Từ biển tâm tĩnh lặng
Sống với bậc hiền trí thì ai cũng thích, nhưng làm sao để bảo vệ họ? Họ hiền trí thì cứ để cho họ hiền trí theo cách sống hiền trí của họ là ta đã bảo vệ được họ. Ta hãy bảo vệ họ bằng những hành động và tâm ý không bảo vệ gì cả, đó mới là cách bảo vệ chân thực đối với họ.
Nếu ta khen và trọng dụng họ là vô tình ta làm cho nhiều người cạnh tranh với họ và ghét họ. Vì sao? Vì tâm cạnh tranh và ganh tỵ tài năng nơi mỗi người đối với mọi người nhiều hơn cát bụi.
Nhưng, có người lại bảo, nếu có nhiều người cạnh tranh với người hiền trí, để trở thành bậc hiền trí, thì xã hội sẽ có được nhiều người hiền trí để phục vụ chứ sao?
Hiền trí không phải do cạnh tranh mà được, nếu hiền trí do cạnh tranh mà được thì không phải là hiền trí, ấy chỉ là thủ thuật và trí xảo. Cạnh tranh đã tạo nên nỗi bất hạnh của thế giới con người. Cạnh tranh là bất hạnh.
Thủ thuật thì không phải là hiền trí mà nó giết hiền trí và hại hiền đức. Thủ thuật chỉ có giá trị tạm thời mà không phải là giá trị vĩnh cửu. Hiền trí có giá trị vĩnh cửu là vì hiền trí có mặt ngay nơi tự thân hiền đức của nó.
Muốn cạnh tranh để hơn người khác thì phải có thủ thuật, phải có trí xảo. Sử dụng thủ thuật và trí xảo là người khiếm đức, và tự thân của họ đã làm tổn thương hiền đức. Đức đã tổn thì làm gì có hiền. Hiền đã không có, thì hiền trí do đâu mà có?
Không có hiền đức, thì không thể có hiền trí. Không có hiền trí thì làm gì có đại dụng? Không có đại dụng, thì tiểu dụng cũng mất luôn. Xã hội mà không có đại dụng của bậc hiền đức và không có tiểu dụng của bậc hiền trí, mà chỉ có đại dụng là những kẻ khiếm đức và tiểu dụng là những kẻ trí xảo, thì khuôn mặt của xã hội là cái gì, xin mời mỗi người hãy tự soi gương để thấy mình, trước khi trả lời. Vì sao? Vì hình ảnh xã hội, chỉ là hình ảnh của nhiều con người phóng đại.
Bậc có hiền trí, thì đã có hiền đức của họ bảo vệ, mà không cần ai bảo vệ và đã có hiền đức của họ bảo chứng mà không cần phải thêm bất cứ một sự bảo chứng nào. Nếu ta thêm cho họ một bảo chứng, thì chẳng khác nào ta vẽ thêm một mặt trăng cho một mặt trăng giữa đêm rằm.
Người nào manh tâm hại bậc hiền đức, người ấy chẳng khác nào đi ngược gió mà dính bụi, và người nào manh tâm ganh tỵ với bậc hiền trí, thì chẳng khác nào người lãng trí lấy chất dơ bôi vào mặt mình.
Bậc hiền đức, thấy việc phải thì làm mà không mong cầu, không vụ lợi; bậc hiền trí thì luôn tránh những lỗi nhỏ nhặt nơi lời nói và việc làm của mình, khiến không tổn hại người và vật, và họ luôn luôn biết tránh những bất giác ở nơi tâm mình. Họ thấy việc phải thì bắt tay mà không cần ai mời gọi, họ làm xong việc thì buông tay mà không cần nắm bắt bất cứ một cái gì. Cần việc thì họ đến, ta không biết họ đến từ đâu; việc xong họ đi, ta không biết họ đi về đâu.
Họ là vậy, nên họ chỉ mỉm cười và bất động trước những thịnh suy, tán tụ, vinh nhục hay khen chê nơi trần thế.
Vậy, họ là ai? Họ hoàn toàn không có tên gọi. Họ là những hoạt khởi từ biển tâm tĩnh lặng không có danh ngôn. Nhưng, nếu cần gọi, thì ta cứ gọi họ bằng bất cứ tên gì cũng được. Ta gọi là quyền của chúng ta, nhưng bất động là quyền của những người đang hoạt dụng từ biển tâm tĩnh lặng ấy!
Nhìn lại thân mình
Nhìn lại thân thể của mình mỗi ngày là một trong những phương pháp thực tập rất căn bản của thiền học. Tiếp xúc với thân thể của ta bằng con mắt thiền quán, ta thấy sự có mặt của thân thể đối với ta là sự có mặt của một thực tại mầu nhiệm.
Mầu nhiệm, vì nó không hề hiện hữu trong đơn thuần, mà nó hiện hữu trong sự hòa điệu, hỗ dụng và thống nhất. Nó không phải chỉ hiện hữu ở đây mà còn hiện hữu ở chỗ khác và thống nhất với nhau trong sự quan hệ tương cảm duyên khởi. Nó không phải hiện hữu chỉ bây giờ, mà còn liên hệ đến những hiện hữu trước đó và sau đó, trong quan hệ tương tác của nhân quả thống nhất.
Biết hòa điệu với cuộc sống đã là một sự mầu nhiệm, huống gì thân thể của ta không phải chỉ biết hòa điệu ở nơi mặt ý thức và dừng lại ở đó, mà luôn luôn hòa điệu ở trong bản chất. Mầu nhiệm không phải là ý thức hòa điệu mà vì hòa điệu ngay nơi bản chất hay tánh thể. Chính tánh thể của thân thể là sự hòa điệu. Chính hòa điệu là sự mầu nhiệm ở nơi thân thể của chúng ta.
Nơi thân thể của ta, bốn yếu tố tạo nên thân thể vật lý, gồm rắn, lỏng, nhiệt và khí đã trộn quyện vào nhau, đến nỗi ta không tìm đâu ra lằn mức của chúng. Bốn yếu tố ấy, không có sự hòa điệu tuyệt đối, thì ta không bao giờ có hình hài này và ta không bao giờ hiện hữu. Vì vậy, hòa điệu là nhiệm thể của hình hài.
Biết tiếp nhận những điều kiện từ cuộc sống để hình thành cho cái riêng mình, đó là cái biết của kẻ ngu hèn. Cái biết ấy, không cần phải trải qua bất cứ trường lớp huấn luyện và đào tạo nào.
Biết tiếp nhận những cái hay, cái đẹp từ cuộc sống, để tạo nên cái hay, cái đẹp cho chính mình và biết đem cái hay, cái đẹp mà chính mình đã tạo ra được để hiến tặng cho mọi người, hay cuộc sống, đó là cái biết của người trưởng thành hay là cái biết của người có học từ các trường lớp hay chính bản thân đã từng tôi luyện và lịch nghiệm.
Nhưng, biết tiếp nhận và hỗ dụng tự nhiên cho nhau là cái biết của tự tính hay là cái biết tự thân của thân thể. Chính cái biết ấy là cái biết mầu nhiệm.
Không mầu nhiệm sao được, khi ta đưa vào thân thể những thực phẩm, nhưng sau một thời gian, những thực phẩm ấy được tiêu hóa, để nó không còn là nó nữa, nó là gluco, protid, lipid, amind, Fe, máu,… cái tinh thì nuôi cơ thể, cái thô thì thải ra ngoài, không có bất cứ một máy cơ học nào mà tinh vi và mầu nhiệm đến thế!
Thân thể của ta biết hỗ dụng cho nhau để cùng nhau hoạt động, cùng nhau tiếp nhận, cùng nhau tiêu hóa, cùng nhau gạn lọc, sáng tạo và chuyển hóa mà không lạm dụng chức năng của nhau. Vì sao? Vì chúng chỉ hỗ dụng mà vô cầu.
Do biết hỗ dụng mà vô cầu, nên chúng không lạm dụng nhau. Các bộ phân trong cơ thể của ta, chúng tồn tại, hoạt động có phân quyền và đồng bộ, và sống thống nhất với nhau trong hòa bình.
Sự thống nhất của thân thể như vậy là một sự thống nhất mầu nhiệm. Nó mầu nhiệm, vì nó không phải là sự thống nhất của ý thức hay ý chí.
Sự thống nhất của ý thức hay ý chí là sự thống nhất có giới hạn. Vì ý thức chỉ hoạt động khi ta ý thức và ý thức không thể hoạt động khi ta không ý thức, nghĩa là khi ta ngủ. Và ý thức không phải lúc nào cũng ý thức, vì có nhiều khi ta đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, nói cười, làm việc không có ý thức.
Ý thức là ý thức đối với một cái gì và nếu không có cái gì, thì ý thức không thể biểu hiện để có mặt. Vì vậy, tự thân của ý thức là giới hạn. Nên, những gì do ý thức đem lại cho ta cũng bị giới hạn như chính nó.
Do đó, trong đời sống, ý thức đem lại sự hòa điệu, thống nhất cho ta thì rất ít, nhưng nó đem lại sự phân biệt, kỳ thị, chia rẽ, chiến tranh, bất an và sợ hãi cho ta rất nhiều. Vì sao? Vì tự thân của nó là ý thức. Ý thức có mặt ở đâu, thì ở đó có sự phân hai. Vì sao? Vì bản thân của ý thức là phân biệt. Phân biệt thì bất cứ lúc nào và ở đâu cũng cần có chủ thể và đối tượng.
Vì vậy, sự thống nhất của thân thể không phải là sự thống nhất của ý thức mà sự thống nhất tự bản chất hay từ tánh thể của chính nó. Sự thống nhất như vậy là sự thống nhất mầu nhiệm của thân thể.
Thân thể không phải chỉ thống nhất với đồng loại mà còn thống nhất với phi loại. Thống nhất đồng loại, nghĩa là thân thể cùng liên kết, hỗ dụng và thống nhất với nhau trong những cấu trúc sinh học vật lý. Thống nhất phi loại, nghĩa là trong quá trình tiếp xúc với những phi loại, tự thân của thân thể chế tác ra những phi loại tương ứng, để cộng thông với những phi loại ấy và cùng với những phi loại ấy, tạo ra những tương tác thống nhất trong mâu thuẫn và mâu thuẫn trong thống nhất.
Không có mâu thuẫn sẽ không có thống nhất. Không có bất cứ sự mâu thuẫn nào xảy ra đơn thuần mà mọi mâu thuẫn đều xảy ra từ thống nhất. Mâu thuẫn đơn thuần là mâu thuẫn hư huyễn. Mâu thuẫn ấy như lông rùa, sừng thỏ. Nhưng mâu thuẫn ở trong thống nhất là những mâu thuẫn có thực và có tác dụng hiện thực đối với sự có mặt của thân thể và cuộc sống. Nên, mâu thuẫn mà thống nhất. Thống nhất như vậy là sự thống nhất mầu nhiệm của thân thể. Thống nhất ấy, không phải là những thống nhất ráp nối của những hiện tượng do ý thức hay ý chí trình diễn mà thống nhất từ bản chất hay từ tính thể của chính nó.
Không những thân thể của ta thống nhất một cách mầu nhiệm với những bộ phận của chính nó mà nó còn thống nhất với những yếu tố tâm lý, như cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức.
Khi tâm ta vui, ta thấy thân ta nhẹ nhàng, thanh thoát, mặt mày tươi nhuận, làn da bóng láng; khi tâm ta buồn, ta thấy thân ta nặng nề, ủ dượi, mặt mày hốc hác, bơ phờ, làn da xù xám. Như vậy, ta thấy rằng, thân thể và tâm hồn không phải chỉ gắn bó với nhau mà còn thống nhất với nhau rất mực tự nhiên. Tự nhiên đến nỗi ta không thể nào biết được đâu là lằn mức của chúng.
Ta nhìn thân thể của ta qua những tri giác, tâm hành và nhận thức cũng đều như vậy. Nên, sự thống nhất của thân và tâm là một sự thống nhất mầu nhiệm. Mầu nhiệm, vì chúng thống nhất với nhau từ bản thể.
Bản thể thống nhất của chúng là không. Thân không có bất cứ một cái ta nào cho chính nó và tâm cũng không có bất cứ một cái ta nào cho chính nó. Chính không có cái ta ấy, là bản thể thống nhất của thân và tâm, và là cốt lỗi cho mọi sự hòa điệu.
Do đó, vô thể hay tánh không là thực thể thống nhất mầu nhiệm của thân và tâm. Bản thể của thân và tâm là tánh không. Nhưng, tánh không không những có tác dụng làm cho các yếu tố của thân hoạt động hòa điệu và thống nhất với nhau mà còn làm cho mọi hoạt động của thân và tâm đều hòa điệu trong nhất thể.
Thân và tâm của ta vốn là hòa điệu trong nhất thể. Đời sống hòa bình và an lạc của ta và của mọi người cũng đã có nghiễm nhiên từ đó và nghiễm nhiên siêu việt ngay đó. Nghiễm nhiên từ đó, vì từ đó không có bất cứ một sự dự phần nào của tạo tác. Và nghiễm nhiên ngay đó, vì ngay đó không còn bị chi phối bởi bất cứ quy luật nào của biến hoại, sinh diệt.
Ngay đó mà ta không sống cùng và sống với, nên mọi giá trị vĩnh cửu của đời sống đã bị ta đánh mất, như gã say quên mất hạt minh châu trong chéo áo, như cùng tử lạc mất quê hương và như chàng lãng trí cầm đồng tiền vàng trong tay tưởng là mất, lại loáy hoáy kiếm tìm. Ý thức phân hai, đã đẩy ta đi tìm kiếm đối tượng. Đối tượng ngửa nghiêng, khiến cho ta cũng nghiêng ngửa, lận đận và ngác ngơ giữa những cuộc đuổi tìm.
Với những người đi đầu lột ngược, họ đi tìm kiếm hạnh phúc, thì hạnh phúc chỉ là cái bóng cho họ khát thèm mà khổ đau đã hiện nguyên hình ngay nơi những hành động khát thèm của chính họ.
Ôi, làm sao ta có thể có an lạc và hạnh phúc, khi ta đi tìm cầu hạnh phúc với cái đầu sinh ra lột ngược!
Vậy, ta phải nhìn thân thể của ta mỗi ngày trong con mắt thiền quán, để thấy rất rõ những gì mầu nhiệm trong thể tính chân như tuyệt hảo của nó. Và đừng bao giờ thúc đẩy nó đi tìm kiếm hạnh phúc, an lạc trong ý thức phân đôi hay bằng cái đầu lột ngược!
Thích Thái Hòa