Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 24/03/2017, 12:30 PM

TT.Thích Chân Quang thuyết giảng "Như lý tác ý" tại chùa Tương Mai

Sáng ngày 22/02/Đinh Dậu (19/03/2017), TT.Thích Chân Quang đã có buổi thuyết Pháp về đề tài "Như lý tác ý" tại chùa Tương Mai (Trương Định, Hà Nội).

Bài pháp thoại đã giúp cho mọi người nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc sáng tạo ý nghĩ trong việc xây dựng và gìn giữ tâm hồn mình. Từ đó, mọi người biết tác ý, khởi lên những ý nghĩ tốt đẹp, nâng tâm hồn họ lên để có thể bước đến mục tiêu giải thoát giác ngộ.

Tham dự buổi pháp thoại có: Chư tôn đức ni tại các vùng lân cận và gần 5000 phật tử đến từ: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Vĩnh phúc, Phú Thọ, Hòa Bình… Dù thời tiết Hà Nội vào buổi sáng có mưa phùn, sương mù, tầm nhìn hơi bị hạn chế, nhưng không cản nổi bước chân mọi người đến chùa nghe pháp. Cả khuôn viên chùa trong ngoài, kẻ đứng người ngồi chật kín không còn chỗ đi lại. Thậm chí trời đang mưa, mọi người vẫn đứng tại chỗ, dùng ô, áo mưa để che và tiếp tục nghe pháp trong sự giữ nguyên trật tự.
 
Đặc biệt trong pháp hội nào cũng rất đông giới trẻ đến chùa thính pháp, bao gồm các doanh nhân, sinh viên, học sinh, và chúng thanh niên phật tử Phật Quang Hà Nội, đã tạo nên một không khí đầy hoan hỷ và rất ý nghĩa. TT.Thích Chân Quang dùng đạo lý để hướng tuổi trẻ đến với Phật pháp ngày càng rất đông…rất đông. Các em với tâm nguyện lớn luôn mong muốn được mang hết sức mình ra phục vụ cho cộng đồng. Nhìn các em biết yêu thương, biết chia sẻ, biết cống hiến và sống có lý tưởng thông qua những việc làm tích cực thì không ai không thể không xúc động và có quyền hy vọng về một tương lai gần đối với sự phát triển của Phật pháp.

Mở đầu bài pháp thoại, Thượng tọa nhấn mạnh, “Như lý tác ý”, đây là một đạo lí rất quan trọng, được đức Phật dạy đi dạy lại trong suốt cuộc đời của Ngài. “Như lý tác ý” được hiểu là sự cố ý suy nghĩ, cố ý tạo ra một ý nghĩ trong tâm mình. 
 
Nhiều người hay bị nhầm rằng đến với đạo Phật thì tâm phải thanh tịnh, phải ngừng hết mọi suy nghĩ. Nhưng nó chỉ đúng khi ta đã chứng quả, đi vào giai đoạn cuối cùng của sự tu hành. Còn ở giai đoạn đầu của sự tu tập, ta phải khéo sử dụng sự suy nghĩ để tạo dựng một tâm hồn đẹp. Tuy nhiên, tâm hồn không phải được tạo ra từ kiếp này mà nó được hình thành từ vô lượng kiếp. Do suy nghĩ, hành động của mỗi người khác nhau nên tâm hồn họ cũng khác, chẳng hạn người có tâm hồn đẹp, người có tâm hồn xấu, nhưng đa phần tâm hồn chúng ta có lẫn cả xấu và đẹp. Vì thế, chúng ta cứ phải đấu tranh, giằng co vất vả. Hễ ta lơi lỏng, giãi đãi, dễ dãi thì lập tức bản năng xấu của sự ích kỷ tham lam kéo ta đi ngay. Còn nếu chúng ta biết chiến đấu, biết giằng co với từng ý nghĩ xấu, biết nuôi dưỡng, tạo nên những ý nghĩ tốt đẹp thì bức tranh tâm hồn sẽ đẹp lên từng ngày. 

Thực tế dù chúng ta không cố ý suy nghĩ, tự tâm mình đã xuất hiện hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác, không bao giờ dừng được, kể cả trong giấc ngủ. Và những vọng tưởng này rất vô định, bất chừng, khi tốt khi xấu, có khi ta kiểm soát được, có khi không kiểm soát được. Đây là một chướng ngại rất lớn trong sự tu hành của tất cả chúng sinh. Vì vậy điều quan trọng đầu tiên là tập làm chủ, tập vẽ lại từng nét trong tâm hồn của mình bằng cách sáng tạo ra những ý nghĩ mới cho đúng với đạo lý. 

Tuy nhiên, việc tác ý (tức là chủ động tạo ra ý nghĩ) lại lệ thuộc vào trí tuệ của mỗi người hiểu đạo lý Phật dạy đến đâu, chứ không phải mọi ý nghĩ đều tốt, đều hay giống nhau cả. Ví dụ khi bị một người mắng, ta khởi lên ý nghĩ: “Thôi một câu nhịn chín câu lành”, hãy xem lời chửi mắng như gió bay. Đó cũng là một tác ý làm cho tâm đừng phiền giận. Tuy vậy, vẫn còn rất cạn, chưa sâu xa. Vậy tác ý nào hay hơn? Phải là tác ý của sự thông cảm trước. Ta thông cảm vì người này phải mưu sinh vất vả nên dễ nổi nóng; ta thông cảm vì bản chất con người là tham, là sân, dễ nổi đóa khi có ai đụng đến quyền lợi của mình. Do đó họ rất dễ tạo nghiệp, nhiều khi nói lỡ lời một câu mà đọa làm thú mất vài kiếp…

Rồi ta cầu nguyện Phật gia hộ cho họ biết được đạo lý, biết tu hành, tắt được tham - sân - si. Ta mỉm cười xin lỗi họ và bỏ đi như không có chuyện gì, nhưng lúc đó tâm hồn mình đã cao thượng lên một bậc, cao hơn là chỉ nghĩ lời nói như gió bay. Tùy mỗi người, tùy đạo lý, tùy sự tu hành nhiều hay ít mà những tác ý chúng ta khởi lên nó khác nhau là như vậy. 

Theo Thượng tọa “Như lý tác ý” là một sự tu hành căn bản trong đạo Phật. Tuy nhiên, khi mới đến với đạo Phật, chúng ta hay nghe đến những đạo lý cao siêu như sự mời gọi hấp dẫn. Ví dụ như: kiến tánh thành Phật ngay kiếp này; hoặc vãng sinh về cõi Phật cực kỳ vinh quang, đẹp đẽ hạnh phúc sau khi chết. Vừa chập chững đến với đạo mà đã nghe về một hứa hẹn và kết quả cao siêu - điều này khiến hầu hết chúng ta mất căn bản trong sự tu tập. Từ đó ta tu mà không có kết quả; đạo đức - công đức đều không tăng trưởng. Vì vậy, việc tu từ những ý nghĩ ban đầu, tác ý tạo lại từng ý nghĩ cho tâm hồn mình là điều rất quan trọng. 
 
Điều bất ngờ là những ý nghĩ miên man thầm kín trong đầu cũng tạo thành tội, thành phúc, chưa cần đợi phải nói cho người khác nghe, chưa cần phải tác động vào cuộc đời của người khác. Ví dụ một người lạc vào hoang đảo, chung quanh không có ai để người đó giúp đỡ, tử tế, chỉ có một mình, thì người đó tạo phước bằng cách nào? Bằng như lý tác ý, tức bằng chính ý nghĩ của mình. Cứ lặng lẽ ngồi khởi tâm yêu thương tất cả chúng sinh, khởi tâm kính Phật thì “phước” sẽ bắt đầu xuất hiện, bao quanh cuộc đời họ. 

Hoặc khi nghe về một đứa bé ăn cắp, có người đã khởi tâm chê bai đứa bé là đồ mất dạy, bố mẹ nó không biết dạy con. Tuy nhiên ý nghĩ khinh chê này là cái nhân để một kiếp nào đó chính họ sẽ trở thành kẻ trộm cắp. Ý nghĩ cũng tạo thành tội là vậy. Ngoài ra, chúng ta hay khởi tâm ghét người mắc lỗi. Ta không biết rằng khi mình khởi tâm ghét thì cái lỗi đó thành cái nghiệp rớt vào đời ta. Nếu biết bình tĩnh phân tích cái lỗi cho người khác, ngăn không cho cái lỗi đó lây lan, không khởi tâm ghét bỏ họ thì đó là một thành công rất lớn trong cuộc đời tu hành của ta.

Cho nên khi nghe về lầm lỗi của ai, ta hãy nghe một cách thanh thản, không để cho tâm mình khởi lên cái ghét bỏ. Có như vậy ta mới bình tĩnh phân tích nguyên nhân cái lỗi và tìm cách giúp họ vượt qua, tìm cách ngăn lầm lỗi của họ lại. Nên biết, tuy ta tha thứ, thông cảm nhưng không phải dễ dãi để người khác tiếp tục phạm lỗi. Ta không cho phép người lầm lỗi nhưng ta không ghét người có lỗi, đây là tâm lý hết sức quân bình đúng đắn hợp với đạo lý. Hãy giữ tâm lý, tác ý này rất kỹ cho tâm hồn, cho cuộc đời mình. 

Như lý tác ý mà đức Phật dạy là: Này các Tỳ kheo hãy yên lặng lắng nghe “như lý tác ý” mà Như Lai thuyết. Đó là lời Ngài dạy trong suốt cuộc đời mình. Nghe được lời dạy này, chúng ta phải biết chủ động khởi lên những suy nghĩ tốt đẹp, không để ý nghĩ tự chạy, dẫn đến vọng tưởng. May mắn, vọng tưởng tốt thì ta có phước nhưng nếu miên man nghĩ bậy thì ta mang rất nhiều tội mà không hay biết. 

Vậy một ý nghĩ, tạo ra phước - tội như thế nào? Câu hỏi này rất nhiều người thắc mắc, bởi không ai ngờ rằng một ý nghĩ bí mật bên trong cũng có thể tạo thành tội phước. Nhiều người dù tu hành lâu năm nhưng cũng không khỏi thấy lạ. Thật sự, phải mất rất nhiều thời gian, công sức để tu hành, tìm hiểu thì ta mới ngộ được điều này. Và thật sự, chỉ nghĩ thôi cũng tạo thành cái tội hoặc cái phước rất lớn.

Thượng tọa khẳng định, những ý nghĩ tốt không chỉ mang lại cái phước rất lớn mà nó còn là một loại thuốc bổ, bảo vệ bộ não của ta, giúp não không bị suy thoái bởi tuổi tác. Ngược lại, ý nghĩ xấu vừa khiến ta mang tội, vừa khiến bộ não bị phá hủy, không phải lúc về già, mà ngay khi còn trẻ, ta cũng có thể kém minh mẫn. Thậm chí là bị điên, không kiểm soát được bản thân. Đây là nhân quả.

Lại nữa, kiểm soát ý nghĩ là một việc làm hết sức quan trọng đối với mọi người, nhất là giới trẻ, bởi tuổi trẻ thường nông nổi, bồng bột, dễ kích động. Đáng lẽ, đây là tuổi mà ta phải cống hiến, phụng sự, hi sinh cho gia đình, xã hội, quốc gia, nhưng những suy nghĩ, quan niệm mới, cùng với sự rủ rê của bạn bè, kéo ta thoát ra khỏi vòng tay, sự kiểm soát của gia đình, nhà trường, làm ta khởi lên nhiều ý nghĩ bậy bạ.
 
Dịp này, Thượng tọa nhắc nhở: Ở tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm, cần được quan tâm, định hướng để các em có suy nghĩ, hành động đúng đắn, tích cực. Chỉ những ai có thiện căn tu tập lớn thì mới giữ được tâm hồn mình trong những suy nghĩ đúng đắn, tích cực. Còn lại, đa số thanh niên bị sự trưởng thành về giới tính chi phối, kích động. Lại thêm, sự hăng hái, bướng bỉnh của tuổi trẻ làm ta hay nghĩ bậy, dẫn đến những quả báo không tốt khi về già. Như vậy, điều đầu tiên trong như lý tác ý là nghĩ đúng đạo lí. 

Thứ hai là tác ý để tạo ra những ý nghĩ mới, tốt đẹp theo đúng đạo lí của Phật, phù hợp với cuộc sống. Với mỗi sự việc khác nhau, ta khởi lên những suy nghĩ khác nhau. Chỉ cần suy nghĩ nó đúng thì lòng ta bỗng trở nên thanh tịnh, an nhiên. Hơn nữa, việc khởi lên một ý nghĩ chính là sáng tạo của đạo lí và nghệ thuật. Ở đây, ta chính là một người nghệ sĩ, tự tạo nên tâm hồn mình bằng những ý nghĩ. Nếu trước đây ta vô minh, khờ dại để bản chất xấu từ vô lượng kiếp làm khởi lên những ý nghĩ đen đúa, làm xấu đi bức tranh tâm hồn mình, thì hôm nay, khi theo đạo Phật, biết được đạo lí đúng đắn, ta khôn ngoan sửa sang, sáng tạo lại cho tâm hồn mình được đẹp, được hoàn hảo hơn. Và theo nhân quả, khi tâm ta đẹp thì suy nghĩ, hành động và vẻ bề ngoài cũng đẹp lên theo.

Tuy nhiên, để khởi lên được những suy nghĩ đúng đắn trước mọi tình huống rất khó khăn, nhất là khi ta chưa dứt bỏ được bản ngã. Ví dụ, ta có tâm lí thích được khen. Trước lời khen mà giữ được lòng mình để không bị kiêu mạn, tác ý được những ý nghĩ hợp lí, khiêm hạ, chín chắn thì ta giữ được cái phúc rất lớn. Hay khi bị xúc phạm, chửi mắng, ai mà kiểm soát được bản năng, không để cái tức giận, hung dữ trỗi dậy, giữ được sự bình tĩnh, sự yêu thương thì tâm hồn cũng đẹp dần lên.

Trước tất cả những tình huống trong cuộc sống, để sáng tạo được ý nghĩ tốt đẹp trong tâm, đòi hỏi phải có trí tuệ, đạo đức, sự tinh tế, khéo léo. Đặc biệt, phải thấm nhuần từng lời Phật dạy thì mới có lối ứng xử khôn ngoan, đúng đắn trong từng hoàn cảnh. Và Thượng tọa nêu ra nhiều ví dụ cho thấy có rất nhiều trường hợp ta phải bình tĩnh, sáng suốt để xử lí. Việc này rất khó khăn, phải có sự rèn luyện, tu tập mới làm được. Khi vượt qua được tất cả, ta sẽ có một tâm hồn tuyệt đẹp. Khi chết đi, được vãng sinh về cõi trời hoặc trở lại kiếp này làm một người vinh quang, hạnh phúc.

Vậy khi không có tình huống nào thì ta tác ý điều gì? Câu trả lời: "Xin cho con không tác ý gì hết”, tức là nguyện cố gắng giữ tâm thanh tịnh, đừng suy nghĩ. Tâm ta cần những lúc thanh thản không suy nghĩ gì. Thực tế lúc đó tâm vẫn tiếp tục nghĩ miên man, tuy nhiên dù sao cái tác ý “đừng suy nghĩ” cũng là một mệnh lệnh, một thông điệp giúp chặn bớt dần những ý nghĩ miên man. Nếu ta ngưng mệnh lệnh này thì mỗi suy nghĩ miên man đều khiến ta bị tập trung, chú ý, tức là ta tiếp thêm sức mạnh cho nó, cuối cùng làm ta bị căng thẳng (stress). 

Là một người phật tử, phải nhớ rằng tâm ta luôn có 3 loại ý nghĩ: 

- Một là ý nghĩ miên man, vô định, hay còn gọi là vọng tưởng. Tuy ta không cố ý nhưng nó cứ tự khởi lên. 

- Hai là những ý nghĩ xấu mà ta cố khởi lên. 

- Ba là những ý nghĩ tốt đẹp, thiện lành đúng với đạo lí Phật dạy. 

Tất cả 3 loại ý nghĩ này đều nằm trong cõi giới của phàm phu.
 
Mục đích tu tập cuối cùng của ta là bước qua cõi phàm phu, đi vào một cõi giới mới, nơi mà tâm hồn thanh tịnh, không phải suy nghĩ, chỉ còn lại trí tuệ. Cõi giới mà nơi có những quy luật mới, ngay cả những nhà tâm lí học cũng chưa bước vào được. Còn khi chưa bước vào cõi này, nếu tâm lí có trục trặc gì, ta cứ lễ Phật hoặc tụng một bài kinh thì mọi vấn đề đều tan biến.

Để bước vào cõi giới đó, ta phải dùng những ý nghĩ thiện lành để vẽ tâm hồn mình cho đẹp. Khi không suy nghĩ, ta chỉ còn trực giác. Những người đắc đạo trong cõi này được gọi là thần thông. Chưa đắc được thần thông, ta còn phải cố gắng để sáng tạo ý nghĩ, xây dựng tâm hồn mình.

Trong pháp tu “Như lý tác ý” có một ý nghĩ quan trọng bậc nhất, thiện lành nhất đó là tôn kính Phật tuyệt đối. Ta có thể nghĩ rất nhiều điều tốt, nhưng nếu chưa có ý nghĩ tôn kính Phật tuyệt đối thì cuộc đời mình chưa có gốc rễ, điều thiện trong tâm mình vẫn còn mong manh dễ gãy. Một ngày nào đó ta vẫn có thể từ bỏ những ý nghĩ thiện rồi trở nên con người hung hăng, kiêu mạn. Chỉ khi khởi được tâm tôn kính Phật, sau này điều thiện trong tâm ta mới có gốc rễ vững chắc, không bị lung lay gãy đỗ.

Muốn tôn kính được đức Phật một cách tuyệt đối thì ta phải hiểu về cuộc đời, con người, đạo lí cũng như thực hành các lời dạy của Ngài. Bởi có trải qua sự thực hành ta mới thấy lời dạy của Phật là vô giá, thấy cuộc đời mình an vui hạnh phúc dần, trí tuệ mình mở mang, thấy mọi điều kỳ diệu… Lúc đó ta mới có lòng tôn kính Phật. Nên để khởi được ý nghĩ tôn kính Phật cho đúng nghĩa, chúng ta phải mất đến mấy mươi năm tu hành chứ không phải dễ.

Trong thời gian chờ 20, 30 năm đó, khi chưa đủ sức hiểu Phật thì ta cứ nguyện lòng tôn kính Phật trước, nguyện trải lòng yêu thương tất cả chúng sinh, nguyện đi theo con đường diệt trừ bản ngã lúc nào cũng thấy mình là đất... Khi những ý nghĩ này khởi lên, tâm hồn ta đẹp dần, gốc rễ của điều thiện bám sâu vào tiềm thức, khiến Chư thiên yêu mến ta. Từ đó, các Ngài ủng hộ, giúp đỡ để ta khởi lên được lòng tôn kính Phật tuyệt đối. Lại thêm, mỗi ngày quỳ dưới chân Phật đảnh lễ để hiểu rằng trước đức Phật cao vời, mênh mông, vĩ đại đó ta chỉ là hạt bụi dưới chân đức Phật mà thôi. Đó là ta đang xây dựng công đức lành cho cuộc đời mình ở kiếp này và nhiều kiếp về sau. Mọi công đức, mọi điều thiện, không gì bằng tâm tôn kính Phật tuyệt đối trước. 

Ngoài những tác ý để tâm hồn đẹp lên, còn một loại tác ý giúp chúng ta bước vào con đường, hành trình tu tập giác ngộ giải thoát, đó là tác ý về sự vô thường của thân xác. Dù thân có đẹp, khỏe mạnh bao nhiêu thì ngày nào đó cũng phải già, bệnh, chết, tan hoại mục rã chẳng còn gì. Đó là sự thật về thân không ai chối bỏ được. Vì vậy, những ai dám đối diện với sự thật này, thường tác ý về sự vô thường của thân xác thì tâm hồn bắt đầu mở ra, bắt đầu gieo cái nhân cho sự tu hành giải thoát. 

Trong bao nhiêu như lý tác ý, bao nhiêu sự sáng tạo ý nghĩ, ta tác ý được quán vô thường của thân là ta bắt đầu đặt chân lên hành trình giải thoát. Sau đó, ai tác ý vô ngã tiếp thì người này đã bắt đầu tiến một bước dài hơn nữa. Lúc đó lòng mình nhẹ nhàng, tự đạo đức phát sinh ra. Ví dụ khi có người giành cái ghế mình định ngồi, lúc đó ta không cần tác ý suy nghĩ gì nữa, mà đứng lên vui vẻ đi luôn vì trước đó ta đã tác ý về vô thường, vô ngã rồi (thấy chẳng có gì là ta, là của ta rồi). Vì thế đạo đức tự thành tựu. 

Cuối cùng, Thượng tọa nhắc nhở: Cuộc đời này nhiều đau khổ. Khi ta hiểu Phật cho ta một con đường giác ngộ và ta biết cố gắng đi trên con đường đó là ta đang bước thêm một bước để nâng tâm hồn mình lên, đặt nó vào lộ trình tu hành giác ngộ, giải thoát. 

Biết mình đang đi đúng hướng giữa thế giới trầm luân này thì ta là người hạnh phúc. Tuy nhiên, thế giới này không chỉ một mình ta. Ta không thể sống, không thể tồn tại hay hạnh phúc nếu chỉ có một mình. Vậy nên, cần phải tác ý, nguyện lòng mong ước cho tất cả chúng sinh đều được giác ngộ giải thoát.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm