Sức lôi cuốn mãnh liệt của Đạo Phật trong thế giới hiện đại
Đạo Phật rất có sức lôi cuốn đối với thế giới hiện đại, bởi vì nó hợp lý và dựa trên nền tảng khoa học. Như Đức Phật nói: “Đừng tin tưởng bất cứ điều gì ta nói chỉ vì lòng tôn kính đối với ta, mà hãy tự mình thử nghiệm nó, phân tích nó, giống như các con đang mua vàng".
Hỏi: Trong năm nay [1988], giáo sư đã đi giảng dạy ở hai mươi sáu quốc gia. Xin giáo sư chia sẻ sự quan sát của mình về việc đạo Phật đang lan truyền đến những vùng đất mới ra sao.
Trả lời của Tiến sĩ Berzin, nhà sáng lập và điều hành trang mạng Phật giáo phi lợi nhuận Studybuddhism.com:
Phật giáo đang lan truyền một cách nhanh chóng khắp thế giới hiện nay. Có những trung tâm Phật pháp ở nhiều quốc gia Âu châu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Úc, Á châu và v.v… Chúng ta thấy có các Phật tử tại Âu châu, không chỉ ở những nước tư bản Tây phương, mà còn ở những nước xã hội chủ nghĩa Đông phương nữa. Thí dụ như Ba Lan có khoảng năm nghìn Phật tử hoạt động tích cực.
Đạo Phật tự thích ứng với văn hóa và tinh thần của con người trong mỗi xã hội mà vẫn bảo tồn những giáo thuyết quan trọng của Đức Phật.
Đạo Phật rất có sức lôi cuốn đối với thế giới hiện đại, bởi vì nó hợp lý và dựa trên nền tảng khoa học. Đức Phật đã nói, “Đừng tin tưởng bất cứ điều gì ta nói chỉ vì lòng tôn kính đối với ta, mà hãy tự mình thử nghiệm nó, phân tích nó, giống như các con đang mua vàng.” Con người hiện đại ngày nay thích một sự tiếp cận không độc đoán như thế.
Đã có nhiều cuộc đối thoại giữa các nhà khoa học và lãnh tụ Phật giáo, như Đức Dalai Lama. Họ đang cùng nhau thảo luận và nghiên cứu xem thực tại là gì. Đức Phật nói rằng tất cả các vấn đề xảy ra vì ta thiếu sự thấu hiểu về thực tại, vì sự mê mờ về phương diện này. Nếu chúng ta nhận thức được chúng ta là ai, thế giới và chúng ta tồn tại như thế nào, thì ta sẽ không tạo ra những vấn đề từ sự mê lầm của mình.
Đạo Phật có một thái độ cực kỳ cởi mở trong việc khảo sát điều gì là chân lý. Thí dụ, Đức Dalai Lama đã nói rằng nếu nhà khoa học có thể chứng minh rằng điều gì Đức Phật hay các đệ tử của người đã dạy là sai hoặc chỉ là sự mê tín, thì Ngài sẽ rất vui lòng và sẵn sàng loại bỏ nó ra khỏi giáo lý nhà Phật. Một sự tiếp cận như thế rất hấp dẫn đối với người phương Tây.
Các đạo sư uyên bác trong quá khứ đã giúp cho Đạo Phật thích nghi với nền văn hóa của mỗi xã hội mà Phập pháp lan truyền đến, vì thế dĩ nhiên là các vị thầy ngày nay cần trình bày đạo Phật ở những quốc gia hiện đại khác nhau bằng các phương cách hơi khác biệt nhau. Nói chung, đạo Phật nhấn mạnh vào một sự giải thích hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, những sự tiếp cận và điểm khác biệt cần có sự nhấn mạnh nhiều hơn, tùy theo những nét văn hóa đặc thù.
Đức Phật đã dạy rất nhiều phương pháp đa dạng, đơn giản chỉ vì con người rất khác biệt nhau. Không phải ai cũng đều suy nghĩ cùng một cách. Hãy xem một thí dụ về thực phẩm. Nếu chỉ có một loại thực phẩm duy nhất trong thành phố, nó sẽ không hấp dẫn được tất cả mọi người. Trái lại, nếu ta có thể có những thực phẩm khác nhau với các hương vị phong phú, thì mọi người có thể tìm thấy điều gì đấy hấp dẫn.
Cũng như thế, Đức Phật đã dạy vô số pháp môn khác nhau với những hương vị đa dạng để cho con người tự phát triển và trưởng thành. Cuối cùng, mục đích của đạo Phật là vượt qua tất cả những giới hạn, vấn nạn và thực chứng mọi tiềm năng của mình, để chúng ta có thể tự phát triển đến mức độ mà ta có thể giúp đỡ mọi người một cách tối đa.
Trong một số quốc gia phương Tây nhấn mạnh về khoa tâm lý học, chẳng hạn như Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, các vị thầy thường trình bày đạo Phật từ quan điểm của tâm lý học. Tại những nước khác, nơi con người ưa chuộng khía cạnh sùng mộ hơn, chẳng hạn như các vùng Nam Âu châu và Mỹ châu La tinh, những vị thầy có khuynh hướng trình bày đạo Phật qua hình thức sùng mộ. Con người ở đấy rất thích tụng niệm, và người ta có thể làm điều ấy trong hành trì Phật pháp. Tuy nhiên, những người ở Bắc Âu lại không thích tụng niệm nhiều như thế. Các vị thầy có khuynh hướng nhấn mạnh sự tiếp cận trí thức ở đấy.
Nhiều người ở Đông Âu ở trong tình trạng rất đáng buồn. Giáo lý đạo Phật lôi cuốn họ rất mạnh mẽ bởi vì nhiều người cảm thấy đời sống của họ trống rỗng. Dù họ có làm việc cật lực với nghề nghiệp của họ hay không, dường như chẳng có điều gì khác biệt. Họ không thấy kết quả nào. Trái lại, Phật giáo dạy cho họ những phương pháp để họ tự cải thiện, để mang đến những kết quả tạo ra sự khác biệt trong phẩm chất đời sống của họ. Điều này làm cho người ta cảm kích và hăng hái một cách không thể tưởng tượng được, khiến họ hoàn toàn lao mình vào những thực hành như lễ lạy hàng nghìn lần.
Bằng cách này, Đạo Phật tự thích ứng với văn hóa và tinh thần của con người trong mỗi xã hội mà vẫn bảo tồn những giáo thuyết quan trọng của Đức Phật. Các giáo pháp chính không thay đổi – mục đích là để vượt qua những vấn nạn và giới hạn của chúng ta, và chứng đắc những tiềm năng của mình. Hành giả sẽ thực hiện điều này với sự nhấn mạnh vào khía cạnh tâm lý học, trí thức, khoa học hay sùng mộ thì còn tùy thuộc vào nền văn hóa của họ.
Chú thích về tác giả, Tiến sĩ Alexander Berzin
Tiến sĩ Alexander Berzin thành lập trang mạng Phật giáo Studybuddhism.com năm 2001. Ông là một giảng sư Phật giáo, thông dịch viên và hành giả với hơn 50 năm kinh nghiệm.
Studybuddhism.com là nguồn tài liệu phong phú về Phật pháp xác thực, được trình bày một cách thực tiễn và thiết thực. Mục tiêu của chúng tôi là giúp cho thế giới hiện đại tiếp cận với trí tuệ của Tây Tạng một cách dễ dàng, miễn phí và không liên quan đến việc quảng cáo.
Trang mạng này là sự tiếp nối của Viện Lưu Trữ Phật Pháp Berzin, cung cấp tài liệu, các bài pháp âm và video mới một cách đều đặn.
Quý đạo hữu, Phật tử Việt Nam có thể tìm hiểu thêm về Phật giáo và về trang mạng tại đây: Studybuddhism.com (chọn ngôn ngữ tiếng Việt).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Phật giáo thường thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Phật giáo thường thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Phật giáo thường thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Phật giáo thường thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm