Tự lực và tha lực qua một số mẩu chuyện trong Jātaka
Thiết nghĩ, trong sự tu tập và hoằng hóa lợi sanh thì yếu tố tự lực đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, cũng cần những tác nhân trợ duyên – chính là tha lực thì mới đạt lợi ích thiết thực.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Có thể thấy, tiến trình từ nhân đến quả được diễn ra nhanh hay chậm còn phải phụ thuộc vào duyên. Trong Jātaka cũng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần ấy. Bộ kinh kể về những câu chuyện tiền thân của Đức Phật khi còn là Bồ tát, với những hạnh nguyện rộng lớn cùng sự nỗ lực và tinh tấn không ngừng, cuối cùng Ngài cũng đã trở thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Tự lực là yếu tố cần thiết để người tu tập có thể vững bước đi trên con đường tìm cầu chân lý giải thoát. Bởi Phật giáo xem con người làm nền tảng trung tâm, có khả năng chuyển hóa được nghiệp thức và tự cởi bỏ sợi dây tham ái để đi đến bến bờ giác ngộ. Bên cạnh đó, tha lực lại là một yếu tố quan trọng không kém trong cuộc hành trình tu tập lâu dài. Tha lực được xem như là chiếc phao nổi để người hành giả có thể nương tựa mà vượt qua biển khổ. Điều đó cũng đồng nghĩa chúng ta còn nương nhờ vào giáo lý cũng như sự gia hộ của Phật và Bồ tát tu tập để cùng hòa chung vào tiến trình tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Cho nên, tự lực và tha lực là hai yếu tố song hành để trợ giúp người thực hành Bồ tát đạo mau chóng đạt được kết quả giác ngộ.
KHÁI QUÁT VỀ BỘ Jātaka
Jātaka hay còn gọi là “kinh Bản Sanh” hay “kinh Bổn Sanh” hoặc những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật. Đây là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng của đất nước Ấn Độ nói chung và Phật giáo nói riêng. “Kinh Bổn Sanh được phân ra làm hai loại là do Kinh sư lưu truyền và Luật sư lưu truyền. Bổn Sanh do Kinh sư lưu truyền không ngoài Bổn sự, tức là những câu chuyện về kiếp trước của các bậc tiên hiền trong dân tộc Ấn Độ mang tinh thần Phật giáo… Bổn Sanh do Luật sư lưu truyền căn cứ vào những việc phát sinh của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni hoặc Tăng đoàn, để thuyết minh về đời quá khứ, sự kiện này sớm đã như vậy. Cuối cùng chỉ cho người nào đó trong quá khứ, chính là người nào đó trong hiện tại” [1].
Về niên đại, kinh được biên tập trong khoảng thời gian là 700 năm, từ năm 300 TCN cho đến khoảng năm 400. Các câu chuyện về Jātaka được vẽ khắc trên đá có niên đại lâu năm tại các di tích cổ có vẽ về những câu chuyện tiền thân của Đức Phật và những câu chuyện dân gian Ấn Độ. Có thể nhận thấy ngoài những câu chuyện mang đậm nét lịch sử và tính triết học của Phật giáo, còn có những nội dung câu chuyện mang tính chất văn hóa của địa phương, không đúng theo tinh thần Phật giáo. Ví dụ, câu chuyện số 546 “Đường hầm vĩ đại” Tiền thân Māha – Ummagga, trong đó câu chuyện thứ hai, nói về bậc trí phân xử cho hai người tranh giành đàn bò với nhau, cuối cùng kẻ trộm cũng lộ diện qua cách phán xử khéo léo của bậc trí, kẻ trộm bị phát hiện và những kẻ lính của Bồ tát liền chặt tay và chân. Nếu là Bồ tát trong vai trò trí giả và có quyền phán xử thì sẽ không để cho người ta chặt chân tay như vậy. Giả như có phạt thì chỉ cần những hình phạt nhẹ, hoặc chỉ cần khuyên người đó từ bỏ việc ác cũng như khuyên thực hành điều thiện để trở thành một người có chánh hạnh, vì điều đó nói lên tinh thần từ bi và trí tuệ của Đạo Phật. Như việc Đức Phật thí dụ về người bị trúng mũi tên độc, điều cần thiết và cấp bách là cứu người trước, chứ không quan trọng mũi tên từ đâu tới, do ai bắn và làm bằng chất liệu gì. Cho nên, có thể nhận định đây là cách lồng ghép văn hóa bản địa tại đất nước Ấn Độ hoặc văn hóa Hy Lạp cổ đại trong việc xét xử người phạm tội, nhằm cảnh tỉnh những kẻ xấu, thông qua hình thức trừng phạt như chặt chân, chặt tay… Trong suốt khoảng thời gian khá dài, việc kiết tập bộ kinh này có lồng ghép một phần văn hóa của một quốc gia lân cận là điều không thể tránh khỏi.
Trong quá trình kiết tập và hình thành Tam tạng kinh điển, Jātaka là những câu chuyện được biên tập sau Đức Phật nhập Niết bàn 100 năm, qua hình thức truyền miệng và sau khoảng thời gian tiếp tục biên chép các ngôn ngữ cổ được đưa vào hệ thống kinh điển của Phật giáo. Tập kinh Bổn Sanh chính do các đệ tử của Đức Phật trước tác và để phổ biến những lời dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, các chuyện tiền thân này thật sự là những tác phẩm có giá trị về mặt văn học và sử học, một mặt giới thiệu cho chúng ta sự phong phú và nét đại chúng của các chuyện cổ tích Ấn Ðộ thuộc nền văn học dân gian liên hệ đến Đạo Phật. Các câu chuyện này được biên tập trong Tiểu Bộ kinh bằng ngôn ngữ Pāli. Ở Việt Nam, Tiểu Bộ kinh được Hòa thượng Thích Minh Châu và Giáo sư Trần Phương Lan Việt dịch, là bộ kinh quan trọng trong hệ thống kinh điển Nguyên thủy.
Trong văn học Pāli gồm có 12 thể loại và 12 cách hành văn. Jātaka gồm 547 bài thơ thông qua 550 câu chuyện và có cách hành văn đặc trưng, các câu chuyện ban đầu ngắn nhỏ, về sau được kể dài ra và các câu thơ cũng theo số lượng ngày càng tăng. Mỗi Jātaka gồm có bốn phần:
1) Câu chuyện hiện tại: Một câu chuyện xảy ra trong thời Đức Phật tại thế và do câu chuyện này nên Đức Phật kể một câu chuyện thời quá khứ.
2) Câu chuyện thời quá khứ có liên hệ đến những nhân vật trong câu chuyện hiện tại. Trong chuyện quá khứ luôn có sự hiện diện của vị Bồ tát là tiền thân của Đức Phật.
3) Giải thích bài kệ hay một số danh từ trong câu chuyện quá khứ.
4) Phần kết hợp: Ðức Phật kết hợp mẩu chuyện hiện tại và quá khứ, có khi thêm một bài thuyết pháp, kết quả của bài ấy và cuối cùng là phần nhận diện Bổn sanh, chỉ rõ sự liên hệ giữa những nhân vật chính trong hai câu chuyện quá khứ và hiện tại.
Trong Jātaka các kiếp mà Bồ tát được nhắc tới ở nhiều hình dạng khác nhau, có khi ở loài người, có khi ở trong loài động vật như: nai, heo, chó, khỉ… Tựu trung, các con vật mà Bồ tát đã trải qua các con vật không lớn hơn ngoài con voi và nhỏ nhất là con chim se sẻ. Những câu chuyện càng về sau càng thêm nhiều bài kệ, cùng một câu chuyện nhưng được kết nối liên tiếp với nhau và mở ra những tình huống khiến câu chuyện trở nên dài hơn và có nhiều bài kệ. Ví dụ, trong câu chuyện số 546 Chuyện “Đường hầm vĩ đại” (tiền thân Māha – Ummagga) nói về những thắng trí của Đức Phật thuở quá khứ khi còn là Bồ tát, Đức Phật đã kể lại Ngài liên tiếp vượt qua những thử thách của vị vua đối với bậc trí giả, trong chuyện này Bồ tát đã phải trải qua ba mươi thử thách lớn nhỏ, cuối cùng được vua và dân chúng tôn trọng và cung kính.
TINH THẦN TỰ LỰC VÀ THA LỰC QUA CÁC MẪU CHUYỆN Jātaka
Chuyện tiền thân số 22 Chuyện “Con chó” (Tiền thân Kukkura) Đức Phật kể về việc lợi ích cho bà con và Ngài kể câu chuyện như sau: Trong đời quá khứ, Bồ tát sanh làm con chó rất thông minh, với hàng trăm con chó khác sống vây quanh. Ở trong thành cũng có một đàn chó của nhà vua. Đêm xuống, các con chó của nhà vua leo xuống lầu cắn đứt da và dây cương, vua nổi giận cho bắt giết hết các loài chó, chỉ trừ đàn chó trong cung vua. Các con chó còn lại lo sợ và thưa cùng chó đầu đàn, vì thương các con chó còn lại, rồi Ngài hướng tâm đến các Ba-la-mật, đặt hạnh từ bi lên hàng đầu, Ngài nguyện: “Không một ai dám quăng đá hay gậy để hại ta. Rồi Bồ tát một mình đi vào thành” [2]. Bồ tát liền chạy vào cung vua, sau đó gặp vua và giải thích cho vua nghe, cố gắng thuyết phục vua bằng cách chứng minh rằng các con chó trong cung vua mới là kẻ cắn da và dây cương. Cuối cùng sự thật được bày ra trước mắt, vua hoan hỷ tin chịu và cung kính thực hành theo bài kệ của Bồ tát. Thuở ấy, vị vua là Ānanda, hội chúng là bầy chó hiền lành, còn con chó hiền trí là Đức Phật vậy.
Chuyện số 57 Chuyện “Khỉ chúa” (Tiền thân Vānarinda): Câu chuyện được Đức Thế Tôn kể về những âm mưu mà Đề-bà-đạt-đa muốn hại Như Lai, không những ở đời này mà những đời trước Đề-bà-đạt-đa cũng đã từng hại Đức Phật. Sau đó, Phật kể chuyện quá khứ, Bồ tát sanh làm con khỉ chúa có sức mạnh, thông minh và thân to lớn, hằng ngày sinh sống gần một dòng sông. Có một đôi vợ chồng cá sấu cũng đang sinh sống ở dưới bờ sông. Ngày kia, cá sấu cái mang thai và thèm ăn quả tim khỉ, vì muốn chiều lòng vợ nên cá sấu đực hứa sẽ đem quả tim khỉ về cho vợ ăn. Sau một hồi rình rập và chờ đợi, cá sấu đực cũng gặp được khỉ chúa, nhưng con khỉ thông minh kia đã biết được lòng dạ và ý muốn của cá sấu đực sẽ lấy quả tim của mình. Biết không còn con đường nào để thoát nên khỉ chúa nghĩ ra kế nói rằng cá sấu đực hãy mở miệng ra, cá sấu đực nghe vậy và làm theo không có chút nghi ngờ. Lúc đó, khỉ chúa nhanh chân nhảy lên đầu của sấu đực và thoát sang bờ bên kia. Cá sấu đực thấy vậy xem là việc chưa từng có, tán thán con khỉ chúa và trở về chỗ của mình. Sau khi Đức Phật kể chuyện xong và nhận diện những tiền thân, con cá sấu cái là nàng Cincamanavika, con cá sấu đực là Đề-bà-đạt-đa, còn khỉ chúa chính là Đức Phật vậy.
Chuyện số 178 Chuyện “Con rùa (Tiền thân Kacchapa): Câu chuyện được Đức Phật kể về chàng thanh niên vì nghe theo lời cha mẹ nên đã chạy thoát được dịch bệnh thổ tả đang hoành hành tại ngôi làng. Sau khi thoát nạn xong, chàng trở về lại ngôi làng cũ và đào lấy của cải mà cha mẹ chàng đã chôn cất, từ đó chàng sống cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Chàng thanh niên sau đó đến đảnh lễ Đức Phật, Ngài hỏi nguyên nhân tại sao dịch thổ tả lây lan như thế nhưng anh lại thoát được. Sau khi nghe chàng thanh niên kể lại sự tình, Đức Phật tán thán hành động của anh và theo lời thỉnh cầu của chàng thanh niên, Ngài kể lại câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, Bồ tát sống ở thành Ba-la-nại sinh sống bằng nghề thợ gốm, gần đó có một hồ nước rộng lớn có nối với sông, mùa khô thì tách riêng với con sông. Các con cá và rùa sống chung ở trong đó, đến thời biết mùa khô hạn sẽ đến, các loài cá rùa biết như thế bèn theo nước ra sông lớn. Có một con rùa vì quyến luyến chỗ ở nên không chịu đi mà ở lại tại hồ khô đó. Bồ tát đi đào đất vô tình cuốc trúng phải rùa đang lẩn trong đất, nghe rùa than thở và hiểu sự tình, Ngài gọi mọi người tới và chia sẻ những đặc tính vô thường của vạn vật, và khuyên mọi người phải tỉnh giác, siêng tạo các điều thiện và khi mạng chung họ sanh về thiên giới. Lúc đó, con rùa là Ānanda, còn người làm đồ gốm là Đức Phật vậy.
Trong ba câu chuyện của Jātaka luôn ẩn chứa tinh thần tự lực thông qua sự tỉnh giác của Bồ tát. Các câu chuyện tiền thân của Đức Phật luôn nối tiếp nhau, từ hình trạng này sang hình trạng khác. Trong câu chuyện số 22, Bồ tát với hình trạng là con chó đầu đàn có lòng từ bi rộng lớn, vì muốn cứu những con chó còn lại khỏi sự nguy hiểm nên hy sinh không tiếc thân mạng. Nếu con chó kia sợ chết và sợ bị ném đá thì sẽ không làm được việc rộng lớn như thế. Tinh thần tự lực là sức mạnh để tự cứu bản thân mình và cứu được những chúng sanh khác. Câu chuyện số 57 cũng được bộc lộ yếu tố tự lực mạnh mẽ qua hình ảnh con khỉ chúa thông minh và khéo léo, biết được ý đồ của con cá sấu kia mà vượt thoát khỏi sự nguy hiểm. Vậy, con đường giải thoát phải được xây dựng bằng yếu tố tự lực, sự nỗ lực phá bỏ vô minh không ngừng nghỉ để đạt đến quả vị Phật thông qua hình ảnh minh chứng đó là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Nhắc tới tha lực, ta sẽ liên tưởng đến tha lực niệm Phật, có nghĩa là niệm Phật cầu tha lực, đặc biệt là Đức Phật A Di Đà của pháp môn Tịnh độ. Tịnh độ tông với pháp môn niệm Phật thông qua hình ảnh Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc cùng Thánh chúng đón chờ và tiếp dẫn những chúng sanh có tâm quy hướng về thế giới của Ngài. Trong pháp môn Tịnh độ, yếu tố tha lực được phát huy tác dụng mạnh mẽ để áp dụng vào trong phương pháp tu tập và được thể hiện qua ba yếu tố của hành giả tu tập, đó là Tín, Hạnh và Nguyện. Trong câu chuyện số 22, Bồ tát muốn vượt khỏi sự nguy hiểm, cũng nhờ vào sự phát nguyện. Các bản kinh Đại thừa, các vị Phật, Bồ tát đều có những hạnh nguyện rộng lớn để cứu giúp chúng sanh, như Đức Phật A Di Đà thì có 48 lời nguyện, Đức Phật Dược Sư thì phát 12 nguyện rộng lớn, Ngài Quán Thế Âm trong phẩm “Phổ Môn của kinh Pháp Hoa” thì Ngài dùng nguyện lực để quán chiếu âm thanh của chúng sanh mà cứu khổ, hình ảnh ngài Địa Tạng với nguyện lực rộng lớn muốn cứu độ tất cả chúng sanh thành Phật rồi sau đó Ngài mới chịu thành Phật.
Vậy, qua tinh thần tự lực thì tha lực là yếu tố trợ duyên cho người hành giả tu tập thông qua việc thực hiện các nghi lễ như cầu an, cầu siêu… Nhưng chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng, tha lực của chư Phật để giúp ta có thêm động lực để tiến tu, còn việc tự nỗ lực mới là yếu tố để quyết định tất cả.
Tự lực và tha lực là hai yếu tố có liên quan đến sử dụng sức lực của mình hoặc nương nhờ vào sức lực của người khác. Điểm quan trọng là hai yếu tố này bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Một người muốn đi qua con sông lớn ngoài sự quyết tâm cần phải có phương tiện, phương tiện đó được xem như là tha lực, người đi trên chiếc thuyền phải vận dụng một cách khéo léo để cùng với chiếc thuyền di chuyển đến đích an toàn. Tha lực được ví như hình ảnh là chiếc thuyền để nương nhờ đó mà qua sông, hoặc là nhờ vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Cũng vậy, Đức Phật tùy vào những hạng người có căn cơ, trình độ khác nhau mà rộng nói các pháp môn để cho chúng ta tu tập, các bộ kinh Đại thừa đã chủ trương và đề cập đến như: Kinh Pháp Hoa, kinh A Di Đà, kinh Hoa Nghiêm… Cho nên, điểm tương đồng ở đây là trong tự lực có tha lực và ngược lại trong tha lực có tự lực. Trong Jātaka, đa số các câu chuyện đều thể hiện đầy đủ hai yếu tố đó, như câu chuyện số 22, Bồ tát dùng nguyện lực để có sự gia hộ của chư Phật, Bồ tát để cứu độ chúng sanh và việc làm của Bồ tát là không còn dành sự vị kỷ cho riêng bản thân, mà ngược lại tâm từ của Bồ tát bao dung khắp mọi loài, cứu độ chúng sanh chẳng tiếc thân mạng.
Điểm khác biệt giữa tự lực và tha lực không nằm ngoài ý nghĩa của nó. Một là tự sức lực của chính mình, hai là sức lực của chư Phật và Bồ tát. Trong Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa đều chủ trương tinh thần tự lực trong tu tập, bên cạnh đó Phật giáo Đại thừa lại phát triển và rộng mở thêm tinh thần tha lực trong tu tập, sử dụng nhiều phương pháp tu tập và hành trì để phù hợp căn cơ của mọi chúng sanh.
KẾT LUẬN
Tự lực và tha lực là hai yếu tố không thể thiếu trong lộ trình tìm kiếm ánh sáng giải thoát. Ngoài ý chí và nghị lực tiến tu, hành giả cần phải nương vào giáo pháp, nương vào nguyện lực mới đạt được thành quả mỹ mãn. Tha lực được xem như một phương tiện để giúp tự lực phát huy tác dụng. Nghiên cứu tự lực và tha lực chỉ là một khía cạnh nhỏ nhưng rất quan trọng trong kinh Bổn sanh. Bởi lẽ qua những phân tích trên, ta thấy rằng luôn có sự thống nhất giữa tự lực và tha lực, tự tha song hành, không thiên lệch. Như vậy, tha lực luôn mang ý nghĩa của tự lực và ngược lại, hai yếu tố đó bổ trợ cho nhau để thúc đẩy sự thăng hoa của mỗi hành giả trên bước đường tu nhân học Phật.
Thiết nghĩ, trong sự tu tập và hoằng hóa lợi sanh thì yếu tố tự lực đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, cũng cần những tác nhân trợ duyên – chính là tha lực thì mới đạt lợi ích thiết thực. Trong kinh Bổn sanh đã nói lên được tinh thần đó – một tinh thần không vị kỷ, vô ngã, mình và người đều trong mối tương duyên tác động qua lại lẫn nhau. Chính vì lẽ đó mới có nhận định: “Kinh Bản Sinh đóng một vai trò vô cùng quan trọng là đem tinh thần của Phật giáo phổ biến trong xã hội để thông tục hóa và nhất ban hóa. Theo một ý nghĩa nào đó ta có thể nói, thay vì giải thích những giáo lý trung tâm rất khó khăn của Phật giáo Nguyên thủy hoặc Phật giáo Tiểu Thừa, đem tinh thần Phật giáo dệt thành kinh Bản Sanh làm cho Phật giáo được phổ cập khắp xã hội” [3].
Đó chính là những giá trị hữu ích mà qua nghiên cứu kinh Bổn Sanh đã đem lại cho nhân loại hướng đi đúng đắn trên lộ trình giải thoát. Do vậy, mỗi cá nhân trên bước đường tu học với chí nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” phải biết vận dụng, khế hợp tinh thần trên phương diện tự lực cũng như tha lực.
Chú thích:
* Thích Nữ Chúc Hào, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ khóa II tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Ấn Thuận, Lịch sử biên tập thánh điển Phật giáo Nguyên thủy, Thích Phước Sơn và Thích Hạnh Bình dịch, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr.808- 810.
[2] Kinh Tiểu bộ, tập 4, Thích Minh Châu dịch, Chương I. Phẩm Kurunga 22, Chuyện con chó (Tiền thân Kukkura), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr.15.
[3] Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.464.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm