Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 05/11/2024, 09:12 AM

Đức Phật đến với chúng ta

Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.

Đã là chúng sinh thì không phải bị trói bởi một nghiệp báo mà bị trói bởi vô lượng nghiệp báo. Đã là chúng sanh thì không phải bị trói bởi một oán đối mà bị trói buộc bởi vô lượng oán đối: oán đối từ nơi người thân của mình, oán đối từ nơi người không thân của mình và oán đối từ nơi lục đạo chúng sinh. Hễ có thọ dụng của nhau mà vô ơn thì tức khắc trở thành oán đối. Hễ có giao tiếp với nhau mà thiếu chánh niệm tỉnh giác, thiếu từ bi thì mỗi lời nói của chúng ta phát ra đều tạo thành oán đối. Oán đối như vậy trói buộc chúng ta từ một đời cho đến vô số đời, từ một kiếp cho tới vô số kiếp. Do đó, mang thân phận của chúng sinh, mang thân phận của loài hữu tình, chúng ta bị trói ở trong phiền não, ở trong nghiệp báo, ở trong oán đối, ở trong cõi sinh tử luân hồi. Khi đã bị trói thì sự hiểu biết của chúng ta bị giới hạn, sự hoạt động của chúng ta cũng bị giới hạn, chúng ta biết Phật đâu mà tìm.

Vì vậy, đức Phật đã thương chúng ta, thương chúng sinh, cho nên Ngài đã trải vô lượng kiếp lập nguyện tu hành, từ nơi tâm bồ đề, ở nơi nguyện bồ đề, từ nơi hạnh bồ đề và Ngài đã trở thành một bậc Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, nghĩa là vị Bồ tát còn một đời nữa làm Phật. Và từ một vị Bồ tát còn một đời nữa làm Phật, Ngài từ nơi cung trời Đâu suất giáng thần xuống cõi Diêm-phù-đề của chúng ta, chọn dòng dõi Thích-ca làm thân tộc, chọn vua Tịnh-phạn và hoàng hậu Ma-da làm phụ thân và mẫu thân, chọn vườn Lâm-tỳ-ni, cây Vô-ưu để thị hiện Đản sanh. Từ đó, ta có đức Thế tôn, đức Thế tôn đã có mặt với chúng ta. Ngài có mặt như vậy với tư cách một vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, rồi sau đó xuất gia tu hành, đến khi thành đạo, ngồi dưới gốc cây bồ đề, canh ba, Ngài mới trở thành bậc Như lai, bậc Ứng cúng, bậc Chánh biến tri và chuyển vận bánh xe Chánh pháp giáo hóa cho tất cả thế giới người, trời. Nhờ vậy mà chúng ta biết Phật.

Chúng ta biết Phật là nhờ lịch đại tổ sư của chúng ta qua các thời kỳ. Nếu đức Phật ra đời, thuyết Pháp, giáo hóa chúng sinh, nhưng không có lịch đại Tổ sư của chúng ta từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ Á đến Âu thì chúng ta ở thế kỷ này không cách gì mà biết Phật.

Do đó, chúng ta biết Phật là do đức Phật thương chúng ta mà thị hiện Đản sanh ở nơi cõi này thuyết Pháp độ sinh. Và ta biết Phật là từ nơi lịch đại tổ sư của chúng ta qua các thời kỳ từ Đông sang Tây, từ Á đến Âu. Cho nên, chúng ta nhìn sâu vào đức Phật, chúng ta thấy Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tu hành. Ta nhìn sâu vào đức Phật, ta thấy có hình ảnh của chư Tổ chúng ta qua các thời kỳ. Và ta nhìn sâu vào nơi tâm nguyện của chư Tổ thì chúng ta cũng thấy rằng, chúng ta cũng đã từng có mặt với các Ngài và nhờ vậy mà hôm nay chúng ta được may mắn gặp thiện hữu tri thức, được lắng nghe Chánh pháp, có khả năng như lý tác ý, rồi thuận theo pháp mà thực hành, tu luyện.

Đức Phật ra đời với tư cách là một vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, nên Ngài đã chọn dòng dõi Thích-ca để làm thân tộc, vì Thích-ca là Sakya, nghĩa là Năng nhân, một dòng dõi mà trải qua nhiều đời có khả năng thực hành hạnh nhân từ, đức hạnh.

Chính hạnh ấy tương ưng với hạnh từ bi của Phật, tương ưng với hạnh từ bi của các vị Bồ tát. Đó chính là lý do, vì sao đức Thế tôn chọn dòng dõi Thích-ca làm thân tộc của mình. Và Ngài chọn Tịnh-phạn là phụ vương vì Tịnh-phạn là một vị vua sống rất nhân từ, thường đem cơm chia sẻ cho những người nghèo, cho muôn dân và là vị vua đã từng thực hành hạnh bố thì nhiều đời. Còn hoàng hậu Ma-da là một vị Bồ tát đã từng phát tâm bồ đề, nguyện và hạnh bồ đề trải qua vô lượng kiếp tu tập và nguyện rằng, bất cứ vị Bồ tát nào còn một đời nữa mà thành Phật thì khi ra đời, bà ta xin nguyện được làm bà mẹ của vị Bồ tát còn một đời nữa thành Phật đó để nuôi dưỡng Bồ tát thai đó, nuôi dưỡng Thánh thai đó bằng công đức tu hành của mình. Cho nên, Ma-da từ nơi hạnh nguyện ấy mà làm mẹ của các vị Bồ tátmột đời nữa sinh ra làm Phật. Trong kinh cũng cho chúng ta biết rằng, đức Phật Tỳ-bà-thi, đức Phật Thi-khí, đức Phật Tỳ-xá-phù, đức Phật Câu-lưu-tôn, đức Phật Câu-na-hàm và nhiều vị Phật khác ở trong quá khứ, ở trong hiện tại và ngay cả trong tương lai, nếu tu hành còn một đời nữa thành Phật thì đều mượn thai tạng của bà Ma-da phu nhân để hoài thai, trú thai và xuất thai. Khi ở trong thai đó, các vị Bồ tát còn một đời nữa thành Phật đều thuyết Pháp mỗi ngày, trao đổi Phật pháp mỗi ngày với các vị Bồ tát khắp cả mười phương thế giới. Các vị Bồ tát khắp cả mười phương thế giới đều phóng ra năng lượng của tuệ giác và đi bằng năng lượng của tuệ giác chạm vào thai tạng của hoàng hậu Ma-da, và trong thai tạng của hoàng hậu Ma-da thì vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ cũng phóng ra ánh sáng tuệ giác để thuyết Pháp và chia sẻ pháp bằng những năng lượng tuệ giác ấy, bằng những ký hiệu của tuệ giác ấy. Đó là lý do tại sao đức Thế tôn đã chọn hoàng hậu Ma-da làm mẹ của mình.

Ngài sinh ra tại vườn Lâm-tỳ-ni, và được sinh ra từ nơi nách phải của hoàng hậu Ma-da, dưới cây Vô-ưu. Vườn Lâm-tỳ-ni thuộc về quê ngoại, tức là quê của phụ thân hoàng hậu Ma-da. Theo tục lệ Ấn-độ, mỗi khi người con gái có thai, đến ngày sinh nở thì đều về quê hương của mình. Nên đức Thế tôn mượn vườn Lâm-tỳ-ni để sinh ra là để nói rằng, Ngài thuận theo pháp thế gian, cho nên sự có mặt của Ngài là không chống trái pháp thế gian mà nâng pháp thế gian lên một tầm cao, nâng phước báo hữu lậu lên một tầm cao thành phước báo vô lậu. Đó là lý do vì sao đức Thế tôn sinh ra ở nơi vườn Lâm-tỳ-ni. Và Ngài sinh ra ở nơi nách bên tay phải của hoàng hậu Ma-da là sinh ra để thuận theo Chánh pháp, để tuyên dương Chánh pháp, chứ không phải đi theo dòng chảy thế tục. Thuận thế pháp để nâng thế pháp lên trở thành Chánh pháp. Và nơi cây Vô ưu – Vô ưu thì không còn phiền muộn, cho nên sự ra đời của Ngài là đem sự an lạc, hạnh phúc cho thế giới trời người, đem sự tăng ích cho thế giới trời người, đem lại sự an lạc cho đa số. Cho nên trong kinh đức Thế tôn nói: “Có một người mà người đó ra đời đem lại lợi ích cho đa số, đem lại sự tăng ích cho đa số, đem lại sự yên ổn cho thế giới trời người. Người đó là ai? Chính là Như lai, A-la-hán, bậc Chánh biến giác”.

Như vậy rõ ràng, ngày Đại lễ Phật đản không phải chỉ có con người hoan ca mà chư thiên cũng hoan ca, không phải chư thiên Dục giới hoan ca mà chư thiên Sắc giới cũng hoan ca, chư thiên Vô sắc giới cũng hoan ca. Không phải ngày Phật đản thế giới chư thiên hoan ca mà thế giới bậc Thánh cũng hoan ca, thế giới chư Phật cũng đồng thanh hộ niệm. Đức Phật ra đời, không phải chỉ thế giới trời người hoan ca, chư thiên và các bậc Thánh hoan ca, chư Phật hộ niệm mà thế giới địa ngục cũng được thay thế bằng ánh sáng tuệ giác, thế giới ngạ quỷ cũng được rọi soi bằng thế giới tuệ giác, và thế giới súc sinh cũng được rọi soi bằng ánh sáng tuệ giác, thế giới a-tu-la cũng được rọi soi bằng ánh sáng tuệ giác. Nói tóm lại, ngày Phật đản là ngày mà tất cả nhân loại, chư thiên, Thánh hiền, Bồ tát và Phật cũng như tất cả chúng sinh đang khổ đau ở nơi địa ngục, ngạ quỷvà súc sinh đều hoan ca, đều vui mừng. Cho nên Phật đản được gọi là Khánh đản.

Nam Mô Bốn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Bốn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Khánh là vui. Đản là từ trên cao mà giáng xuống để sinh ra. Cho nên Phật đản là ngày mà đức Phật sinh ra giữa đời này rất có chủ quyền, chủ quyền từ nơi bản nguyện độ sinh, chủ quyền từ nơi tâm đại bi, chủ quyền từ nơi đại trí tuệ.

Và sau khi đức Thế tôn thành đạo rồi thì, quý vị lưu ý, Ngài thuyết pháp cho chúng ta không còn là tư cách của một vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ mà Ngài thuyết pháp cho tất cả chúng ta bằng phong cách một bậc Như lai, một bậc A-la-hán, một bậc Chánh biến tri, một bậc Chánh biến giác. Đây là điều mà tứ chúng phải lưu ý. Đức Phật chuyển vận Pháp luân và thuyết pháp bốn mươi chín năm cho tất cả chúng ta với phong cách một bậc Như lai, một bậc A-la-hán, một bậc Chánh biến tri, Chánh biến giác. Và Ngài ra đời với tư cách một vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, chứ không phải ra đời như một con người bình thường. Vì vậy mà việc Ngài ra đời bên nách phải của hoàng hậu Ma-da, đi bảy bước trên bảy hoa sen và nói “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” hay “Trên trời dưới đất chỉ có một mình tôi là chấm dứt sinh tử đời này và không tiếp diễn sự sinh tử đời sau. Thế giới trời người chỉ có mình tôi đạt được”. Lời nói đó là lời nói của một vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, biết rất rõ mình ra đời để làm gì, mình có mặt giữa cuộc đời này để làm gì. Quý vị khi nghe Pháp, phải nắm lấy những điểm này cho chuẩn mực để khỏi bị những thế lực khác, trí thức kém cỏi, hiểu biết kém cỏi xuyên tạc Phật pháp.

Cho nên, đã là Phật tử thì phải đi chùa, phải thân cận thiện sĩ, phải lắng nghe Chánh pháp, phải như lý tác ý và phải thuận theo Pháp, hành theo Pháp thì Pháp mới sáng lên trong đời sống của chính mình. Phật tử đi chùa chứ không phải tín đồ đi chùa. Tín đồ đi chùa là để cầu danh cầu lợi, cầu quan chức, cầu phước báo hữu lậu. Nhưng Phật tử đi chùa là để tu học, đoạn trừ Tập đế để dứt bặt Khổ đế, thấu rõ Đạo đế và thành tựu Diệt đế, chấm dứt sinh tử và đồng thời nuôi lớn niềm tin của mình, nuôi lớn tâm hạnh bồ đề của mình để làm lợi ích chúng sinh, khiến Chánh pháptrường tồn giữa thế gian này. Đi chùa như vậy mới là đi chùa của người Phật tử. Mà Phật tử như vậy mới thực sự là con của Phật. Và tu tập như vậy thì mới là thầy tu chơn chính. Cư sĩ như vậy thì mới là cư sĩ chơn chính. Còn nếu không thì cũng chỉ là thầy tu kết duyên ở trong Phật pháp như là tu tập gieo duyên mà thôi. Mặc dù là đầu cạo trọc, mặc áo ca-sa nhưng đó chỉ là những thành phần gieo duyên ở trong Phật pháp mà thôi, chưa đủ khả năng để tiếp cận Phật pháp, kế thừa Chánh pháp, tuyên dương Chánh phápvà làm cho Chánh pháp trường tồn.

Cho nên, tôi nhắc lại, đức Phật đến với chúng ta với hai phong thái, phong thái thứ nhất là vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, và sau khi thành đạo rồi, Ngài đến với chúng ta với phong thái Như lai, A-la-hán, Chánh biến tri, Chánh biến giác. Vì vậy mà đức Phật không phải vì đại nguyện, không phải vì tâm đại bi, không phải vì đại trí thì mình chẳng biết Phật đâu để tìm, phải không đại chúng. Vì mình là chúng sinh, phàm phu ngu muội, hở một chút giận, hở một chút hờn, hở một chút là trách móc rồi thấy cái gì cũng tham, thấy cái gì cũng ưa. Không ưa tu mà ưa thành Phật. Không ưa bố thí, cúng dường mà ưa được sanh thiên, giàu có. Cả đời chưa hề niệm Phật nhưng đến khi chết là mong cầu vãng sanh Tịnh độ. Đó là cái ưa điên đảo của chúng sinh. Đức Phật biết như vậy, nên Ngài tới với chúng ta, giáo hóa chúng ta, điều chỉnh chúng ta khiến cho chúng ta có mắt mà chưa mở thì mắt được mở ra; có trí mà chưa sáng thì trí được sáng ra; có tuệ mà chưa thông thì tuệ thông ra; có minh mà chưa sáng thì sáng ra; có giác mà chưa giác ngộ thì từ nơi thân cận thiện sĩ, lắng nghe Chánh pháp, như lý tư duy rồi tùy thuận theo Pháp, hành theo Pháp từ đó mà mắt chưa mở thì mở ra, trí chưa thông thì thông ra, tuệ chưa quán chiếu thì chiếu rõ ràng, minh mà chưa minh thì đầy đủ tam minh, giác mà chưa giác thì sẽ đầy đủ toàn giác, chánh biến giác, chánh biến tri.

Vì vậy mà khi Ngài đến Vườn Nai, bài Pháp đầu tiên Ngài chuyển vận Pháp luân, Ngài nói với năm anh em Kiều trần như là “đừng gọi Ngài là Gotama mà gọi Ngài là Như lai, vì gọi Ngài là Gotama thì quý vị sẽ đi mãi trong đêm dài tăm tối sinh tử”. Gotama là tên khác của dòng dõi Thích-ca. Dòng dõi đó dù cao sang đến mấy cũng nằm trong sinh tử luân hồi, có đề cao dòng dõi đó bao nhiêu thì cũng vẫn nằm trong sinh tử luân hồi. Chỉ có Như lai mới biết rõ tận nguồn của sinh tử luân hồi và chấm dứt nguyên nhân sinh tử để kết quả khổ đau sinh tử hoàn toàn không còn. Do đó, những gì Như lai nói cho chúng ta từ gốc cây bồ đề sau khi Ngài thành đạo từ Vườn Lộc uyển cho đến Kushinaga, suốt bốn mươi chín năm Ngài thuyết Pháp như vậy đều là chân thực, đều là thực ngữ, nên mọi ngôn ngữ được diễn tả, được ghi chép ở trong các kinh điển đều là chân thực, đều là Như laituyên thuyết. Và Ngài đến với chúng ta , hoằng dương chúng ta với phong cách một vị A-la-hán. A-la-hán là Ứng cúng, là Bậc xứng đáng để chư thiên, nhân loại cúng dườngmà gieo trồng phước đức. Vì sao như vậy? Bởi vì vị ấy đã đoạn tận hết thảy phiền não cho nên vị ấy không còn tái sinh, vị ấy gọi là vô sinh. Và vị ấy đã tự mình chiến thắng khổ đau, chiến thắng các loại chủng tử ở nơi tâm mình và đã giết sạch hết các loại phiền não che khuất nơi tâm và trí của mình. Cho nên, A-la-hán có nghĩa là sát tặc – bậc đã chiến thắng mọi thứ giặc, mà nhất là giặc khổ đau.

Đức Thế tôn đã đến với chúng ta và Ngài đã thành bậc Chánh biến tri, Ngài thuyết Pháp cho chúng ta bằng những phẩm hạnh, phẩm chất của Chánh biến tri. Chánh là đúng; biến là cùng khắp; tri là hiểu biết. Tức là Ngài đến với chúng ta, thuyết Pháp cho chúng ta, dạy dỗ cho chúng ta với tư cách là một Bậc có tuệ giác cùng khắp, có tuệ giác chính xác. Các vị Bồ tát, có những vị có tuệ giác cùng khắp nhưng chưa chính xác cho nên phải tiếp tục tu học, đoạn trừ các lậu hoặc. Còn đức Thế tôn sau khi thành đạo, Ngài đoạn tận hết mọi thứ lậu hoặc, sở tri chướng nên Ngài trở thành bậc Chánh biến tri và từ nơi Chánh biến tri đó Ngài thấy rất rõ nhân quả của chính mình một đời, hai đời, ba đời cho đếnvô lượng kiếp về trước; Ngài thấy rõ nhân quả của hết thảy chúng sinh một đời, hai đời, ba đời cho đến vô lượng kiếpvề trước; Ngài thấy nhân duyên tu học của các bậc thánh Thanh văn một đời, hai đời, ba đời cho đến vô lượng kiếpvề trước và kể cả vô lượng kiếp về sau; Ngài thấy được nhân hạnh tu hành của các vị Bồ tát một đời, hai đời, ba đời, vô lượng đời, vô lượng kiếp về trước và kể cả vô lượng kiếp về sau. Không những vậy mà Ngài còn thấy nhân hạnh tu hành thành Phật của đức Phật A-di-đà ở phương Tây, đức Phật Bảo sanh ở phương Nam, đức Phật Thành tựu ở phương Bắc, đức Phật Bất động, đức Phật Dược sư ở phương Đông, và vô số chư Phật ở phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới. Ngài thấy rất rõ nhân hạnh tu hành của chư Phật và cảnh giới thanh tịnh của các Ngài. Do đó, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đến với chúng ta và hoằng dương Phật pháp cho chúng ta, nói những lời giáo huấn cho chúng ta từ nơi bậc Chánh biến tri.

Cho nên hôm nay, Phật đản PL.2567, những đệ tử Phật thông minh và khôn ngoan, chúng ta làm lễ cúng dườngNgài, chúng ta học theo hạnh của Ngài, chúng ta đi theotâm nguyện, đại nguyện đại bi và đại trí của Ngài, chúng ta nương vào con mắt của Phật để mà nhìn cuộc đời, để nhìn bản thân mình chứ đừng nương vào con mắt của ai khác. Hãy nương vào con mắt của Phật để nhìn bản thân mình qua các cảm thọ, qua các tri giác, qua các tâm hành, qua các nhận thức. Rồi ta nương vào con mắt của Phật để nhìn thấy những người chung quanh, những gì hiện hữu chung quanh chúng ta hiện tiền hay một đời, hai đời, ba đời, nhiều đời ở trong quá khứ. Và chúng ta hãy nhìn mọi thứ bằng con mắt của Phật để thấy tương lai chúng ta đi về đâu, tương lai những người thân yêu chúng ta đi về đâu, tương lai của thế giới chúng ta đang đi về đâu. Tất cả những cái thấy ấy phải là cái thấy của Phật, mà chúng ta là đệ tử của Phật, chúng ta phải học cách nhìn của Phật. Cách nhìn ấy, chúng ta đã thể hiện một phần nào, hoặc là đa phần, hoặc là toàn phần. Nhưng mà tất cả chúng ta chưa có được cái nhìn của Phật toàn phần đâu, chúng ta chỉ mới có được cái nhìn của Phật chút chút thôi. Mà cái nhìn của Phật chút chút cũng đã khá lắm rồi. Cho nên mùa Phật đản này, chúng ta tập nhìn mọi vấn đề bằng con mắt của Phật nhìn và nuôi lớn cách nhìn ấy trong đời sống chúng ta mỗi ngày để chúng ta xứng đáng là đệ tử của đức Thế tôn, chúng ta xứng đáng là con của Phật có mặt giữa cuộc đời này.

Nhân Phật đản PL.2567, chúng tôi chia sẻ đến đại chúng thời pháp thoại “Đức Phật đến với chúng ta” và chúng ta đã có duyên lành được làm đệ tử của đức Phật.

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Pháp thoại: Hòa thượng Thích Thái Hòa giảng nhân lễ Phật đản PL.2567 tại chùa Phước Duyên – Huế

Đệ tử Nghiêm Minh kính phiên tả

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đức Phật đến với chúng ta

Đức Phật 09:12 05/11/2024

Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.

Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại

Đức Phật 11:05 28/10/2024

Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Đức Phật 09:00 11/10/2024

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Những đức tánh của Phật

Đức Phật 17:40 02/10/2024

Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.

Xem thêm