Vượt thoát trầm luân theo lời giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (II)
Trong đạo Bụt có hai pháp môn. Một pháp môn là chỉ tức là dừng lại, đừng để cho nó chìm xuống thêm, đừng để cho nó lăn thêm, dừng lại để đứng dậy. Và một pháp môn là quán, tức là nhìn sâu.
Mê chấp là gốc của đau khổ, trầm luân
Chỉ và quán, hai cái nương vào nhau. Chỉ nó làm cho quán thành công. Và quán giúp cho chỉ xảy ra mau hơn. Cho nên chỉ phải có quán.
Nó giống như là hai cánh của một con chim, nếu chim mà có đủ hai cánh thì bay rất dễ. Người nào vừa tu chỉ lại vừa tu quán thì chỉ cũng thành công mà quán cũng thành công. Nhờ chỉ mà mình có thể quán được và nhờ quán cho nên mình chỉ rất dễ. Nhờ dừng lại cho nên mới nhìn sâu được gốc rễ vấn đề và nhờ nhìn sâu cho nên dừng lại rất mau.
Hai cái nó nương vào nhau, chứ không phải là cái này có trước rồi cái kia có sau. Đức Thế Tôn từng dạy: Như chim có hai cánh, người tu phải có chỉ và quán.
Khi đi thiền hành, tức là mình đi từng bước một trong chánh niệm, khi ấy, mình có thể vừa thực tập chỉ và vừa thực tập quán được. Ở trong một bước chân có thể có hai cái: chỉ và quán. Nếu mình không biết tu thì mình đi như bị ma đuổi, sống trong trôi lăn và chìm đắm.
Tuy cũng đi như người ta nhưng mình bị những lo lắng buồn phiền lôi đi, bị khổ đau nhấn chìm, còn những người kia họ đang đi thiền hành, họ có ý thức với bước chân và hơi thở của họ nên họ làm chủ được tâm mình và không bị lặn ngụp trong trầm luân. Cho nên đi thiền hành là một phương pháp để giữ cho mình đừng có bị chìm đắm, đừng có bị trôi lăn.
Vừa qua, ở bên Đức, tôi có chỉ cho các thầy, các sư cô và Phật tử bên đó một bài kệ mới để đi thiền hành, bài kệ rất dễ:
Con đi cho Bụt
Đi như đi chơi
Đi cho hạnh phúc
Đi cho thảnh thơi.
Bụt không bao giờ đi hấp tấp, vội vàng, không bao giờ đi trong lo lắng, sầu khổ, mỗi bước chân của Ngài luôn có an lạc. Còn mình đi thì muốn tới cho mau để làm cái gì đó, vì vậy khi đi, mình bị trôi lăn. Cho nên, đã nhận Bụt là thầy tức là muốn tiếp nối sự nghiệp của Ngài, thì mình phải bước được những bước chân như ngày xưa Ngài đã bước, tức là mỗi bước chân phải tỏa chiếu bình an.
Nếu sư chị nhờ mình đi lấy cuốn kinh thì mình có quyền sử dụng phương pháp thiền hành để đi, đâu cần phải vội vàng?
Mình có quyền bước từng bước thảnh thơi mỗi khi cần đi. Trừ khi sư chị nói là: “Bây giờ em phải chạy giùm vì cái này gấp lắm” thì mình chạy, nhưng vừa chạy vừa có chánh niệm thì cũng được, chứ còn theo nguyên tắc thì mình có quyền đi từng bước thảnh thơi để lấy cuốn kinh và lấy được rồi thì trở về cũng bước thảnh thơi.
Tại vì mình đi tu là để thực tập chứ đâu phải để lấy cuốn kinh! Trong khi đi như vậy là mình có chỉ và có quán. Đi như thế nào, dầu cho đi vào nhà bếp, phòng ăn, phòng tắm cũng phải đi giống như mình đi chơi vậy.
Mỗi bước chân là hạnh phúc
Mỗi bước chân là trị liệu
Mỗi bước chân là an lạc
Mỗi bước chân là thảnh thơi.
Đi như đi chơi, tức là như đi tản bộ vậy thôi. Đi vì công việc thật nhưng công việc không thể kéo mình trôi lăn được, người tu khác với người không tu ở chỗ đó. Người tu cũng đi nhưng mà người tu phải đi cho thảnh thơi, an lạc. Bước chân vào thiền viện rồi thì phải đi như vậy.
Dù là người xuất gia, hay người tại gia đã vào thiền viện là phải thực tập. Đã tới tu viện rồi mà vẫn đi như bị ma đuổi thì tới làm gì? Mỗi bước chân dù vào nhà tắm, lên thiền đường, hay vào nhà bếp đều có thể đi như Bụt hết. Thành ra, mỗi bước chân mình ở trong chùa, trong thiền viện phải là một bước chân hạnh phúc, một bước chân thảnh thơi, vô ưu.
Nếu trong khi đi mà không có hạnh phúc thì làm sao trở thành giáo thọ được?
Phần lớn trong xã hội, chúng ta đều đi như bị ma đuổi. Chúng ta hấp tấp đi về tương lai để tìm hạnh phúc, tìm danh lợi, tìm cái gì đó và đánh mất sự sống. Sự sống ở trên trái đất này rất là ngắn nhưng mọi người chưa biết sống sâu sắc trong từng giây phút để có hạnh phúc.
Thảnh thơi tức là tự do. Có một cái gì đó trói buộc mình, nó làm cho mình không có thảnh thơi và tự do, đó là sự lo lắng. Mình có những dự án, mình muốn thành công nên bị nó hút hồn, khiến cho đứng ngồi không yên mà ăn ngủ cũng không yên, lúc nào cũng bất an như ngồi trên đống lửa. Chính cái đó nó trói buộc không cho mình thảnh thơi.
Ngày xưa Bụt đi rất nhiều, gần hai chục nước, Ngài không có máy bay, ô tô như mình bây giờ, Ngài chỉ đi bộ thôi nhưng Ngài đi rất thảnh thơi, không có gì vướng bận. Mình là học trò của Ngài thì cũng phải học được cách đi thảnh thơi như vậy. Mỗi bước chân an lạc là mình đóng góp được phẩm chất tu học cho trung tâm của mình.
Có thể thở vào rồi bước 2 bước “Con đi”, thở ra “cho Bụt”. Câu tiếp theo, thở vào bước 2 bước “đi như”, thở ra “đi chơi”. Sự nghiệp của Bụt có được tiếp nối hay không, là do mình. Mình phải đi như là đi chơi. Phối hợp hơi thở với bước chân như thế nào để có thể sử dụng được bài kệ này. Có khi mình thở vào một hơi bước 4 bước, thở vào “Con đi cho Bụt”, rồi thở ra bước 4 bước “Đi như đi chơi”. Nếu hơi thở chưa dài thì mình làm 2 bước thôi. “Con đi” là thở vào và “cho Bụt” là thở ra.
Tiếng chuông và phương pháp nghe chuông chánh niệm cũng là một phương pháp rất hay. Khi đang trôi lăn, chìm đắm, được nghe một tiếng chuông trở về với hơi thở, nếu hơi thở của mình vững chãi, có ý thức thì hơi thở đó là Chánh pháp, nó bảo hộ thân tâm mình, không để cho tâm bị trôi lăn. Mới thực tập thì hơi khó khăn nhưng khi thực tập quen rồi thì không cần cố gắng nữa.
Hễ nghe một tiếng chuông thì tự động tâm mình dừng lại và chấm dứt trôi lăn. Thực tập thành công được với tiếng chuông thì sau này với những âm thanh khác như tiếng chuông đồng hồ, tiếng chuông điện thoại mình cũng có thể thực tập được. Với bài thực tập này, mình không nhất thiết phải thực tập câu đầu rồi tới câu thứ hai. Nếu mình thích câu đầu thì mình thực tập câu đầu miết cũng đủ rồi “Con đi cho Bụt”, “Con đi cho Bụt” đây.
Và khi mình đã vững rồi thì mình có thể thực tập câu thứ hai “Đi như đi chơi”. Và mình thấy rõ ràng là mình đang đi chơi thật. Lúc đó mình đang tiếp nối Bụt. Còn đi mà cứ suy nghĩ tới chuyện nọ chuyện kia là chưa được. Đừng có suy nghĩ miên man. Khi đi mình có hạnh phúc hay không tự mình biết, có hạnh phúc tức là mình tiếp nối được Bụt, điều này không cần ai phải nói cho mình hết. Ngay trong lúc ấy mình có thể vừa thiền chỉ vừa thiền quán.
Và đây là bài kệ thứ hai:
Con đi như Bụt
Con đang rong chơi
Con đang hạnh phúc
Con đang thảnh thơi.
Con phải giống cha. Ban đầu thì mình nói “Con đi cho Bụt”, đi đó là vì tình thương mà đi. Bây giờ mình đi giống hệt Bụt “Con đi như Bụt”. Câu thứ hai: “Con đang rong chơi”. Rong chơi không phải là chuyện dễ đâu, phải có tự do mới rong chơi được. Nếu mình vướng bận thì không thể rong chơi được, thành ra tới chùa là để học cách rong chơi. Rong chơi một ngày, rong chơi hai ngày. Rong chơi được thì không còn lo lắng, không còn sầu khổ, tật bệnh tiêu trừ, rong chơi thôi. Rong chơi là phương pháp trị bệnh rất là hay. Con đang rong chơi.
Trong thời gian tại thế Bụt rong chơi khắp chốn và tại vì Ngài rong chơi được nên Ngài độ được rất nhiều người. Nếu Ngài không rong chơi thì làm sao Ngài độ được đời? Mình phải giải thoát. Mình phải thảnh thơi thì mình mới độ được người. Phải luôn tự hỏi ta có đang rong chơi hay không, hay ta đang bận bịu với những lo toan? Đang bận tâm theo đuổi một dự án?
Con đang hạnh phúc
Con đang thảnh thơi.
Cuộc đời trầm luân của Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc
Đây không phải là tự kỷ ám thị mà là sự thật. Mình đang có hạnh phúc thật và tự do thật. Khi thấy mình đang hạnh phúc đang thảnh thơi thì đúng là mình thành công. Phải biết buông bỏ buồn phiền thì mới hạnh phúc, thảnh thơi. Vấn đề là phải buông nó ra.
Trong gia đình hay trong Tăng thân chúng ta phải giúp đỡ nhau làm chuyện này. Và thấy ai buông được khổ đau của họ thì mình phải mừng cho người ấy. Rong chơi thôi thì rửa nồi cũng rong chơi, quét nhà cũng rong chơi. Phải sắp đặt cho khéo để giờ phút nào, công tác gì cũng có thể rong chơi được. Làm cái gì cũng là tu hết.
Nấu cơm, giặt áo, quét thiền đường, tưới rau… đều có thể làm trong tinh thần rong chơi. “Con đi như Bụt”, Bụt thấy không, con đang rong chơi đây nè, con đang hạnh phúc đây nè, đâu đến nỗi tệ lắm đâu. Con đang thảnh thơi đây nè, con buông được mà, con là học trò của Ngài mà. Giống như bài đầu, mình cứ chọn câu nào thích mà thực tập thôi, không hẳn là câu này đến câu kia.
Từ những thực tập ấy mà hạnh phúc của mình ngày càng lớn. Những bệnh tật trong thân hay trong tâm có thể được trị liệu bằng cách đi thiền hành. “Hiện pháp” tức là giây phút hiện tại, “lạc cư” là sống an lạc, sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại chính là phương thuốc diệu kỳ nhất để trị cái bệnh bận rộn của nhân loại bây giờ. Ngày nay người ta không có khả năng “hiện pháp lạc cư”.
Giáo lý của Đức Thế Tôn vốn rất sáng sủa, dễ hiểu và có thể đem ra áp dụng được trong mọi lúc, mọi nơi. Nhưng các nhà Phật học đã biến nó thành một môn học rất rắc rối, rất là khó, càng học mình càng rối.
Vì vậy cho nên trong bao nhiêu năm, thầy đã cố gắng lấy lại được tính sáng sủa, đơn giản và thực dụng của giáo lý. Chỉ nội bài này nếu mình nghe và đem ra áp dụng thì đã có thể thay đổi được tình trạng trong một vài ngày, mình có thể dừng lại được sự chìm đắm và trôi lăn. Và khi dừng lại được rồi thì mình có thể nhìn vấn đề rất sâu sắc vì vậy mà khám phá ra được nhiều điều. Nhìn sâu chừng nào thì thảnh thơi chừng đó.
Tại vì cái tuệ giác mà mình đạt được khi nhìn sâu nó giải phóng cho mình khỏi những bức màn vô minh. Và khi có hạnh phúc rồi thì mình biết rằng mình có thể giúp đời được. Hạnh phúc đó được làm bằng thảnh thơi chứ không phải được làm bằng danh lợi hay là tiền bạc. Và chỉ cần thực tập từng đó thôi cũng đem lại hạnh phúc rất nhiều rồi.
Trái banh thầy liệng cho quý vị, bây giờ nó nằm ở dưới chân quý vị, chơi cho hay, chơi cho giỏi, hạnh phúc sẽ rất lớn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm