Vai trò của tu sĩ Phật giáo Nam tông trong đời sống xã hội người Khmer Tây Nam Bộ
Đời sống xã hội là khái niệm chỉ rõ các hiện tượng phát sinh do sự tác động lẫn nhau giữa các cá thể và cộng đồng tồn tại trong một khoảng không gian nhất định với việc sử dụng chung các tài nguyên hiện có.
Đời sống xã hội là khái niệm chỉ rõ các hiện tượng phát sinh do sự tác động lẫn nhau giữa các cá thể và cộng đồng tồn tại trong một khoảng không gian nhất định với việc sử dụng chung các tài nguyên hiện có. Nó bao hàm tất cả những hiện tượng tác động có ý thức và thích nghi không có ý thức. Đó là tổng thể các cơ thể ràng buộc nhau bởi sự tác động qua lại giữa các quá trình sống của chúng và tác động vào môi trường. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi hiểu đời sống xã hội là tổng thể các hiện tượng phát sinh do sự tác động lẫn nhau của các chủ thể xã hội và cộng đồng tồn tại trong những không gian và thời gian nhất định, là tổng thể hoạt động của xã hội nhằm đáp ứng các nhu cầu của con người. Theo cách hiểu ấy, đời sống xã hội là một phạm trù rất rộng lớn, nhưng bài viết tiếp cận dựa trên 4 phương diện cơ bản: tôn giáo, văn hóa – xã hội, chính trị và kinh tế.
1. VAI TRÒ CỦA TU SĨ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO
Phật giáo trong vai trò thực thi đạo pháp trước hết là phải tu học, giữ gìn giới luật… sau đó đem truyền trao lại cho mọi người cùng nhau có niềm an lạc. Như vậy, vai trò của tu sĩ là mang thức ăn tinh thần đến cho tha nhân. Hầu hết, người Khmer ở Nam Bộ đều theo Hệ phái Phật giáo Nam tông (PGNT). Có thể nói, lý tưởng sống truyền thống của người Khmer ở Nam Bộ là Đức Phật. Cho nên, trong cuộc sống hằng ngày, dù tu sĩ ở chùa hay dân chúng tại thế đều phải rèn luyện theo đạo pháp đó là: thọ giới, bố thí và niệm Phật. Đối với tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer (PGNTK), những điều trên là bắt buộc.
Người Khmer quan niệm sống cốt yếu để làm phước. Hầu hết các lễ, hội của người Khmer đều mang ý nghĩa làm phước. Đối với người Khmer, làm càng nhiều thì phước hạnh càng nhiều nên cứ mỗi dịp lễ, hội, họ lại không sợ tốn kém đều cố gắng chuẩn bị gạo thóc, vải lụa, cơm xôi, trà bánh, mặn, ngọt, hoa quả mang đến để cúng dường cho chùa; những người khá giả giàu có còn làm phước cho người nghèo trong làng, xã, phum, sóc của mình và các vùng lân cận. Do đó, mỗi dịp lễ, hội là mỗi dịp để các tín đồ, Phật tử thể hiện tấm lòng nhân đức, bao dung, rộng lượng, nhân ái cao cả của mình, làm cho người người càng xích lại gần nhau, yêu thương nhau hơn.
Phật giáo Nam tông Khmer với giáo lý, giáo luật, lễ nghi đơn giản phù hợp với cuộc sống đời thường của người Khmer sống ở sông nước miệt vườn. Người Khmer đã tiếp nhận PGNT và đưa tôn giáo này lên vị trí độc tôn trong đời sống vật chất, tinh thần cả mình. Những triết lý nhà Phật đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến đồng bào dân tộc Khmer. Văn hóa tộc người Khmer và PGNT đã hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau tạo nên một chỉnh thể văn hóa tôn giáo – tộc người độc đáo và đặc sắc của người Khmer.
Tu sĩ PGNTK là những người gìn giữ giá trị tôn giáo đạo Phật trong truyền thống tín ngưỡng của dân tộc, mỗi tu sĩ là những con người làm nhiệm vụ của mình là tu học rèn luyện bản thân với mục đích là gìn giữ đạo giáo hơn là để bản thân giải thoát đến với cõi niết bàn, vì trong mỗi vị đều nhận thức rằng trong hiện tại thì các vị không thể làm được điều đó (giải thoát). Cho nên trong người Khmer gọi các vị là “Sammatisang” (Tăng quy ước) có nghĩa là các vị là những tu sĩ được quy ước là Tăng, gọi như thế để phân biệt với chư Tăng là A la hán thuở xa xưa mà đến nay mọi người luôn khao khát nhưng vẫn không thể đạt được. Tuy không phải là A la hán nhưng mỗi tín đồ người Khmer ai ai cũng kính trọng các vị và ví các vị như là lửa và ví von rằng: Đã là lửa thì dù lớn hay nhỏ đều có tác dụng như nhau, một khi đã cháy thì từ lửa nhỏ sẽ phát triển thành lửa lớn.
Trong cuộc đời tu học của mình, nhiều vị đã hy sinh cuộc đời phàm tục tràn đầy sức sống vì đạo giáo để tu hành trọn đời. Các vị là người trực tiếp và dán tiếp gìn giữ, duy trì hoạt động của chùa chiền, của Phật pháp nhằm làm tấm gương tinh thần cho các Phật tử noi theo và được những người sùng đạo kính trọng. Vì vậy, đã bao thế kỷ mà người Khmer vẫn gắn bó với PGNT. Theo truyền thống, thanh niên Khmer phải có một thời gian vào chùa tu để báo hiếu cha mẹ, học lễ nghĩa, học chữ, học kinh sách Phật giáo. Thời gian vào chùa tu có thể vài ba tuần, vài ba tháng, hoặc vài ba năm, có cơ duyên Phật pháp thì tu suốt đời, do vậy lực lượng tu sĩ PGNTK rất đông. Hình ảnh của tu sĩ là một hình ảnh không thể thiếu trong nhận thức của đồng bào Khmer.
2. VAI TRÒ CỦA TU SĨ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ XÃ HỘI
Một là, tu sĩ PGNTK góp phần xây dựng đạo đức, lối sống; góp phần tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội
Tu sĩ PGNTK góp phần rất lớn trong việc giáo dục hình thành nhân cách đạo đức, dân trí của cộng đồng dân tộc Khmer. Đạo đức dạy chữ Khmer, tiếng Khmer ở các trường chùa, thông qua triết lý mang tính nhân đạo và quan niệm nhân quả của đạo Phật đã tác động sâu sắc đến từng thành viên trong gia đình, trong cộng đồng dân tộc Khmer; làm cho mọi người muốn hướng thiện, làm việc lành, tránh điều ác. Con người biết khiêm tốn, nhường nhịn, tương trợ giúp đỡ nhau, không so bì hơn thiệt. Làm cho cái tâm của họ không bị vẩn đục bởi tiền tài vật chất cám dỗ. Việc tu học theo PGNT, việc hình thành các trường chùa, đã góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng các ngành nghề để có thể phục vụ cuộc sống bình thường.
Giáo lý, giáo luật, những triết lý sống của Phật giáo được tu sĩ PGNTK truyền đạt có sự tác động rất lớn đến lối sống, đạo đức của người Khmer. Với vai trò, chức năng và những giá trị nhân văn sâu sắc của mình, PGNT đã trở thành chỗ dựa trong đời sống văn hóa tinh thần của đại đa số người dân Khmer. Những chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực đến tín đồ. Điều này thể hiện tính độc lập tương đối của các hình thái ý thức xã hội, chúng luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau tạo nên nét đặc thù trong lối sống, đạo đức cho dân tộc này.
Hơn nữa, chịu ảnh hưởng nhiều bởi triết lý, tư tưởng về “từ bi, hỷ xả” trong triết lý của đạo Phật đã từ lâu ăn sâu vào máu thịt của họ nên người Khmer tin theo PGNT sống rất hiền hòa; người trong phum sóc rất đoàn kết, gắn bó với nhau. Sự đoàn kết ấy thể hiện qua cách cư xử hàng ngày như sống có nghĩa có tình, luôn sẵn lòng giúp nhau trong những cơn hoạn nạn, cùng nhau chung tay gánh vác để xây cất, tu sửa ngôi chùa, không đùn đẩy trách nhiệm cho một cá nhân nào. Tùy theo từng gia cảnh, ai có tiền nhiều thì đóng góp nhiều, ai có ít thì góp ít, không phân biệt giữa những người trong phum, sóc của mình. Bởi lẽ, với người Khmer việc cúng dường, làm phước là điều rất thiêng liêng cao cả, nhiều gia đình giàu có sẵn sàng bỏ tiền của để làm phước cho chùa và cho những người nghèo khổ trong phum, sóc của mình và những nơi lân cận.
Bên cạnh đó, cùng với tư tưởng “từ bi”, “cứu khổ” các chùa Khmer đã dang rộng vòng tay sẵn lòng đón tiếp những người lang thang cơ nhỡ, những trẻ mồ côi không nơi nương tựa, những người già cô đơn hay những kẻ trước đây đã lầm đường lạc lối muốn phục thiện trở về, tùy sức làm công quả trong chùa được việc gì thì làm, không làm được thì các vị sư thay nhau chia sẻ phần cơm do tín đồ dâng cúng để nuôi người già qua quãng đời còn lại và học sinh, sinh viên nghèo. Việc làm nhân đạo của nhà chùa là hoàn toàn tự nguyện, thực hiện giáo lý từ bi, phổ độ chúng sinh của Đức Phật. Bởi vậy, người được nhà chùa giúp đỡ nương nhờ của Phật thấy được an ủi và thấy cần phải cố gắng không ai có tư tưởng ỷ lại. Bên cạnh đó, việc các gia đình tổ chức làm phước để bố thí tiền bạc, gạo thóc cho người nghèo thể hiện được tính nhân văn, nhân đạo theo đúng tinh thần đạo Phật là cứu khổ, cứu nạn cho bá tánh đồng bào.
Nhiều vị cao tăng trong PGNTK là tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong công tác từ thiện xã hội như: “Hòa thượng Trần Nhiếp ở Kiên Giang, đã vận động sư sãi, phật tử, các mạnh thường quân tham gia sửa chữa và bê tông hóa trên 15 km đường nông thôn, bắt mới hơn 200 cây cầu nông thôn với số tiền hàng chục tỷ đồng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III, hạng II và nhiều bằng khen khác”.
Chùa Pitu Khôsa Răngsây ở TP. Cần Thơ là một trong những ngôi chùa Khmer tiêu biểu trong công tác từ thiện xã hội. Dưới sự trụ trì của Thượng tọa Lý Hùng, chùa Pitu Khôsa Răngsây là ngôi chùa PGNTK duy nhất ở thành phố Cần Thơ hiện nay có ký túc xá miễn phí dành riêng cho sinh viên dân tộc Khmer. Chùa còn tổ chức lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho hàng trăm cán bộ, viên chức và thanh niên Khmer. Đồng thời tặng nhiều suất học bổng, tặng 80 chiếc xe đạp cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Chẳng những vậy, chùa còn vận động các nhà hảo tâm ở Australia đóng góp xây dựng Trường học Sammaki ở Xóm Giữa, Chợ Dưới, tỉnh Kom Pong Chnăng, Campuchia với kinh phí xây dựng 2,2 tỷ đồng. Vào dịp Tết nguyên Đán, Tết Chôl Chnăm Thmây, Sene Đôn Ta… chùa vận động Phật tử, các nhà hảo tâm và các vị mạnh thường quân cho khoảng 100 tấn gạo và tặng quà, vật phẩm cho bà con nghèo của tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, TP. Cần Thơ và Campuchia với kinh phí trên 01 tỷ đồng. Xây dựng được 3 km đường giao thông nông thôn và 15 cây cầu bê tông ở các phum sóc; xây dựng 5 căn nhà tình thương, tổ chức mổ mắt nhân đạo cho hàng ngàn lượt người mù nghèo ở tỉnh Trà Keo, tỉnh Kan Đal, Campuchia.
Mặc dù, lối sống và đạo đức của người Khmer chịu sự ảnh hưởng khá lớn của PGNT nhưng do nhu cầu giao lưu văn hóa với các dân tộc khác xung quanh nên đã ít nhiều có phần biến đổi, đặc biệt là ở giới trẻ. Đạo đức mà tu sĩ PGNT truyền đạt ảnh hưởng đến nay vẫn phát huy được mặt tích cực của nó như việc đi tu của thanh niên được xem là một trong những phong tục của người Khmer chịu sự ảnh hưởng giá trị tư tưởng hiếu nghĩa, luật nhân quả, hướng thiện của PGNT; đồng thời, tục đi tu của thanh niên Khmer cốt là để báu hiếu cho cha mẹ, học những kiến thức về văn hóa, xã hội về những kinh nghiệm sống… để khi hoàn tục trở thành những công dân có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Tóm lại, với vai trò, chức năng và những giá trị nhân văn sâu sắc của mình, tu sĩ PGNT đã trở thành chỗ dựa trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Khmer. Những chuẩn mực đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực đến tín đồ, Phật tử. Điều đó thể hiện tính độc lập tương đối của các hình thái ý thức xã hội, chúng luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau tạo nên nét đặc thù riêng trong lối sống, đạo đức cho dân tộc này được phát triển và sinh tồn trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc đi tu để trả hiếu cũng là nét đẹp truyền thống và là giá trị đạo đức nhân văn cao cả của người Khmer vẫn được duy trì. Tính đến nay có khoảng 7.036 tu sĩ PGNTK (theo số liệu Báo cáo tổng kết năm 2021 của Trung ương GHPGVN), thông qua các vị mà bản sắc văn hóa dân tộc Khmer được giữ gìn và phát huy, nhiều điểm chùa Khmer đã được xây dựng thành những trung tâm văn hóa, giáo dục, nơi vui chơi giải trí cộng đồng, góp phần vào việc tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer.
Hai là, tu sĩ PGNTK góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer
Phật giáo Nam tông Khmer là tôn giáo giữ vai trò chủ đạo và đi vào trong tiềm thức của người Khmer ở Nam Bộ. Trong đó, tu sĩ PGNTK giữ một vai trò then chốt trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Bên cạnh đó phong tục, lễ hội truyền thống giữ một vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội của các dân tộc nói chung, của đồng bào Khmer nói riêng. Thông qua phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, chúng ta có thể nhận diện rõ hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc, con người và cộng đồng xã hội. Đồng thời qua đó, những giá trị như: văn hóa ứng xử, lối sống hiền hòa, chất phát, hiếu thảo, trọng tình nghĩa… được bộc lộ rõ qua các hoạt động sống hàng ngày của người Khmer trong phum, sóc. Hầu hết những phong tục, lễ hội của người Khmer đều hướng con người đến việc thiện, tích nhiều phước. Các ngày lễ, tết mọi người quần tụ bên nhau chúc phúc cho nhau những lời chúc đầu năm mới với nhiều niềm vui hạnh phúc, thăm hỏi sức khỏe và quan tâm nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Phật giáo đề cao vai trò của giáo dục, vai trò của các vị tu sĩ Khmer được xem trọng trong xã hội, đặc biệt là lớp trẻ. Những kiến thức về đạo lý, cách sống làm người cho trẻ em Khmer được trang bị từ các ngôi trường chùa Phật giáo. Đó cũng là nét riêng thể hiện bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ. Chùa là trung tâm lưu giữ những di sản qua các thế hệ của người Khmer ở vùng đất Nam bộ; chùa cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị vật thể, phi vật thể trong cộng đồng, đặc biệt là giáo dục tiếng dân tộc, tiếng Pali – những ngôn ngữ truyền thống của họ. Có thể nói, nền văn hóa nghệ thuật Phật giáo Khmer được thể hiện qua các ngôi chùa đã có vai trò xuyên suốt trong quá trình lịch sử của cộng đồng người Khmer.
Ba là, tu sĩ PGNTK góp phần trang bị kiến thức cho thanh thiếu niên Khmer; duy trì, phát triển tiếng nói và chữ viết riêng của dân tộc Khmer
Đối với người Khmer, các vị tu sĩ PGNTK có vị trí và ảnh hưởng rất lớn. Tu sĩ Khmer được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh, các vị sư luôn là người thầy được tôn kính và tin tưởng. Người Khmer quan niệm rằng, thanh niên Khmer phải vào chùa tu một thời gian. Tu ở đây không phải để lánh đời mà là cơ hội học tập, rèn luyện để trở thành một người trưởng thành thật sự. Chính vì thế, hiện nay ngoài việc học đạo theo chương trình bắt buộc ở chùa, nhiều vị tu sĩ ban ngày còn phải đến trường như các bạn cùng trang lứa. Họ nỗ lực tu và học để bắt kịp sự phát triển của xã hội và giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Tu là để trả hiếu cho ông bà, cha mẹ, theo cách hiểu của nhiều người, nhưng nếu chỉ hiểu như vậy thì chưa đủ. Tu còn là con đường hướng đến tri thức, học tập, rèn luyện để trở thành một người có ích cho xã hội sau này.
Bốn là, tu sĩ PGNTK tạo sức đề kháng cho văn hóa Khmer trong thời kỳ hội nhập quốc tế
Tính nhân văn của Phật giáo thể hiện trong các phong tục, lễ hội truyền thống của người Khmer, đó là sự cố kết cộng đồng, tinh thần cầu an, sự hiếu nghĩa… Tư tưởng triết lý của đạo Phật đã thấm sâu trong ý thức hệ của họ, các giá trị khác khó có thể thay thế. Hiện nay, sự hội nhập giao lưu giữa các nước, tác động của nền kinh tế thị trường phần nào đã tạo điều kiện cho các yếu tố văn hóa hiện đại xâm nhập vào đời sống của đồng bào Khmer. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, thanh niên Khmer đã chịu sự chi phối của văn hóa hiện đại, thể hiện qua các trang phục và phong cách diện mạo ở một số giới trẻ người Khmer. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer, đặc biệt là tư tưởng triết lý của tu sĩ PGNT vẫn chi phối mạnh mẽ trên nhiều phương diện đời sống của đồng bào Khmer.
Tu sĩ PGNTK góp phần gắn bó, đoàn kết dân tộc, góp phần ổn định chính trị – xã hội, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc Khmer: Đại đa số người Khmer vùng Tây Nam Bộ đều theo Phật giáo thuộc hệ phái Nam tông và đã trở thành như một tục lệ truyền thống của người Khmer. Dù là đứa trẻ mới cất tiếng khóc chào đời nhưng đã được xem như là một tín đồ. Người nam giới trong một cuộc đời vừa đóng vai trò là tu sĩ, vừa đóng vai trò là tín đồ nhiều lần, lúc nhỏ là tín đồ, lớn lên vào chùa đi tu thời gian ít là một tháng, thời gian nhiều tuỳ ý, sau đó xuất sư hoàn tục về nhà làm ăn và tham gia việc xã hội… Điều này có ý nghĩa rất lớn trong đời sống xã hội của người Khmer bởi chính người nam giới qua tu hành ở chùa là đã qua học tập rèn luyện, có đạo hạnh, có hiểu biết nhất định. Mặc dù ngoài đời không phải giữ giới luật như trong chùa, nhưng đã qua chùa tu hành từ lúc còn nhỏ nên nhiều nét trang nghiêm, thanh tịnh của giới luật còn đọng lại và được thể hiện trong đạo đức, lối sống của cộng đồng, vì thế phum, sóc của người Khmer ở Tây Nam Bộ thường yên bình, ít tệ nạn xã hội.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc Khmer ở Tây Nam Bộ đã xây đắp nên những truyền thống đoàn kết tốt đẹp trong nội bộ đồng bào Khmer và giữa đồng bào Khmer với các dân tộc khác. Đó là truyền thống đoàn kết trong cộng đồng phum, sóc; đoàn kết trong lao động sản xuất, chống thiên tai, giúp đỡ nhau trong đời sống; trong thời chiến thì đoàn kết trong đấu tranh chống bóc lột, nô dịch, chống xâm lược, giành và giữ độc lập, tự do, hạnh phúc cho đồng bào… Từ đó cho thấy, giáo lý PGNT được tu sĩ truyền đạt có ảnh hưởng rất lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội của đồng bào Khmer.
Ngày nay, ngôi chùa Khmer nói chung, vai trò của tu sĩ nói riêng với vai trò là trung tâm văn hóa – xã hội trong cộng đồng dân tộc Khmer. “Đây không chỉ là nơi để mọi người bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật mà đây còn là trung tâm của phum, sóc, nơi cộng đồng dân cư tụ họp chung sức cùng nhau gánh vác chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống đời thường” [2]. Do vậy, ngôi chùa có vai trò rất quan trọng, là nơi tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào Khmer mà chủ thể thực hiện các nội dung đó không ai khác là tu sĩ PGNTK. Mặt khác, “trong đời sống tâm linh của người Khmer, sư sãi mang một ý nghĩa đặc biệt, nhà sư là người đại diện cho Đức Phật để chứng giám những hành động, lòng thành kính của tín đồ tới Đức Phật” [3].
3. VAI TRÒ CỦA TU SĨ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ
Tu sĩ PGNTK có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần định hướng tư tưởng chính trị cho cộng đồng người Khmer. Là người có học vấn, cả về Phật học và thế học, hiểu biết xã hội, đại diện ưu tú nhất nên có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của quần chúng và được nhân dân sùng kính. Nhìn về mặt hành chính thì tu sĩ không tham gia sản xuất và quản lý xã hội, nhưng tiếng nói và ý kiến của họ có ý nghĩa quan trọng đối với sinh hoạt của phum, sóc. Mọi tín đồ đều nghe lời nói của các vị sư, vì cho đó là lời nói của Phật, mà tuân thủ làm theo. Với xã hội, tu sĩ là thiêng liêng trong suốt thời gian mặc áo cà sa… Với ảnh hưởng như vậy, nên việc định hướng tư tưởng thông qua vị tu sĩ rất quan trọng. Qua tổng kết hai cuộc chiến tranh, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, “toàn vùng hiện có 92 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 11 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2.863 liệt sĩ, 1.029 thương binh là người dân tộc Khmer và hàng chục ngàn gia đình Khmer có công với nước”; trong đó, (tính đến năm 2003), “toàn vùng có 47 chùa Khmer có thành tích kháng chiến, 11 liệt sĩ là chư tăng Khmer”. Với những thành quả đạt được,“Phật giáo Tiểu thừa Khmer đã được Trung ương cục miền Nam tặng 2 Huân chương Giải phóng vì đã có thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là vinh dự lớn lao mà chưa một tôn giáo nào có được hân hạnh đó” [4].
Khi hòa bình độc lập, cũng như hiện nay các vị tu sĩ Khmer vẫn là kênh quan trọng, góp phần tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer. Đồng thời, vận động đồng bào Phật tử Khmer thực hiện tốt các quy định của chính quyền địa phương, góp phần tham gia cùng chính quyền địa phương quản lý xã hội, chùa chiền… Tu sĩ PGNTK có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong việc định hướng tư tưởng chính trị cho đồng bào Khmer, từ đó làm cho đồng bào dân tộc Khmer tự đề kháng và phản bác lại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch chống Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời qua đó, các vị tu sĩ còn tích cực tham gia cùng với lực lượng công an đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo, dân tộc của bọn phản động, góp phần làm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Tây Nam Bộ.
4. VAI TRÒ CỦA TU SĨ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG KINH TẾ
Tu sĩ PGNTK là người truyền bá, giáo dục kinh tế lành mạnh trong cộng đồng người Khmer. Trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa như ở Việt Nam; một lối sống lành mạnh, tốt đẹp vừa là những phẩm chất cần thiết góp phần phát triển nguồn lực con người – nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, vừa là yếu tố văn hóa góp phần xây dựng xã hội ổn định, văn minh. Nếu một người nào đó chỉ biết chạy theo lợi ích vật chất của cá nhân, thiếu tình yêu thương đối với đồng loại, những người xung quanh thì họ sẽ sẵn sàng thực hiện các hoạt động kinh tế vì cá nhân mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng như buôn gian bán lận, làm ăn giả dối…
Những hoạt động kinh tế như vậy không thể góp phần thúc đẩy một nền kinh tế phát triển bền vững. Một nền kinh tế phát triển bền vững là một nền kinh tế dựa trên nguồn nhân lực có tri thức cao và có đạo đức, phẩm chất nhân văn, nhân ái. Tu sĩ PGNTK có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lễ nghĩa, tôn ti trật tự… cho cộng đồng Khmer theo triết lý hướng thiện, từ bi, hỷ xả của đạo Phật. Đây là những phẩm chất rất cần thiết của người lao động trong thời kỳ mới. Tu sĩ giáo dục giáo lý làm cho ảnh hưởng của PGNT trong kinh doanh, nên người Khmer Nam Bộ luôn có lối sống ngay thẳng, thật thà, rất tôn trọng đạo lý, không cạnh tranh, lừa dối trong làm ăn, mọi người trong phum, sóc luôn biết nhường nhịn, tương trợ, giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm với nhau, không so bì, hơn thiệt, không hề giấu giếm nghề… Họ trọng tình nghĩa, chân thành, thương yêu, sẵn sàng giúp người thân, bạn bè khi gặp khó khăn trong cuộc sống… Tu sĩ PGNTK là người hướng dẫn, ngôi chùa PGNT là nơi đào tạo kiến thức, đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất, xây dựng vốn sống cho con em đồng bào dân tộc Khmer.
Phật giáo Nam tông không đơn thuần chỉ là một hệ phái Phật giáo, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đồng bào Khmer, mà trong lịch sử, hệ phái này đã có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng Khmer, trong đó có việc phát triển nguồn lực con người. Các tu sĩ Khmer cũng là những trí thức Khmer, họ nắm toàn bộ tinh hoa tri thức đã tích lũy từ bao đời nay của dân tộc Khmer từ ngôn ngữ đến nghệ thuật, kinh nghiệm sản xuất… Trong thời gian các thanh niên Khmer tu học tại chùa, những tri thức của cộng đồng Khmer được các tu sĩ trao truyền giúp họ nâng cao nhận thức và hiểu biết. Thậm chí, nhà chùa tạo điều kiện cho các Tăng sinh đang tu trong chùa được học nghề một cách tự nhiên. Hằng ngày, các vị tu sĩ được truyền dạy một số nghề cơ bản nhất, cần thiết nhất như: thợ mộc, học xây cất nhà cửa, trồng rau, cây ăn trái, cây lâu năm lấy gỗ, học cày cấy làm ruộng, học vẽ các hoa văn theo đường nét của dân gian dân tộc, học nặn tượng, nặn các phù điêu truyện kể cổ tích,…
Hiện nay, các Tăng sinh trong chùa còn học thêm nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến và hiện đại trong các ngành, các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học,… Đặc biệt, các tăng sinh trong chùa còn tranh thủ học nhiều chuyên môn khác nhau, nhưng hiện đăng ký học nhiều nhất vẫn là vi tính và các ngoại ngữ: Anh, Pháp,… nhằm để nâng cao trình độ, kiến thức nhất định, một mặt để truyền đạt lại kiến thức cho cộng đồng trong phum, sóc; mặt khác, để tiếp nối truyền dạy cho đệ tử sau này. Khi các vị sư hoàn tục, muốn đóng góp cho xã hội thì đã biết một số nghề cơ bản, có công ăn việc làm, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của gia đình, xã hội. PGNTK góp phần tác động đến việc thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Tạm kết
Hệ phái Phật giáo Nam Tông Khmer ngày càng có vị trí quan trọng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận mà gần như cả cộng đồng này. Trong bối cảnh ấy, chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ngày càng trở nên cởi mở, thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các tôn giáo, trong đó có Hệ phái PGNT ngày càng nhập thế, hội nhập sâu vào đời sống xã hội, phát huy truyền thống nhập thế của mình, tích cực góp phần vào việc củng cố bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy cộng đồng người Khmer phát triển hòa cùng sự phát triển chung của đất nước và nhân loại.
Có thể nói, vai trò của tu sĩ đối với việc góp phần tác động đến việc thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc Khmer là rất quan trọng. Tích cực tham gia, động viên Phật tử cùng tham gia những công tác phúc lợi xã hội như: xây dựng trường, lớp học, bắt cầu, đắp đường phục vụ lợi ích dân sinh và phát triển sản xuất. Việc nghiên cứu vai trò của tu sĩ PGNTK và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của PGNTK nói chung, của tu sĩ Khmer nói riêng trong quá trình xây dựng đời sống xã hội của người Khmer Nam Bộ là việc làm cần thiết.
Chú thích:
[1] Nguyễn Hùng Khu (2008), Hôn nhân và gia đình người Khmer Nam Bộ, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr.59.
[2] Bộ Công an (2014), Báo cáo số 486/BC-BCA – V28 ngày 23/9 “Báo cáo tình hình, kết quả công tác phát huy vai trò người có uy tín trong phong trào Toàn dân bảo vệ Tổ quốc khu vực Tây Nam Bộ giai đoạn 2008 – 2014, Hà Nội, tr.91.
[3] Bộ Công an (2014), Sđd, tr.92.
[4] Ban Dân Vận Trung ương (2006), Báo cáo số 03 ngày 11/10/2006 của Ban Dân vận Trung ương “Tổng kết việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 150 68-CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa 6) về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”, Hà Nội, tr.1.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm