Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 02/08/2016, 14:06 PM

Tư liệu mới về giai đoạn đầu thành lập chùa Giác Lâm

Giác Lâm (1) là ngôi chùa cổ có bề dày lịch sử gần 300 năm. Nhiều năm qua, đã có không ít công trình đề cập đến ngôi chùa này, với tư cách đây là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh, là di tích lịch sử văn hóa được công nhận cấp quốc gia từ năm 1988. Ngày nay, chùa Giác Lâm được xem là ngôi chùa xưa nhất ở thành phố Hồ Chí Minh.

                      Hình: Chánh điện chùa Giác Lâm
Khảo sát về giai đoạn đầu thành lập chùa, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Chùa Giác Lâm ở địa phận xã Phú Mỹ Thọ, huyện Bình Dương, trên chỗ gò bằng, có gò kim đôi rộng độ 3 dặm, trên gò cỏ thơm mọc dày như trải nệm, cây cao bóng mát như lọng che” (2).

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức còn cho biết thêm: “Sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhã thú. Mùa Xuân năm Giáp Tý (1744) đời vua Thế Tôn thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng nhà chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch (…) tao nhân mặc khách, những người Minh Hương trong vùng đến đàm đạo, ngắm trăng, ngâm vịnh trên nền nhà thủy tạ giữa ao sen, hay đón thi nhân, du khách mỗi lần đến tiết Thanh minh, Trùng cửu rảnh rỗi kết bầy năm ba người đến mở tiệc để thưởng hoa, chuốc chén mà ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa rộn ràng xa cách ngoài tầm mắt” (3).

Lược sử chùa Tổ đình Giác Lâm, do Huệ Chí biên soan (4) ghi: “Năm 1772, Lý Thụy Long đến chùa Từ Ân xin một tăng sĩ về trụ trì chùa Cẩm Đệm. Hòa thượng Phật Ý cho đệ tử của mình là Thiền sư Viên Quang về”.

Qua tư liệu trên viết về nhiều giai đoạn khác nhau, đã cung cấp cho chúng ta một số nét về ngôi chùa này.
             Hình: Hoành phi Giác Lâm tự
Tuy nhiên, với 3 tư liệu có giá trị này, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra như: theo miêu tả của Trịnh Hoài Đức cho biết chùa trên đồi cao, ngó xuống chợ búa rộn ràng xa cách ngoài tầm mắt. Đó là ngôi chợ gì? Năm 1772, Lý Thụy Long đến chùa Từ Ân xin một Tăng sĩ về trụ trì chùa, như vậy, ngôi chùa Giác Lâm từ khi thành lập (1744), vốn có tên là Sơn Can và Cẩm Đệm, đã có một thời gian khuyết trụ trì, chỉ được xem như một Niệm Phật đường? Và như vậy, Thiền sư Viên Quang, người được tổ Phật Ý cho về trụ trì, có phải là vị Thiền sư đầu tiên của chùa không?
 
Một tư liệu mới góp phần giải quyết các câu hỏi trên chính là quyển sách Tây Đề niên giám (5), được viết bằng chữ Hán, xuất bản năm 1948:

Giác Lâm tự hựu danh Tập Phúc tự, lập vu Phú Thọ thôn, Phú Lâm thị công lộ gian, vi Tịnh Hải đại sư sáng lập, kế chi giả Viên Quân thượng nhân, Trịnh Hoài Đức tiên sinh thường dữ giao du.

Dịch nghĩa:

Chùa Giác Lâm còn được gọi là chùa Tập Phúc (Phước), tọa lạc gần đường lộ và chợ Phú Lâm thuộc thôn Phú Thọ. Chùa do Tịnh Hải đại sư sáng lập, vị kế nhiệm trụ trì là thượng nhân Viên Quán – vị này thường qua lại tiếp xúc với ngài Trịnh Hoài Đức (6) (Phan Đình Đức dịch).

Như vậy, qua đoạn tư liệu trên đã cung cấp cho chúng ta hiểu rõ thêm nhiều vấn đề về:

Tên gọi buổi đầu của chùa, có tên là Tập Phước.

Vị trí chùa nằm gần đường lộ và ngôi chợ mang tên Phú Lâm.

Đặc biệt, Tây Đề niên giám còn cung cấp một tư liệu quan trọng khác, đó là đại sư Tịnh Hải chính là người sáng lập chùa, là vị tổ khai sơn chùa, Thiền sư Viên Quang chỉ là người kế nhiệm trụ trì.

Điều này đã trùng khớp với những tư liệu lưu giữ tại chùa sau này, do Huệ Chí ghi chép, cho biết đến năm 1772 Lý Thụy Long mới đến chùa Từ Ân xin bổ khuyết trụ trì. Thiền sư Viên Quang chính thức về chùa vào năm 1774, tức 30 năm sau ngày thành lập. Vì vậy, trong sách “ chùa Giác Lâm di tích lịch sử-văn hóa”, do Trần Hồng Liên viết (7) cũng đã nhấn mạnh đến việc không có trụ trì chùa giai đoạn trước năm 1774. Tác giả sách cho rằng giai đoạn đó chùa chỉ là một Niệm Phật đường, tức có nơi thờ Phật, có tượng cốt, nhưng không có trụ trì, vì vậy không thể tiến hành lễ truyền và thọ giới được.

Qua cứ liệu trên, chúng ta còn được biết ngôi chùa Giác Lâm là một trong số ít ỏi những danh thắng được nhắc đến ở Gia Định. Vì đoạn tư liệu quan trọng được ghi lại trong quyển Tây Đề niên giám, năm xuất bản vào “Trung Hoa dân quốc, tam thập bát niên, tứ nguyệt, tam thập nhật” (tức ngày 30 tháng 4 Trung Hoa Dân quốc năm thứ 38) [tức năm 1948, THL chú] là đoạn được đặt trong phần mục về tôn giáo ở Gia Định; phần Phật giáo chỉ đề cập đến 5 ngôi chùa lớn mang tính tiêu biểu được gọi là “Ngũ đại tòng lâm” (8) trong đó có chùa Giác Lâm, cùng 4 ngôi khác là: chùa Khải Tường, Kim Chương, Mai Khâu, Giác Viên. Như vậy, vào giữa thế kỷ XX, khi giới thiệu về các danh thắng ở Gia Định, chùa Giác Lâm vẫn còn là một trong 5 ngôi đại tòng lâm được nhắc đến.

Một sự kiện nữa cần lưu ý trong Tây Đề niên giám, chính là tên gọi của Thiền sư Viên Quang “… Kế chi giả Viên Quán thượng nhân, Trịnh Hoài Đức tiên sinh thường dữ giao du”. Tác phẩm nêu pháp danh của vị tổ kế nhiệm trụ trì đại sư Tình Hải là Viên Quán. Dựa theo tài liệu này, có thể phân tích như sau:

Về mặt sự:

Xem lại bia ký tại tháp của Thiền sư Viên Quang trong khuôn viên chùa và bài vị được đặt trên bàn tổ chùa Giác Lâm, cho thấy đây là hai hiện vật được lập rất gần với thời gian Tổ sư viên tịch. Vì vậy, tính chính xác có thể nâng cao hơn. Cả hai hiện vật này đều ghi là Viên Quang (圓 光)

Còn theo thông tin của nhóm nghiên cứu người Hoa tức của nhóm tác giả viết Tây Đề niên giám, có lẽ đã ghi theo cách đọc (phát âm). Chữ quang 光 tiếng phổ thông đọc là guang, chữ quán, 觀 tiếng phổ thông đọc là guàn. Xét trường hợp có khả năng nhóm nghiên cứu này là những người Quảng Đông – nhóm Hoa nói phương ngữ Quảng Đông – chiếm số lượng cư dân đông ở Sài Gòn lúc bấy giờ, tức Chợ Lớn ngày nay, thì chữ quang 光 được đọc là cón; còn chữ quán 觀 đọc là cún. Do đó, rất có khả năng nhóm nghiên cứu đã thông tin theo cách đọc theo âm Hoa Hán (bằng phương ngữ Quảng Đông).

Về mặt lý:

Chữ viên 圓 là tròn đầy, chữ quang 光 là ánh quang, ánh sáng. Vậy, Viên Quang là ánh sáng tròn đầy, tượng trưng cho sự giác ngộ viên mãn.

Chữ quán 觀 có nghĩa là quán chiếu, suy xét. Vậy, Viên Quán có nghĩa là sự quán chiếu tròn đầy, sự quán chiếu đầy đủ. Vẫn có nghĩa tích cực, nhưng không hợp lý bằng cụm từ trên. Thông thường chữ quán hay đi với chữ có nghĩa là tận cùng rốt ráo…Có thể xét trường hợp tên gọi của Tổ Liễu Quán  (了觀) tức là sự quán xét cùng tận, quán xét rốt ráo.

Từ các luận chứng trên, tôn hiệu của vị Tổ thứ 36 ở chùa Giác Lâm ghi là Viên Quang thì hợp lý và có sức thuyết phục hơn.

Qua nguồn thông tin do Tây Đề niên giám cung cấp, đưa đến câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, đó là vì sao một vị Tổ sáng lập chùa, nhưng không thấy còn lưu lại tháp, không còn bài vị trên bàn Tổ?

Có nhiều khả năng đặt ra: Thứ nhất, đại sư Tịnh Hải có thể là người từ Trung Quốc sang Đàng Trong hoằng đạo, lập chùa rồi trở về Trung Quốc.

Thứ hai, khi đang trụ trì, do ảnh hưởng từ một biến cố chính trị nào đó khiến đại sư phải vắng bóng, đồ chúng không rõ tông tích, nên không lập bài vị thờ tự.

Trong hai khả năng đề ra, khả năng thứ hai là có nhiều căn cứ hơn. Bởi vì, nếu theo khả năng thứ nhất, dù cho đại sư có trở về Trung Quốc, sự truyền tụng lại sau này, cùng lòng tôn kính của đệ tử không cho phép họ quên bẵng đi, không hề nhắc đến tên người sáng lập. Khả năng thứ hai gợi cho chúng ta nghĩ đến bối cảnh lịch sử – xả hội thời bấy giờ, Tây Sơn – Nguyễn Ánh phân tranh ở Đồng Nai – Gia Định. Một số người Hoa đã ủng hộ chúa Nguyễn (9). Nếu khả năng thứ hai này xảy ra cho đại sư Tịnh Hải, chắc chắn rằng những ghi chép về lược sử chùa giai đoạn đó và về vị Thiền sư sáng lập là không thể thực hiện, vì vậy mà mãi cho đến gần 2 thế kỷ sau, mới có công trình nêu lại tên vị tổ khai sơn và cũng chỉ cho cộng đồng người Hoa, vì được viết bằng chữ Hán.

Về mối quan hệ giữa Thiền sư Viên Quang và Trịnh Hoài Đức qua bài thơ ngũ ngôn cổ điệu của Trịnh Hoài Đức tặng Thiền sư Viên Quang, nhà nghiên cứu Hán-Nôm Cao Tự Thanh có phiên âm và dịch nghĩa (10), đã cho rằng đó là hai người bạn thâm giao từ thuở ấu thơ. Nhưng gần đây có bài viết riêng về vấn đề này của Phạm Văn Thành đã chứng minh rằng Trịnh Hoài Đức là học trò của Thiền sư Viên Quang: “Theo nhận xét và nghiên cứu của chúng tôi, bài thơ trên Trịnh Hoài Đức sáng tác không phải tặng cho bạn mà là kính tặng cho một bậc thầy khả kính” (11).

Tư liệu Tây Đề niên giám ghi “Viên Quán thượng nhân, Trịnh Hoài Đức tiên sinh thường dữ giao du”, cũng cung cấp thêm cứ liệu để chúng ta có thể khẳng định mối quan hệ giữa Trịnh Hoài Đức và Viên Quang. Đồng thời qua phân tích của bài viết “bàn thêm về bài thơ ngũ ngôn cổ điệu…” cho thấy việc khẳng định Viên Quang là bổn sư của Trịnh Hoài Đức là có căn cứ.

Tóm lại, với những thông tin ngắn gọn do Tây Đề niên giám cung cấp, đã góp phần dựng lại một mảng lịch sử còn khiếm khuyết về chùa Giác Lâm giai đoạn đầu thành lập. Từ người đứng ra quyên tiền lập chùa là Lý Thụy Long, người Minh Hương, đến danh hiệu người sáng lập chùa được gọi là đại sư Tịnh Hải, cho phép đoán định đây không phải là một Thiền sư người Việt, nhiều khả năng đó là người Quảng Đông. Bộ tượng Thập bát La-hán được tạo tác tại chùa giai đoạn đầu (12), thế kỷ XVIII, được bài trí trong chánh điện trước khi được Thiền sư Viên Quang trùng tu mở rộng chùa, đã góp phần chứng minh ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa qua phong cách tạc là rất lớn, thể hiện qua đường nét nhân chủng trên tượng. Cũng không loại trừ khả năng nghệ nhân tạc tượng là những người Quảng Đông/Minh Hương (13).

Xét hành trạng và tiểu sử của các Thiền sư nối tiếp trụ trì chùa, kể từ Tổ Viên Quang đến nay, cho thấy quá trình Việt hóa đã diễn ra trong ngôi đại già lam, mà tên gọi cũng thay đổi qua các giai đoạn từ Tập Phước, Sơn Can/Cẩm Đệm/Cẩm Sơn (14) đến Giác Lâm. Xu thế hội nhập của cộng đồng người từ Trung Quốc sang Việt Nam định cư, từ kiều dân trở thành công dân, trong đó chùa Giác Lâm cũng là một minh chứng: từ ngôi chùa do người Trung Hoa/Minh Hương xây dựng, sáng lập đã dần chuyển sang chùa Việt, với những thế hệ trụ trì người Việt. Chùa Giác Lâm, trong tổng thể giá trị lịch sử-văn hóa có sự dự phần khá đậm nét của giao lưu văn hóa Việt-Hoa.

Chú thích:
Chùa thuộc số 118 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình.
Đại Nam nhất thống chí, tập thượng Biên Hòa – Gia Định, Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn Hóa Phú Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản. Sài Gòn ,1973 tr. 96.
Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản 1972, tr.89.
Huệ Chí, Lược sử chùa Tổ đình Giác Lâm. Bản thảo 1983.
Lý Văn Hùng, Tào Tín Phu, Trần Hàng (?) Trì, Thôi Tiêu Nhiên 1948. Tây Đề niên giám. Bản chữ Hán, tr.25.
Về phương diện từ nguyên, từ đại sư là cách tôn xưng đối với Hòa thượng - tu sĩ Phật giáo [Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Phòng Nghiên cứu Ngôn ngữ và Biên tập từ điển biên soạn, tái bản năm 2002 có bổ sung. Từ điển Hán ngữ hiện đại, Thương vụ ấn Thư Quán, tr. 236], từ thượng nhơn (nhân) có nghĩa là cách tôn xưng đối với Hòa thượng-tu sĩ Phật giáo, của người xưa (sđd, tr. 1108); từ tiên sinh là cách xưng hô đối với những người có học, thành phần trí thức - chỉ lấy nghĩa phù hợp với bài (sđd, tr. 1361) 
Trần Hồng Liên 1999. Chùa Giác Lâm di tích lịch sử văn hóa, Hà Nội. Nxb KHXH, tr.13.
Lý văn Hùng, Tào Tín Phu, Trần Hàng Trí, Thôi Tiêu Nhiên 1948, Tây Đề niên giám. Bản chữ Hán, tr. 25.
xem thêm Nguyễn Văn Huy 1993. Người Hoa tại Việt Nam. Paris. Tr. 37-46.
Toàn văn phần phiên âm, dịch nghĩa đã đăng trong sách của Trần Hồng Liên 1999. Sđd, tr. 203-205. 
Phạm Văn Thành 2005. Bàn thêm về bài thơ Ngũ ngôn cổ điệu của Trịnh Hoài Đức. Trong sách “Nam Bộ Đất & Người. Tập III. Nxb Trẻ, TP. HCM. Tr. 201-206.  
Trong chùa hiện tôn trí hai bộ tượng La-hán. Bộ nhỏ được tạc vào thế kỷ XVIII, bộ lớn vào thế kỷ XIX.
Tên gọi Minh Hương, trước năm 1789, tức giai đoạn trước khi làng Minh Hương được thành lập, dùng để chỉ những con cháu nhà Minh ở Trung Quốc, chữ Hương 香 được viết có nghĩa là nhang khói. Sau này, chữ Hương được thay cách viết là (乡) có nghĩa là làng.
Có tư liệu còn gọi là chùa Cẩm Sơn.
 
Tài liệu tham khảo:
Đại Nam nhất thống chí. Tập thượng, Biên Hòa - Gia Định, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản. Sài Gòn 1973
Huệ Chí. Lược sử chùa Tổ đình Giác Lâm. Bản thảo, 1983.
Lý Văn Hùng, Tào Tín Phu, Trần Hàng Trí, Thôi Tiêu Nhiên. Tây Đề niên giám. Bản chữ Hán, 1948.
Nguyễn Văn Huy. Người Hoa tại Việt Nam, Paris, 1993.
Phạm Văn Thành. Bàn thêm về bài thơ Ngũ ngôn cổ điệu của Trịnh Hoài Đức. Trong sách “Nam Bộ Đất & Người”. Tập III. Nxb Trẻ TP. HCM, 2005.
Trần Hồng Liên. Chùa Giác Lâm , di tích lịch sử văn hóa. Hà Nội. Nxb KHXH, 1999.
Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản. Sài Gòn 1972.

PGs.Ts.Trần Hồng Liên, ảnh: Lê Minh Quốc
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Về Bình Thuận, viếng thăm ngôi chùa trên núi Tà Cú

Chùa Việt 14:40 23/04/2024

Nằm trên núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Hàng cây cổ thụ độc nhất vô nhị dẫn lối vào ngôi chùa màu hồng hơn 400 năm tuổi

Chùa Việt 07:45 14/04/2024

Chùa Hàng Còng, ngôi chùa duy nhất trong tỉnh An Giang có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào đến bên trong khuôn viên với bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Xem thêm