Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 10/11/2023, 10:03 AM

Xuất gia hay xuất giá cũng phải tu

Chủ yếu là con biết tu đúng chứ không phải được xuất gia hay không. Nếu con hiểu đúng, tu đúng thì xem như đã xuất gia rồi.

“Con bất an vì con chưa thật sự trọn vẹn lắng nghe, cảm nhận lại chính mình, chỉ thấy nó như nó đang là, tuyệt đối chỉ thấy vậy thôi không cần thêm bớt gì cả, thì ngay đó con sẽ nhận ra sự mầu nhiệm tuyệt vời của pháp. Nếu con cứ loay hoay tìm kiếm sự hoàn hảo như ý mình thì chẳng bao giờ như ý được cả. Chỉ ảo vọng của bản ngã cứ tưởng là, cho là, muốn phải là, mong sẽ là... mới cảm thấy bất như ý thôi, còn mọi thực kiện đời sống đều là sự hiện hữu mầu nhiệm. Hãy trọn vẹn với sự mầu nhiệm đó ngay tại đây và bây giờ như nó đang là, đừng để ảo tưởng của bản ngã làm cho tâm con lung lạc.” 

“Con nên tu theo Phật, theo Pháp, theo Tăng thôi chứ không nên theo Tông phái nào cả. Tông phái nào cũng có những quy định ràng buộc, còn tu theo Phật, Pháp, Tăng thì chỉ cần trở về sống với hành động, nói năng, suy nghĩ sáng suốt (theo Phật), định tĩnh (theo Pháp) và trong lành (theo Tăng) chứ không cần tu theo ai cả. Như vậy sẽ mau giác ngộ giải thoát hơn.” 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

“Có thể thân không xuất gia nhưng ngay bây giờ tâm xuất gia cũng vẫn được mà con. Quan trọng là con biết sống chánh niệm tỉnh giác với chính mình là xuất gia rồi đó…” 

“Người xuất gia đúng nghĩa là người đã thông suốt việc đời nên họ chỉ còn sống để thể hiện đời sống "Tuỳ duyên thuận pháp, vô ngã vị tha". 

Nếu người xuất gia chưa thông được việc đời thì đúng là sẽ thua người tại gia có điều kiện học bài học "xúc chạm việc đời" hơn...” 

“Chính vì sống "tùy duyên thuận pháp" nên có người xuất gia người tại gia. Tùy duyên là tùy điều kiện, hoàn cảnh hay duyên nghiệp của mỗi người, thuận pháp là sống đúng tốt theo nguyên lý tự nhiên (bát chánh đạo) và luật lệ hay quy ước chung của cộng đồng xã hội. Vì vậy, dù duyên là xuất gia hay tại gia thì cũng phải sống thuận pháp. 

Tại gia hay xuất gia nếu sống đúng đều tốt, mỗi bên có một lợi thế riêng. Tùy theo thiên hướng của mỗi người mà chọn cho mình cách sống phù hợp với lợi thế ấy là được...” 

"Dù tại gia hay xuất gia chính yếu vẫn là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác tức thường trở về trọn vẹn tỉnh thức ngay nơi thực tại thân thọ tâm pháp. Nói dễ hiểu hơn chuẩn bị tốt nhất cho việc tu hành là thường sáng suốt biết mình. Như thế mới là tu một cách toàn diện, không cục bộ.” 

“Vấn đề là biết tu học thế nào cho đúng và hiệu quả chứ không phải xuất gia hay tại gia. Ý nghĩ xuất gia có thể là một vọng tưởng không thực tế. Nên đối diện với hiện thực để học bài học của mình cho thông suốt. Khi đã thông suốt thì xuất gia hay tại gia không còn là vấn đề nữa.” 

“Người xuất gia chân chính là người không còn ham muốn tài tình danh lợi ở đời, vì vậy để kiếp sau có thể xuất gia tu hành giác ngộ thì từ bây giờ nên tập buông bỏ những sự dính mắc trong đời sống thế tục. Vấn đề không phải là xuất gia hay không xuất gia mà là có sống đúng đạo lý giác ngộ giải thoát hay không. Nếu xuất gia mà vẫn bị tài tình danh lợi chi phối, thậm chí còn đắm chìm trong đó nữa thì còn tệ hơn người tại gia biết sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Trong thời đức Phật còn tại thế có rất nhiều cư sĩ tại gia chứng ngộ bậc Thánh. Con đã có tâm yêu thích tướng mạo trang nghiêm thanh thoát của quý vị Tăng và có tâm nguyện xuất gia thì trước sau gì tâm nguyện đó cũng được thành tựu.” 

“Con lý luận cũng đúng, nhưng lắm khi cuộc đời xảy ra không như lý luận của mình. 

Hiểu biết để đừng nhầm lẫn là tốt, nhưng tốt nhất vẫn là nên sống tùy duyên thuận pháp, nghĩa là nếu duyên tại gia thì sống đời sống tại gia cho đúng tốt, nếu duyên xuất gia thì cũng sống đời sống xuất gia sao cho ý nghĩa. 

Đôi lúc con nghĩ là mình chọn đường này đường kia, nhưng không ngờ đó cũng do nhân duyên đưa đẩy. Nếu thực sự duyên con là xuất gia thì dù có lập gia đình rồi con cũng xuất gia thôi, ngược lại nếu duyên con phải học bài học của người tại gia thì dù có xuất gia rồi trước sau cũng ra đời lấy vợ. 

Vậy chuyện đó để pháp vận hành theo nhân duyên của nó, còn trước mắt là con nên sống trọn vẹn trong sáng với thực tại ngay đây và bây giờ để hiểu rõ mình và cuộc sống hơn thì rồi dù đời con đi theo hướng nào cũng đều phù hợp với nguyên lý giác ngộ giải thoát mà thôi...” 

“Những thói quen thường ngày nào để sau này có thể thuận lợi cho việc xuất gia hơn:

- Tập giảm bớt mối quan hệ không cần thiết

- Tập sống không dính mắc vào bất cứ điều gì

- Tập sống có kỷ cương và đúng giờ giấc

- Tập hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó

- Tập sống kham khổ và giản dị đối với những nhu cầu đời sống.

- Tập siêng năng học hành, khiêm tốn, vị tha và tôn trọng của chung...”

“Đọc nhiều nghe nhiều cũng tốt, nhưng Đức Phật dạy đừng vội tin, cứ ngay nơi chính mình mà lắng nghe, quan sát, chiêm nghiêm thì sẽ thấy ra sự thật thôi.

Chân lý không ở trong kinh sách, cũng không ở bên ngoài mà đang diễn ra từng giây từng phút nơi chính con, đó là cuốn kinh hay nhất, thực tế nhất và chính xác nhất. Hãy trở về học lại chính mình như con đã học từng trang sách vậy. 

Không có tu tập trước sau gì cả, chỉ có thực tại ngay đây và bây giờ mà thấy ra thôi.

Đức Phật dạy:

"Quá khứ không truy tìm,

 Tương lai không ước vọng,

 Chỉ có pháp hiện tại,

 Tuệ quán chính là đây"

Hãy dừng lại, đừng mất công lăng xăng tìm kiếm nữa, chỉ trở về trọn vẹn trong sáng thấy ra chính mình từng giây từng phút thì đó chính là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác mà Đức Phật đã dạy...”

“Người tu xuất gia đúng nghĩa khi họ thấy mình không còn nhu cầu hay vướng mắc gì trong đời sống thế gian, nhất là đối với tài tình danh lợi. Họ chỉ muốn sống một đời sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha.

Người tu tại gia đúng nghĩa khi họ thấy mình còn có bổn phận, trách nhiệm với gia đình, xã hội, còn phải trả nợ đời, nhưng họ quyết giữ đời sống lương thiện, không hại mình hại người và thường sáng suốt tự tri, tự giác...”

“Chủ yếu là con biết tu đúng chứ không phải được xuất gia hay không. Nếu con hiểu đúng, tu đúng thì xem như đã xuất gia rồi. 

Trong thời đức Phật tại thế rất nhiều người tại gia vẫn giác ngộ giải thoát. Vậy cứ sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha thì mới tuyệt vời...”

“Nếu con có điều kiện lập thất tu tại gia thì tốt hơn là xuất gia trong thời đại ngày nay. Xuất gia trong thời này gần như không còn ý nghĩa như xuất gia trong thời đức Phật ở xứ Ấn Độ nữa. Tu chủ yếu ở nơi tâm, chỉ cần rõ biết chính mình để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt là được.”

"Đúng là muốn tu hành giác ngộ giải thoát thì phải thực hiện tròn đủ 10 pháp ba-la-mật: Bố thí, trì giới, xuất gia (hay còn gọi là ly dục hoặc thiền định), trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, chân thật, quyết định, tâm từ, tâm xả. Tu thiền định và thiền tuệ chỉ là hai trong mười pháp ba-la-mật thôi, chưa phải là tất cả. Quan trọng là biết mình để xem lúc nào nên thực hiện pháp ba-la-mật nào cho hợp thời vị và đúng căn cơ trình độ của mình. Xin chúc mọi điều thuận lợi.”

Xuất gia, xuất giá cũng đều tu 

Không tùy thuận pháp khác chi mù

Chớ đợi xuất gia rồi hạ thủ

Đừng chờ nhập thế mới công phu 

Hiện tại chẳng am tường thật giả 

Tương lai sao thấy rõ cương nhu

Đâu đâu cũng chỉ Thân, Tâm, Cảnh.

Giác liền ngay đó độ Xuân, Thu.

Tổng hợp hỏi đáp với Thầy Viên Minh

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chủ động tìm kiếm bạn đường hay để tùy duyên phận?

Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 12:35 26/04/2024

Hỏi: Khi đến lúc phải lập gia đình, tìm một người đi cùng mình để trải nghiệm bài toán cuộc đời thì lúc đó mình nên đi tìm kiếm, hay chỉ đơn giản là cầu nguyện và để pháp tự vận hành. Con rất mong nhận được câu trả lời của Thầy.

Bài học khi sinh ra làm người nữ

Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 08:32 25/04/2024

Thưa Thầy, hiện giờ, con vẫn trăn trở về khái niệm "sứ mệnh" cuộc đời mà chồng con luôn nói đến - đó là việc phải sinh ra con cái, nuôi dạy chúng khôn lớn để đền đáp cuộc đời. Đó là lý do chính anh ấy ra đi.

Hạnh phúc trong hôn nhân có hoàn toàn là thuận pháp?

Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 13:45 24/04/2024

Hỏi: Chồng con bảo mới đầu thích con, muốn chinh phục, khi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn và cùng nhau trải qua nhiều chuyện thì hiểu hơn về con, lúc này tình cảm sâu đậm hơn. Quá trình tìm hiểu dẫn đến yêu và cưới của con có đang thuận pháp không thầy, khúc đầu có phải là tham ái không ạ?

Con không sợ cô đơn, nhưng không rõ lúc về già?

Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 17:05 23/04/2024

Hỏi: Con không sợ cô đơn, nhưng không rõ lúc về già, khi cơ thể mình bắt đầu thoái hoá đi, chân yếu tay run, hoặc không may đau ốm vào viện không có ai chăm sóc thì không biết phải làm sao? Xin Thầy chia sẻ cho con ít kinh nghiệm trong đời sống một mình khi về già ạ.

Xem thêm