Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 06/10/2016, 17:51 PM

Tu Phật phải hiểu Phật (P.2)

Phật dạy, tư tưởng lang thang không bờ bến, nó có sức lôi kéo rất mạnh. Tuy nhiên nó không phải là tâm chân thật của chúng ta. Đừng theo nó, mà quay trở lại nhận lấy cái của mình thì chấm dứt cuộc đi rong. Nếu biết lắng nghe trong tánh chân thật, nghe một cách rõ ràng, chúng ta sẽ an lạc thanh thản. 

Luôn sống trong chánh niệm, sáu căn tiếp xúc với sáu trần, biết rõ đâu ra đó, không để vọng niệm xen vào. Như thế ta sống giờ nào trọn vẹn giờ ấy. Đó là lý thuyết. Trên thực tế, chúng ta không thực sống được như vậy. Phần nhiều đều bị vọng tưởng sai sử, kéo lôi. Mình không muốn nghĩ đến chuyện đó mà cứ nghĩ hoài, bỏ không được. Thực tập tu mới thấy sức mạnh của nghiệp, của vọng tưởng thật là kinh khủng. Tu lơ mơ chỉ càng làm cho vọng tưởng mặc sức tung hoành, đùa cợt mình mà thôi.

Chuyện buông thấy đâu có gì khó, như ta đang cầm một vật trong tay, muốn buông thì cứ buông. Thế thôi. Đơn giản tưởng như không có gì đơn giản hơn. Thế nhưng sao chúng ta vẫn không buông được vọng tưởng, phiền não?

Chỗ này, có khi nào ngồi tĩnh lặng một mình, ta thử nghiệm xem hay là mình chưa thật sự muốn buông? Nếu muốn buông thì đã buông, không còn giữ nữa. Giống như ta không thích con đường nào thì không bao giờ đi qua con đường ấy, ai có rủ cũng không đi. Trạng thái tâm đôi khi rất mâu thuẫn và nạn nhân bị lừa dối chính là ta, chớ không ai khác. Như mình bảo không muốn nhớ sự việc hay con người đó, lại là lúc ta đang nhớ. Nếu thật sự không nhớ, thì đã không đặt vấn đề muốn nhớ hay không muốn nhớ. Tự động nó không có trong lòng mình. Một khi ta nói muốn buông là lúc đang nắm giữ, không chừng còn nắm giữ rất chặt nữa là khác. Như vậy là mình tự dối mất rồi.

Con người khổ chỉ vì tự dối, không việc nào ra việc nào cho rõ ràng. Vì vậy không cần phải hỏi ai về cách giải quyết những tồn đọng trong lòng mình. Rất rõ thôi, một là giữ, hai là buông, nhận cho ra mình muốn cái gì thì thực hiện theo ý muốn đó. Và dĩ nhiên kết quả tốt xấu sẽ đi theo sự lựa chọn của mình. Như bây giờ không muốn buồn thì không buồn, chứ không có lươn ươn không muốn buồn mà vẫn cứ buồn. Dứt khoát như vậy, vọng tưởng mới rút lui. Nếu chúng ta yếu yếu thì không chiến thắng nổi nội ma. Nội ma đã thua thì ngoại ma kéo đến là bị bủa vây liền. Chiến thắng nội ma chính là tự chiến thắng mình, Phật gọi đây là chiến công oanh liệt nhất.
 
Trong nhà thiền có câu chuyện rất hay. Một vị thiền khách đến tham vấn thiền sư: 

- Bạch Hòa thượng, làm sao để bỏ sanh lão bệnh tử? 

Thiền sư đáp: 

- Thì cứ bỏ.

- Con bỏ không được, lúc nào cũng nghĩ về nó.

- Nếu bỏ không được thì quải nó đi.

Rất là chính xác. Ta tự trói mình với sanh lão bệnh tử, chớ nó câu có trói ta. Ta mà còn tự dối mình thì ai có thể thành thật với mình, cho nên đừng than trên đời này không ai thiệt với tôi, mình không thiệt với mình thì ai thiệt với mình cho nổi. Mình không hiểu mình thì ai hiểu mình? Chính mình còn phải quay cuồng với mình, không biết khúc nào là đầu khúc nào là đuôi, khúc nào vui khúc nào buồn. Một cái tâm vô thường mà chấp là thường thì khổ. Vọng tưởng là bóng dáng của các trần còn đọng lại trong tiềm thức. Nó không thật vì là bóng. Bóng của một hình ảnh không thật, nên tới hai lần giả. Giống như chúng ta xem ti vi, bám vào những hình ảnh không thật trong đó mà khóc mà cười. Vì vậy Phật nói chúng sanh si mê, rất đáng thương xót.

Tu là quán sát biết rõ mọi trạng thái của tâm. Khi giận biết đang giận, cơn giận tự nhiên giảm xuống và tan biến từ từ. Đơn giản như vậy. Tiến thêm một bước nữa, ta biết giữa hai trạng thái giận và không giận, không giận khỏe hơn thì chọn không giận. Không phải chỉ chọn bằng ý thức mà chọn bằng thực hành. Thái độ này hoàn toàn do chúng ta quyết định, không ai xen vào được. Chuyện trong tâm rất là bí mật, độc lập. Chỉ trừ khi mình không hiểu mình muốn cái gì thì thôi, chấp nhận thần kinh không ổn vậy.

Phật bảo ngôi vị chánh giác không phải riêng của chư Phật, mà là của chung tất cả chúng hữu tình giác ngộ. Nó không ở bên ngoài mà ở trong tâm ta. Ngôi của ai người đó ngồi. Ta có quyền làm Phật mà tại bỏ ngôi vị của mình, ham đi chơi thôi. Chơi xa quá, lâu quá nên quên đường về, thành ra kẻ tha hương, nhưng trong lòng vẫn biết mình có nhà. Phật tạm chia chúng sanh có hai tâm: tâm vọng tưởng và tâm chân thật. Tâm vọng tưởng thoát ly không được mà tâm chân thật nhận cũng không ra. Đó chính là lý do tạo sao chúng sanh đi trong sanh tử.

Đối với nhà Phật biết được mình là biết được tất cả. Làm chủ được mình là làm chủ được tất cả, vì khi đó ta có đủ năng lực để giải quyết mọi chuyện, kể cả trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Trí tuệ chân thật lưu xuất từ thiền định, cho nên năng lực ấy vô tận. Như các nhà khoa học, khi phát minh điều gì là do tự trầm lắng suy tư, nghiên cứu, chớ không học từ ai. Bằng chính trí tuệ của mình, nhưng các nhà khoa học xoay ra ngoài vũ trụ vạn vật, lấy nó làm đối tượng nghiên cứu của mình. Trong khi đạo Phật xoay vào trong, lấy cái không sanh không diệt, không hình không tướng có sẵn nơi mình làm nhân, để nhận và sống với nó, nên quả nếu thành tựu cũng không sanh không diệt, không hình không tướng và dĩ nhiên là vô tận. Bởi nó không hạn cuộc trong thời gian, không gian. Cho nên các phát minh của khoa học không thể so sánh với phát minh của các hành giả tu Phật. Một bên hữu hình và một bên vô hình, làm sao có thể so sánh được!

Như vậy ta biết năng lực của tâm rất lớn, thậm thâm vi diệu. Nếu chúng ta quay về nhận lại toàn bộ gia sản nhà mình thì năng lực bấy giờ là vô song. Đức Phật đã sử dụng trí tuệ của ngài phát minh và vận hành được nguồn năng lực của tâm, nên Ngài thoát ly sanh tử, vĩnh viễn ra khỏi ba cõi, chấm dứt khổ đau, độ vô lượng chúng sanh ra khỏi biển khổ. Cho nên biết năng lực của tâm chính là nguồn trí tuệ vô tận, có công năng chiếu phá tận căn để mầm mống vô minh. 

Khi thành đạo rồi, đức Phật nhìn vào một bát nước, thấy vô số vi trùng. Ngài nói điều đó chẳng ai tin. Tại sao không tin? Tại vì không thấy. Người đương thời không tin không có nghĩa là chuyện ấy không có, chỉ vì năng lực chưa tới nên không thể có cái thấy của bậc giác ngộ, trí tuệ siêu xuất thế gian. Cho tới bây giờ, chuyện nhìn thấy vi trùng trong bát nước không còn lạ lẫm với mọi người nữa, thì đức Phật đã nhập diệt. Tuy nhiên, nhà khoa học không nhìn thấy trực tiếp bằng Phật nhãn như Thế Tôn, mà phải nhờ kính hiển vi, nhờ dụng cụ khoa học. Điều này chứng tỏ đôi mắt của nhà khoa học còn cách rất xa đối với đôi mắt Phật.

Phật nhìn vào vũ trụ thấy vô số thế giới, không thể tính kể. Ngày xưa người ta cũng không tin điều này, bây giờ thiên văn học đã thấy được các hành tinh trong vũ trụ, nhưng có thấy y như Phật không thì chưa biết. Chúng ta chỉ biết chắc một điều, những gì Phật nói là không sai. Cho nên chúng ta tin chắc mình có chủng tử Phật, có cả khả năng thành Phật, nếu tu tập giống như Phật đã chỉ dạy. Con người cứ nghiên cứu bên ngoài mà không nghiên cứu lại chính mình thì không thể biết được năng lực của mình. Nghiên cứu các pháp sanh diệt, thì kết quả nghiên cứu ấy cũng phải sanh diệt. Phật nghiên cứu một cái không sanh diệt thì kết quả cũng sẽ không sanh diệt.

Phật nói chúng sanh có bản tâm chân thật hằng hữu, chỉ cần xoay lại nhận thì trí tuệ viên mãn, nhìn thông suốt không kẹt gì cả. Nhìn thấy rõ thân, tâm và sự vật bên ngoài. Cho nên sau khi chứng đạo dưới cội Tất-bát-la, đức Phật có đủ Tam Minh. Minh thứ nhất là Túc Mạng Minh, thấy biết rõ từ vô lượng vô lượng đời trước của Phật và tất cả chúng sanh. Minh thứ hai là Thiên Nhãn Minh, thấy biết rõ những đời sau của vô lượng chúng sanh. Minh thứ ba là Lậu Tận Minh, thấy biết rõ nguyên nhân nào chúng sanh trôi dạt từ nơi này đến nơi khác, con đường nào để chấm dứt sự trôi dạt ấy. Phật còn nói: Những gì ta thấy biết giống như lá cây trong rừng, những gì ta nói lại chỉ như lá trong bàn tay. Tại sao Phật không nói hết? Tại vì nói ra chúng sanh cũng không tin, càng làm cho họ bối rối, không biết đường tu, không có lợi ích. Những gì cần nói Phật mới nói, không cần nói, dù có biết cũng không nói. Chẳng giống mình, biết không biết gì cũng cứ nói!

Hạnh Chiếu (còn nữa)
Nguồn: http://www.thuongchieu.net/index.php/phaplu/770-tu-pht-phi-hiu-pht

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm