Thứ năm, 30/01/2025, 15:07 PM

Trong ngần

Có một năng lượng trong ngần đang ngân lên giữa khoảnh khắc trời đất giao hoà.

Thật bình an trong mầu xuân.

Dường như ta đang bỏ lại tất cả mọi tất bật hối hả, thôi thúc của mong cầu.

Ai đó nói, mong muốn càng nhiều càng giúp “chấp niệm” tăng trưởng. Và “chấp niệm” cũng tạo nên sức mạnh nhất định để bản thân vượt qua những chướng ngại, chông gai.

Chấp vào pháp môn, chấp vào vị thầy, chấp vào các hình thái của sắc tướng để duy trì sự ổn định của các trạng thái của tâm tưởng.

Nếu đạt được thành quả nào đó thì sẽ tạo nên một sức mạnh mới, bản ngã duy trì trạng thái vững mạnh và mọi thoả ước không ngừng được tăng cấp.

Giới hạn bản thân là đôi khi cảm thấy bất toại. Và nó phải tìm kiếm sự thoát ly, nếu không muốn nói là chạy trốn khỏi chính bản thân mình.

Đôi khi người ta gọi thoát ly là một dạng “thú”. Thoát tục hay nhập thế cũng từ những cái “thú” ấy tạo nên.

Nhưng vì sao con chim đang hót líu lo thế kia không đậu và hót mãi những tiếng hay ấy trên cành? Vì sao ta không thể nắm giữ được tất cả những thành công? Vì sao ta không thể định tâm hay thanh tịnh trọn vẹn trong mỗi khoảnh khắc?

Trong ngần 1

“Thoát ly” là cách chạy ra khỏi các câu hỏi thường trực phải đối mặt kia.

Cái gì ta đang thực sự nắm giữ?

Các trạng thái mơ hồ, bất định, vụt cái đã tan biến, cứ rong ruổi theo vòng quay của ngày tháng như một giấc mộng kéo dài, lặp đi lặp lại.

Cho nên trong mỗi khoảnh khắc cuộc sống, cứ chạm tới hoa thì hoa nở, chạm tới trăng thì trăng sáng, chạm tới tình yêu thì tình yêu thao thức…

Có phải nó đang đánh lừa cảm xúc và tri kiến của ta, cho đến một ngày mắt ta khó nhìn, tai ta khó nghe, tâm ta khó thấu cảm?

Trang Tử hoá bướm vì “chấp niệm” tự do, vì nghĩ cách bướm kia tự do hơn đôi chân con người chăng?

Cũng như vậy, bằng cách này hay cách khác, người ta phải tự mình hoá thân vào tất cả để tìm tự do, kể cả việc kiếp sau có làm cây thông đứng giữa trời mà reo hay không. Thông reo hay gió reo hay cả hai là tương quan? Khoảnh khắc ấy hãy “cứ là”, “mới là”…

Vì không thể “cứ là”, “mới là” nên không thể tự do, dù ai cũng rõ biết bất cứ sự tự do nào cũng có những điều kiện của ràng buộc. Tìm giải thoát trong các hạnh tu, phương pháp tu cũng vẫn là trạng thái đi tìm ràng buộc. Cũng ví như quá trình đem dây tự trói mình, hay nói như ngài Tuệ Trung Thượng sĩ “đang yên tự chuốc nguy”.

Cụ Nguyễn Du thì nói “Chẳng tu mà cũng như tu mới là”.

Cảnh giới của tham vọng là cảnh giới của chấp niệm. Chấp niệm là chấp vào con đường dưới chân mình, chấp vào lề xưa lối cũ... 

Thiền sư Quảng Nghiêm thời Lý nói “Theo hướng Như Lai luống nhọc mình”. Bởi khi chẳng còn chấp niệm, con đường nào chẳng phải con đường của Như Lai.

Trong cuộc sống, chấp niệm nào gần nhất, chi phối thường xuyên nhất sẽ thúc đẩy các pháp vận hành, tạo ra tâm cảnh tương ưng. Người thích ngồi thiền sẽ tìm đến thiền đường, người ưa niệm Phật sẽ tìm đến các đạo tràng tịnh niệm…

Ngã chấp và pháp chấp tuy hai mà một, vì con người vốn dĩ phải “thuộc về” một đặc tính cấu tạo nào đó, giống như gien di truyền và môi trường sinh sống vậy.

Dù khát vọng muốn hoá bướm hay muốn làm cây thông đứng giữa trời mà reo chi phối, thôi thúc thế nào thì cũng không ra ngoài bản thể tương quan thông suốt của pháp giới.

Vô ngã là sự hành hóa của các duyên tương ưng, như xuân đến (hoa nở), xuân đi (hoa tàn). Gọi xuân - hạ - thu - đông là gì cũng chỉ là vô thường trong mỗi khoảnh khắc. Không thấy vô thường thì dù có đi ngàn vạn dặm để tìm mùa xuân cũng chỉ là chấp niệm của một gã nghèo cùng luôn thiếu thốn.

Vì thế khoảnh khắc gió mát sau lưng, hoa nở trước mắt đều cùng một thể với ta. Trong vô thường, cái mất đi và cái sinh ra luôn làm mới cho nhau.

Trang Tử không cần dứt hơi thở mà cánh bướm tự do đã bay lượn khắp vườn xuân. Nguyễn Công Trứ để tiếng lòng reo như thông giữa trời mà chẳng đợi đến kiếp sau sinh hoá.

Tổ Trần Nhân Tông nói “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” (Mỗi lần chạm đến lại thành mới tinh). Vượt qua bức màn kéo của thiện ác, sinh tử, khoảnh khắc mùa xuân vẫn luôn trong ngần và mới tinh như thế!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hành thiền là mùa xuân

Xuân Muôn Nơi 08:39 19/02/2025

Tất cả chúng ta đều mong muốn có được hạnh phúc, an lạc trong cuộc đời. Nhưng khi chúng ta hướng tâm ra xung quanh, nào là xung đột, bất an, chiến tranh, tật bệnh, nhiều hiểm họa đang ảnh hưởng tới sự bình an của bản thân. Cảm giác tách rời, xa lạ, sân hận với mọi người và thế giới xung quanh, đôi khi ta có cảm giác và niềm tin rằng phải đấu tranh, chiến đấu với mọi người, với người khác mới mang lại cho ta niềm an lạc đích thực, nằm ở sự đấu tranh?

Hàng ngàn ngọn nến cầu an tại chùa Pháp Bảo

Xuân Muôn Nơi 11:16 13/02/2025

Tối Rằm Tháng Giêng (12/2), trong không gian trang nghiêm và thanh tịnh, chùa Pháp Bảo (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã long trọng tổ chức pháp hội hoa đăng cầu quốc thái dân an, quy tụ đông đảo chư Tăng Ni và quý Phật tử từ khắp nơi về tham dự.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Xuân Muôn Nơi 10:30 11/02/2025

Dẫu mùa xuân có qua đi, trăm hoa có rơi rụng úa tàn, rồi thì mùa xuân cũng trở lại và muôn hoa vẫn đua nở, để hiến dâng cho đời những hương sắc xinh tươi.

Linh thiêng lễ rước Tam tổ Trúc Lâm tại hội Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang

Xuân Muôn Nơi 16:09 09/02/2025

Sáng 9/2, dù thời tiết Bắc Giang rất lạnh, hàng chục nghìn người dân và du khách vẫn có mặt tại quảng trường trung tâm dự lễ khai hội.

Xem thêm