Tình hình Phật giáo Nguyên thủy ở Nam Á và Đông Nam Á
Khái lược về tình hình phát triển của Phật giáo tại các nước Nam Á và Đông Nam Á. Số liệu và bình luận được thực hiện bởi Studybuddhism.com.
Ấn Độ
Phật giáo bắt đầu mất sức ảnh hưởng ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7, và hoàn toàn biến mất sau sự sụp đổ của Đế chế Pala vào thế kỷ 12, ngoại trừ ở miền viễn Bắc vùng Hy Mã Lạp Sơn. Cuối thế kỷ 19, Phật giáo đã phục hưng ở Ấn Độ, khi vị lãnh đạo Phật giáo Tích Lan, Anagarika Dharmapala, sáng lập Hội Maha Bodhi (Maha Bodhi Society), với sự giúp đỡ của các học giả người Anh. Mục đích chánh của họ là phục hồi các khu thánh địa hành hương của Phật tử ở Ấn Độ, và họ rất thành công trong việc xây dựng các ngôi chùa ở tất cả các vùng thánh địa, chùa nào cũng có chư Tăng trú ngụ ở đó.
Trong thập niên 50, Ambedkar đã khởi xướng một phong trào Phật giáo mới trong giai cấp tiện dân, nơi mà hàng trăm ngàn người đã cải đạo thành Phật tử, để tránh sự kỳ thị giai cấp. Sự quan tâm đến Phật giáo cũng gia tăng trong giai cấp trung lưu ở thành thị trong thập niên cuối cùng. Hiện nay, có khoảng 2% Phật tử trong dân số Ấn Độ.
Tích Lan
Tích Lan là trung tâm của việc tu học Phật pháp, từ khi Phật giáo được ngài Mahindra đưa vào nước này trong thế kỷ thứ 3, trước Công Nguyên. Mahindra là con trai của Hoàng Đế Ấn Độ, A Dục Vương (Ashoka). Tích Lan có lịch sử Phật giáo tiếp nối lâu dài nhất. Nước này cũng trải qua những thời kỳ suy tàn lâu dài trong chiến tranh, và từ thế kỷ 16 trở đi, khi hòn đảo này trở thành thuộc địa thì các nhà truyền giáo Âu châu đã mang Cơ Đốc giáo đến đây.
Phật giáo trải qua một sự phục hưng mạnh mẽ trong thế kỷ 19, nhờ sự giúp đỡ của các nhà học giả và Thông Thiên học người Anh. Vì thế, đôi khi Phật giáo Tích Lan được mô tả như “Phật giáo Tin Lành”, chú trọng vào việc nghiên cứu học thuật, hoạt động mục vụ của chư Tăng dành cho cộng đồng cư sĩ, và các pháp tu thiền cho giới cư sĩ. Quốc gia này đã dành độc lập năm 1948, và từ đó, sự quan tâm về Phật giáo và văn hóa Phật giáo đã được khôi phục một cách mạnh mẽ.
Ngày nay, 70% dân Tích Lan là Phật tử, với đa số dân chúng theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Sau cuộc nội chiến kéo dài 30 năm, hiện nay, Phật giáo dân tộc có phần gia tăng ở Tích Lan, với một số cơ quan như Bodu Bala Sena (Lực Lượng Phật Giáo), tổ chức các cuộc biểu tình chống Hồi giáo và tấn công các nhà lãnh đạo Phật giáo trung dung.
Miến Điện
Nghiên cứu lịch sử cho thấy Phật giáo có lịch sử hơn 2000 năm tại Miến Điện, với khoảng 85% dân số nhận diện là Phật tử hiện nay. Nước này có truyền thống lâu dài với sự chú trọng quân bình giữa hành thiền và tu học cho cộng đồng xuất gia, và giới cư sĩ duy trì tín ngưỡng cao. Một trong những Phật tử Miến Điện lừng danh là S. N. Goenka, vị cư sĩ giảng dạy thiền minh sát.
Từ khi Miến Điện dành quyền độc lập từ Anh quốc năm 1948 thì cả hai chánh quyền dân sự và quân đội đều đề xướng Phật giáo Nguyên thủy. Dưới chế độ quân sự, Phật giáo bị kiểm soát nghiêm ngặt, và những ngôi chùa chứa chấp các nhà sư bất đồng chánh kiến với chánh quyền thường bị phá hủy. Các nhà sư thường dẫn đầu trong các cuộc biểu tình chánh trị, chống lại chế độ quân sự, chẳng hạn như Cuộc Nổi Dậy 8888, và Cuộc Cách Mạng Áo Vàng năm 2007.
Trong thập niên vừa qua, các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc đã hình thành, cố gắng phục hồi Phật giáo và chống đối Hồi giáo. Ashin Wirathu, nhà sư lãnh đạo Nhóm 969, đã tự gọi mình là “Bin Laden Miến Điện”, và đề ra việc tẩy chay các cửa hàng của người Hồi. Với bề ngoài "bảo vệ Phật giáo", những vụ bạo động phá hoại đền thờ Hồi giáo và các căn hộ của người Hồi đã trở nên phổ biến, với sự phản công của người Hồi giáo lại khiến cho ngọn lửa mâu thuẫn càng bùng nổ thêm.
Bangladesh
Cho đến thế kỷ 11 thì Phật giáo là tín ngưỡng mạnh nhất ở vùng này. Ngày nay, ít hơn 1% dân số là Phật tử, và họ tập trung ở vùng Chittagong Hills Tracts, gần Miến Điện.
Có bốn ngôi chùa Phật giáo ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh, và một số chùa trong làng mạc ở phía Đông. Tuy nhiên, vì bị tách rời với Miến Điện nên trình độ tu tập và lãnh hội Phật pháp ở đây khá thấp.
Thái Lan
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, Phật giáo đã lan truyền đến các đế quốc Đông Nam Á. Người dân theo Phật giáo Nguyên thủy, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tôn giáo dân gian và Ấn giáo, cũng như Phật giáo Đại thừa. Không như Tích Lan và Miến Điện, Thái Lan chưa bao giờ có dòng truyền thừa xuất gia cho phụ nữ. Gần 95% dân số của nước này là Phật tử.
Dựa theo mô hình của chế độ quân chủ Thái Lan, cộng đồng tăng lữ Thái Lan có Đức Tăng Thống, cũng như Hội Đồng Trưởng Lão, có trách nhiệm bảo tồn sự thuần khiết của truyền thống. Có hai nhóm tăng lữ, một nhóm sống trong rừng và một nhóm ở trong làng mạc. Cả hai đều rất được giới cư sĩ tôn kính và bảo trợ.
Các vị khất sĩ theo truyền thống ẩn cư trong rừng thì sống trong các khu rừng biệt lập và hành thiền miên mật, tuân theo giới luật nghiêm ngặt. Các nhà sư trong làng thì chủ yếu thuộc làu kinh kệ và thực hiện nghi lễ cho dân địa phương. Để phù hợp với văn hóa tín ngưỡng thần linh của Thái Lan, các nhà sư cũng ban bùa hộ mạng cho giới cư sĩ. Có một trường đại học Phật giáo dành cho tăng lữ, chủ yếu là đào tạo chư tăng chuyển dịch kinh điển của Đức Phật từ tiếng Pali cổ điển sang tiếng Thái hiện đại.
Lào
Phật giáo lan truyền đến Lào lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, và ngày nay, 90% dân số có tín ngưỡng đạo Phật, pha trộn với thuyết Duy Linh (Animism). Trong chế độ Cộng sản, lúc đầu, chánh quyền không thẳng tay đàn áp tôn giáo, mà sử dụng tăng đoàn để đạt các mục tiêu chánh trị của họ. Theo thời gian, Phật giáo bị đàn áp trầm trọng. Từ thập niên 90, Phật giáo đã hồi sinh, với đa số dân Lào rất mộ đạo, và phần đông nam giới gia nhập tu viện hay vào chùa sống ít nhất một thời gian ngắn. Phần đông các gia đình cúng dường thức ăn cho chư tăng và đi chùa vào những ngày trăng tròn.
Cao Miên
Phật giáo Nguyên thủy là tôn giáo của quốc gia từ thế kỷ 13, với 95% dân số vẫn là Phật tử. Trong thập niên 70, Khmer Rouge đã cố gắng và gần thành công với việc tiêu diệt đạo Phật; đến năm 1979, hầu hết chư tăng đã bị giết hại, hay phải lưu vong, và mọi chùa chiền, thư viện đã bị phá hủy.
Sau khi Thái Tử Sihanouk trở lại làm vua thì các sự hạn chế đã được loại bỏ dần, và sự quan tâm đến đạo Phật đã hồi sinh. Dân Cao Miên cũng là người rất tin tưởng vào bói toán, chiêm tinh học và thế giới thần linh, và các nhà sư thường là người chữa bệnh. Chư tăng tham gia vào nhiều hình thức lễ lạc, từ lễ đặt tên cho trẻ em, đến lễ kết hôn và đám tang.
Việt Nam
Phật giáo truyền đến Việt Nam 2000 năm trước, trước tiên là từ Ấn Độ, nhưng rồi chủ yếu là từ Trung Hoa. Tuy nhiên, vào thế kỷ 15, đạo Phật bắt đầu thất sủng đối với tầng lớp cai trị đất nước. Sự phục hưng xảy ra vào đầu thế kỷ 20, nhưng trong thời kỳ Cộng hòa, chính sách ủng hộ Công giáo đã chống lại Phật tử.
Hiện nay, chỉ có 16% dân số Việt Nam theo đạo Phật (số liệu này cần dẫn thêm nguồn – BTV), nhưng Phật giáo vẫn là tôn giáo lớn nhất.
Nam Dương và Mã Lai
Đạo Phật đã đến vùng đất này vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, bằng tuyến đường thương mãi với Ấn Độ. Trong phần lớn lịch sử của Phật giáo thì đạo Phật đã được tu tập song song với Ấn giáo cho đến thế kỷ 15, khi đế chế Ấn Độ giáo-Phật giáo cuối cùng, Majapahit, bị sụp đổ. Vào đầu thế kỷ 17, Hồi giáo đã hoàn toàn thay thế các tôn giáo này.
Theo chính sách panchashila của chính phủ Nam Dương thì các tôn giáo chính thức phải khẳng định niềm tin vào Thượng đế. Phật giáo không xác nhận Thượng Đế như một cá thể, nhưng khái niệm này được thừa nhận bằng sự khẳng định về A Đề Phật (Adibuddha), hay “Vị Phật Thứ Nhất”, như được thảo luận trong Mật Điển Thời Luân (Kalachakra Tantra), là pháp tu đã hưng thịnh ở Ấn Độ 1000 năm trước. A Đề Phật là đấng sáng tạo toàn trí của mọi hiện tướng, vượt qua thời gian và các giới hạn khác, và mặc dù A Đề Phật được miêu tả bằng một hình ảnh tượng trưng, nhưng thật ra không phải là một chúng sanh. A Đề Phật được tìm thấy trong tất cả chúng sanh như bản tánh thanh quang của tâm thức. Trên căn bản này, Phật giáo đã được chấp nhận song song với Hồi giáo, Ấn giáo, Khổng giáo, Công giáo và đạo Tin lành.
Các nhà sư Tích Lan đang giúp đỡ cho việc khôi phục Phật giáo Nguyên thủy tại Bali và những vùng khác ở Nam Dương (Indonesia), nhưng ở phạm vi rất hạn chế. Những người quan tâm đến Bali là các tín đồ theo truyền thống Bali, pha trộn với Ấn giáo, Phật giáo và tôn giáo thần linh địa phương. Ở các vùng khác của Nam Dương, số Phật tử chiếm khoảng 5% dân số thì xuất xứ từ cộng đồng Nam Dương gốc Hoa. Ngoài ra, còn có một vài giáo phái Phật giáo Nam Dương rất nhỏ, lai tạp giữa các sắc thái Phật giáo Nguyên thủy, Trung Hoa và Tây Tạng.
20% của dân số Mã Lai theo đạo Phật, và phần đông Phật tử thuộc về cộng đồng Hoa kiều. Nửa thế kỷ trước, sự quan tâm đến đạo Phật có phần sút giảm, và năm 1961, Hội Truyền Giáo Phật Giáo đã được thành lập, với mục đích quảng bá đạo Phật. Trong thập niên vừa qua, việc tu tập đạo Phật đã khởi sắc, ngay cả trong giới trẻ. Hiện nay, có nhiều trung Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Kim Cang thừa được tài trợ và hỗ trợ dồi dào.
Trích dẫn từ Studybuddhism.com
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Nghiên cứu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Nghiên cứu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Nghiên cứu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Nghiên cứu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm