Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 16/10/2018, 21:49 PM

"Phép lạ" của "Tĩnh Lặng" (*)

Hẳn là khi đọc cuốn sách này - “Tĩnh Lặng”, bạn sẽ không ít lần muốn nhắm mắt lại, lắng nghe hơi thở của mình trong vài giây đồng hồ, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ dạy.

Và trước khi đọc những dòng tiếp theo bên dưới, bạn hãy thử một lần làm như vậy xem…

Hãy thử nhắm mắt lại, chỉ vài giây, nghe hơi thở chính mình...

Nhắm mắt lại, thở vào - bạn biết bạn đang thở vào...

Thở ra - bạn biết bạn đang thở ra...

Thở vào...

Thở ra...

Chúng ta là những chiếc đài radio NST!

Có thể bạn sẽ nghĩ ngay "tĩnh lặng" là im lặng - không nói gì, nhưng không phải! Với hầu hết chúng ta, khi “không nói gì” thực chất lại là đang theo đuổi một suy nghĩ miên man nào đó, “bỏ quên” chính thời khắc hiện tại ta đang trải qua.

Chúng ta đã từng nghe hay gặp rất nhiều tựa sách nói đến sức mạnh của sự im lặng hay sự tĩnh lặng, chẳng hạn như cuốn sách được giới thiệu là “best seller” của New York Times: “Sức mạnh của sự tĩnh lặng” - Eckhart Tolle.

Nhưng đây sẽ là lần đầu tiên, xuất hiện một so sánh dễ hiểu, gần gũi đến vậy từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Đầu óc của chúng ta giống như một cái đài radio vậy, cái đài này suy nghĩ liên tục không ngừng - NST (Non Stop Thinking).

Hầu hết chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, từ khi mở mắt tỉnh dậy cho đến cái đặt lưng cuối cùng trên giường rồi chìm vào giấc ngủ vì quá mệt, rất ít khoảnh khắc nào ta thực sự trải nghiệm trọn vẹn chính cái điều ta trải đang qua ở thời điểm đó.

Rất ít ỏi. Gần như không!

Chẳng phải đấy ư, bạn đang ăn bữa trưa nhưng lại nhìn điện thoại, miên man theo những cái “thích” (like), “bình luận” (comment) đang diễn ra trên mạng ảo. Bạn vừa đưa một món ăn vào miệng và thấy ngon quá, khen lên một tiếng “ngon!”, nhưng rồi lập tức chuyển sang nghĩ về thành công hoặc thất bại trong một việc gì đó vừa diễn ra lúc trước.

Ngay cả thời điểm này, khi đọc đến dòng chữ này, chắc gì bạn không lo nghĩ về những điều khác? Một việc gì chưa hoàn thành? Một nhiệm vụ mới sẽ bắt buộc phải thực hiện ngày hôm sau? Hoặc, một chuyện buồn đang vấn vương trong lòng?...

Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy.

Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được.

Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự tĩnh lặng” - Thiền sư Thích Nhất Hạnh mở đầu như thế trong cuốn sách có tên “Silence” - Tĩnh Lặng.
 
Im lặng sấm sét

Sự tĩnh lặng mà thiền sư nói đến trên đây được biểu hiện bằng trạng thái “im lặng sấm sét”, hay gọi cách khác là “im lặng hùng tráng”. Bất cứ sự im lặng nào giúp chế tác ra được năng lượng tốt lành, mang lại sự thảnh thơi, an lạc, mang lại hạnh phúc thật sự cho chính người đó, thì là sự tĩnh lặng chân thật, là cái tốt cho ta giữa dòng đời ngày càng nhiều áp lực, vội vã này. 

Ngược lại, không phải cứ “không nói gì”, cứ “im lặng” nghĩa là đạt được sự tĩnh lặng trong tâm. Nếu sự im lặng của một người dẫn đến hệ quả là chính người đó (và có thể người xung quanh) không cảm thấy hạnh phúc, an vui, thì đó tuy là “hành động im lặng” nhưng không phải sự tĩnh lặng thật sự.

Trong cuộc sống, nhất là cuộc sống gia đình, có nhiều sự “không nói gì” tiêu cực như thế. Ví dụ, vợ biểu hiện sự giận dữ, dỗi hờn, phản đối của mình với chồng bằng cách “không nói gì”. Nhưng từ thái độ, ánh mắt, đến hành động đều dễ dàng khiến “người kia” cảm nhận rõ sự bực bội ấy.

“Sự im lặng” của người vợ trong trường hợp này đã chế tác thành năng lượng xấu, tác động đến chồng. Và dù là lỗi của ai, thì cuối cùng cả hai đều đau khổ. “Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì” là câu nói bình dân phản ánh điều này. 

Tác hại của sự "im lặng" đó nào có khác gì “sấm sét”, vì gây ra đổ vỡ trong cảm xúc, tình cảm vợ chồng. Nhưng nó hoàn toàn không phải là “im lặng sấm sét” trong đạo Bụt như Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ dạy.

"Giả sử ta đang ngồi ngoài trời và chú tâm vào ánh nắng, vào những cây xinh đẹp, vào thảm cỏ xanh, vào những bông hoa nhỏ đang hé nở khắp nơi. Nếu đang thư giãn trên thảm cỏ và thở vào thở ra nhẹ nhàng, ta có thể nghe thấy tiếng chim, tiếng gió đang rì rào, vi vút qua những cành cây.

Ngay cả sống trong thành phố, ta cũng có thể nghe được tiếng chim và tiếng gió. Nếu biết cách làm lắng lại những ý nghĩ đang sôi sục, ta không cần phải tìm đến sự tiêu thụ thiếu chánh niệm để cố gắng chạy trốn những cảm xúc khó chịu. Ta có thể chỉ lắng nghe một âm thanh sâu sắc và thưởng thức âm thanh đó.

Ta sẽ có bình an và niềm vui trong sự lắng nghe đó và sự im lặng của ta là một sự im lặng đầy sức mạnh. Im lặng như vậy không phải là sự im lặng kìm nén mà im lặng đầy sức sống và có tính xây dựng. Trong đạo Bụt, chúng ta gọi đó là im lặng sấm sét. Sự im lặng đó rất hùng hồn và đầy năng lượng..." - Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết. 

Thực tập im lặng sấm sét: Bắt đầu bằng 2 câu này!

Để đạt được sự tĩnh lặng chân thật, thực tập "im lặng sấm sét" có khó không?

Câu trả lời hẳn sẽ làm bạn bất ngờ: Vô cùng đơn giản, ai cũng có thể thực tập dễ dàng!

Nếu có điều kiện đọc thêm nhiều cuốn sách khác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ở đâu bạn cũng có thể gặp một biện pháp màu nhiệm thiền sư khuyên tập, không cần dụng công, không tốn thêm một chút thời gian hay tiền bạc nào để thực hành nó, làm được ở mọi lúc, mọi nơi.
 Sách "Tĩnh Lặng" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, do Thái Hà Books phát hành
Đó là: lắng lại và nghe hơi thở của chính mình!

Chỉ cần thở chánh niệm trong vòng hai, ba giây thôi là ta đã thức tỉnh, rằng ta còn sống và ta đang thở vào. Ta có mặt đây, ta đang tồn tại. Tiếng ồn ở bên trong sẽ biến mất ngay lập tức, nhường chỗ cho một không gian bao la và sâu rộng. Rất hùng hồn và mạnh mẽ”, thiền sư viết.

Hơi thở chánh niệm là gì? Đó là:

Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào

Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra

Hãy nhớ, suy nghĩ của bạn tập trung vào nhịp thở của mình, và nhẩm đọc hai câu đó. Bất cứ khi nào nghĩ sang điều khác ngoài hơi thở, thì đó không còn là hơi thở chánh niệm nữa!

Nhưng đừng nản, vì ta có thể làm đi làm lại, mãi mãi, bài tập đó mà không lo bị mai một, không lo thất bại. 

Cho đến khi bắt đầu “trụ” được từ 10, rồi 20, rồi 30 giây rồi 1 phút... đã là thành công!

Đến khi đó, rất có thể, bạn sẽ thấy dường như tâm mình đang đổi khác, cuộc sống mình đang đổi khác, mình thật sự có thể đạt được sự tĩnh lặng chân thật, và có nhu cầu tìm đến những pháp môn sâu hơn để tìm thấy hạnh phúc nhiều hơn, bền vững hơn.

Ngay giữa những lúc giận dữ, buồn phiền, lo âu, căng thẳng, đố kị… chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng bài tập trên để chế tác ra niềm vui, an lạc, hạnh phúc. 

“Phép lạ” nhiệm màu thật đơn giản chỉ gói gọn trong hai chữ: TĨNH LẶNG!

Sự "im lặng" của Trịnh Công Sơn

Ngoài những khái niệm như "đài NST", "im lặng sấm sét", "im lặng hùng tráng", "hơi thở chánh niệm"... cuốn sách "Tĩnh Lặng" (Silence) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn kể nhiều câu chuyện cụ thể dẫn chứng cho nhiều góc cạnh khác nhau của "sự tĩnh lặng". Một trong những chi tiết thú vị trong cuốn sách là ngài cắt nghĩa về sự im lặng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
 
Tôi xin dẫn lại một đoạn viết dưới đây:

"Trịnh Công Sơn rất mệt mỏi với những tiếng ồn cho dù đó là những tiếng kêu gào khen ngợi hay vỗ tay hoan hô. Ông trân quý những giây phút tĩnh lặng. Ông viết: "Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta một sự thoải mái thảnh thơi tựa hồ như niềm hoan lạc.

Đó là những trường hợp ta không cần phải cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng những câu chuyện gắng gượng, nhạt nhẽo".

Trịnh Công Sơn thích những lúc ngồi im với bạn bè mà không cần nói năng hay làm gì cả, chỉ nuôi dưỡng bởi tình bạn. Tất cả chúng ta đều cần những tình bạn như thế. 

Huệ Tâm
Nguồn: http://soha.vn/phep-la-tao-ra-niem-vui-ngay-giua-luc-gian-du-buon-kho-im-lang-sam-set-20171212175815186.htm
Chú thích: (*) Tiêu đề do BBT đặt

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm