Toàn văn Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 - Ban Thông tin truyền thông TƯ GHPGVN
BBT xin đăng tải Toàn văn Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 - Ban Thông tin truyền thông TƯ GHPGVN.
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG
Ban Thông tin Truyền thông Trung ương (TTTT T.Ư) là một trong 13 Ban, Viện T.Ư - Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN.
Nhiệm kỳ 2017 – 2022, Ban TTTT T.Ư, Ban TTTT các tỉnh, thành trên toàn quốc đã nỗ lực trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, truyền thông các hoạt động phật sự của Giáo hội cấp T.Ư và địa phương; các hoạt động giao lưu, các sự kiện Phật giáo trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm 2022 là năm cuối của nhiệm kỳ, Ban TTTT T.Ư và Ban TTTT các tỉnh, thành đã và đang tích cực truyền thông về các thành tựu phật sự, công tác xây dựng và phát triển tổ chức Giáo hội các cấp, công tác tổ chức Đại hội Phật giáo các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Hướng đến Chào mừng Đại hội IX GHPGVN, thực hiện nhiệm vụ HĐTS và Ban Tổ chức Đại hội giao, tháng 8 năm 2022, Ban TTTT T.Ư đã xây dựng và trình Đề án Thông tin Truyền thông Báo chí phục vụ Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX của GHPGVN.
Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, Ban TTTT T.Ư và Ban TTTT các tỉnh, thành thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, truyền thông tích cực, kịp thời theo đúng trọng tâm, trọng điểm về các hoạt động phật sự của Giáo hội.
II. CƠ CẤU TỔ CHỨC, CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TTTT T.Ư TRONG NHIỆM KỲ 2017 – 2022
1. Về mặt tổ chức:
1.1. Tổ chức hành chính, kiện toàn nhân sự, xây dựng hệ thống các kênh truyền thông:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII và Chương trình hoạt động phật sự 5 năm Nhiệm kỳ VIII của GHPGVN, căn cứ Hiến chương GHPGVN, Quy chế Ban TT HĐTS. Nhiệm kỳ này, Ban TTTT T.Ư, và BTS các tỉnh, thành đã xây dựng, kiện toàn tổ chức, xây dựng bộ máy hành chính nhân sự để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo hướng chuyên trách, hiệu quả.
Bên cạnh công tác hành chính, chuyên ngành, Ban TTTT T.Ư đã trực tiếp tổ chức thực hiện, xây dựng kênh thông tin truyền thông tập trung, có chỉ số chất lượng chuyên môn như Cổng thông tin Phật giáo (phatgiao.org.vn), kênh PhatSuOnline.Vn, trang tin điện tử tapchinghiencuuphathoc.vn.
Một số Ban, Ngành, Hệ phái trong tổ chức Giáo hội đã xây dựng, phát triển và duy trì được những ấn phẩm truyền thông có chất lượng, uy tín, trong đó tiêu biểu là Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tập san Vô Ưu, Đặc san Hoa Đàm, Tạp chí Khuông Việt, Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy. Một số Ban Trị sự, Ban TTTT các tỉnh, thành, các cơ sở tự viện tổ chức thực hiện các ấn phẩm có chất lượng học thuật, hiệu quả truyền thông như Báo Giác Ngộ, Tạp chí Liễu Quán, Phật học Từ Quang, Tủ sách Tâm Thị…,vv…một số trang web, do các cá nhân hoạt động thiện nguyện phật sự nhưng vẫn duy trì được tần suất cập nhật tin, bài và hình ảnh thường xuyên, như: phattuvietnam.net, nguoiphattu.vn…vv…
Nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban TTTT T.Ư cũng đã soạn Công văn, Bộ Tiêu chí suy cử thành viên Ban TTTT T.Ư, hướng dẫn Ban TTTT các tỉnh, thành phố, huyện, quận tham chiếu theo các tiêu chí cụ thể để đề cử, suy cử, giới thiệu nhân sự Ban TTTT các cấp.
1.2. Các ấn phẩm truyền thông trực thuộc Ban TTTT T.Ư:
Kể từ khi Giáo hội thành lập Ban TTTT T.Ư đến nay, trong tổ chức Giáo hội các cấp đã hình thành được những bộ phận chuyên môn thực hiện công tác thông tin truyền thông hoạt động nề nếp, quy củ, đó là Văn phòng 2 T.Ư Giáo hội có tổ thường trực thực hiện công tác truyền thông; kênh An Viên có nhiều biến động về tổ chức nhưng vẫn duy trì được hoạt động thường nhật; kênh Phật sự Online được thành lập và có nhiều hoạt động nổi bật; Cổng thông tin Phật giáo đã có những đổi mới về cách thức truyền thông theo hướng tổng hợp, đa phương tiện; Trang tin điện tử Tạp chí Nghiên cứu Phật học được xây dựng mới với nội dung có chất lượng chuyên môn phục vụ công tác nghiên cứu, tra cứu dữ liệu và học thuật chuyên ngành.
Chú trọng đổi mới nội dung: Trong nhiệm kỳ này, kênh An Viên và Chương trình Bản tin Ngày An Viên đã trải qua những lần cải tổ và đổi mới hoạt động, xây dựng và phát triển nội dung, nhiều fomat mới chương trình được xây dựng, qua đó đã kịp thời phản ánh, đưa tin, cập nhật các hoạt động của Giáo hội một cách sinh động, kịp thời.
Cổng thông tin Phật giáo phatgiao.org.vn, Kênh PhatSuOnline.Vn….là những địa chỉ cập nhật thông tin phật sự về các hoạt động, các sự kiện phật sự trọng tâm của GHPGVN; bám sát các hoạt động phật sự của HĐTS, các hoạt động của VP1, VP2 Giáo hội, xây dựng các chuyên đề để truyền thông phục vụ các sự kiện phật sự trong từng quý, từng năm và xuyên suốt cả nhiệm kỳ.
Nhân sự Ban TTTT T.Ư và các địa phương đã tích cực hoạt động truyền thông tại các địa phương, cộng tác tin/bài/hình ảnh và video; cung cấp thông tin về các sự kiện phật sự tại địa phương cho Ban TTTT T.Ư. Tích cực nhất là Ban TTTT các tỉnh Thừa Thiên Huế, Long An, Kiên Giang, Quảng Nam, Hà Nội, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, Hệ phái Khất sĩ, Phân Ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự T.Ư vv…vv
Về cổng thông tin Phật giáo Việt Nam, tính đến tháng 10/2022: Có 233.000 người đăng ký, được Youtube công nhận nút bạc, kênh có gần 1000 video được đăng tải, Fanpage được xác thực tickxanh: 175.473 fol, trung bình 30 post/ ngày. Trang tin điện tử có 18.975 tin bài/5 năm; chỉ số truy cập đạt trung bình 4 triệu lượt view/tháng. Tháng 9/2022, Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam đã phát triển ứng dụng đọc và nghe trực tuyến như các ứng dụng trên các báo điện tử hàng đầu ở Việt Nam hiện nay.
Về Cổng thông tin Tổng hợp Phật sự Online hoạt động chính thức từ ngày 28/03/2018, tính đến ngày 12/08/2022 đã đăng tải 21.056 tin tức, hình ảnh, video; thực hiện 1.080 sự kiện truyền hình trực tiếp trên các nền tảng online, thực hiện 9.705 chương trình bản tin thời sự, bản tin tuần và tin tiếng Anh cũng như các Chương trình theo Format của Kênh.
Kênh PSONLINE có 132 thành viên, trong đó có 54 biên chế thường trực ở khắp các Văn phòng đại diện trong cả nước.
PSONLINE tập trung phát triển các Chương trình truyền hình trực tuyến, các sự kiện Phật giáo, tổ chức khóa tu, thuyết giảng online trên các trang mạng xã hội như: Face Book – Fanpage, Youtube và Youku với tên gọi là “PHẬT SỰ ONLINE TV”.
1.3 Một số ấn phẩm truyền thông do các Ban, Viện, Hệ phái, BTS, Ban TTTT trực thuộc các cơ sở tự viện thực hiện:
Tập san Liễu Quán do Trung tâm Văn hóa PG Liễu Quán Huế thực hiện.
Tạp chí Văn hóa Phật giáo do Ban Văn hóa T.Ư Giáo hội tổ chức thực hiện
Tạp chí Khuông Việt do Học viện PGVN tại Hà Nội thực hiện.
Nội san Vô Ưu do BTS Phật giáo tỉnh Đắc Lắc thực hiện.
Đặc san Hoa Đàm do Phân ban Ni giới Ban Tăng sự T.Ư thực hiện.
Tủ sách Tâm Thị do Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa Nha Trang thực hiện.
Nội san Bát Nhã do Ban VH GHPGVN Thành phố Biên Hòa thực hiện.
vv….vv…
2. Mục tiêu hoạt động
Các nhiệm vụ về thông tin:
- Thu thập, tổng hợp các thông tin liên quan đến Giáo hội và thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam để phân tích, xử lý và báo cáo với Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự hoặc sử dụng trong công tác chuyên môn.
- Hộ trì chính Pháp, bảo vệ Giáo hội. Kiểm soát và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của các Chư tăng ni, phật tử và làm sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật.
- Đảm bảo mọi thông tin của Giáo hội ra bên ngoài, trên phương tiện truyền thông là thống nhất và phản ánh đúng, đầy đủ, trung thực ý chí của Giáo hội theo nguyên tắc trong lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chính lần thứ VI: “Sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp”.
- Tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống cổng thông tin điện tử, báo chí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Bảo đảm kỹ thuật và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh về thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên mạng internet và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật trong trường hợp an toàn, an ninh về thông tin nói riêng và uy tín danh dự nói chung của thành viên hoặc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị đe dọa bởi bất cứ mối nguy hại nào từ bên trong và/hoặc bên ngoài Giáo hội.
Các nhiệm vụ về truyền thông
- Thực hiện truyền bá chính Pháp thông qua việc ca ngợi văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và đạo Phật nói riêng, hướng dẫn phật tử và đạo hữu cũng như toàn thể đồng bào cùng đến với chân, thiện, mỹ, góp phần tăng cường sự đoàn kết - gắn bó trong toàn xã hội.
- Thực hiện nhiệm vụ kết nối giữa Giáo hội và các cá nhân, tổ chức bên ngoài để tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa đạo và đời nhằm nâng cao vai trò của Phật giáo trong đời sống nhân dân, hộ trì hoằng dương Phật pháp, tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc trên thế giới theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
- Phối hợp với các cơ quan các cấp có thẩm quyền của Nhà nước hoặc của Giáo hội để thông tin, tuyên truyền về Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoặc xử lý đối với các hành vi vi phạm gây hậu quả xấu hoặc làm ảnh hưởng tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
III. CÁC CÔNG TÁC PHẬT SỰ THỰC HIỆN TRONG NHIỆM KỲ 2017 – 2022
1. Các hoạt động truyền thông phật sự trên Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phatgiao.org.vn; và Trang tin phatsuonline.vn:
Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam - Phatgiao.org.vn và Trang tin PSONLINE đã chủ động truyền thông các sự kiện chính diễn ra hàng năm trên cả nước, có thể tóm tắt một số sự kiện chính – theo định kỳ, như:
Truyền thông các phật sự trọng tâm các sự kiện, các lễ hội diễn ra vào mùa xuân hàng năm như lễ hội chùa Yên Tử, chùa Bái Đính, chùa Hương, chùa Bà Đen, lễ hội Quán Thế Âm ở Đà Nẵng…; chú trọng truyền thông về các hoạt động phật sự ở vùng xa, vùng sâu, vùng hải đảo và biên giới.
Truyền thông trên Bản tin Phật sự, đưa tin truyền thông, phản ánh về các hoạt động đến thăm, chúc mừng năm mới tới chư tôn đức HĐTS T.Ư - GHPGVN của các phái đoàn, bộ, ban, ngành Nhà nước và Chính phủ cũng như một số đoàn ngoại giao quốc tế.
- Các hoạt động đi thăm, chúc mừng năm mới tới các cơ quan, bộ, ban ngành T.Ư và các tỉnh, thành trong cả nước của Chư tôn đức T.Ư GHPGVN cũng như Chư tôn đức BTS GHPGVN các tỉnh, thành trong cả nước.
- Đưa tin về các chuyến thăm, làm việc của các phái đoàn Phật giáo quốc tế, các đoàn ngoại giao, tôn giáo khác đến trụ sở T.Ư GHPGVN tại Hà Nội cũng như VP2 tại Tp.HCM.
- Đưa tin phóng sự về các hoạt động tổ chức Đại lễ Phật Đản, lễ Vu Lan… hàng năm tại Trụ sở Văn phòng T.Ư Giáo hội cũng như khắp các tỉnh, thành trong cả nước (bao gồm cả tin tức về các chuyến đến thăm, chúc mừng của các cơ quan, ban ngành trong và ngoài nước dành cho GHPGVN).
Đưa tin về các hoạt động khai pháp, tạ pháp, bố tát trong mùa An cư Kiết hạ hằng năm; phản ánh các hoạt động tổ chức khóa tu, đặc biệt là các khóa tu mùa hè đang diễn ra trong các năm qua; khánh thành, động thổ xây dựng các cơ sở tự viện, trường học Phật giáo, các khóa bồi dưỡng giáo lý Phật pháp, các lễ bổ nhiệm trụ trì…diễn ra tại hầu khắp các địa phương trong cả nước.
Truyền thông Phật giáo cũng đã phản ánh những nỗ lực, cố gắng của giới tăng, ni, phật tử trong việc giữ gìn nghi lễ, Chính pháp của đạo Phật tại các lễ hội, nghi lễ, sự kiện Phật giáo.
2. Truyền thông trên Kênh An Viên TV:
Trong 5 năm qua, Bản tin Ngày An Viên đã phát sóng khoảng trên 1.300 bản tin với thời lượng 15 phút/1 bản tin và phát lại nhiều lần trong ngày. Vì các lý do khác nhau, đầu năm 2017, Kênh An Viên đã dừng phát sóng Bản tin thời sự phật sự một thời gian, sau đó đã phát sóng trở lại vào ngày 10/5/2017 (15/4/Đinh Dậu – đúng ngày Phật Đản) với tần suất 4 bản tin/ngày (7h, 12h, 16h và 20h).
Chương trình Bản tin Ngày An Viên đã khai thác các sự kiện Phật giáo trong nước và quốc tế nổi bật để đưa tin. Ngoài ra, Kênh An Viên còn có nhiều Chương trình Phật giáo khác như: Dưới cội Bồ Đề, Ngày An Lạc, Chùa Việt Nam…, giới thiệu các công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng thế giới, các phim phóng sự, phim tài liệu về Phật giáo.
Kể từ ngày phát sóng trở lại, Bản tin có thời lượng trung bình 10 – 15 phút (có dao động), phát sóng hàng ngày vào lúc 20h, được chia thành hai phần: Tin tức và Phóng sự. Phần tin tức tập trung truyền tải những tin tức hoạt động phật sự diễn ra trên toàn quốc; phần phóng sự tập trung giới thiệu những tấm gương người tốt, việc tốt, lan tỏa những điều tốt đẹp ra cuộc sống theo đúng tinh thần Phật giáo.
- Giới thiệu Chương trình Ngày An Viên trên báo chí chính thống, thông qua nhiều hình thức nội dung khác nhau: giới thiệu trực tiếp bản tin, giới thiệu thông qua nội dung nhân vật sẽ xuất hiện trong bản tin.
- Hoạt động trên trang Fanpage Ngày An Viên đã giới thiệu toàn bộ bản tin trực tiếp trên fanpage rất hiệu quả, thu hút hàng vạn lượt xem, đặc biệt, có chương trình đã thu hút trên 500.000 lượt xem.
3. Phối hợp với các cơ quan báo chí:
Kể từ năm 2017 đến nay, Ban TTTT T.Ư GHPGVN cũng đã phối hợp cùng các cơ quan báo, đài như Đài THVN, Đài THHN, Đài TNVN, TTXVN, các báo in và báo điện tử như báo Nhân Dân, Hà Nội Mới, Kiến thức, VietnamNet, Vnexpress.Net, Vnmedia, Infonet ….để cung cấp lịch hoạt động phật sự của Giáo hội, ngoài ra khi có yêu cầu xin hình ảnh, tư liệu… , để đăng tải, phát sóng – trong khả năng và nhiệm vụ của mình, Ban TTTT T.Ư đã có sự phối hợp tốt.
Đường dây nóng Ban TTTT T.Ư thường nhận được các cuộc gọi hàng ngày, nội dung phản ánh về tình trạng và lối sống của Chư tôn đức tăng, ni như việc phạm giới, sự cư xử chưa đúng mực ở một số chùa như: mở nhạc, niệm kinh gây ảnh hưởng đến đời sống dân cư; một số chùa cho người hầu đồng, bóng mê tín dị đoan. Ngoài ra cũng có một số thông tin phản ánh về tình trạng ngăn cản chùa hoạt động phật sự, lấn chiếm đất chùa của một số cá nhân và tổ chức….Đặc biệt quan ngại nhất là các phản ánh về việc nhà sư vay tiền không trả, một số sư vi phạm giới luật, tình trạng bao che không xử lý các sự việc như dư luận phản ánh để có kết luận về việc đúng sai một cách rõ ràng. Tất cả những điều đó có ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của tăng đoàn và tổ chức Giáo hội.
Truyền thông Phật giáo cũng đã phản ánh các hoạt động phật sự đối ngoại của Giáo hội như tiếp phái đoàn ngoại giao các nước, tiếp đại sứ các nước, cũng như các tổ chức tôn giáo, nhân quyền đến thăm và làm việc cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chuyến hoằng pháp ở nước ngoài của Chư tôn đức, tăng – ni Giáo hội.
4. Trao đổi và phối hợp hoạt động phật sự với Ban TTTT các địa phương:
Ban TTTT các địa phương hoạt động theo sự chỉ đạo của BTS GHPGVN các tỉnh, thành; nhân sự ủy viên Ban TTTT T.Ư cũng là nhân sự có vai trò chủ chốt trong các hoạt động truyền thông tại các địa phương, cộng tác tin, bài, hình ảnh và video để phụng sự Giáo hội các cấp và đồng thời gửi về Ban TTTT T.Ư những nguồn tư liệu nội dung truyền thông. Đồng thời cung cấp các thông tin về các sự kiện phật sự tại địa phương cho Ban TTTT T.Ư. Trong đó tích cực nhất là Ban TTTT các tỉnh Hà Nội, Quảng Nam, Đắc Lắc, Đắk Nông, Khánh Hòa, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Hà Tĩnh, Nghệ An…
Ban TTTT T.Ư GHPGVN đã gửi Công văn tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành trên toàn quốc, đề nghị BTS Phật giáo các cấp công cử thành viên các Ban TTTT cấp tỉnh, thành trực thuộc phối hợp với Ban TTTT T.Ư để truyền thông về các hoạt động phật sự ở địa phương, công tác chuẩn bị; quá trình đại hội và kết quả Đại hội Phật giáo ở các cấp.
Ngoài ra, Ban TTTT T.Ư cũng đã gửi Công văn đề nghị BTS, Ban TTTT các tỉnh, thành giới thiệu các tấm gương đạo hiếu gửi về cho Ban TTTT T.Ư theo các tiêu chí để tôn vinh, đậm nét và thành công nhất là chương trình Vu Lan được tổ chức năm 2017.
Ban TTTT T.Ư đã gửi công văn về BTS, Ban TTTT các tỉnh, thành thông báo đầu mối tổ chức nội dung của Chương trình Bản tin Ngày An Viên, kênh An Viên, khi có công tác phật sự liên hệ với Bản tin Phật sự của Kênh An Viên và Văn phòng Ban TTTT T.Ư để thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông phật sự diễn ra ở địa phương.
Đến nay, có thể đánh giá, hầu hết các trang web Phật giáo, các ấn phẩm Nội san Phật giáo các cấp đều do các Ủy viên Ban TTTT T.Ư và địa phương đảm nhận, phụ trách.
Một số tỉnh có sự quan tâm đặc biệt đến truyền thông Phật giáo thể hiện ở việc đầu tư vật chất, chú trọng tuyển chọn nhân sự có năng lực truyền thông, tạo điều kiện cho các cộng tác viên cập nhật, cung cấp các tin tức phật sự cho Kênh An Viên, cũng như gửi tin, bài hình ảnh cho trang tin phatgiao.org.vn, đó là các đơn vị như Kiên Giang, Quảng Nam, Đắk Lắc, Đắk Nông, Đà Nẵng, Nghệ An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Cà Mau...
Ban TTTT các địa phương các cấp phụ trách những trang web, ấn phẩm Nội san Phật giáo tại địa phương.
Phân Ban TTTT Phật giáo Nam tông Khmer đã số hóa Tam tạng Kinh điển Phật giáo; Vận hành website của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS;
Ban TTTT Phật giáo Quảng Nam vận hành Bản tin Truyền hình Phật giáo Quảng Nam với những sự phát triển vững chắc, bài bản và tạo được dấu ấn riêng trong mô hình hoạt động truyền thông Phật giáo, có thể coi đây là mô hình trong việc hoạt động truyền thông Phật giáo có hiệu quả, thiết thực, đúng trọng tâm.
Ban TTTT Phật giáo Thừa Thiên Huế thực hiện tốt trang online www.phatgiaohue.vn và www.lieuquan.vn, cũng như tích cực trong công tác truyền thông Phật giáo địa phương và các tin tức văn hóa Phật giáo có chiều sâu, tạo được ấn tượng và cách đi riêng trong việc phát triển truyền thông Phật giáo.
Một số Ban TTTT các địa phương khác như Đắc Lắc, và Phân Ban của các Hệ phái như Khất sĩ, Nam Tông, Phân Ban Ni giới…cũng đã xây dựng được một số ấn phẩm truyền thông có chất lượng hoằng pháp, truyền thông tốt, có hiệu quả.
5. Xử lý khủng hoảng thông tin:
Từ năm 2017 đến nay, các thông tin tiêu cực về Phật giáo trên các trang báo chính thức có xu hướng giảm qua các năm. Ngược lại, tần suất đăng tải các thông tin tiêu cực liên quan đến tu sĩ Phật giáo trên các trang mạng xã hội tăng lên rất nhanh, có rất nhiều trang mạng xã hội, trang facebook, các diễn đàn đã phản ánh những câu chuyện cụ thể về đời sống của người tu hành, tăng – ni vi phạm giới luật, đặc biệt là phạm tội tà dâm, vi phạm về công tác xây dựng, ứng xử thiếu chuẩn mực vv…vv.
Ban TTTT T.Ư nhận được một số công văn của BTS các địa phương, cũng như thư từ, email của bạn đọc gửi tới…. Với những bài có thể đăng tải được, Ban TTTT T.Ư đã phân loại và đăng bài phản ánh trên trang phatgiao.org.vn, gửi Văn phòng Giáo hội xem xét và giải quyết cũng như liên hệ và gửi tới các tờ báo có liên quan, đề nghị sửa chữa, gỡ bỏ hoặc chấn chỉnh các tin, bài có nội dung chưa chính xác.
Một số vấn đề báo chí nêu liên quan đến các vị tăng, ni cụ thể, thẩm quyền xác minh đúng sai thuộc các Ban, Ngành chức năng khác của Giáo hội. Nếu các Ban, Ngành đã có kết luận chính thức về các vụ việc cụ thể, gửi Công văn tới Ban TTTT T.Ư, Ban sẽ có trách nhiệm đăng tải và làm việc với các cơ quan hữu quan có liên quan.
6. Các khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Thông tin Truyền thông;
Đáp ứng nguyện vọng đào tạo chuyên môn cho các Ủy viên, các CTV Ban TTTT các cấp, các cộng tác viên thân hữu. Tháng 11/2019, Ban TTTT T.Ư phối hợp cùng BTS Phật giáo Long An tổ chức Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ TTTT tại Chùa Thiên Châu, Thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Năm 2021, tại chùa Từ Đàm, Tp.Huế, tỉnh TT.Huế, Ban đã phối hợp với BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Khóa bồi dưỡng Nghiệp vụ thông tin truyền thông Phật giáo thời đại 4.0 toàn quốc”.
Trong nhiệm kỳ này, khác với các khóa tập huấn ở nhiệm kỳ đầu mới thành lập Ban, Ban TTTT T.Ư tập trung vào nghiệp vụ chuyên môn; định hướng công tác quản lý thông tin truyền thông Phật giáo, và tập trung chủ đề ứng dụng công nghệ, đặc điểm và tính chất tương tác nhanh, tương tác đa chiều và tính hội tụ của thời kỳ truyền thông trong thời đại 4.0.
7. Tổ chức các Chương trình Vu Lan Đạo hiếu & Dân tộc
Trong Nhiệm kỳ 2012 – 2017, Ban TTTT T.Ư tổ chức được 4 Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình quốc gia bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2017. Nhiệm kỳ 2017 – 2022, trong các năm 2018, 2019 tổ chức 2 sự kiện mang tên “Chương trình nghệ thuật “Tự hào Tổ quốc - Mẹ Việt Nam” được phát song trực tiếp trên truyền hình Quốc Hội, Đài truyền hình KTS VTC…
Các năm sau đó do dịch bệnh Covid 19 nên Chương trình Vu lan dự kiến định kỳ hàng năm đã không tổ chức được.
Mục đích của việc tổ chức Chương trình Vu lan trên sóng Truyền hình là nhằm mục đích tôn vinh Đạo Hiếu và truyền thống văn hóa dân tộc.
8. Sản xuất và công chiếu Chương trình Ký sự Linh Thiêng Thiền Môn Sử Việt
Ban TTTT T.Ư đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC sản xuất Chương trình Ký sự Linh Thiêng Thiền Môn Sử Việt. Chương trình dự kiến sản xuất 100 tập phóng sự giới thiệu giá trị lịch sử của những ngôi Chùa gắn với sự nghiệp dựng nước, giữ nước; hộ quốc an dân trong lịch sử. Đồng thời, tôn vinh, gìn giữ các Di sản văn hóa Phật giáo và giới thiệu điểm đến tâm linh, quảng bá du lịch cho địa phương có ngôi chùa diện diện tới du khách thập phương trong nước và quốc tế.
Công trình phim phóng sự tài liệu Thiền môn linh thiêng Sử Việt là hành trình đi qua những nơi linh thiêng, những địa danh thờ phụng đã bao đời nay được người Việt rất mực tôn kính. Là những nơi gắn liền với các sự kiện lịch sử hình thành và phát triển của phật giáo Việt Nam; gắn với các vị Thiền sư, Pháp sư, Quốc sư, Phật tử đứng ra hộ trì đất nước.
Chương trình phát sóng số đầu tiên vào ngày 30 tháng 5 năm 2021 trên Kênh VTC1 – Đài Truyền hình KTS VTC vào lúc 21h – 21h10 Chủ nhật, tần suất 2 tuần/số, thời lượng 10 phút/chương trình.
9. Truyền thông về môi trường và các chương trình xã hội
Trong Nhiệm kỳ 2017 – 2022, Ban TTTT T.Ư đã tích cực truyền thông về các chủ đề môi trường trên các ấn phẩm thông tin truyền thông Phật giáo.
Từ tháng 7/2019 đến tháng 9/2021, Ban TTTT T.Ư – GHPGVN bên cạnh việc truyền thông theo chức năng nhiệm vụ do Giáo hội giao phó, Ban TTTT T.Ư đã chú trọng truyền thông các chuyên đề về bảo vệ môi trường trên các ấn phẩm thông tin truyền thông của Giáo hội và tại Cổng thông tin Truyền thông Phật giáo Việt Nam tại địa chỉ: phatgiao.org.vn, Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Sơ bộ có tổng số 32 bài viết, hàng trăm bức ảnh có chủ đề về môi trường được truyền thông trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 9/2021. Tính tổng giai đoạn 2017 – 2022, có hàng trăm bài viết; đó là chưa kể các bài truyền thông trên các ấn phẩm truyền thông Phật giáo, hàng chục phóng sự, clip trên Truyền hình An Viên và trên các trang tin điện tử, trang web Phật giáo, hàng ngàn bức ảnh về các hoạt động như nhặt rác, trồng cây, phóng sinh, tổ chức các câu lạc bộ thiện nguyện chung tay bảo vệ môi trường. Đồng thời hướng dẫn tổ chức các triển lãm, hội thảo về việc ăn chay bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, tổ chức các buổi giảng về bảo vệ môi trường lồng ghép trong việc giảng giải giáo lý tại các đạo tràng.
Ban TTTT T.Ư GHPGVN kết hợp với Tạp chí Nghiên cứu Phật học xây dựng nhiều chuyên đề thể hiện vai trò của Phật giáo nói chung, của Giáo hội nói riêng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ban TTTT T.Ư hợp tác cùng Traffic International tại Việt Nam để bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ tê giác; Phối hợp Tham gia phát động Tết trồng cây tại các tỉnh thành trên toàn quốc và Tổ chức Cuộc thi về ăn chay bảo vệ môi trường.
Năm 2021 – 2022, Ban TTTT T.Ư là tổ chức tôn giáo duy nhất được Bộ TN & MT trao Giải thưởng môi trường Việt Nam tại sự kiện Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI tổ chức ngày 31/7/2022 tại Hà Nội.
10. Các công việc khác
- Sản xuất Bộ Zalo Stickers có chủ đề Phật giáo:
Chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, thực hiện nhiệm vụ thông tin truyền thông năm 2022, Ban TTTT T.Ư – GHPGVN hợp tác với Zalo thiết kế bộ stickers (nhãn, hình ảnh động) biểu cảm mang nội dung Phật giáo phục vụ người dùng là cộng đồng phật tử, những người mến mộ đạo Phật nói riêng, khách hàng của Zalo nói chung.
Bộ stickers được chia thành các Chủ đề như: Phật đản, Vu lan, Xuân Di Lặc và các biểu tượng liên quan đến Phật giáo…giới thiệu về văn hóa Phật giáo và đưa Phật giáo vào đời sống thông qua các biểu tượng trên nền tảng ứng dụng của người sử dụng zalo.
- Tổ chức đoàn thăm, tặng quà quân, dân quần đảo Trường Sa:
Trong không khí cả nước hân hoan đón mừng Phật Đản PL.2566, thực hiện các nhiệm vụ thông tin và truyền thông của Giáo hội, từ ngày 30/4 đến ngày 12/5/2022, Ban TTTT T.Ư – GHPGVN cử 5 thành viên tham gia Đoàn Công tác số 6 do Quân chủng Hải quân tổ chức đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn Huyền Trân DKI.
Đoàn công tác đã thăm các điểm đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Đá Lớn C, Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan A, Đá Đông C, Trường Sa và Nhà giàn DK1/7.
Ban TTTT T.Ư đã trao quà cho quân và dân tại các đảo, điểm đảo, nhà giàn Huyền Trân các phần quà ý nghĩa do Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc Tế Mỹ Việt; Tập đoàn Ntea Việt Nam gửi tặng. Một số cá nhân trong đoàn đã trao tặng các phần quà khác như thẻ sim điện thoại, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, sách và các ấn phẩm báo chí, quà tặng khác cho các hộ dân, các lực lượng không quân, biên phòng đóng quân trên các đảo.
Trong chuyến công tác, BTC hành trình tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh “Hành trình đẹp nhất”. Trong tổng số 5 giải thưởng về ảnh của chuyến đi, đoàn Ban TTTT T.Ư có hai tác giả đạt giải Nhì, đó là Tác phẩm "Cháu yêu chú bộ đội", tác giả Nguyễn Văn Á và tác phẩm "Dẫn đường", tác giả Đoàn Xuân Phong.
* Phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo Khoa học “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học xuất bản số đầu tiên”.
Chương trình Lễ Kỷ niệm và Hội thảo Khoa học nhằm ôn lại quá trình xây dựng và phát triển Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong 30 năm qua đã góp phần xây dựng và phát triển GHPGVN trong lòng dân tộc; đồng thời vinh danh thành tích mà Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học, cũng như để tri ân công đức Chư tôn đức lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, học giả, cộng tác viên.
Tháng 8/2022, Ban TTTT T.Ư đã phối hợp cùng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội thành lập Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam, Văn phòng của Trung tâm đặt tại Chùa Đại Từ Ân – Đan Phượng, Hà Nội.
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động, ra mắt vào ngày 22/09/2022 gồm có trên 100 thành viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về công tác sưu tầm, tái tạo, khảo cổ, bảo quản – lưu trữ, nghiên cứu và khai thác dữ liệu, tư liệu Phật giáo, đặc biệt và trước hết là nguồn tư liệu về Phật giáo các tỉnh miền Bắc.
- Ban TTTT T.Ư phục vụ truyền thông Đại lễ Vesak LHQ năm 2019
Ban TTTT T.Ư đã phối hợp với BTC Đại lễ Phật đản Vesak LHQ năm 2019 tổ chức tốt các sự kiện truyền thông trước, trong và sau Đại lễ Vesak. Tổ chức 3 lần Họp báo trước khi diễn ra sựu kiện với sự tham dự của hàng trăm phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.
Tổ chức Trung tâm báo chí hoạt động từ ngày 11/05 đến hết ngày 14/05/2019, tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Trung tâm là địa chỉ tác nghiệp của hơn 200 cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình trong nước, đại diện 72 cơ quan báo chí Quốc tế đã có mặt tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí trong những ngày diễn ra Đại lễ Vesak.
Phiên Khai mạc, Bế mạc Đại lễ Vesak LHQ 2019, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, kênh VOV và hệ phát thanh trên sóng VOV, kênh Phật sự Online, và hàng trăm cơ quan thống tấn, báo chí tham dự và đưa tin.
Ngoài ra, các sự kiện và hoạt động khác tại Đại lễ Vesak LHQ năm 2019 được sự quan tâm và đưa tin/bài/hình ảnh/video đậm nét của truyền thông, như: Nghi lễ tắm tượng Phật; Lễ đàn cầu nguyện hòa bình thế giới; Lễ thắp nến cầu nguyện hoà bình thế; Diễu hành xe hoa dọc các giao lộ từ Thành phố Phủ Lý về Chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam; Triển lãm Phật giáo Việt Nam và thế giới gồm cổ vật, tranh ảnh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, đá nghệ thuật, cũng như tranh sơn dầu về các hang động Phật giáo Ấn Độ; Chương trình biểu diễn nghệ thuật quốc tế: bao gồm 2 chương trình: “Vesak thiêng liêng” và Chương trình “Đai lộ di sản”; Hội chợ văn hóa Phật giáo gồm hàng trăm gian hàng với hàng ngàn sản phẩm văn hóa Phật giáo và thực phẩm chay.
Truyền thông các sự kiện Hội nghị, hội thảo chuyên đề, sự kiện ra mắt bộ Tem chào mừng Vesak 2019; ra mắt mạng xã hội Phật giáo Butta.vn tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, chùa Tam Chúc, Hà Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024 tại TP.HCM
Tin Phật sự 22:17 21/11/2024Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.
Đại đức Thích Mật Tịnh làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo H.Trà Ôn (Vĩnh Long)
Tin Phật sự 07:00 21/11/2024Quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung giữa nhiệm kỳ được công bố sáng nay, 20-11, tại buổi họp sơ kết công tác Phật sự năm 2024 và đề ra phương hướng hoạt động của Phật giáo H.Trà Ôn năm 2025, tại Văn phòng Ban Trị sự - chùa Thiên Phước.
Ban Trị sự tỉnh Bình Dương sẽ đăng cai tổ chức Đại giới đàn Trí Tấn 2025
Tin Phật sự 10:50 20/11/2024Sáng ngày 19/11/2024, tại Tổ đình chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã tổ chức phiên họp triển khai dự thảo kế hoạch tổ chức Đại Giới đàn Trí Tấn PL.2569 – DL. 2025 và triển khai một số Phật sự quan trọng khác.
Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Khóa huân tu chánh niệm lần III
Tin Phật sự 15:10 19/11/2024Chiều ngày 17/11/2024 (nhằm ngày 17/11 năm Giáp Thìn), tại chùa Phước Thới - Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử (HDPT) tỉnh (thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Ban HDPT GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức phiên họp rà soát công tác tổ chức khoá “Huân Tu Chánh Niệm” lần III.
Xem thêm