Ý nghĩa bảy bước chân của Đức Phật
Hằng năm đến ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, những hàng đệ tử của Đức Phật trên toàn thế giới lại hân hoan đón mừng ngày đản sinh của Ðấng giác ngộ. Sự ra đời của Đức Phật đã mở ra cho nhân loại một lối thoát khỏi sinh tử khổ đau mà kiếp nhân sinh phải cưu mang trong nhiều kiếp luân hồi.
Từ bước khởi thủy tìm thầy học đạo cho đến lúc phát kiến tự tâm, ngài đã trải qua bao gian lao khó nhọc, lắm lúc tưởng chừng như bỏ cuộc giữa đường thiên lý mịt mờ. Cuối cùng quả vị giác ngộ, giải thoát cũng đến với đấng Thế Tôn, người mà chư thiên và loài người đang quay về và nương tựa.
Sự Ðản sinh của đức Phật ngang qua bảy bước mà Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Diệu Pháp môn phẩm Thụy Ứng ghi lại như sau: Sau khi thọ thai Ðấng Thánh lớn, gần ngày mãn nguyệt khai hoa, Hoàng hậu Ma Gia trở về quê mẹ. Trên đường về quê cũ, Hoàng hậu nghỉ chân dưới một vườn hoa Lâm Tỳ Ni xinh đẹp.
Hoàng hậu khoan thai dạo bước quanh vườn, hít thở không khí trong lành của gió xuân mát dịu, lắng nghe từng đàn chim chuốt giọng trên cành, ngắm nhìn từng đóa hoa đua sắc khoe màu trong nắng sớm, rồi nhẹ tay vin hái cành hoa Vô Ưu thì liền Ðản sinh Ðấng Thánh lớn. Sự Ðản sinh ấy được đánh dấu qua tiến trình giải thoát giác ngộ, biểu trưng qua bảy bước nở hoa sen, mà nhân loại hôm nay đang ngưỡng vọng và noi theo Ngài.
Đối với con số bảy là một con số rất là đặc biệt chính vì vậy mà các luận thuyết của triết học Đông phương và Tây phương đều có đề cập đến con số bảy này. Theo quan niệm triết học Đông phương thì số bảy là con số biểu trưng cho sự hoàn hảo nhiếp thâu cả vũ trụ. Nó được xác lập trên bảy nguyên lý của thời gian và không gian. Theo thánh Kinh, thì Thiên Chúa là đấng đã sáng tạo ra vũ trụ muôn loài trong sáu ngày và ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Truyền thống của người Do Thái giáo thì cho rằng, số bảy là con số thông minh và do đó họ đã có bảy ngày Thánh lễ lớn trong năm...
Trong tinh thần của Phật giáo thì con số bảy hầu hết trong các Kinh điển thường đề cập đến. Theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm thì con số bảy dụ cho sự bao hàm của toàn thể vũ trụ như: trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và chính giữa. Tất cả các địa hạt từ vật nhỏ nhất như vi trần cho đến vật lớn như núi Tu Di đều không ngoài con số bảy này.
Các Pháp số Phật học về con số bảy như:
- Thất đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức.
- Thất thánh tài: tín, tấn, giới, tàm quý, văn, xả, huệ.
- Thất chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, thức-xoa-ma-na, sa di, sa di ni, ưu bà tắc, ưu bà di.
- Thất Phật: Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp và Phật Thích-ca.
- Thất thánh quả: Tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a-na-hàm, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát và Phật.
-Thất bồ đề phần:Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định và xả.
Ngoài những thí dụ về con số bảy được nêu ở trên thì sự Đản sinh của Đức Phật được Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi cũng như kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Diệu Pháp môn phẩm Thụy Ứng ghi lại như sau: Sự Đản sinh ấy được đánh dấu qua tiến trình bảy bước nở hoa sen.
1. Bước thứ nhất:
Đức Phật nhìn về Phương Đông và bảo rằng: “Phương Đông ấy chính là ngọn đuốc soi đường tối thượng cho chúng sinh trong mọi lĩnh vực”. (Thị Đông phương vị chúng sinh vi đạo thủ cố). Đức Phật lấy phương mặt trời mọc để chỉ cho sự phát huy trí tuệ.
Thật vậy, từ phàm phu đến quả vị Thánh hiền, không một ai mà không cần đến ánh sáng của trí tuệ. Trí tuệ là ngọn đuốc soi đường đi đến chân - thiện - mỹ; mà “Văn hóa là chìa khóa mở đầu”. Từ trường đời đến trường đạo đều lấy sự giáo dục làm đầu. Bởi “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu thì chỉ là thư viện chứa sách”.
Bước đầu học Phật, hành giả phải hình thành cho mình tri thức Phật học ngang qua kinh - luật - luận mà đức Phật và chư Tổ để lại. Rồi trên cơ sở lý trí và thực nghiệm, để hình thành cho mình một phàm tuệ để chuyển hóa thân tâm và ngoại tại, rồi mới thú hướng thánh tuệ bằng thiền định, nhằm vượt thoát dòng sinh tử khổ đau.
Từ tri thức, hành giả hướng đến trí để làm cho tri hành hợp nhất, hình thành thiện nghiệp theo luật nhân quả tương ứng, nhằm chuyển hóa thân tâm và ngoại tại, từ xấu sang tốt, từ dữ sang hiền, từ khổ đau sang an vui hạnh phúc. Vì vậy cho nên, đức Thế Tôn chuyển sang bước thứ hai.
2. Bước thứ hai:
Đức Phật nhìn về phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam ấy chính là ruộng phước an lành cho chúng sinh gieo gặt”. (Thị Nam phương vị chúng sinh lương phước điền cố). Đức Phật lấy phương Nam để chỉ cho chúng sinh nhờ phát huy trí tuệ, biết quán chiếu vào sâu trong lòng thực tại nên biết quy hướng về những nghiệp nhân tốt lành.
Khi đã hình thành cho mình tri thức Phật học, hành giả đem ra quán chiếu, hành trì để chuyển hóa nội tại và ngoại tại, làm cho thế giới cộng thông, nhằm đem đến sự bình ổn, tươi mát và an lạc cho cuộc sống tương duyên, hạnh phúc cho loài người và chan rải cho cả vạn loại hữu tình. Thấy rõ luật nhân quả tương ứng trong cuộc sống trùng duyên, nên không phó thác đời mình cho một đấng siêu nhiên phi thực nào, không đổ lỗi cho một ai, cũng không quay lưng sấp mặt hay chạy trốn thực tại.
Đức Phật dạy: “Đạp mây uống nước cam lộ cũng tại các ngươi; mà đào sâu hố thẳm địa ngục cũng chính tại các ngươi chứ không do ai khác”. Một biệt nghiệp tương tác vào cộng nghiệp; và những cộng nghiệp cũng chi phối đến từng cá nhân. Thấy rõ thế giới đảo điên là do lòng người điên đảo, để rồi cùng nhau tạo ra bao nhiêu nổi thống khổ cho thế gian này.
Một cá nhân tạo ra nghiệp nhân xấu ác thì sẽ cộng hưởng vào cuộc sống của cộng đồng; và những cộng đồng tạo ra nghiệp nhân xấu ác cũng ảnh hưởng đến cho từng cá nhân. Phải thấy rõ vạn pháp trùng duyên sinh, nên một là tất cả và tất cả bao hàm một, mà không ỷ lại hay phó thác cho một ai. Trong cuộc sống nhân sinh có rất nhiều nổi khổ, nhưng không ngoài hai nổi khổ của thân và tâm.
Những thứ làm cho thân khổ phần lớn đều thuộc về yếu tố vật lý; như không ý thức được những sự tác hại của ma túy, của thuốc lá, của rượu và những thực phẩm có pha chế hóa chất, thuốc trừ sâu, những thứ làm ô nhiễm môi trường, nên làm cho thân thể bị tác hại sinh ra bệnh tật khổ đau. Những thứ làm cho tâm khổ phần lớn đều thuộc về yếu tố tâm lý không lành mạnh; như tham giận, ganh tỵ, nhỏ mọn, mỉa mai, châm thọc, ích kỷ, keo kiết, độc ác, cống cao ngã mạn, thích đấu tranh, thích hơn thua thắng bại, ngộ nhận và mê lầm.
Có những nổi thống khổ thuộc yếu tố chủ quan như đã phân tích ở trên; nhưng cũng có những nổi thống khổ do yếu tố khách quan đưa lại như thiên tai, chiến tranh do cộng nghiệp xấu ác của quá khứ nhiều đời tạo nên “Y báo và chánh báo tương ứng”. Mỗi khi phát huy được tuệ quán, thấu rõ nguyên nhân và hệ quả của mọi nổi thống khổ ấy; chúng ta mới tìm cách chuyển hóa và giải trừ. Vì vậy cho nên, hướng đến nghiệp lành chính là tạo ruộng phước an lành cho cuộc sống thực hữu của nhân sinh. Ðức Phật dạy:
Ðem thù đến trả thù
Mình, người đều đau khổ
Từ bi thắng hận thù
An lạc tận nghìn thu.
3. Bước thứ ba:
Đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây ấy chỉ cho chúng sanhcách hóa giải động cơ sinh tử, chấm dứt sanh thân cuối cùng”.(Thị Tây phương vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố). Phương Tây là phương mặt trời lặn, để chỉ cho sự an nghỉ tuyệt đối của tâm thức.
Dòng tâm thức (Samsàra) đã đưa đẩy chúng sinh trong sáu nẻo luân chuyển từ vô lượng kiếp đến nay. Ðức Phật đã thấy rõ nguyên nhân của dòng sinh tử là do động lực của Vô minh. Từ vô minh mà phát sinh Hành, từ Hành phát sinh Thức, từ Thức phát sinh Danh Sắc, từ Danh Sắc phát sinh Sáu nhập, từ Sáu nhập phát sinh Xúc, từ Xúc phát sinh Thọ, từ Thọ phát sinh Ái, từ Ái phát sinh Chấp thủ, từ Chấp thủ phát sinh Hữu, từ Hữu phát sinh Sanh, từ Sanh phát sinh Già bệnh chết.
Giải trừ vọng thức, hoặc chặc đứt nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nên sinh tử cũng chấm dứt. Ðến đây đức Phật xác quyết: “Sinh đã tận, lậu đã tận, gánh nặng đã để xuống, những việc nên làm đã làm; từ nay không còn trở lại sinh tử nữa”; hay đây chính là sanh thân cuối cùng vậy. Đến đây, phần tự giác ngộ đã hoàn thành, đức Phật bắt đầu dấn thân đi vào cuộc đời để cứu độ chúng sinh.
4. Bước thứ tư:
Đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc ấy chỉ cho chúng sanh là ta đã được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác”. (Thị Bắc phương vị chúng sanh ngã đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). Đến đây, đức Phật bắt đầu vận chuyển bánh xe pháp. Ngài như vị lương y biết bệnh tâm của chúng sinh, ai bị bệnh nặng thì được Ngài cứu trước. Vì vậy, Ngài chuyển qua bước thứ năm tiếp cận với cuộc đời để tùy duyên mà hóa độ.
Bóng vô minh tưởng chừng như mãi đè nặng lên tâm hồn nhân thế. Dòng tâm sinh diệt như con tạo tưởng chừng cứ mãi đong đưa. Bóng thời gian phủ mờ nhân ảnh, như đẩy xô về bất định trong kiếp luân chuyển trùng trùng. Nhưng không, Ðấng Giác ngộ đã xuất hiện giữa thế gian, để làm ngọn đuốt soi đường đến giải thoát giác ngộ.
Ðến đây, đức Thế Tôn bắt đầu chuyển bánh xe pháp. Ngài tiếp cận với cuộc thế đầy huyễn mộng mà lắm khổ đau. Đức Phật như vị lương y biết bệnh và cho thuốc, nên ai bị bệnh nặng thì được Ngài cứu trước. Vì vậy cho nên, Ngài chuyển qua bước thứ năm, tức tiếp cận với cuộc đời để tùy duyên mà hóa độ.
5. Bước thứ năm:
Đức Phật nhìn xuống phương dưới và bảo rằng: “Phương dưới ấy ta sẽ giúp cho chúng sanh chinh phục ma lực để vượt thoát khổ đau” (Thị Hạ phương vị chúng sanh dị dục hàng ma cố). Vì lòng thương tưởng đến nhân sinh đang có nhiều đau khổ do cố chấp, tham lam, sân hận... gây ra, nên Ngài tùy duyên tuyên thuyết chân lý để cho mọi người lần lượt từ bỏ những tham chấp ấy.
Từ thành thị đến nông thôn, từ rừng già hoang vu cho đến phố phường tấp nập, từ giai cấp thượng lưu cho đến người bần cùng nghèo khó; đức Phật tùy bệnh nặng nhẹ mà cứu nguy và cho thuốc. Phương dưới ấy là chỉ cho cảnh khổ đau của Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh. Sở dĩ chúng sinh rơi vào trong ba đường xấu ác ấy là do nghiệp nhân xấu ác của ý, miệng và thân, và bởi sự thúc đẩy của tham, sân, si.
Thật vậy, vì do lòng tham vượt quá tầm tay nên người ta mới xâm phạm đến tiền tài, danh vọng, địa vị và lẻ sống còn của kẻ khác. Biết bao cuộc chiến tranh từ xa xưa cho đến ngày nay, đâu không do lòng tham ấy? Cũng vì lòng tham không đáy mà con người mệnh danh nầy nọ kia để gây chiến tranh, làm khổ đau cho nhau tưởng chừng không có ngày kết thúc. Muốn vượt thoát ba đường xấu ác, thì phải đưa tâm thức hướng thượng, nên đức Phật tiếp tục chỉ cho chúng sinh phương trên.
6. Bước thứ sáu:
Đức Phật chỉ lên phương trên và bảo rằng: “Phương trên ấy là chỉ cho chúng sanh đang sống đúng với năm nhân cách và tu tập mười thiện nghiệp” (Thị Thượng phương vị chúng sanh quy y thiên nhân cố). Đây là những thiện nghiệp cần hướng tới thực tập để thoát khỏi khổ đau.
7. Và cuối cùng là bước thứ bảy:
Đức Phật một tay chỉ lên, một tay chỉ xuống và bảo rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sinh tử, ư kim hỷ tận”. Ta bị trôi lăn trong ba cõi sáu đường đều do ngã chấp chi phối, và đến kiếp này là sinh thân cuối cùng của ta vậy.
Ðức Phật đã thấu rõ là: “Tâm không thể nắm bắt từ bên trong, từ bên ngoài hay ở giữa. Tâm vô hướng, vô niệm, không có chỗ sở y, không nơi chốn quy túc. Các đức Như Lai không thấy tâm trong quá khứ, trong hiện tại, hay ở vị lai”. (kinh Phật). Cái mà chư Phật không thấy thì làm sao mà quán niệm được? Nếu có quán niệm thì chẳng qua là sự quán niệm về những vọng tưởng giả lập của tâm thức mà thôi. “Một lưỡi gươm không thể tự cắt nó, một ngón tay không thể tự sờ mó nó, tâm không thể tự quán tâm”. Những pháp môn được dựng lập bởi tình thức (duy ngã độc tôn) chỉ tạo thêm vòng lẫn quẫn bởi chính công họa sư tâm ý, và vẫn bị giam hãm trong cái rọ tư tưởng ngàn đời; chẳng khác nào kiến bò quanh miệng chén, mãi tìm lối nhưng không thể thoát ra.
Ðức Phật dạy: “Thấy biết mà lập biết là gốc của vô minh, thấy biết mà không lập biết chính là Niết bàn”. Liễu ngộ chân lý không hạn cuộc bởi dòng thức chủ quan, nên không cần tích tập kiến thức cũng không cần vay thêm kiến thức của ai khác. Cái thấy biết chân thật nó siêu vượt khỏi tầm đối đãi của Nhị nguyên, nên ta chỉ cần rỗng rang mọi sự thì tâm được giải phóng, thông lưu và vô nhiểm.
Ðến đây Đức Phật xác quyết: “Sinh đã tận, lậu đã tận, gánh nặng đã để xuống, những việc nên làm đã làm, từ nay không còn trở lại sinh tử nữa”. Công hạnh tự giác, giác tha, giác hạnh đã viên mãn, một vị Phật ra đời giữa thế gian. Một tiến trình từ phàm phu đến quả vị Phật phải trải qua bảy bước, mà chư Phật quá khứ, Đức Phật Thích Ca trong hiện tại đã thành, và những vị Phật tương lai sẽ thành.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Năm công việc hàng ngày của Đức Phật
Đức Phật 09:47 08/12/2024Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn kiên trì thực hiện năm công việc quan trọng mỗi ngày. Những công việc này thể hiện sự tận tâm, trí tuệ và lòng từ bi vô lượng của Ngài đối với chúng sinh, nhằm hóa độ và hướng dẫn mọi người trên con đường giác ngộ.
Đức Phật chỉ ra con đường dẫn đến hòa bình thế giới
Đức Phật 10:20 02/12/2024Hạnh phúc đâu cần tìm kiếm đâu xa, ngay khi bản thân chúng ta có thể tự tạo ra nó. Lời dạy này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp sự bình yên nội tâm như một nền tảng để kiến tạo một thế giới hài hòa hơn.
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Xem thêm