Vạn pháp là vô thường, Như Lai là thường trụ
Lúc nọ Phật đang thuyết pháp, có một người nữ vào lạy Phật rồi ngồi qua một bên. Ðức Thế Tôn biết mà cố ý hỏi rằng: “Có phải nàng vì quá thương con, mà mớm cho con ăn nhiều chất bơ, rồi không biết có tiêu hoá hay không tiêu hoá?”.
Người nữ liền bạch Phật: "Lạ lùng thay! Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của con. Bạch Thế Tôn! Sớm mai này tiện nữ cho con ăn nhiều chất bơ, lòng tiện nữ sợ rằng không tiêu hoá được, nó sẽ phải bệnh. Ngưỡng mong đức Như Lai chỉ dạy cho".
Phật dạy: "Con nàng ăn thức ấy đã tiêu hoá tốt, nó sẽ được khoẻ mạnh". Người nữ nghe đức Phật nói, thời vui mừng hớn hở và thốt lời rằng: "Vì đức Như Lai nói đúng như thật nên con vui mừng".
Ðức Thế Tôn vì muốn điều phục các chúng sinh, mà khéo phân biệt nói tiêu hay chẳng tiêu, cũng nói các pháp vô ngã, vô thường. Nếu Phật nói "thường" trước, các đệ tử sẽ cho rằng pháp này đồng với ngoại đạo mà không chịu tin theo, vì hàng Thanh văn đệ tử sẽ chẳng tiêu được pháp thường trụ, nên Như Lai trước dạy pháp "khổ", "vô thường". Khi mà hàng Thanh văn đệ tử đã đầy đủ công đức, đủ sức tu tập kinh pháp Đại thừa, Như Lai ở kinh này nói sáu vị: Một là "khổ", vị chua; hai là "vô thường", vị mặn; ba là "vô ngã", vị đắng; bốn là "lạc", vị ngọt; năm là "ngã", vị cay; sáu là "thường", vị lạt.
Trong thế gian kia có ba vị: vô thường, vô ngã, và khổ, phiền não làm củi, trí huệ làm lửa, do các nhân duyên đó mà thành cơm Niết bàn tức là "thường, lạc và ngã", làm cho các đệ tử đều được nếm mùi ngọt ngon.
Phật lại bảo người nữ rằng: "Nếu nàng có sự duyên muốn đến xứ khác, thời phải đuổi đứa con trai hung ác ra khỏi nhà, rồi đem gia nghiệp giao cho đứa con trai hiền lành".
Người nữ bạch Phật rằng: "Thật đúng như lời đức Thế Tôn dạy, gia nghiệp nên giao cho đứa con hiền, chứ chẳng nên giao cho đứa con dữ". Phật nói: "Như Lai cũng vậy, lúc nhập Niết bàn, đem tạng pháp vô thượng phó chúc cho các vị Bồ Tát, chứ không giao cho hàng Thanh văn, vì hàng Thanh văn tưởng là Như Lai thật diệt độ. Còn các vị Bồ Tát thời nhận rằng Như Lai thường trụ không biến đổi. Mà quả thật Như Lai không có diệt độ. Như lúc nàng xa nhà chưa trở về, đứa con ác kia bèn nói là nàng đã chết mất rồi, còn đứa con hiền vẫn tin tưởng là nàng còn sống. Mà chính thật thời nàng còn sống.
Nếu có chúng sinh nào nhận rằng Phật là thường trụ không biến đổi, phải biết nhà kẻ ấy thời là có Phật. Ðây gọi là Chính Tha.
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: "Nếu có người nói thế này: Như Lai vô thường. Biết là vô thường, vì như lời Phật dạy diệt các phiền não gọi là Niết bàn, cũng như lửa tắt thời không chỗ có, dứt các phiền não gọi là Niết bàn cũng lại như vậy, thế sao Như Lai là pháp thường trụ không biến đổi ư? Lại như Phật dạy, rời các cõi hữu lậu, bèn gọi là Niết bàn, trong Niết bàn đây không có các cõi hữu lậu, thế sao Như Lai là pháp thường trụ không biến đổi ư? Như cái áo hư rách hết, chẳng còn gọi là món vật. Cũng vậy, Niết bàn dứt các phiền não chẳng gọi là vật gì. Thế sao Như Lai là pháp thường trụ không biến đổi ư? Ðức Phật cũng dạy: ly dục tịch diệt gọi là Niết bàn, như người bị chém đứt đầu thời không còn có đầu, cũng vậy, ly dục tịch diệt rỗng trống, không chỗ có nên gọi là Niết bàn. Thế sao Như Lai là pháp thường trụ không biến đổi ư? Phật từng dạy rằng:
Như sắt nướng đỏ
Ðập văng mạt lửa
Văng ra liền tắt,
Chẳng biết ở đâu!
Ðược chính giải thoát.
Cũng lại như vậy.
Ðã lìa dâm dục,
Các cõi hữu lậu.
Ðược quả vô động,
Không rõ đến đâu!
Thế sao Như Lai là pháp thường trụ không biến đổi?
Này Ca Diếp! Nếu ai hỏi gạn như vậy, gọi là lời gạn tà. Ông cũng chẳng nên suy nghĩ rằng tính Như Lai là diệt tận.
Này Ca Diếp! Dứt hết phiền não không còn gọi là vật, vì đã trọn rốt ráo hẳn, thế nên gọi là "Thường". Câu này tịch tịnh không có gì hơn. Dứt hết các tướng không có thừa sót. Câu đây trắng sạch thường trụ không thối chuyển. Thế nên Niết bàn gọi là thường trụ. Như Lai thường trụ không biến đổi cũng lại như vậy.
Mạt lửa để dụ phiền não, văng ra liền tắt không biết ở đâu, để chỉ Như Lai đã dứt phiền não, chẳng ở trong năm loài. Thế nên Như Lai là pháp thường trụ không có biến đổi.
Này Ca Diếp! Chính pháp là chỗ tôn thờ của chư Phật, nên Như Lai cung kính cúng dường. Vì pháp là thường trụ nên chư Phật cũng thường trụ".
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: "Nếu lửa phiền não tắt, Như Lai cũng tắt, thế thời Như Lai không có chỗ thường trụ, như mạt sắt kia, mất ánh lửa đỏ rồi chẳng biết văng đến đâu. Như Lai phiền não cũng vậy, diệt rồi thời vô thường. Lại như trên thanh sắt kia, hơi nóng và màu đỏ tắt rồi thời không còn có, Như Lai cũng vậy diệt rồi thời vô thường. Diệt lửa phiền não bèn nhập Niết bàn, nên biết Như Lai tức là vô thường".
Phật nói: "Này Ca Diếp! Thanh sắt là nói các phàm phu. Người phàm dầu diệt phiền não, diệt rồi sinh lại, nên gọi là vô thường. Như Lai chẳng phải như vậy, diệt rồi không còn sinh lại nên gọi là thường".
Ca Diếp Bồ Tát lại bạch: "Như nơi thanh sắt, màu lửa đỏ đã tắt, đem thanh sắt để lại trong lửa, thời màu đỏ sẽ sinh lại. Nếu như vậy, Như Lai lẽ ra sinh phiền não lại, nếu phiền não sinh trở lại bèn là vô thường".
Phật nói: "Này Ca Diếp! Ông không nên nói Như Lai vô thường, vì Như Lai là thường trụ.
Như đốt gỗ, khi gỗ hết lửa tắt thời còn tro, phiền não diệt rồi bèn có Niết bàn. Các điều dụ như áo hư, chém đầu, lọ vỡ cũng như vậy.
Này Ca Diếp! Như sắt nguội có thể làm nóng lại. Như Lai không phải như vậy, dứt phiền não rồi rốt ráo thanh lương, lửa phiền não chẳng còn sinh trở lại.
Vô lượng chúng sinh như thanh sắt kia Như Lai dùng lửa mạnh trí tuệ đốt sắt kiết sử phiền não của chúng sinh".
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: "Lành thay! Lành thay! Con nay thật biết rõ chư Phật là thường trụ".
Phật nói: "Này Ca Diếp! Ví như Thánh Vương vốn ở trong cung, hoặc có lúc dạo chơi nơi vườn; dầu lúc ấy vua không có ở giữa đám cung phi, cũng chẳng được nói là vua đã chết. Cũng vậy, Như Lai dầu nhập vào trong Niết bàn không hiện nơi cõi Diêm Phù, chẳng gọi là vô thường. Như Lai ra khỏi vô lượng phiền não vào nơi Niết bàn an vui, dạo chơi vui vẻ nơi các vườn hoa chính giác".
(Lược trích Kinh Ðại Bát Niết Bàn – Phẩm Tứ tướng)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm