“Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”
William James là ký giả của tờ báo nổi tiếng New York Times. Anh đã giả làm người vô gia cư và sống với những người vô gia cư ở Miami (Florida, Mỹ) nửa năm để tìm hiểu cuộc sống người vô gia cư.
Trong quá trình tìm hiểu, anh đi từ xúc động này đến xúc động khác. Anh xúc động nhất là khi nghe câu nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”. Sau đó, trên tờ New York Times, câu chuyện của anh được kể lại (1):
Trong một lần thấy anh bước đi khập khiễng một cách vất vả để lật tìm phế liệu, một anh chàng thanh niên da đen bước đến, đưa cho anh túi phế liệu và nói: “Này người anh em, hãy đi sang bên cạnh nghỉ ngơi một chút, túi đồ phế liệu này anh hãy cầm lấy đi!”. Nhà báo trẻ nghe xong, đứng ngẩn ra đó, như thể không tin vào tai mình: “Vậy làm sao được? Những thứ này cậu vất vả lắm mới lượm được mà!”. Người lang thang đó nghe xong, cười và nói một cách rất vui vẻ: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”. Nói xong, liền quay người bỏ đi.
Tới buổi trưa, trong lúc đang cảm thấy đói đói, một người đàn ông bị còng lưng trong nhóm đi đến, đưa cho anh ổ bánh mì và nói: “Này người anh em, hãy ăn đi!”. Anh nghe xong, cảm thấy có chút ngại ngùng: “Nếu anh cho tôi, thế thì anh ăn gì đây?”. Người đàn ông nghe xong, cười và nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”. Nói xong, liền lảng sang bên cạnh bỏ đi. Anh cầm hai ổ bánh mì trong tay, rơi nước mắt, phải rất lâu sau đó mới bình tĩnh lại được.
Đến tối, anh cùng vài người vô gia cư rủ nhau co rúc dưới chân cầu, một ông lão đầu tóc bạc trắng chầm chậm đi đến, vỗ nhẹ vào vai anh rồi nói: “Này người anh em, cậu hãy đến ngủ ở chỗ tôi, ở đó thoải mái hơn một chút”. Anh nghe xong, cảm thấy nghi ngờ nói: “Nếu tôi ngủ chỗ ông, thế thì ông ngủ chỗ nào?”. Ông lão đó nghe xong, cười và nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”.
Sau một thời gian, nhà báo thấy rằng, trong số họ có chàng trai vô gia cư người da đen luôn thích nói đùa, một tay bị tàn tật, nhưng cậu vẫn luôn thích giúp đỡ những người bị tật cả hai tay. Khi người này bày tỏ cảm kích, cậu luôn thích nói một câu: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”.
Một anh chàng khác, thính giác ở hai lỗ tai không được tốt lắm, mỗi lần nhặt được thứ gì tốt, luôn thích chia sẻ một chút cho người bạn vô gia cư có tật ở mắt; khi người này bày tỏ sự cảm kích, anh luôn nói một câu, chính là: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”.
Đọc câu chuyện của William James kể lại, quả thật xúc động. Xúc động nhất là trong hoàn cảnh vô gia cư, nghèo khổ tận cùng nhưng vẫn không ngăn được thiện tính trong tim lên tiếng. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng những con người khó khăn ấy vẫn có thể tử tế và vui lòng chia sẻ với một sự hiểu biết và đồng cảm từ kinh nghiệm chính mình: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”.
Đức Phật nói: “Ai cho vật khả ý sẽ nhận điều khả ý”(2), nhưng số đông thường không đủ duyên để thấy. Người ta sợ cho đi là sẽ mất, nên rất ít người biết cho đi. Nhiều người còn tự biện mình nghèo khó, không có gì để cho. Thực ra, vì chưa đủ trải nghiệm để thấy đồng cảm và chưa đủ nhìn sâu để thấy thiện nghiệp, nên người ta cố giữ chặt những gì mình có và sợ cho đi là sẽ mất. Một người có trải nghiệm và đủ sáng suốt sẽ thấy cái mất không phải là cái cho đi, mà chính là cái giữ lại.
Vì thế, trong điều kiện có thể, chúng ta đừng tiết kiệm quá mức mà không biết cho đi. Tất nhiên cho đi cần phải có một chút trí tuệ. Cho đi cần đúng lúc, đúng nơi và đúng người. Cho đi sự thân thiện, cho đi ý thức trách nhiệm, cho đi một nụ cười hiền, cho đi một cái nhìn đồng cảm, mọi người đều có thể làm được. Cho và tự nghiệm hạnh phúc của người cho, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc và thiện nghiệp từ những cho đi nho nhỏ lại lớn không thể ngờ, nhất là cho đi trong cảm thông và hiểu biết: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”.
-----------------
(1)http://ins.tapchihoaky.com/gia-ngheo-song-voi-nguoi-vo....
(2)Kinh Tăng Chi Bộ 2, Chương V, Phẩm Vua Munda, IV, 44, Cho Các Vật Khả Ý, Hòa thượng Minh Châu dịch Việt.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm sao để tình thương thành "thuốc" chữa lành?
Sống an vui 15:43 03/12/2024Có những lúc mình nói thương ái đó và ngược lại, nhưng mình và người mình thương đều không cảm thấy có hạnh phúc.
Lá vàng ắt phải rụng rơi
Sống an vui 10:08 03/12/2024Mùa thu đến, gió nhẹ khẽ cuốn những chiếc lá vàng rơi rụng khắp lối. Lá lìa cành, trả lại cội nguồn, như một lời nhắc nhở rằng vạn vật trên đời đều tuân theo quy luật vô thường.
Tâm là chủ
Sống an vui 08:00 03/12/2024Đời ta do ta làm chủ/ Mỗi niệm tỉnh giác siêng tu/ Lời nói việc làm chân chánh/ An lạc hạnh phúc thiên thu...
Có một loại chất liệu kỳ diệu trong đời sống
Sống an vui 07:45 03/12/2024Nỗi đau của ta hay của ai đó dường như là một phần tất yếu trong bản nhạc cuộc sống. Nhưng chính xót thương đã thay đổi cách ta lắng nghe bản nhạc ấy. Từ những âm hưởng đượm buồn nó mở ra giai điệu của sự thấu hiểu, của sự an ủi và cuối cùng là của sự tái sinh.
Xem thêm