi đến đầu năm 2010, một số quý phật tử trong địa phương vì nặng lòng với các bậc tiền nhân nên đã tự vận động bà con
Lời kêu cứu của cụm di tích lịch sử Vũ Lâm
Tìm về Chùa Hành Cung Vũ Lâm - nơi Trần Nhân Tông xuất gia tu hành
Tiếp theo bài báo của nhà văn Hoàng Quốc Hải đăng trên trang tin điện tử phatgiao.org.vn, ngày 23/01/2013, chúng tôi có cơ duyên về lại chốn Hành Cung xưa để thăm viếng và khảo sát lại những dấu tích gắn liền với cuộc đời tu Phật của đức Vua anh minh Trần Nhân Tông tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Nhận lời mời của Sư cô Diệu Nhân, trụ trì chùa Yên Ninh, thôn Đông Trang, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, cách Hành Cung Vũ Lâm chừng 3km, người đã phát đại hạnh nguyện xây cất lại ngôi chùa Khai Phúc theo nếp xưa, nơi đức Vua Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật (1293). Đoàn chúng tôi gồm nhà văn Hoàng Quốc Hải, Tiến sỹ Sử học Đinh Công Vĩ, bà Hoàng Bích Nga, Nhà nghiên cứu Văn hóa, 03 phóng viên kênh Truyền hình An Viên. Cùng đi với đoàn còn có các phật tử Phạm Văn Hồng, Hội Tâm, Minh Tâm và tôi – người viết bài này.
Dừng xe chúng tôi đã được ông Nguyễn Minh Tuân, Ban Tôn giáo Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình, Sư cô Diệu Nhân, ông Đào Anh Lai, người trợ duyên cho Sư cô Diệu Nhân trong việc trùng tu và xây dựng lại chùa Khai Phúc và chùa Yên Ninh và một số bác trong Ban Di tích đang chờ đón.
Do được trù liệu từ trước nên đoàn chúng tôi được ông Lai dẫn đi thăm quan một số địa điểm gắn liền với dấu chân đức Phật hoàng Trần Nhân Tông như đền Thái Vi – Thung Nham, xã Ninh Hải; Hành Cung – Khả Lương – Tuân Cáo – Hạ Trạo xã Ninh Thắng và Khê Đầu, Bộ đầu Thiền Dưỡng xã Ninh Xuân. Đó là những địa điểm (nay là địa danh) có liên quan trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên năm 1285. Chúng tôi bùi ngùi thương nhớ và tỏ lòng biết ơn các chiến sỹ đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ nòi giống và giang sơn không bị hủy diệt trước kẻ thù hung hãn và tàn bạo cách đây hơn 700 năm. Trưa đoàn chúng tôi dừng nghỉ ở xã Ninh Xuân bên dòng sông Sào Khê đi từ Trường Yên về Hành Cung hợp nhất tam giang sông Vân Sàng về sông Yên. Đến đầu giờ chiều Đoàn trở lại Hành Cung Vũ Lâm.
Đoàn chúng tôi vừa tới cổng chùa Khai Phúc thì thấy bà Mai, người trong Ban Bảo vệ Di tích từ trong lối xóm cũng vừa tới đón đoàn. Lác đác thấy mấy bác thợ nề đang buộc chằng mấy cây tre bên cái khung nhà chùa bỏ dở, sư cô Diệu Nhân bộc bạch: - Vừa rồi vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình được một trăm triệu với lãi suất 6%/ năm (dành cho đối tượng xóa đói giảm nghèo) mới có tiền khởi động trở lại để hoàn tất nốt cái mái rồi rước tượng Phật ra để thờ tạm chứ cứ để trổng trơ ra thế này thấy xót xa lắm.
Tôi mạnh dạn hỏi: - Thế từ hôm có bài của nhà văn Hoàng Quốc Hải đăng trên báo Văn nghệ, báo điện tử dantri.com.vn, phatgiao.org.vn, rồi trannhuong.com Sư cô có được thập phương tiếp sức gì không?
Với niềm hoan hỉ Sư cô Diệu Nhân đáp: Có chứ ạ, được hơn mười triệu rồi. Đó là mấy phật tử ở Hà Nội quý kính đức Phật hoàng Trần Nhân Tông họ phát tâm công đức mong ngôi chùa Khai Phúc sớm được hoàn thành.
Tôi lại tiếp: - Vậy là có hơn một trăm triệu rồi chắc công việc sẽ được tiến hành khẩn trương chứ ạ?
Sư cô Diệu Nhân: - Tôi hằng tâm với Khai Phúc tự - Hành Cung Vũ Lâm, đã nhiều đêm không ngủ, thấm đẫm nước mắt. Càng ngày càng trăn trở về ngôi chùa đã gần 3 năm qua vẫn chưa hoàn thành được. Giờ không có đủ tiền cũng phải làm thôi.
Nhìn quanh khuôn viên chùa, tôi bắt gặp một bà, khoảng trên 60 tuổi đang đun nước, nấu cơm cho nhóm thợ xây. Tôi hỏi: - Bữa trước (ngày 26/12/2012) đoàn chúng cháu về không gặp bác. Cơ duyên nào mà bác lại ra đây làm giúp nhà chùa thế này?
Mắt vẫn còn cay xè vì khói rơm, bà ôn tồn nói: - Trước đây ông nhà tôi đi bộ đội về được ít lâu thì tình nguyện ra trông nom khuôn viên chùa được đâu 18 năm thì ông ấy mất. Trước khi khuất núi ông ấy có dặn tôi là sau này bà phải thay tôi ra giữ lấy cảnh chùa kẻo kẻ xấu lấn chiếm, làm bậy. Sớm muộn gì thì ngôi chùa Khai Phúc cũng sẽ được dựng lại. Giờ ban ngày tôi ra nấu cơm phục vụ thợ chiều lại về nhà. Vừa nói bà vừa cười, khuôn mặt đầy phúc hậu.
Khi tôi đang trò chuyện với bà làm bếp – vợ của người làm công quả không mệt mỏi thì Sư cô vội thanh minh: - Trong làng mà không có những người tâm phúc như bà Mai, bà làm bếp đây thì cảnh chùa chắc còn hoang tàn hơn nữa.
Sư cô dẫn Đoàn vào thẳng nơi ngôi chùa chưa phủ mái và chỉ cho chúng tôi hai đoạn móng ngôi chùa cổ còn giữ lại để lưu dấu tích xưa. Vừa chỉ Sư vừa phân trần: - Càng làm càng thấy ngôi chùa Khai Phúc bất tử, linh thiêng đến lạ lùng. Khi khảo sát và xác nhận nơi đây đúng là chùa Khai Phúc, Ban Di tích của xã Ninh Thắng cùng một số bà con tâm huyết đã khai quật và phát hiện nhiều di vật có giá trị lịch sử văn hóa.
Kể từ khi đức Vua Trần Thái Tông (đứng đầu triều Trần – Trần Cảnh) đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1258, lúc đó ông 40 tuổi, truyền ngôi cho con là Trần Thánh Tông rồi cùng Hoàng Thái Hậu về vùng rừng núi Ô Lâm – Ninh Bình và phát hiện ra đây là nơi địa linh, núi non sông nước hữu tình, ngài đã chiêu dân, khai lập, xây dựng một hành cung nho nhỏ. Và phía trước ngài cho dựng một nếp chùa khiêm tốn, làm nơi tu tập và cũng là nơi cho dân chúng lui tới chiêm bái Phật, chùa ấy ngài đặt tên là “Khai Phúc tự”.
Vậy cái tên “Khai Phúc” có ý nghĩa gì? Đó là đức Trần Thái Tông muốn mở lòng đưa hạnh phúc tới mọi người, mọi nhà. Và đó cũng là cầu mong ơn mưa móc do lòng từ ái của đạo Phật soi chiếu tới muôn loài.
Kế tiếp bậc cha chú và ông nội là Trần Thái Tông, đức Vua Trần Nhân Tông, cũng vì lòng hiếu Phật, sau hội nghị Bình Than – Diên Hồng năm 1282 đã cùng quan, quân và tướng lĩnh tạm thời rời Thăng Long và về xây dựng căn cứ địa tại Hành Cung Vũ Lâm làm trung tâm lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến và đã phá tan thế giặc, đánh đuổi quân Mông Thát ra khỏi bờ cõi năm 1285 – 1288, giữ yên giang sơn xã tắc.
Cuối năm 1293, sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông ông đã về Ninh Bình lập tổng Vũ Lâm, gồm ba xã Vũ Lâm (có chùa Hành Cung), Văn Lâm và Tuân Cáo, Đức vua Trần Nhân Tông đã xuất gia tại Khai Phúc tự. Rõ ràng, các bậc tiền nhân trước ông đã tạo dựng được một nền móng vững chắc cho việc truyền bá Phật pháp tại chốn Hành Cung Vũ Lâm này thì đến lượt mình, ông đã tìm được chỗ dựa vững chắc ở nơi dân. Sau hai cuộc chiến tranh 1285 – 1288, đất nước tiêu điều xơ xác, lòng dân li tán. Khai Phúc tự như là nơi mọi người dân đến để bầy tỏ tín ngưỡng của mình, một nơi nương tựa về tâm linh trường cửu. Cái tâm từ bi vô lượng của đức ngài như vậy nên dù có đi đâu về đâu nhưng hễ có dịp về đến ngôi chùa Khai Phúc này, mọi người dân đều như được tiếp một nguồn sinh lực mới, một sức sống mới tuôn ra từ đất mẹ.
Đến tháng 10 năm 1299, ngài chính thức xuất gia lên Yên Tử tu khổ hạnh và lập ra Thiền phái Trúc Lâm do ngài đứng đầu. Tư tưởng đạo Phật xuyên suốt của ngài là tinh thần hòa hợp và đoàn kết dân tộc, bên cạnh đó chống phá mọi hủ tục thờ cúng đa thần, dâm thần và tà thần cùng các hiện tượng mê tín dị đoan khác.
Một nơi địa linh nhân kiệt là thế, ấy vậy mà lịch sử đã phũ phàng phủ một lớp bụi thời gian dài tưởng như vô tận cho mãi đến đầu năm 2010, một số quý phật tử trong địa phương vì nặng lòng với các bậc tiền nhân nên đã tự vận động bà con, thậm chí cầm bát đi xin từng đồng để quyết dựng lại ngôi chùa xưa.
Rồi do cơ duyên thế nào chúng tôi lại được về nơi đây. Như trao đổi với nhà văn Hoàng Quốc Hải, ông cho biết cũng đã một vài lần về Ninh Bình để tìm tư liệu lịch sử và truy tìm các địa danh gắn liền với đức phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như các địa danh lịch sử gắn liền với cuộc chiến tranh chống quân Mông Thát nhưng ông chưa một lần khai bút viết về Vũ Lâm. Có lẽ lần này nhân duyên mới hội đủ nên ông mới mô tả lại thảm cảnh di tích sắp biến thành phế tích nhằm bố cáo cho mọi người cùng biết để cùng có trách nhiệm chung lo.
Trước khi Đoàn từ biệt chùa Khai Phúc tôi hỏi sư cô: - Giờ cầm trên tay bài báo viết về Hành Cung của nhà văn Hoàng Quốc Hải rồi, Sư cô cảm nhận thế nào?
Giọng vừa xúc động vừa rưng rưng, sư cô nói: - Bài báo được ví như là bức Tâm Pháp vậy. Đứng trên nguyện vọng của dân để viết nghĩa là một phật tử chân chính rồi. Nếu như ông ấy mà không vì quý kính các bậc tiền nhân, quý kính tổ tiên và ngưỡng mong chấn hưng Phật pháp nước nhà thì không thể gieo được những câu chữ vừa tâm vừa đạo đến vậy đâu.
Tôi quay sang Nhà văn hỏi dò: - Liệu có phải vậy không chú? Ông chỉ cười và đáp: đó là trách nhiệm công dân của người cầm bút thôi. Chứ ai mà về đây một lần rồi thì đều mang tâm trạng và nỗi niềm như tôi cả.
Lên xe rồi, sư cô Diệu Nhân vẫn nói với: - Về tới Hà Nội rồi, cho nhà chùa gửi lời cảm ơn chân thành đến các quý phật tử đã có lòng hiếu Phật, đóng góp công quả ít nhiều và nhà chùa cũng luôn sẵn sàng ghi nhận các tấm lòng hảo tâm, các tấm lòng vàng của bách gia trăm họ nếu ai phát tâm về nơi chốn Tổ Phật Việt này góp sức, góp của sớm hoàn thiện ngôi chùa Khai Phúc.
Theo thiển ý của tôi, mỗi một người chỉ cần hướng tâm về nơi chốn tổ này, phát một tấm lòng thành kính tri ân với tổ tiên, với các bậc vua sáng, anh minh lỗi lạc như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, tôi hiền như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật…thì sẽ là động lực vững chắc khích lệ sư cô tiếp tục công việc “cao cả” của mình.
Mong sao mọi người chúng ta đều phát lời đại hạnh nguyện xây dựng ngôi chùa Khai Phúc để trả về đúng vóc dáng uy linh xưa kia mà hai vị vua tiền nhân đã dành bao tâm huyết gửi gắm trong đó.
Đinh Hồng Cường
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phóng sinh không cần tiền
Phật pháp và cuộc sống 18:24 18/12/2024Tiếng rao, tiếng trả giá nhộn nhịp một góc cổng chùa. Người mua kẻ bán vội vàng như thể đang tham gia một cuộc đua cầu phúc. Sân chùa khói nhang nghi ngút, dòng người lũ lượt ra vào.
Cúng giỗ giản đơn
Phật pháp và cuộc sống 12:58 18/12/2024Cúng giỗ không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính và tri ân đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Điều cốt lõi và ý nghĩa nhất trong việc cúng bái, giỗ quảy không nằm ở mâm cao cỗ đầy hay hình thức rình rang, mà chính là “lễ bạc lòng thành”.
Im lặng - một loại ngôn từ
Phật pháp và cuộc sống 11:39 18/12/2024Y chang cái chuyện của Đức Phật ngày xưa. Họ chửi, Phật không nhận. Chửi về ai?
Bao lâu rồi bạn chưa uống trà?
Phật pháp và cuộc sống 09:58 18/12/2024Mỗi lần về thăm nhà thấy bã trà trong ấm đã mốc rêu, cặn trà đọng dưới đáy chén vàng khè là tôi biết đã lâu rồi không có khách ghé chơi.
Xem thêm