Vì sao Vua chúa Việt quan tâm đặc biệt tới Đền Hùng?
Khác hẳn với các nơi thờ tự trong cả nước, Đền Hùng là nơi thờ tự mang tính chất quốc gia có sự tham gia của nhân dân cả nước. Đây là nơi hết sức tôn nghiêm, có ý nghĩa biểu trưng cao nên được các vua chúa qua nhiều triều đại nối tiếp nhau quan tâm một cách đặc biệt.
Đền Hùng, nơi thờ tự thiêng liêng
Hiện nay xét về niên đại, khó biết được chính xác về thời điểm xây dựng lăng miếu phụng thờ các vua Hùng. Còn theo truyền thuyết thì nơi thờ phụng các vua Hùng được xây dựng từ thời An Dương Vương. Ngọc phả Đền Hùng chép rằng: “…Thục An Dương Vương được nước, cảm thấy sự nhường ngôi của (Hùng) Duệ Vương công đức như trời đất, bèn dóng xe về núi Nghĩa Lĩnh, dựng giao đàn để quốc gia phụng tự, dựng hai cột đá ở giữa núi, chỉ lên trời mà khấn rằng: Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông nom miếu vũ họ Hùng, sai lời thề sẽ bị trăng vùi gió dập…”. Sau khi cho người đẽo đá làm đền thờ các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, An Dương Vương còn cho làm miếu thờ mẹ Sơn Tinh (Tản Viên Nguyễn Tuấn) ở động Lăng Xương.
Ngọc phả còn viết rằng An Dương Vương về Phong Châu triệu con cháu vua Hùng đến, “ban cho làng Trung Nghĩa, làm dân tạo lệ, cấp 500 mẫu ruộng ở xã Hy Cương thuộc làng làng Trung Nghĩa, lại cấp ruộng tô thuế tại các xứ, trên từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, dưới đến các xã dân Việt Trì, nộp để làm hương hỏa phụng thờ 18 đời cơ đồ nhà Hùng”.
Xét về mặt khảo cổ, đã tìm thấy bốn chiếc cột đá có chất liệu, kích cỡ, hình thù và đặc trưng giống nhau (hai chiếc được dựng ở đền Thượng mà chúng ta quen gọi là cột đá thề của An Dương Vương). Các cột đá này có những lỗ, mộng hình chữ nhật dài 15 cm, rộng 8 cm, sâu 2,5 cm nằm cách đỉnh cột 0,25 m. Theo suy đoán, bốn cột đá này được dựng ở bốn góc của một kiến trúc cổ có mặt bằng hình tứ giác; đây có thể là bộ khung của của một ngôi miếu cổ xưa được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh. Ngoài ra tại đây còn tìm thấy một số di vật thời Hùng Vương (như rìu, giáo đồng…) và mảnh bát đĩa gốm, mảnh đá, gốm xây dựng, mẫu tháp bằng đất nung…có niên đại từ sau công nguyên đến các thời Lý, Trần, Lê.
Trải qua thời gian và sự tàn phá của giặc giã, các công trình thờ tự trên núi Nghĩa Lĩnh đã bị hư hại nhưng luôn được các triều đại phong kiến nối nhau trùng tu, phục dựng, mở rộng thêm. Quy mô của khu di tích Đền Hùng mà chúng ta thấy ngày nay mang dáng dấp kiến trúc thời Hậu Lê và Nguyễn, trong đó kiến trúc thời Hậu Lê chỉ còn thấy ở đền Trung, đền Hạ và gác chuông.
Về mặt thư tịch, các ghi chép về đền Hùng cũng như việc thờ cúng các đời vua tại đây kể từ triều Hồ trở về trước hầu như không còn, may mắn một văn bản quý được lưu giữ đến ngày nay, đó là bản ngọc phả có tên gọi “Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền”, còn gọi là “Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền”, soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (986) đời vua Lê Đại Hành.
Điều này cho thấy, ít nhất là từ khi đất nước bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ sau “đêm dài Bắc thuộc” đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động ghi chép, biên soạn, văn bản hóa các truyền thuyết thời Hùng Vương. Các triều đại sau đó đều cho tiến hành trùng đính (sửa chữa lại) và thừa sao (sao chép lại).
Bản Ngọc phả Đền Hùng được san nhuận lại vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470) đời vua Lê Thánh Tông có viết: “…Từ thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức nhà Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi. Ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công ơn gây dựng nước nhà của các đấng Thánh Tổ ngày xưa…”.
Bản Ngọc phả sao năm Hoằng Định thứ nhất (1600) đời Lê Kính Tông cũng có đoạn viết: “Từ Triệu Vũ Đế kế đến các triều Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến Hoàng triều ta, đều chuẩn y cung miếu điện, cùng làng Trung Nghĩa của bản xã là dân tạo lệ đồng trà, với các khoản tô thuế, binh dân, cùng sưu sai các dịch đều giữ theo lệ cũ phụng thờ để làm thọ mạch nước, lưu tiếng thơm vạn đời”.
Tại đền Giếng có một câu đối cũng cho thấy việc thờ phụng các vua Hùng được tiếp nối qua nhiều triều đại:
Tự điển lịch Thục, Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê dữ Trưng triều nhị nữ vương, danh thiên cổ
Tiên giới hợp quân, thần, phụ, tử, phu, phụ, kế Tổ quốc bách nam lục cụ truyền kỳ.
Nghĩa là:
Phụng thờ trải từ Thục, Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê cùng hai nữ Trưng Vương, nổi danh thiên cổ
Tiên giới hợp sức vua, tôi, cha, con, chồng, vợ nối trăm trai Tổ quốc ghi lại trong truyền kỳ.
Tất cả những dấu tích di vật khảo cổ cùng các ghi chép đó đã cho thấy đền miếu thờ các vua Hùng đã có từ rất lâu đời, khu vực này được thờ tự liên tục ngay từ khi triều đại Hùng Vương kết thúc cho đến tận ngày nay và cả mãi mãi sau này nữa.
Đền Hùng với sự quan tâm của các vị vua chúa
Sau khi đánh đuổi giặc Minh xâm lược, nhà Hậu Lê đã cho xây dựng lại đền Hùng và chiêu mộ, quy tụ những người dân địa phương bị thất tán nhiều nơi trở về giữ nhiệm vụ trông nom, hương khói tại đền. Trong số đó có ông Hoàng Kim Đái người làng Cả (Nghĩa Cương), dân làng này bị giặc Minh đầy ải sang tận Vân Nam, về sau chỉ có mình ông trốn về được.
Vì là nơi thờ tự giữ một vị trí hết sức đặc biệt nên các vua chúa phong kiến đã ban nhiều mệnh lệnh, sắc chỉ quy định về việc cúng tế, bảo vệ, tôn tạo khu di tích Đền Hùng, cũng như việc miễn các khoản sưu thuế, phu phen cho dân Trung Nghĩa (Hy Cương) vì họ được gọi là dân Trưởng tạo lệ (con trưởng) có nhiệm vụ trông nom đền miếu và phục vụ ngày Giỗ Tổ.
Sau khi đánh bại họ Mạc, cuộc nội chiến Nam-Bắc triều coi như kết thúc, chúa Bình An Vương Trịnh Tùng (1570-1623) sai quan thị độc Nguyễn Trọng sao chép lại tài liệu về đền Hùng. Đến năm Đinh Mùi (1727) đời vua Lê Dụ Tông, chúa Nhân Vương Trịnh Cương (1709-1729) cho trùng tu đền Hùng. Các đời vua Lê chúa Trịnh sau đó đều quan tâm đến khu thờ tự đặc biệt này, có vị còn trực tiếp lên đền Hùng lễ bái và lưu lại cảm xúc qua những vần thơ, câu đối.
Vua Lê Hiển Tông (1717-1786) từng có một số bài thơ viết về đền Hùng, trong đó bài thơ sau tác giả khái quát toàn bộ khung cảnh ngôi đền:
Quốc tịch Văn Lang cổ
Vương thư Việt sử tiên
Hiển thừa thập bát đại
Hình thống nhất tam xuyên
Cựu trưng cao phong bán
Sùng từ tuấn lĩnh biên
Phương dân ngung trắc giáng
Hương hỏa đáo kim truyền.
Nghĩa là:
Mở nước Văn Lang xưa
Dòng vua đầu Việt sử
Mười tám đời nối nhau
Ba sông đẹp như vẽ
Mộ cũ ở lưng đồi
Đền thờ trên sườn núi
Nhân dân tới phụng thờ
Khói hương còn mãi mãi.
Ngoài ra vị hoàng đế cuối triều Hậu Lê còn cảm tác để viết lên những xúc cảm của mình khi nhớ về công tích lớn lao của các bậc Thánh Tổ thời dựng nước:
Đô Định Văn Lang tự Lạc Long
Dương thời Thục bất hiệu anh hùng
Kiếm hầu, thụ đỉnh, quy mô đại
Vụ bản, cần nông, chính hóa Long
Thi mị cạnh tranh tê thịnh trị
Dân vô tập ngụy đắc thuần phong
Giả nhiên hậu tự truy quang chí
Thục Đế hà duyên khí ngoại nhung.
Nghĩa là:
Đô nước Văn Lang, nối Lạc Long
Đương thời, ai chẳng gọi anh hùng
Lập hầu, dựng nghiệp, quy mô lớn
Vun gốc, chăm nông, chính hóa sùng
Đời chẳng tranh giành, lên thịnh trị
Dân không gian dối, có thuần phong
Ví sau con cháu noi đời trước
Vua Thục sao đà dám tiến công.
Ở đền Trung hiện còn lưu giữ được câu đối của chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782) như sau:
Vấn lai dĩ sự tu vi sử
Tế nhận như đồ dục mệnh thi
Nghĩa là:
Hỏi lại việc xưa nên chép sử
Cảnh nhìn như vẽ muốn đề thơ.
Tiếp đến đời chúa Đoan Nam Vương Trịnh Khải (1782-1786), tình hình xã hội hết sức rối ren, loạn lạc khắp nơi, cơ đồ họ Trịnh sắp bị lật đổ bởi phong trào Tây Sơn, nhưng vị chúa này vẫn không quên lưu tâm đến việc tế lễ, bảo vệ đền Hùng. Ngày 23 tháng 2 đời Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 (1785) chúa ra lệnh chỉ nhắc nhở, trong đó có đoạn viết: “…Hễ trong đền nếu có hư hỏng cho sửa chữa lại theo khuôn mẫu cũ, để tiện thờ cúng giúp mạch nước thọ lâu. Dân xã thi hành công việc, còn các nha môn tuân hành phụng sự. Nếu ai vi phạm sẽ xử theo quốc pháp hiện hành”.
Quang Trung (1788 – 1792), vị hoàng đế bách chiến bách thắng cũng vậy, mặc dù bộn bề việc điều hành đất nước, chinh chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, dẹp các cuộc nội loạn chống đối nhưng ông luôn có ý thức trong việc xây dựng, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc. Vào ngày 16 tháng 2 niên hiệu Quang Trung thứ 2, tức năm Kỷ Dậu (1789), không lâu sau khi đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược, vua đã ban sắc chỉ có nội dung liên quan đến việc thờ cúng, giữ gìn tại khu linh địa Đền Hùng.
Sắc chỉ viết:
“Nay trẫm vâng mệnh trời giữ việc giáo hóa. Xét theo điển cũ thờ tự, chuẩn cho xã Hy Cương được làm dân hộ nhi, ban xuống cho hợp hành ân điển, theo lệ cũ làm trưởng tạo lệ.|"
Do xã này là đô ấp sở tại của họ Việt Thường thời cổ, trước vốn là dân trưởng tạo lệ hộ nhi. Trung Nghĩa hương nối đời đèn nhang phụng thờ Hùng Vương sơn thánh tổ Nam thiên đại báo tiền hoàng đế khởi dựng cơ đồ thủy tổ của Nam Việt, Đại thánh Đột ngột Cao Sơn cùng 18 vị Thánh vương họ Hùng nước Việt cổ nối truyền danh hiệu, trải hơn 2.650 năm, mạch thọ trường tồn, hưởng nguồn từ đó.
Còn cung điện đền Thượng, đền Trung, đền Hạ cho đến chùa miếu, giếng đền, rồi đến hậu thượng đường, các cổng nghi môn, các vật kiệu nghi vệ, tế khí, kiệu rồng, tán, biển, cờ, trống giữ nguyên như cũ.
Phàm binh phận, hộ phận, tiền gạo tô dung, thuế điền, thuế cửa đình, các khoản thuế lệ tự đến phát sinh, cùng vật tế thờ chuẩn giao cho viên giám tri điện được kê lập để cùng dân xã Hy Cương này thu nhận, chiếu theo việc công mà tế tự. Sinh thời, kỵ thời cùng ngày nhập kị hàng năm cho mở hội lệ xướng ca, múa rối, kéo co; ngày sóc vọng, tứ thời bát tiết lo sửa lễ vật tế theo nghi thức.
Còn việc tu sửa cung miếu, điện vũ phải chăm lo cẩn thận, cốt tiện phụng sự khiến mạch nước được dài lâu, núi sông trường tồn mãi”.
Sang triều Nguyễn, từ triều Minh Mệnh nhà vua cho dựng miếu Lịch đại đế vương thờ tiên tổ của Việt tộc ở gian chính giữa: Tổ Phục Hy, tổ Thần Nông Viêm đế và tổ Hoàng đế. Gian bên trái thờ Kinh Dương Vương và tổ Hùng Vương. Ngày giỗ Tổ, các vua Nguyễn thường đến chủ tế, tế Tổ.
Không chỉ đưa bài vị các đời vua Hùng vào miếu thờ các đế vương, mà các vua Nguyễn còn cho ghi chép sự tích lưu truyền trong sách sử và nhiều lần tiến hành trùng tu, tôn tạo đền Hùng. Chỉ riêng trong tấm bia Hùng Vương từ khảo (khảo về đền Hùng Vương) dựng tại đền Thượng ngày mồng 10 tháng 3 năm Canh Thìn niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1940) đã cho biết nhiều đợt trùng tu khác nhau, như năm Tự Đức thứ 27 (1874) triều đình cho trùng tu đền Thượng, năm Duy Tân thứ 6 (1912) trùng tu nội tẩm và ngoại điện. Năm Khải Định thứ 7 (1922) tu tạo lăng Hùng Vương (mộ tổ) và đền; năm Bảo Đại thứ 10 (1925) lại tu bổ thêm đền Giếng...
Có thể nói với ý nghĩa đặc biệt về mặt tâm linh, Đền Hùng luôn được quan tâm, bảo vệ, sửa chữa, trùng tu để cho đến ngày nay, chúng ta vẫn được chiêm bái nguyên vẹn các công trình kiến trúc đó mỗi khi hành hương về đất Tổ, để kính cẩn hướng về những anh hùng dựng nước, đó cũng là mỗi lần chúng ta hành trình vào chiều sâu lịch sử thiêng liêng của Tổ quốc ngàn năm...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Học Phật giản đơn
Kiến thức 08:00 22/11/2024Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Xem thêm