Tình cha mùa Vu Lan
Trong những ngày gần lễ Vu Lan báo hiếu - rằm tháng bảy tôi luôn nhớ đến cha mẹ mình đã khuất, nhớ đến những kỷ niệm không thể nào quên được bên cha mẹ khi còn ấu thơ. Nhớ đến những câu chuyện tình cha dành cho con mà tôi được nghe, được chứng kiến.
Trong kho tàng văn học Việt Nam nhắc nhiều đến tình mẹ, đem những hình tượng, hình dung từ gần gũi, thân thương, thiêng liêng nhất ví von cho tình mẹ: Mẹ là biển cả bao dung, là bầu trời che chở, là chỗ tựa nương cho con những lúc đau khổ trong đời, mẹ là Thần là Phật, mẹ là quê hương, là bông hồng, là nước trong nguồn chảy ra, là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau....
Do vậy mà chúng ta lơ đi vai trò của người cha, người cha nghiêm khắc khó gần, chỉ biết làm ra tiền đưa cho vợ nuôi con… Không phải thế đâu! Tình cha không khác gì tình mẹ, cha yêu thương con cũng vô điều kiện, cũng lao vào bão tố phong ba sóng dồi gió dập để có tiền nuôi con, cha chấp nhận đổi thay hình hài nhanh theo ngày tháng để có tiền mua sữa cho con, nắng gió hiểm nguy nơi công trường bất chấp, miễn sao có tiền mua sách vở cho con, thời khó khăn của đất nước cỡi chiếc xe đạp cà tàng chở đưa đón con ngày hai buổi đến trường.
Trong mâm cơm miếng ngon nhất dành cho con và nói dối rằng: “Cha no rồi không ăn nữa...". Mới đây truyền thông đã đưa hình ảnh người cha khốn khó, cầm chiếc điện thoại trắng đen nhỏ xíu chụp điểm thi con mình với trái tim đập mạnh trong lồng ngực.
Trong những ngày gần lễ Vu Lan báo hiếu - rằm tháng bảy tôi luôn nhớ đến cha mẹ mình đã khuất, nhớ đến những kỷ niệm không thể nào quên được bên cha mẹ khi còn ấu thơ. Nhớ đến những câu chuyện tình cha dành cho con mà tôi được nghe, được chứng kiến.
Cách đây hai mươi năm, một buổi chiều của tiết trời tháng bảy tôi thơ thẩn dạo chơi trên con đường đất trước chùa, thì nghe tiếng người rên ở lùm chè ven đường, tiếng rên mỗi lúc mỗi to, tôi bước tới bụi chè để xem, thì ra một người đàn ông đã lớn tuổi khoảng gần sáu mươi, nằm khoanh dưới gốc chè, quần áo ướt nhẹp, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Thấy tôi đến hỏi thăm ông đã khóc và nói: “Thầy ơi tôi say rồi, nhà tôi ở Tiên Sơn phải đi qua một chiếc cầu khỉ, tôi không thể nào về nhà được, tôi lạnh quá, chắc tôi chết mất. Tôi chết tôi không sợ, nhưng tôi thương con tôi quá, con tôi còn nhỏ lắm thầy", nói tới đây thì ông khóc òa lên thật to. Tôi đã nhờ Phật tử đưa ông về nhà. Chuyện xảy ra đã hai mươi năm, không hiểu sao cứ ám ảnh tôi, khiến tôi nhớ mãi.
Cách đây hơn một tháng, nội trong ngày: Buổi sáng có một người cha trẻ đem hai cây lộc vừng đến thưa tôi và xin trồng tại khuôn viên chùa với lời trình bày: “Xin thầy ghi tên dùm và cầu an cho đứa con trai, cầu mong Phật gia hộ cho cháu khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn”. Buổi chiều một người cha khác, có gương mặt thức đêm đôi mắt mệt mỏi chở hai tấn xi măng cúng chùa và thưa: “Xin thầy ghi tên cầu Phật gia hộ cho cháu đầu óc được tỉnh táo, có trí nhớ để học hành”. Và buổi sáng hôm nay có một người cha đưa hai con trai qua chùa lễ Phật, ngồi uống nước trà trò chuyện được biết đời anh cũng ba chìm bảy nổi, gian khổ trăm bề để có tiền nuôi con ăn học. Cháu lớn đang học Đại học Y Dược tại Hà Nội, cháu nhỏ đang học Đại học kiến trúc tại TP. HCM, và cháu út đang học cấp hai. Anh tự hào và hạnh phúc về các con của mình.
Từ những câu chuyện mắt thấy tai nghe, tôi đã cảm nhận một cách sâu sắc rằng: “Tình cha không khác gì tình mẹ, cũng cao như núi Tản Viên, cũng mênh mông như trời biển, cũng bằng mọi cách để cho con ăn học nên người, cũng chấp nhận cô đơn cho con mình xa xứ lập nghiệp xứ người, miễn sao con ấm no hạnh phúc".
Ngày lễ Vu Lan báo hiếu đã cận kề, trong bối cảnh dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp, chùa chiền trong rằm tháng bảy năm nay 2020 tổ chức giản đơn không tụ tập đông người. Ngồi viết những dòng chữ này trong đêm với tiếng dế kêu ri rỉ, tiếng tắc kè từng chặp thở ra, tiếng mưa trên mái ngói từng giọt thánh thót rơi đều, tôi nhớ cha tôi vô hạn, nhớ những người cha mà tôi đã từng gặp trong đời. Bài viết này thay cho bông hồng tôi xin được cài lên áo anh, áo chị, áo em trong mùa lễ Vu Lan năm nay, để các anh, các chị, các em…tự hào là ta đã còn cha còn mẹ, cha mẹ là Phật sống trong đời luôn che chở bảo bọc cho ta.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm