Tu theo Viên Giác
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được chư Tổ cho rằng đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật.
> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Kinh Phật tại đây
Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
Kinh Viên Giác có tên là Đại Phương Quảng Tu Đà La Liễu Nghĩa do ngài Phật Đà Đa La (Buddhayas’as) nước Kế Tân (Kashmir bây giờ) đương thời nhà Đường dịch ra tiếng Trung Hoa. Tôi không biết có bao nhiêu cao tăng Việt Nam dịch Kinh Viên Giác từ Hán Văn sang Việt Văn. Trước mắt tôi có các bản dịch: Một là của cụ Thích Huyền Cơ dịch năm 1951 tại Hà Nội và bản dịch của HT. Thích Thiện Hoa năm 1957 tại Sài Gòn. Bản dịch thứ ba của HT. Thích Trí Quang năm 1985, bản thứ tư của thầy Thích Duy Lực năm 1991. Và bản thứ năm của thầy Thích Hằng Đạt không ghi rõ năm.
Trong phần giới thiệu bản dịch, Cụ Thích Huyền Cơ nói rằng, “Bộ Kinh Viên Giác này thuộc về loại kinh cao. So theo tứ giáo (*) và nói theo phân biệt thì nó cao hơn Viên Giáo. Nó không những là bao hết tứ giáo như gương trong sáng, gặp vật gì cũng hiện rõ, lại còn trên cỡ phân biệt của tứ giáo. Nó không thuộc phạm vi phân biệt. Nó là hiện tượng không danh từ.”
Tôi may mắn được biết tới bộ kinh này khi còn ở Trại Cải Tạo Hà Tây khoảng năm 1980. Do một số anh em Phật tử trước khi đi trình diện cải tạo có đem theo bộ kinh này rồi do một nhân duyên thật hi hữu, gặp nhau, lén truyền tay nhau biên chép, nghiên cứu, đọc tụng. Trong số này có những vị đã giữ những chức vụ rất cao trong quân đội VNCH, khi định cư vào Mỹ thấy cuộc đời này chỉ là ảo mộng, đã xuất gia và tu thiền. Riêng tôi vẫn còn nặng nợ trần ai, dù rất thích thú với kinh này, nhưng sau bao năm đọc tụng mà vẫn không sao hiểu hết được kinh. Từ đó tôi nghĩ rằng chỉ có Đức Phật mới hiểu hết Viên Giác mới nói được Viên Giác. Ngay hàng Bồ Tát cũng không thể hiểu hết Kinh Viên Giác. Từ đó, tôi không bao giờ có ý nghĩ ngông cuồng là “giảng” về Viên Giác mà chỉ dám ở mức khiêm tốn cố gắng hiểu và hiểu đến đâu thì nói ra. Do đó tôi mong các bậc cao minh nếu thấy có gì sai sót xin chỉ giáo cho.
Tu Phật có nhiều pháp môn. Mỗi pháp môn thường trụ vào một bộ kinh nào đó, như Pháp Hoa Tông (Tu theo Kinh Pháp Hoa), Tịnh Độ Tông (lấy Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, và Tiểu Bản A Di Đà làm căn bản). Mật Tông y vào giáo lý bí mật của Kinh Đại Nhật, Kinh Kim Cương Đính gọi là Mật Tông hay Chơn Ngôn Tông. Thiền Tông tuy nói “bất lập văn tự” nhưng yếu chỉ của Thiền Tông đều nằm trong Lăng Già, Kim Cang và Bát Nhã. Còn tôi chưa thấy một tông phái nào tu theo Viên Giác. Do đó trong bài này tôi đưa ra một câu hỏi là, “Liệu chúng ta có thể tu theo Viên Giác được không?” Do đó tôi sẽ đi lần lượt từng chương để tìm hiểu mà tôi gọi đó là “tu theo Viên Giác”.
Như chúng ta đã thấy, tu theo Tiểu Thừa, tu theo pháp môn Tịnh Độ, ăn chay, tụng kinh niệm Phật thì ít sinh bệnh. Nhưng hễ cứ leo lên pháp môn cao, thuyết giảng cao viễn, nói là mình tu theo Đại Thừa là dễ sinh “bệnh”. Nào là bệnh hình thức, bệnh bày đặt vẽ vời, bệnh ngã mạn, bệnh kiêu căng, bệnh chưa chứng đắc mà đã cho mình chứng đắc. Chính vì thế mà Ngài Văn Thù Sư Lợi sợ các bệnh ấy cho nên mới thưa hỏi Phật, phương pháp để “Chúng sinh đời sau cầu vào đại thừa tránh xa các bệnh, khỏi lạc vào đường tà.”
Đức Phật đã chỉ dạy cho Ngài Văn Thù Sư Lợi như sau, “Tất cả chúng sinh từ trước đến nay theo các món điên đảo, cũng như người mê lầm, bốn phương đều quay đổi, nhận lầm bốn đại (giả hợp) làm tướng của thân mình, cái bóng dáng sáu trần làm tướng của tâm mình cũng như người con mắt bệnh thấy hoa đóm giữa hư không và mặt trăng thứ hai.” Và, “Chúng sinh ở trong chỗ không sinh, nhầm thấy có sinh diệt vì thế nên gọi là sinh tử luân hồi.” (Thích Huyền Cơ)
Như vậy, hành giả nếu không thấy thân - tâm này là giả dối thì tu gì cũng hỏng và vẫn thấy mình ngụp lặn trong sinh tử luân hồi.
Nếu thân-tâm là hư dối thì không có cái ngã để tu, cũng không có cái ngã thuyết pháp. Dù có thực hành bao nhiêu hạnh-huệ, siêng năng tinh tấn nhưng vẫn thấy không có chứng đắc và không có chúng sinh nào được diệt độ cả.
Dĩ nhiên là phải có cái hiểu biết để tu nhưng cái hiểu biết đó cũng phải bỏ. Đó là tính tùy thuận theo Viên Giác. Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy, “Cái người hiểu biết nó cũng là hư không. Người biết hư không - tức cái tướng của hoa đốm ở hư không - cũng không thể nói là không có tính hiểu biết; có và không cũng đều bỏ.” (Thích Huyền Cơ)
Do đó, theo tôi hiểu, nếu tu theo Viên Giác thì:
- Thân-tâm phải vắng lặng.
- Phải thấy tất cả những gì đang diễn ra chung quanh đều là giả dối, tựa như giấc chiêm bao.
- Không thấy có cái tôi đang niệm Phật, đang ngồi Thiền, đang thuyết pháp, đang độ sinh.
- Tất cả thế giới này đều không động.
- Điều quan trọng nhất là phải thấy thân tứ đại này có hoại diệt nhưng tính Phật, tính Viên Giác, Niết Bàn không hoại diệt giống như hư không thì không thể hoại diệt, cho nên không có sinh tử luân hồi.
Như vậy nếu tu mà còn mê luyến chuyện đời, còn bị tác động bởi những gì đang xảy ra chung quanh mình, còn bồi đắp cho cái tôi, cho thân tứ đại này…thì vẫn trôi lăn trong vòng sinh-tử luân-hồi…dù có tu thêm một trăm năm nữa cũng vậy thôi.
Xin hẹn lần sau tôi sẽ nói về phẩm Bồ Tát Phổ Hiền Hỏi Phật.
Chú thích:
(*) Tứ Giáo gồm: Thanh Văn Thừa Giáo, Duyên Giác Thừa Giáo, Bồ Tát Thừa Giáo và Nhất Phật Thừa Giáo.
(**) Viên Giáo là tối thượng thừa, nhất thừa hay Phật thừa được Phật thuyến giảng trong Hoa Nghiêm và Pháp Hoa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Xem thêm