Trưng bày không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử
Ngày 14/2, tại Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử , Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức trưng bày “Không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử”; giới thiệu tiềm năng, điểm đến du lịch Bắc Giang và ra mắt cuốn sách “Di tích và danh thắng Tây Yên Tử.”
Trong bài phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang khẳng định, dọc sườn Tây Yên Tử hiện nay còn lưu lại rất nhiều di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là vào thời Lý - Trần.
Đặc biệt hơn, phía sườn Tây Yên Tử thuộc các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động của tỉnh Bắc Giang vào thời Trần còn có hàng loạt các di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, được chính các vị Tổ sư cho xây dựng, tu tạo, mở mang để trở thành các chốn tùng lâm lớn như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Thiên, Yên Mã…
Song hành với các danh lam cổ tự là các danh thắng và văn hóa phi vật thể gắn với không gian văn hóa Phật giáo, nhiều lễ hội truyền thống. Được thiên nhiên ban tặng, nhiều thắng cảnh kỳ thú với những cánh rừng nguyên sinh cùng hệ động, thực vật phong phú đã tạo nên những tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch của tỉnh.
Trưng bày “Không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử” là một trong những hoạt động nổi bật nằm trong chuỗi sự kiện Lễ khai hội Xuân và Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Yên Tử năm 2019. Tại đây, hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ học nổi bật gắn liền với lịch sử phát triển của địa phương, quá trình hình thành, hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và hoằng dương Phật pháp của ba vị Tam Tổ được giới thiệu tới đông đảo đại biểu và du khách.
Cũng tại buổi lễ, Ban Tổ chức ra mắt cuốn sách “Di tích và danh thắng Tây Yên Tử” của Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Tác phẩm gồm 87 trang, với các bài viết, hình ảnh minh họa của nhiều tác giả, giới thiệu về 12 di tích, danh lam thắng cảnh dọc sườn Tây Yên Tử. Tiêu biểu như: “Chùa Vĩnh Nghiêm trong hành trình về non thiêng Yên Tử” (Đỗ Tuấn Khoa); “Dấu tích những ngôi chùa cổ trên sườn Tây Yên Tử” (Trần Văn Lạng); “Linh thiêng Am Vãi” (Dương Thị Ánh).
Là thành viên trong Ban biên soạn, Nhà sử học Lê Văn Lan cũng là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách. Ông nhấn mạnh: “Di tích và danh thắng Tây Yên Tử” là một công trình bổ ích và lý thú. Qua những bài viết công phu và tâm huyết của các tác giả, người đọc sẽ được ngắm nhìn, trải nghiệm, hiểu biết và thấu cảm về miền đất, con người ở vùng Đông Bắc đất nước, đặc biệt là về chốn Non thiêng Yên Tử.
Chuẩn bị cho Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử sẽ diễn ra vào ngày 16/2 và Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2019, ngày 14/2 (tức mùng 10 Tết), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ rước tượng Trúc Lâm Tam Tổ từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) lên chùa Thượng - Tây Yên Tử (xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động).
Theo nghi thức Phật giáo, từ chùa Vĩnh Nghiêm, các pho tượng được đặt trên xe trang trí cờ hoa, dọc đường đi có tiếng nhạc lưu thủy. Ba pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ gồm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang được rước lên và an tọa trang nghiêm tại chùa Thượng-Tây Yên Tử. Trong đó, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở tư thế tọa sen cao 110cm nặng hơn 250kg; trên áo, tòa sen có khắc hoa văn núi non, rồng bay, rừng trúc… Tượng Pháp Loa và Huyền Quang tư thế đứng, mỗi pho nặng khoảng 100kg.
Thiền phái Trúc Lâm gắn với tên tuổi của các vị tổ có công khai sáng, xây dựng gồm: Tổ đệ nhất (Trần Nhân Tông), Tổ đệ nhị (Pháp Loa) và Tổ đệ tam (Huyền Quang). Ba pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ được đúc cách đây khoảng 3 tháng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đúc Tân Tiến, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên (Nam Định) thi công. Toàn bộ được đúc bằng đồng, bên ngoài dát vàng.
Trước đó, vào ngày 30/1, ba pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ được rước từ Nam Định và an tọa tại Tòa Tam Bảo (Chính điện) chùa Vĩnh Nghiêm.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn (TP.HCM) viên tịch
Trong nước 05:45 03/12/2024Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn, viện chủ chùa Phước Thiện (xã Nhị Bình, H.Hóc Môn, TP.HCM) vừa viên tịch.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông chia sẻ về Giới luật Phật giáo cho gần 800 Tăng Ni
Trong nước 14:00 02/12/2024Sáng ngày 02/12, tại trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM (Việt Nam Quốc Tự, quận 10), Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông – Phó Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Cố vấn BTS GHPGVN TP.HCM – đã chủ trì buổi thuyết giảng và thảo luận chuyên đề “Giới luật Phật giáo”.
“Hãy lấy tinh thần phụng sự làm niềm vui trên bước đường đến giác ngộ giải thoát”
Trong nước 12:15 02/12/2024Sáng ngày 02/12/2024, Thượng tọa Thích Quảng Lộc - UV HĐTS, Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã có buổi thuyết trình chuyên đề “Sinh hoạt Giáo hội” đến với chư hành giả khóa Kiết Đông lần thứ 2.
Tiền Giang: Thành kính tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông (1308-2024)
Trong nước 13:15 01/12/2024Sáng ngày 01/12/2024 (nhằm mùng 1 tháng 11 năm Giáp Thìn), BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Tiền Giang đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng niệm lần thứ 716 năm, ngày Đức vua Phật Hoàng nhập Niết Bàn 01/11 năm Mậu Thân (1308) – 01/11 năm Giáp Thìn (2024); đồng thời khai mạc khóa tu Kiết Đông lần thứ 2.
Xem thêm