Về với Tây Thiên, về với cội nguồn Phật Giáo và tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu
Danh thắng Tây Thiên, Tam Đảo Vĩnh Phúc là một điểm sáng mang tính khởi đầu của sự dung hội giữa Phật giáo có yếu tố nguyên sơ đầy chất trí tuệ với tín ngưỡng dân gian.
Vĩnh Phúc là vùng đất cổ có vị trí địa chính trị, địa văn hóa rất quan trọng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. Từ buổi đầu dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân Vĩnh Phúc đã tạo nên một kho tàng di sản văn hóa đa dạng về nhiều loại hình, có giá trị to lớn về nhiều mặt, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, nền văn hiến Việt Nam ngàn năm rực rỡ, trong đó tiêu biểu nhất là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên.
Với ý nghĩa đặc biệt này, ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên, thuộc thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là di tích quốc gia đặc biệt; ngày 14/01/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 176/QĐ-BVHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên. Hai di sản văn hóa đặc biệt này không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc mà còn là trung tâm văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, du lịch hàng đầu của đất nước Việt Nam.
Tây Thiên - tự hào cội nguồn phát tích của Phật giáo Việt Nam
Tên gọi Tây Thiên mang ý nghĩa là “nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên tới từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo. Vào thế kỷ III trước công nguyên, phái bộ thứ tám của Vua A Dục đã tới nơi đây hoằng dương Phật pháp. Bị thu hút bởi cảnh sắc núi non liên hoàn hùng vĩ, có suối chảy, nước trong, thác ghềnh, non cao, rừng rậm, Giáo đoàn đã dừng chân, xây dựng thành Nê Lê và chùa Địa Ngục để tu hành. Tới thời Trần, nơi đây trở thành Trung tâm Phật giáo thâm uy giống như Yên Tử và Đông Triều. Các địa danh khác như Suối Giải Oan, suối Trường Sinh, chùa Đồng Cổ, rừng thông già đại thụ là nơi nhiều đời cao tăng tu tập, hành trì và viên tịch. Người ta cũng đã tìm được 3 bia mộ đá và di cốt của Giác Linh Ngã Thiền Sư, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền Sư.
Nơi đây cũng đã xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm lớn nhất cả nước, cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ. Theo nhiều tư liệu nghiên cứu, Tây Thiên còn là chốn Tổ Phật giáo Việt Nam. Vào khoảng 2.300 năm trước Công Nguyên, nơi đây đã có chùa “Tây Thiên cổ tự”. Năm 2450 trước Công Nguyên, một lần Vua Hùng Vương thứ 7 lên núi Tam Đảo cầu tiên đã thấy ở đây có chùa thờ Phật. Xác định đây chính là cái nôi của Phật giáo, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã khởi công xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm trên nền chùa cổ Thiên Ân cổ, có diện tích rộng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha. Khi xây dựng thiền viện, các nhà khoa học còn tìm thấy hàng ngàn hiện vật có niên hiệu từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và các di chỉ khảo cổ về Phật giáo minh chứng rõ thêm về chốn Tổ Phật giáo tại nơi đây.
Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên gắn với truyền thuyết về Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu là nữ nhi người trang Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo truyền thuyết, Quốc Mẫu Tây Thiên có tên thật là Lăng Thị Tiêu, sinh ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngọc phả thời Hùng Vương và những câu chuyện lịch sử ghi lại: Khi Vua Hùng Vương thứ bảy tới Tây Thiên thuộc xã Đại Đình để thỉnh Phật, Ngài đã gặp gỡ và kết duyên cùng thiếu nữ Lăng Thị Tiêu. Hoàng phi Lăng Thị Tiêu đã cùng Vua mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị.
Tương tuyền khi còn sống, trong nước có loạn, Quốc Mẫu Tây Thiên có công chiêu mộ binh sĩ, phò vương cứu nước, cứu dân. Sau khi mất, Bà thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước. Với những công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương - Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).
Di tích danh thắng Tây Thiên có hệ thống đền thờ có từ hàng nghìn năm nay tại tỉnh Vĩnh Phúc được lập để tưởng nhớ công ơn của Bà. Ở Tây Thiên, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo hòa quyện vào nhau, tạo thành bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được. Vì vậy, những người hành hướng tới đây luôn tin rằng, những nguyện ước của mình sẽ được chứng tâm và thành hiện thực. Tục thờ Mẫu hiện có nhiều tại các làng, xã của Vĩnh Phúc. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Riêng xã Đại Đình có tới 5 điểm thờ vị Quốc mẫu linh thiêng này. Bên cạnh thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, các đình, đền ở Tây Thiên còn thờ Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn (các vị thần cai quản trời, đất, núi rừng) và các ông hoàng, bà chúa.
Để tưởng nhớ Quốc Mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15/2 âm lịch, dân trong vùng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc Mẫu phù hộ cho bình an, may mắn. Trẩy hội Tây Thiên mỗi năm có hàng ngàn du khách thập phương không ngại đường xa, vượt núi, trèo đèo lên dâng hương kính Mẫu để mong được hưởng sự chở che của Quốc Mẫu Tây Thiên.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được người dân thực hành thông qua các nghi lễ, lễ hội tại các di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Các nghi lễ, lễ hội tại mỗi điểm di tích mang nét độc đáo và đặc sắc riêng nhưng tựu chung đều hướng về và thể hiện sự tôn thờ đối với Quốc Mẫu và cầu mong được Quốc Mẫu che chở, độ trì.
Hành trình linh thiêng về với Tây Thiên, cội nguồn thờ Quốc Mẫu
Tây Thiên là một mảnh trời Thiên quốc lạc xuống trần gian. Ở nơi ấy, mọi lời ngợi ca của thế gian chỉ để nói tới cái hình mà chưa nói được đủ về cái thể của trời đất mà người xưa để lại. Đó cũng là những vẻ đẹp tâm linh đầy chất thánh thiện mà nay hội lại ở các công trình kiến trúc đã đời nối đời đắp xây cho khu vực này. Mà nay, biểu hiện cụ thể là đền Mẫu - Lăng Tiêu, đền Thần Núi, chùa cổ Tây Thiên, với ba tấm bia mộ chí ghi danh tu hành của Thiền sư mà không ghi hành trạng, là một số công trình tương đối mới hội vào, như điện Địa Mẫu, điện Cô Chín… Tất cả những di tích này đan xen nhau trên mảnh đất thiêng ở lưng chừng núi Thạch Bàn.
Từ miền thánh địa, một dòng sinh lực vũ trụ lấy khí thiêng ở tầng cao, theo khe núi mà tràn xuống trần gian, tạo thành dòng Giải Oan, rồi trên đường đi kết hợp với Thác Bạc, Thác Vàng và nhiều dòng bên lề để kết thành suối Trường Sinh chảy qua cửa đền Cậu và đền Chùa Thõng, rồi đem sinh khí làm nên các vụ mùa bội thu cho cánh đồng Thõng và vùng đất chân núi. Ngược lại, con đường hành hương của các tín đồ cũng men theo bờ suối mà lên, với tâm thanh lòng tịnh, chân đi không mỏi, trên con đường mòn tâm tưởng từ đời vào đạo, từ trần gian về miền cực lạc. Mỗi điểm dừng chân là một kiến trúc gắn với một niềm tin tâm linh vô bờ bến.
Điểm thờ Quốc Mẫu Tây Thiên trong quần thể tín ngưỡng tôn giáo ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc có vai trò đặc biệt, giữ gìn và phát huy sức sống vô biên của Đạo Mẫu Việt Nam. Với nhiều người, hành hương về trước Mẫu là mục đích của hành trình. Hình tượng Quốc Mẫu Tây Thiên góp phần quan trọng trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, thiết thực nhất ở đây là bảo vệ bầu trời - nơi phát sinh linh hồn Quốc Mẫu bảo vệ núi rừng, dòng suối, con sông, từng mảnh đất quê hương. Sự giao thoa giữa tín ngưỡng thờ nữ thần, đạo Mẫu cùng Phật giáo tạo nên một nét độc đáo mang tính bản sắc của việc thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Nó minh chứng cho sức sống và vị thế của hình tượng Quốc Mẫu Tây Thiên nói riêng và bản sao văn hóa địa phương nói chung trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh của người Việt.
Ông Dương Quang Ứng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Lễ hội Tây Thiên được tổ chức từ ngày 14 đến 17/2 Âm lịch hằng năm, bao gồm phần lễ và phần hội với các trò chơi, trò diễn, diễn xướng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ buổi đầu sơ khai thời các Vua Hùng dựng nước, gắn với tín ngưỡng phồn thực và các làn điệu dân ca, dân vũ của người Việt, của dân tộc thiểu số Sán Dìu định cư chân núi Tam Đảo. Trong đó ngày Lễ chính 15/2 Âm lịch thực hiện các nghi lễ: Lễ tế - Lễ rước - Lễ dâng hương để nhân dân đến với Tây Thiên lễ Phật, lễ Mẫu không những cảm nhận được công đức của Quốc Mẫu đối với quê hương đất nước, trong tâm thức bao dung, thánh thiện được hành hương về với Mẹ - Quốc Mẫu được thể hiện qua giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn với ý nghĩa trở về cội nguồn.
Theo lịch sử, ngày 15/2 âm lịch là ngày giỗ của Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu. Do vậy, đúng vào ngày này hàng năm nhân dân trong vùng thường tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu để tưởng nhớ công ơn của Quốc Mẫu. Lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Tây Thiên được tổ chức trang trọng, thành kính, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phong tục thờ cúng tổ tiên của ông cha. Tri ân các bậc tiền nhân có công lao trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lễ dâng hương Quốc Mẫu Tây Thiên nhằm giáo dục truyền thống của dân tộc, động viên Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc địa phương phấn đấu thi đua lao động, sản xuất hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc văn hoá vùng núi Tam Đảo nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cầu siêu, thờ cúng tổ tiên là truyền thống hiếu đạo của dân tộc
Tâm linh Việt 10:47 12/12/2024Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam, hiếu đạo luôn là giá trị cốt lõi, được gìn giữ và truyền lại qua bao thế hệ. Người Việt quan niệm rằng, thờ cúng tổ tiên và cầu siêu không chỉ là hành động tri ân người đã khuất mà còn là biểu hiện sâu sắc của tinh thần hiếu thảo, một nét đẹp văn hóa thấm đẫm tinh thần nhân văn.
Văn khấn cúng rằm tháng 10 Âm lịch 2024 tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 11:30 13/11/2024Rằm tháng 10 được biết đến là ngày Tết Hạ Nguyên. Đây chính là một trong những ngày rằm quan trọng, ngày lễ lớn mang nhiều ý nghĩa tâm linh đối với người dân Việt.
Văn khấn cúng rằm tháng 9 Âm lịch tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 14:45 16/10/2024Theo quan niệm của người xưa, vào ngày rằm, mặt trăng và mặt trời nhìn rõ nhau, thấu suốt nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn. Bởi thế con người trở nên sáng suốt và trong sạch, đẩy lùi được mọi điều đen tối vẩn đục trong lòng. Đây là thời điểm để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên.
Văn khấn rằm tháng 8 - Tết Trung thu chuẩn nhất
Tâm linh Việt 09:55 15/09/2024Trong ngày Tết Trung thu, mỗi gia đình Việt thường chuẩn bị mâm lễ cúng dâng lên ông bà tổ tiên. Bên cạnh đó việc chuẩn bị văn khấn ngày rằm tháng 8 âm lịch cũng được nhiều người chú trọng.
Xem thêm