Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 28/11/2016, 08:31 AM

Tư tưởng của Thiền sư Chân Nguyên

Theo Chân Nguyên, đóa sen mà Phật đưa lên cho đại chúng ở hội Kỳ Viên xem, đóa sen đã làm cho Ca Diếp mỉm cười, là tượng trưng cho tính giác ngộ có tính trong sáng tròn đầy (trạm viên) của tất cả chư Phật và tất cả chúng sinh. Giác ngộ thành đạo tức là phát hiện được tự tính đó: tự tính này hiện hữu một cách bình đẳng nơi mọi loài và mọi vật, không phân biệt trong ngoài trên dưới:

Thuở xưa hội cả Kỳ viên
Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày
Ca Diếp trí tuệ cao tay
Liễu ngộ tự tính bằng nay mỉm cười

Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sinh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là vốn tính trạm viên
Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng(50)
 
Khi một bậc giác ngộ muốn diễn tả nói năng, thì chính đóa hoa ấy của tâm (tâm hoa) ứng miệng nói ra chứ không phải là do ta vận dụng tri thức, quan niệm và ngôn ngữ thông thường:

Hậu học đã biết hay chăng
Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời(51)

Như vậy đối với Chân Nguyên, tất cả những điều nói năng không phát xuất trực tiếp từ kinh nghiệm về tự tính đều là những điều trống rỗng. Phương pháp của thiền khác với phương pháp của giáo. Thiền là sự trao truyền của tâm qua tâm, còn giáo là sự trao tuyền bằng kinh bằng lục:

Giáo là kinh lục kể bày
Giấy mực văn tự chất đầy hà sa
Tông là nguyên tự tính ra
Vốn vô nhất vật, lặng hòa hư linh(52)
 
Ðọc kinh thì lâu lắm mới hiểu được đạo, trong khi chiêm nghiệm theo lời chỉ dẫn của tổ thì có thể chứng ngộ trong giây phút:

Xem kinh Bụt thuyết còn xa
Nghiệm cơ Tổ bảo sát na biết rồi (53)

Chân Nguyên lại khuyên độc giả đừng ngại ngùng khi nghe những mẫu vấn đáp có tính cách kỳ lạ giữa các tổ và môn đệ của họ. Những mẫu vấn đáp này đích thị là ngôn ngữ thiền, nhằm đối trị các trường hợp cao thấp thuận nghịch khác nhau, là những phương tiện đập vỡ thói quen và thành kiến để đưa người ra khỏi sự bế tắc:

Ngộ tính không tịch thì thôi
Chẳng lạ chỉ lời vấn đáp tiêu hao
Cơ quan thuận nghịch thấp cao
Những sự huyễn trí chiêm bao đặt làm
Ðại vi thuyết pháp chỉ nam
Cho ta ngộ đảo kẻ đàm kinh lâu(54)
 
Ngôn ngữ này lắm khi chỉ là sự giữ lặng thinh, hoặc là giương mắt, hoặc là nhíu lông mày, hoặc là hét lên một tiếng vang dội như sư tử lớn:

Hoặc là nghiễm tọa vô vi
Hoặc là thuấn mục, giương mi giao thuần
Hoặc hiện sư tử tấn thân
Quát thét một tiếng xa gần vang uy
Ai khôn xem đấy sá nghì
Hội ngộ tự tính, tức thì chứng nên(55)

Nhưng lối truyền thông mà Chân Nguyên ưa nói nhất là nhìn thẳng vào hai mắt cả người mình đối thoại. Ta nhớ hồi còn tu học với Minh Lương, Chân Nguyên vì được Minh Lương nhìn thẳng vào hai mắt mình mà trong phút giây giác ngộ. Cho nên ông đã dùng hình ảnh này nhiều lần trong Thiền Tông Bản Hạnh:

Tam thế chư Phật tổ sư
Tứ mục tương cố thị cừ thiền cơ
Tứ mục tương cố là bốn mắt nhìn nhau.
Tứ mục tương cố nhãn đồng
Thầy tớ trao lòng đăng chúc giao huy.

Thầy tớ trao lòng là sự truyền tâm giữa thầy và trò, còn đăng chúc giao huy là đèn đuốc nối sự sáng cho nhau.

Hóa Phật thọ ký vô biên
Tứ mục tương cố mật truyền tâm tông

Ông lại cũng dùng những hình ảnh này trong tác phẩm Ngộ Ðạo Nhân Duyên nữa:

Ðèn tâm mắt Phật mới vừa sinh
Tâm ấn truyền nhau, bốn mắt nhìn
Tiếp nối đèn kia về bất tận
Thiền lâm thắp mãi ánh quang minh.

(Nhất điểm tâm đăng Phật nhãn sinh
Tương truyền tứ mục cố phân minh
Liên phương tục diệm quang vô tận
Phổ phó thiền lâm thọ hữu tình)

Về vấn đề ngôn ngữ Chân Nguyên viết: "Sử dụng ngôn thuyết là việc bất đắc dĩ phải dùng phương tiện để đối trị vọng tưởng của chúng sinh. Nếu không tùy trường hợp mà đối trị những vọng tưởng ấy, tức là không thể có giáo pháp. Mà không có giáo pháp nghĩa là không có Phật cũng không có tăng. Tam Bảo đã không thì không có người thuyết pháp, cũng không có pháp được thuyết. Giáo pháp đã từ nhân duyên mà có thì cũng chỉ là phương tiện để làm trẻ con nín khóc mà thôi, đâu có chân thực. Người ngu phu thì cần nhiều kinh điển, nhiều giáo pháp; bậc thượng trí thì chỉ cần một tiếng hét hay một nụ cười cũng có thể đốn ngộ tự tính."

Chân Nguyên rất hâm mộ đoạn nói về ngôn ngữ thiền trong kinh Lăng Già và thường hay trích dẫn kinh này trong các tác phẩm của ông. Ông nói:

Ai chưa tín thọ còn ngờ
Thinh kinh Lăng Già quyển nhị hòa trông(56)
 
Công án mà Chân Nguyên đã sử dụng nhiều nhất trong thiền tập có lẽ là công án mà Bách Trượng ngày xưa đã trao cho Hương Nghiêm: "Hãy nói cho tôi nghe về mặt mũi của chính ông khi mà ông chưa được cha mẹ sinh ra". Công án này có liên hệ tới pháp hiệu Chân Nguyên của ông. Chân Nguyên là nguồn gốc chân thực. Công án ấy ông đã diễn tả trong sách Thiền Tông Bản Hạnh:

Thuở xưa trời đất chưa sinh
Cha mẹ chưa có thật mình chân không
Chẳng có tướng mạo hình dung
Tịch Quang phổ chiếu viên đồng thái hư.

Thì ra mặt mũi ấy là chân không. Chân không cố nhiên không phải là hư vô - hư vô là giả chứ không phải là cái không chân thực. Cái không chân thực vượt ra ngoài có và không. Nó là thực tại không thể diễn ra bằng tướng mạo hình dung. Ông lại còn diễn tả cái thấy của ông về công án này trong hai bài kệ gọi là Chân Nguyên Trạm Tịch nghĩa là "Chân Nguyên vốn là trong sáng và lặng lẽ" Ðọc bài này ta đừng quên rằng hai tiếng chân nguyên vừa có nghĩa là "nguồn gốc chân thật" Vừa có nghĩa "ông thầy tu Chân Nguyên"

Thiên địa phụ mẫu vị sinh tiền
Tịch quang viên trạm thị Chân Nguyên
Tự giác giác tha danh viết Phật
Từ bi thuyết pháp lợi nhân thiên.


(Khi đất trời và cha mẹ chưa sinh, thì Chân Nguyên lặng yên, chiếu sáng tròn đầy, trong trẻo. Nếu cái nguồn gốc chân thật ấy mà hiển lộ được thành hành động tự giác, giác tha thì được gọi là Phật, có thể đem từ bi tâm thuyết pháp để làm lợi cho cõi người và cõi trời).

Vạn pháp không hoa giai bất thực
Vị độ quần sinh giả lập quyền
Liễu liễu bản lai vô nhất vật
Chân Nguyên trạm tịch phục hoàn nguyên

(Mọi hiện tượng đều như hoa đốm giữa hư không, không có thực chất. Vì muốn độ quần sinh cho nên tạm đề cập tới chúng. Giác ngộ được rằng xưa nay không một hiện tượng đã từng hiện hữu thì Chân Nguyên vắng lặng trong trẻo trở về nguồn cội của nó).

Về phương diện phương pháp hành đạo, Chân Nguyên chủ trương rằng chìa khóa của sự đạt đạo là nuôi sáng ý thức mình về sự hiện hữu của tự tính "trạm viên", nguồn gốc chân thật của mình. Ý thức được như vậy thì mọi ý nghĩ, mọi hành động của ta tự nhiên đi vào con đường giác ngộ, và không cử chỉ nào của ta mà không phải là mầu nhiệm thần thông: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc và ý nghĩ. Ðó là sự "vận dụng của lục căn" trên căn bản ý thức về tự tính giác ngộ. Chân Nguyên nhắc lại điều này nhiều lần. trong Thiền Tông Bản Hạnh:

Hậu học đà biết hay chăng?
Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời.
Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi
Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông.

Và trong bài kệ Thị tịch:
Hiển tích phân minh thập nhị thì
Thử chi tự tính nhậm suy vi
Lục căn vận dụng chân thường kiến
Vạn pháp tung hoành chính biến tri.

Nhưng dù sao, diễn tả cái thấy của mình vẫn là chuyện khó khăn; Chân Nguyên biết điều đó, cho nên một lần ông ta viết bài thơ này, coi như bài thơ đẹp nhất của vị thiền sư đã từng làm cho phát triển chấn hưng vào cuối thế kỷ thứ mười bảy:

Nói ra là bị kẹt
Không nói cũng chẳng xong
Vì anh đưa một nét
Ðầu núi ánh dương hồng

(Hữu thuyết giai thành báng
Vô ngộ diệc bất dung
Vị quân thông nhất tuyến
Nhật xuất lĩnh đông hồng)
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

(Việt Nam Phật giáo Sử luận – bút hiệu Nguyễn Lang)
Chú thích:
(*) Theo nhà Phật học Lê Mạnh Thát trong Chân Nguyên thiền sư toàn tập, 2 tập, Tu thư Vạn Hạnh, thành phố Hồ Chí Minh, 1980, thì Chân Nguyên có đến 11 tác phẩm, kể cả những cuốn chưa xác định thật chắc chắn: 1. Tôn sư phát sách đăng đàn thụ giới; 2. Nghênh sư duyệt định khoa; 3. Long thư tịnh độ văn tự; 4. Long thư tịnh độ luận, bạt, hậu tự; 5. Tịnh độ yếu nghĩa; 6. Ngộ đạo nhân duyên; 7. Thiền tịch phú; 8. Thiền tông bản hạnh; 9. Nam Hải quan âm bản hạnh; 10. Ðạt Na thái tử hành; 11. Hồng mông hành (N.H.C.)

(50) Thiền Tông Bản Hạnh
(51) Thiền Tông Bản Hạnh
(52) Thiền Tông Bản Hạnh
(53) Thiền Tông Bản Hạnh
(54) Thiền Tông Bản Hạnh
(55) Thiền Tông Bản Hạnh
(56) Ðây là đoạn văn liên hệ dịch từ kinh Lăng Già: "Này, Ðại Tuệ, không phải trong mọi thế giới đều có sự sử dụng ngôn thuyết. Ngôn thuyết là tác động vào tai. Ở nhiều nước Phật, người ta giáo hóa bằng nét mặt, hoặc bằng cách nhướng mắt, hoặc nhíu lông mày, hoặc mỉm cười, hoặc đằng hắng, hoặc nháy mắt, hoặc tư duy trầm lặng, hoặc dao động thân thể. Này Ðại Tuệ, như các cõi Chiêm Thị và Hương Tích, cõi của Phổ Hiền Như Lai, người ta chỉ cần sử dụng cái nhìn mà cũng đủ làm cho các vị Bồ tát chứng được Vô Sinh Pháp Nhẫn (Anutpattikadharmakshanti), và các quả Tam Muội lớn lao khác. Phật lại bảo Ðại Tuệ: Xem ngay trong thế giới này, ta cũng thấy các loài như ong, kiến, không hề dùng tới ngôn ngữ mà vẫn cũng có thể thi hành với nhau được bao nhiêu việc."
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Thiện duyên của người mẹ cúng dàng 500 vị Bích Chi Phật

Tư liệu 06:58 16/04/2024

Theo kinh Ðại phương tiện Phật báo ân, vào thời quá khứ xa xưa có một người nữ, do một bất thiện nghiệp ở tiền kiếp đã sinh ra làm con của một con nai cái. Nhưng cũng nhờ những nghiệp nhân tốt đẹp khác, cô gái do nai sinh ra có một tướng mạo đoan chính, tính tình bao dung, hiền thiện.

Xem thêm