Vị ngọt và sự nguy hại
Hỏi: Bạch thầy, một người tu hành tiến bộ là tất cả ham muốn sẽ giảm dần phải không ạ? Kể cả ham muốn bẩm sinh di truyền như ham muốn sắc dục nam nữ phải giảm mất không còn nữa thì mới đúng phải không ạ?
- Đúng, khi người tu thấy ra sự sinh diệt, vị ngọt và sự nguy hại của các pháp hữu vi sẽ không còn ham muốn chấp trước bất kỳ điều gì ở đời. Như Bồ-tát Siddhattha xuất gia không bao lâu đã chứng đắc vị ngọt của tất cả thiền định hữu vi hữu ngã nhưng khi đã thấy ra định này chỉ tạo sự dính mắc trong sắc ái, vô sắc ái ngài liền từ bỏ. Về sau khi đã hoàn toàn giác ngộ ngài nhận ra rằng chánh định vô vi vô ngã khác hẳn tứ thiền bát định này.
Vì vô minh - không biết sự thật - nên mới sinh ái dục. Người thấy rõ sự sinh, sự diệt, vị ngọt và mối nguy hại của các pháp thế gian nên không còn tham đắm bất kỳ điều gì ở đời. Đó là Minh, tức không còn vô minh và ái dục nữa. Ngược lại, khi vô minh mà muốn diệt ái dục thì cũng sai, vì không thấy sự thật thì diệt dục này lại sinh dục kia trong vòng Tam giới mà thôi, rồi cuối cùng cũng trở lại cái cũ nên mới gọi là luân hồi.
Thí dụ, một người chán cõi Dục Giới cố gắng hành thiền để lên cõi Sắc Giới, rồi thấy cõi Sắc Giới vẫn còn thấp, muốn lên cõi Vô Sắc Giới cho cao, đến cõi Vô Sắc Giới cuối cùng cũng chán lại muốn quay về Dục Giới… cứ thế luân hồi mãi trong Tam giới. Cho nên, nếu vô minh thì muốn diệt ái dục cũng là ái dục, điều này rất dễ nhầm lẫn. Nhiều người cố diệt tham sân si để mau giải thoát hoặc lập nguyện giải thoát ngay trong kiếp này vì sợ khổ, muốn được lạc thì cũng là vô minh ái dục mà thôi.
Phải thấy ra sự thật mới giác ngộ giải thoát được. Thấy ra rõ ràng bằng tuệ tri là Minh, cũng như người thầy thuốc không loại bỏ vị thuốc nào (âm, dương, hàn, nhiệt, đắng, cay, ngọt, mặn...) tùy thời tùy chỗ mà sử dụng. Vị thầy thuốc biết rõ tính chất của mỗi vị thuốc nên khi sử dụng mới không hại mình hại người. Còn người không biết cứ uống quá nhiều thuốc bổ thì chỉ rước hại mà thôi. Như vậy không phải là nỗ lực diệt tham sân si, mà phải thấy rõ chúng thì mới không còn bị chúng trói buộc. Có loại tham sân si ảo, có loại tham sân si do duyên sinh, có loại tham sân si trong thuộc tính tự nhiên của tâm.
Vì vậy, chỉ cần thấy ra, loại ảo thấy ra thì nó tự hết, loại duyên sinh thì qua đó thấy ra sự sinh diệt, sự lợi hại của chúng, loại thuộc tính tự nhiên của tâm thì thấy ra để không diệt lầm, chứ không phải loại nào cũng diệt. Thí dụ như thấy sợi dây tưởng con rắn, vậy phải loại bỏ ảo tưởng hay loại bỏ sợi dây? Cho nên trong Phật pháp có sở đoạn và phi sở đoạn tức là cái gì diệt được và cái gì không diệt được. Chứ không phải diệt hết sạch thành ra đoạn kiến. Cuối cùng, thấy ra là chính chứ không phải cái gì cũng cố Diệt.
Trích từ "Soi sáng thực tại"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chân thành trở về trọn vẹn biết chính mình
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 09:04 14/11/2024Thưa Thầy, không cần đọc sách mà chỉ cần đọc chính mình thì sẽ thấy ra mọi quy luật vận hành của vũ trụ có đúng không ạ?
Sự hoàn hảo của pháp
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 09:45 12/11/2024Kính thưa Thầy, xin thầy cho con vài thí dụ tốt - xấu trong bản chất của thực tánh chân đế.
Thắp sáng nội tâm khác xa với điều phục tâm
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 09:12 11/11/2024Con rất dễ nóng giận, khi gặp chuyện không như ý là con sẽ nổi nóng và không kiềm chế được lời nói, nhất là với con cái. Con có thực hành một số phương pháp điều phục cơn giận nhưng không thành công. Xin Thầy hướng dẫn con cách điều phục cơn giận của mình. Con xin tri ân Thầy.
Tu học chỉ là phát hiện ra sự phi thường trong những điều bình thường
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 11:19 10/11/2024Dạ kính bạch Sư cho con hỏi. Con ngồi thiền thì bị muỗi chích rất là ngứa nhưng con lắng nghe và quan sát cái ngứa đó và đồng thời tâm con khởi lên bố thí cho muỗi chích.
Xem thêm