Từ Lâm cổ tự – Nơi Thiền sư Liễu Quán thọ Cụ túc giới
Từ Lâm cổ tự có lịch sử gần 400 năm, do Thiền sư Từ Lâm khai sơn vào nửa sau thế kỷ XVII, cuối đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1649-1687).
Xứ Huế từ lâu đã là nơi lưu giữ nét cổ kính uy nghiêm, nuôi dưỡng bao tâm hồn lớn lên từ những tiếng chuông chùa. Nơi đây từng là kinh đô của vương triều sùng mộ đạo Phật, từ vua quan đến dân chúng đều một lòng hướng về Tam Bảo, làm nền tảng cho giềng mối đạo đức quốc gia. Với lòng hộ trì Chánh pháp đó, Huế đã ươm mầm cho biết bao thế hệ Tăng Ni tài đức viên dung, làm hưng thịnh thiền môn trụ xứ.
Với tinh thần từ bi – trí tuệ, chư vị Tổ sư khi đến truyền bá Phật pháp nơi đây, đều dựng thảo am trong rừng sâu núi thẳm, gần gũi với thiên nhiên. Trong số đó có ngôi cổ tự Từ Lâm nằm trên một ngọn đồi thuộc dãy Hoàng Long Sơn (phường Thuỷ Xuân, TP Huế). Theo Hàm Long Sơn Chí và Đại Nam Nhất Thống Chí, Hoàng Long Sơn là dãy núi do các chúa Nguyễn đặt tên. “Đầu rồng” hướng về kinh thành nên gọi là Hàm Long Sơn. Đuôi rồng với 5 “chi”, trên mỗi chi có một ngôi chùa tọa lạc, tiêu biểu là chùa Từ Lâm.
Bảo An Thiền Tự - Ngôi chùa sở hữu kiến trúc chùa Việt xưa
Từ Lâm là ngôi cổ tự có lịch sử gần 400 năm, do Thiền sư Từ Lâm khai sơn vào nửa sau thế kỷ XVII, cuối đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1649-1687).
Từ Lâm lão tổ là vị Thiền sư người Trung Hoa, đến xứ Thuận Hóa hoằng pháp theo thỉnh cầu của chúa Nguyễn, cùng thời với các vị Tổ sư: Pháp Hàm Giác Phong, Thọ Tôn Nguyên Thiều, Minh Hoằng Tử Dung, Thạch Liêm Đại Sán… Bấy giờ, khắp xứ Thuận Hóa đều vang truyền công hạnh tu tập của chư vị, mà Từ Lâm lão tổ là một trong những vị luôn ẩn mình trong thảo am để tinh nghiêm mật hạnh. Ánh sáng đạo lực tu tập của Ngài từng là nơi nương tựa của hoàng triều và dân chúng.
Trong thời gian này, xứ Thuận Hóa xuất hiện một vị Tăng sĩ người Việt công hạnh thâm sâu là Liễu Quán thiền sư.
Theo văn bia do Pháp điệt Thiện Kế soạn năm 1748, dựng tại bảo tháp của Tổ sư Liễu Quán (núi Thiên Thai, phường An Tây, TP. Huế), Ngài họ Lê, pháp danh Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán, sinh quán làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên. Thuở nhỏ, Ngài tỏ ra thông minh, khí tiết hơn các bạn đồng học. Mồ côi mẹ khi mới lên sáu, Ngài đến chùa Hội Tôn thọ giáo Tế Viên Hòa thượng. Bảy năm sau, Tế Viên Hòa thượng viên tịch, Ngài ra Huế, vào chùa Hàm Long Báo Quốc thọ học Giác Phong Hoà thượng. Năm 1695, Ngài thọ Sa-di Giới ở chùa Thiền Lâm với Thạch Liêm Hòa thượng.
Giá trị văn hóa nghệ thuật chùa Việt
Năm 1697, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Ngài thọ Cụ túc giới với Từ Lâm lão tổ tại An trú Thiền thất trên núi Hoàng Long. Sau đó, Thiền sư Liễu Quán theo thầy, ẩn mình tu học tại Thiền thất trong suốt 3 năm (1697-1699).
Sau khi Từ Lâm lão tổ viên tịch, Thiền sư Liễu Quán đã rời Thiền thất vân du khắp xứ Thuận Hóa tầm sư học đạo, hầu mong đạt đến sở ngộ viên dung. Từ đó, An trú Thiền thất không người chăm sóc và dần dần rơi vào quên lãng.
Tuy không được nhắc tới, nhưng dấu tích xưa của Từ Lâm lão tổ vẫn còn lưu dấu, công hạnh của Ngài vẫn phảng phất trong rừng thiền nơi đây. Từ đó, An trú Thiền thất xưa được đặt tên thành chùa Từ Lâm như chính tôn hiệu của đức Tổ sư khai sơn.
Vào giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), Ngài Tế Ngữ Chánh Dõng Đại sư, một vị đệ tử đắc phong trực tiếp của Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán đã trùng kiến ngôi cổ tự Từ Lâm thành một trong những chốn tổ uy nghiêm.
Chùa Việt Nam – Những kỷ lục về di sản văn hóa
Năm Tự Đức thứ 19 (1866), Tùng Thiện Vương vì liên luỵ vụ án Đoàn Trưng, đã đến chùa Từ Lâm cư ngụ và dựng “Phương Thốn Thảo Đường” để ngày đêm tịnh tu, làm thơ, chăm sóc vườn cảnh. Từ đó, Phương Thốn Thảo Đường trở thành nơi thưởng lãm tao nhã của những người yêu văn thơ bấy giờ [1].
Trải qua những thăng trầm lịch sử, biết bao lần ngôi cổ tự bị hư hoại và được các vị cao Tăng kế tục trùng tu, như: Ngài Đạo Thành Thanh Chứng, Ngài Tánh Minh Chiêu Hy, Ngài Hải Liêm Bảo Kế, Ngài Thanh Liên Hoàng Nhu.
Vào giai đoạn Ngài Trừng Chiếu Chánh Tâm, chùa lại được trùng tu lần nữa. Sau đó gần nửa thế kỷ (1945-1989), ngôi cổ tự bị hư hại nhiều, tưởng chừng như vết tích xưa kia của Lão tổ Từ Lâm cũng như chư vị trùng hưng đã biến mất cùng năm tháng.
Mùa Phật đản năm 1989, thừa hành Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế, thầy Thích Huệ Phước từ tổ đình Tường Vân ra nhận chùa, đã trong tình trạng đổ nát.
Với tinh thần phát huy ngôi cổ tự để tưởng nhớ thâm ân, ngưỡng vọng công hạnh của lịch đại Tổ sư đã khai sơn và trùng kiến, thầy Huệ Phước không quản khó khăn kiến tạo lại ngôi cổ tự ngày nào, trở thành chốn già lam uy nghiêm hùng tráng.
Chùa Từ Lâm ngày nay được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước, từ cảnh trí đến “thanh quy”, nơi nơi đều lưu giữ nét hương thiền phảng phất. Vẻ đẹp thiền môn xứ Huế vẫn được giữ gìn trong những sinh hoạt thường nhật như chính “thanh quy” xưa kia lịch đại Tổ sư đã dày công kiến tạo.
Dòng sông Hương vẫn lặng lẽ trôi, mang theo bao hoài niệm về mảnh đất hiền hoà, vun bồi linh khí đất trời dựng nên chốn già lam đàm hoa toả ngát. Tiếng chuông trên đồi Dương Xuân vẫn vang vọng sớm hôm, thức tỉnh khách trần vân du tịnh cảnh. Lần giở trang kinh thấy duyên trần rơi rụng, dẫu vạn pháp đổi thay nhưng hương thiền một thuở vẫn bát ngát rừng xưa, hiền hoà vắng lặng, tĩnh tịch thanh nhàn. Từ Lâm muôn đời xưa nay vẫn thế…
Chú thích:
[1] Tùng Thiện Vương – Đời và thơ, tr.62.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bảo vật quốc gia chuông chùa Thiên Mụ
Chùa Việt 09:28 19/12/2024Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế mà còn là một công trình kiến trúc và văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc.
Độc đáo ngôi chùa cổ ở TP. HCM được trang trí bằng 30 tấn mảnh sành, sứ
Chùa Việt 09:37 18/12/2024Mất khoảng 20.000 ngày công để gắn hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu lên toàn bộ công trình, chùa An Phú sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam, trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.
Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM
Chùa Việt 10:02 09/12/2024Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.
Chiêm ngưỡng nhiều cảnh “độc, lạ” ở chùa Linh Sơn
Chùa Việt 09:37 07/12/2024Nằm trên gò cao bên triền núi Ba Thê, chùa Linh Sơn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong quần thể di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Từ lâu, nơi đây được xem là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng khắp vùng. Tham quan ngôi chùa trăm năm tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh ở đây.
Xem thêm