Truyện ngắn: Bà già nhà quê
Bà già ấy đã gần 70 tuổi, dáng người gầy nhom, đôi chân khẳng khiu như hai thanh tre non nhưng trông khỏe lắm. Điều đó được thể hiện qua cách bà xách hai chiếc giỏ trái cây dáng đi thoăn thoắt.
Bà có thằng con ở thị thành, lên đó học, làm việc rồi lấy vợ, sinh con. Không thích cái cảnh làng quê nghèo đói, con bà quyết trụ lại chốn phồn hoa rồi mua được căn nhà nhỏ. Vì nhớ con, nhớ cháu nên một năm, bà tới lui không biết bao nhiêu lần. Đường thì xa, ngồi xe đò đến ê cả mông, nhức cả cẳng, mỏi cả cái tấm lưng già còm cõi nhưng bà vẫn cứ đi. Mỗi lần nhìn thấy bà soạn trái cây, gà vịt, rau củ là chồng bà lại càm ràm:
- Bà già rồi, ở nhà mà hưởng thú điền viên với tôi. Hà cớ gì cứ lên thị thành hoài cho mệt thân. Nó làm con, không nhớ đến cội nguồn về thăm cha thăm mẹ, thăm cái làng quê thanh bình này thì thôi, chứ mình là cha mẹ sao phải lụy nó.
Bỏ dở việc soạn trái cây mới hái sau vườn, bà nói:
- Ông này kỳ thật! Ông cũng biết con mình nó làm quần quật suốt ngày mà, có ở không như tôi với ông đâu mà trách cứ.
- Bà nói như thế tôi không đồng tình. Chẳng lẽ ngày Chủ nhật, lễ, Tết nó cũng làm à? Nhiều năm nay rồi nó có vác mặt về thăm ông già này đâu. Mất gốc, quên nguồn quên cội rồi! Tôi mà biết trước được điều này chẳng thà không sinh con còn hơn.
- Thôi được rồi! Tôi cãi không lại ông! Tại tôi nhớ cháu nội quá mới lên thăm nó thôi! Được chưa!
Lại nữa, cứ mỗi lần cãi nhau là bà đem đứa cháu nội ra làm “bùa hộ mệnh” khiến ông thay đổi sắc mặt. Phải bỏ đi chỗ khác thôi. Ông sợ cứ ngồi đó, nghe bà ca cẩm về thằng cháu nội là ông nhớ, ông thương, mềm lòng, muốn đón xe đò lên thành phố ngay lập tức. Cảm xúc này đã nhiều lần đến với ông. Nó mãnh liệt, khát khao, dâng trào tột độ. Cũng phải thôi. Hai vợ chồng già chỉ có một thằng con trai, một đứa cháu nội, mà lại ở xa nữa thì hỏi làm sao cầm lòng cho đặng. Nhớ quá đi chứ. Nhưng ông thuộc tuýp người cứng rắn, mạnh mẽ, không để cảm xúc làm chủ lý trí. Thế nên thỉnh thoảng ông vẫn hay nhắc khéo để bà gọi điện lên hỏi thăm cháu nội “sẵn tiện” ông nói ké vài câu.
Giận thì giận nhưng sáng ông vẫn phụ bà xách đồ ra đường cái đón xe đò. Những lần bà lên xe, ông không quên dặn:
- Lên tới nơi nhớ gọi điện về cho tôi. Vợ chồng nó mà đối xử tệ với bà thì nói cho tôi biết. Tôi lên tới đó xử tụi nó luôn.
Bà ừ hử cho xong rồi lên xe. Bà hiểu tính ông thẳng như ruột ngựa nên sau mỗi chuyến đi, bà chẳng dám kể cho ông nghe nhiều chuyện trên thị thành. Hầu như bà đều nói những câu chuyện tốt đẹp về con dâu, con ruột, cháu nội. Ông đâu biết, đã nhiều lần bà ra về trong nước mắt lưng tròng. Nhưng bà vẫn cứ đi.
Trên chuyến xe đò, thường lượt đi, đa phần là những ông già bà cả lên thăm con cháu ở chốn thị thành. Hàng hóa chất đầy trên cabin, hầm xe như một cái chợ thu nhỏ. Mùi sầu riêng, mít, nhãn tỏa hương ngào ngạt. Lại có cả một không gian xanh mướt với hàng chục giỏ rau: bông bí, càng cua, rau muống, đọt lang... Thỉnh thoảng khứu giác của hành khách còn cảm nhận được mùi heo quay, gà nướng, vịt luộc đang ẩn nấp ở những hộp nhựa được đậy kín. Tất cả hành khách đều mang hương làng quê lên phố thị.
Bao giờ lên xe đò bà cũng chọn nơi riêng lẻ, ghế cạnh bên không người ngồi, nơi gần cửa sổ hoặc hàng ghế sau cùng. Bởi bà không thích ồn ào, không ưa nói nhiều, chỉ muốn ngả lưng đánh một giấc cho tới bến xe. Vậy mà bà chẳng được yên thân. Xe chạy được khoảng 20km thì dừng lại. Một người phụ nữ cũng chừng 70 tuổi, chọn ngay chỗ ghế gần cạnh bà ngồi xuống. Chỉ mới yên vị, người phụ nữ này đã bắt chuyện ngay:
- Chị lên thành phố thăm con cháu hả?
Không để người khác bảo mình kém lịch sự, bà trả lời gọn lỏn:
- Vâng! Tôi lên thăm con trai.
Người phụ nữ đó lại tiếp lời:
- Tôi tên Mai. Còn chị? Tôi cũng lên thăm con, nhưng mà con gái.
- Cứ gọi tôi là bà Cúc.
- Ồ! Cả hai chúng ta đều mang tên một loài hoa đẹp, lại là màu vàng sang trọng nữa cơ chứ!
- ... (cười mỉm)
Rồi bà Mai than thở:
- Không biết hoàn cảnh của chị có giống tôi không! Thiệt, cái thân già này nó khổ gì đâu. Có mỗi đứa cháu ngoại, nhớ quá mà chúng nó chẳng chịu về thăm, buộc bà ngoại này phải còng lưng lên thành thị để nhìn mặt chúng. Con với cái, nuôi cho ăn học đủ lông đủ cánh rồi bay đi luôn chẳng thèm nhớ nơi chôn nhau cắt rốn là gì nữa.
Nghe đến đây, chợt thính giác bà bị thu hút, lôi cuốn. Bởi trong câu chuyện buồn này bà bắt gặp hình ảnh của mình trong đó. Bà hỏi:
- Thế chồng chị đâu, sao không đi thăm? Đàn ông mạnh tay mạnh chân dễ lên xuống xe, xách giỏ vác đồ.
- À, tôi cũng đang định hỏi chị câu đó. Ông nhà tôi mất lâu rồi, giờ ở có một mình với cô em gái. Hai chị em không chồng, nương tựa nhau mà sống qua ngày.
- Chồng tôi vẫn mạnh khỏe, nhưng ông ấy giận tụi nhỏ nên hờn mát, không thèm lên thăm...
Hai bà già chỉ mới quen nhau có mươi phút nhưng rất hợp ý, nói chuyện huyên thuyên. Câu chuyện chủ yếu nói về con cái với ý than phiền. Điều này làm cho cả lơ xe cũng ngạc nhiên, vì bao năm đi xe này, chẳng bao giờ thấy bà nói chuyện nhiều như thế. Có lẽ bao nhiêu năm qua, bà chỉ chờ có một người đàn bà cùng hoàn cảnh với mình để mà nói hết những đau khổ, bứt rứt trong lòng. Rồi cả hai bà còn trao đổi số điện thoại, hẹn nhau ngày về.
Đến bến xe, hai bà tự đón xe ôm về nhà con mình mà chẳng dám điện chúng ra rước vì sợ chúng nhăn nhó, cho là phiền phức. Con bà ở ngoại ô, gần bến xe nên chỉ mười phút là tới chỗ. Đến nơi, bà bước vào nhà, thằng cháu thấy bà nội vội mừng như trúng số, lăng xăng ra xách quà phụ bà. Trong khi con trai và con dâu ngó mắt nhìn chẳng thèm hỏi một tiếng. Bà xuất hiện trong ngôi nhà một cách tầm thường, thừa thãi. Bà lặng lẽ đặt giỏ trái cây xuống, định cho vào tủ lạnh thì cô con dâu lên tiếng:
- Mẹ mới lên à? Mẹ khoan đừng bỏ mấy thứ đó vào tủ lạnh. Bên trong chứa nho, táo, lê Mỹ nhiều lắm rồi. Cứ để bên ngoài rồi hẵng tính sau.
Bà để qua một bên, rồi mở giỏ đồ ăn định đặt con gà luộc vào ngăn đá, khi nào ăn thì rã đông, nhưng cô con dâu lại cản:
- Đừng để vô đó mẹ ơi! Hôi lắm! Mẹ đi luộc lại, rồi có đói thì dùng luôn đi. Cơm con nấu sẵn rồi đấy.
Lúc này con trai của bà mới chịu buông tờ báo xuống, càm ràm:
- Con đã nói với mẹ bao nhiêu lần rồi, đừng có mang mấy cái đồ quê mùa này lên đây để chật nhà. Ở thành thị này cái gì mà chẳng có. Mẹ thấy đó, nhiều lần mẹ mang lên rồi chỉ mẹ với thằng Tính ăn. Mà từ đây con không cho nó ăn nữa. Nó mà đau bụng giữa đêm thì sao đi bác sĩ kịp?
- Đây là đồ ở nhà mình mà con! Làm gì có chuyện ngộ độc.
- Con biết, nhưng con phòng ngừa thôi.
Dứt lời, hai vợ chồng về phòng sửa soạn quần áo đi ăn tiệc. Bà lủi thủi mang thức ăn ra sau nhà hâm nóng, rồi ngồi đó ăn như người ở đợ. Thằng Tính tắm xong, chạy ra định ăn cùng nội thì mẹ nó cấm:
- Mẹ dặn, không được ăn lung tung nghe chưa! Mở tủ lạnh uống sữa, tối về mẹ mua gà rán cho dùng.
Bà uất ức lắm, gắp miếng thịt gà mà cứ nghẹn ở cổ họng, nước mắt cứ chực trào ra. Hình ảnh con dâu, con ruột thờ ơ với bà đã diễn ra nhiều lần, nhưng lần này bà không thể nào kiềm chế được nữa. Bà tự nhủ: “Con ơi là con, sao con lại phủi đi tất cả nguồn cội vậy? Chính những cái quê mùa tầm thường đó đã nuôi con khôn lớn nên người kia mà!”. Bà buông đũa, ngồi chống tay lên cằm mà khóc cho thật đã để hạ nhiệt. Đã từ lâu con trai bà không còn thuộc về bà nữa, bà hiểu rất rõ điều đó. Bà lặn lội từ quê lên đây chỉ vì bà muốn dùng bữa cơm với thằng cháu nội, rồi hai bà cháu gọt trái cây ăn, kể chuyện cho cháu nghe. Vậy mà... những món quà quê chất chứa tình thương ấy lại bỏ phí nằm lăn lóc trong góc nhà. Thằng cháu nốc hết ly sữa, bất giác thấy nội khóc, nó hồn nhiên hỏi:
- Sao bà nội khóc vậy? Bà nội nhớ ông nội phải không? Thôi bà nín đi, chút con gọi điện cho bà nói chuyện với ông.
Ý chết, giờ bà mới nhớ, bà chưa điện về quê. Bà vội móc cái điện thoại trắng đen trong túi áo bà ba bấm ngay số “ong xa” mà thằng cháu đã lí lắc lưu vào danh bạ. Nhờ có chế độ cuộc gọi nhanh mà bà khỏi căng mắt nhìn số máy. Hai bà cháu tranh thủ trò chuyện với ông nội cho đến khi vợ chồng con bà về.
Hôm sau, bà ra về sớm hơn dự định. Con bà chẳng thèm hỏi nguyên nhân mà có lẽ hai người đã biết được câu trả lời. Bà ra bến xe thì nhận được cuộc gọi từ bà Mai, người khách mới quen trên chuyến xe hôm trước. Không hẹn mà gặp. Hai người lại về chung chuyến xe. Hóa ra bà Mai cũng bị con cái lạnh nhạt tương tự.
Bà đi chuyến xe này về thì nằm luôn một chỗ. Sau khi xe dừng trước cổng văn hóa, do suy nghĩ mông lung, bà bước hụt bậc thang nên té nhào, gãy chân, phải băng bột. Phải mười ngày sau thì con bà mới lái xe về thăm. Khỏi phải nói, thấy bà nằm đó với cái chân băng bột trắng xóa, thằng cháu chạy ùa lại ôm bà mà khóc. Trong khi cha mẹ nó đứng đó ngó nhìn. Lúc này, chồng bà mới lên tiếng:
- Giờ thì hai đứa bây vui lắm rồi chứ gì? Mẹ bây gãy chân, sẽ không còn lên thành phố làm phiền tụi bây nữa đâu, há. Nhìn cháu tao kìa, nó là con nít mà còn biết tình máu mủ ruột rà là gì...
Nói xong, ông chắp hai tay sau đít bỏ ra sau vườn mắc võng nằm. Con dâu và con ruột bà vẫn đứng trơ ra đó, mắt dường như có chút đỏ hoe. Ông bực ra mặt, còn trong lòng bà lại vui mừng. Bởi cũng nhờ tai nạn thế này con cái mới chịu về thăm quê hương, cha mẹ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm