Ý nghĩa Bổn môn Pháp hoa & Bổn môn Bổn tôn
Trước nhất chúng ta cần có khái niệm về kinh Pháp hoa. Có những người hiểu sai lầm rằng kinh Pháp hoa là bộ kinh khác với các kinh khác.
Ngài Trí Giả nói rằng kinh Pháp hoa bao hàm tất cả các kinh mà Phật đã nói trong quá khứ và Phật Thích Ca nói trong hiện tại trong suốt 49 năm và rút tất cả tinh ba mà Phật dạy sẽ hình thành kinh Pháp hoa. Với yếu lý như vậy, ngài Thế Thân khẳng định rằng kinh Pháp hoa là mẹ sanh ra tất cả các Đức Phật, nghĩa là tất cả Phật đều sanh trong kinh Pháp hoa, tu trong kinh Pháp hoa và thuyết kinh Pháp hoa.
Ngài Trí Giả chia kinh Pháp hoa thành hai loại là văn tự Pháp hoa và ẩn mật Pháp hoa. Văn tự Pháp hoa là kinh được ghi chép thành chữ nghĩa cho chúng ta thọ trì, đọc tụng. Ẩn mật Pháp hoa là ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong kinh. Văn tự bên ngoài hàm chứa ý sâu xa mới quan trọng. Tìm hiểu ý sâu xa của kinh Pháp hoa, ngài Nhật Liên tìm ra được tam đại bí pháp và lấy đó làm pháp môn tu của ngài. Theo Nhật Liên, tu hành có ba việc quan trọng là ba điều bí mật, nên gọi là bí pháp. Khi tìm được ý kinh và theo đó thực hành, chúng ta có được những điều mà người thường không có, nên kinh Pháp hoa còn được gọi là Giáo Bồ tát pháp, Phật sở niệm kinh. Việc mà người thường làm được là bình thường. Việc mà người thường không làm được mới là pháp của Phật. Vì vậy, chúng ta tìm hiểu và ứng dụng kinh Pháp hoa là cố tìm hiểu ẩn mật Pháp hoa để thực hành, sẽ có được kết quả khác thường. Riêng tôi nghiên cứu, giảng dạy và thực hành kinh Pháp hoa cũng có những kết quả mà không hiểu tại sao được như vậy. Tôi không hiểu tại sao tôi sống được, tu được và tại sao nhiều người nghe tôi; đó là ba điều bí mật đối với tôi và cũng là điều quan trọng nhất của hành giả Pháp hoa. Có thể nói pháp bí mật hay bí mật tạng là phần chính của kinh Pháp hoa, còn phần bên ngoài không quan trọng, chỉ mang tính tham khảo.
Thật vậy, bình thường chúng ta nói rằng Đức Phật phát minh ra pháp là điều khó; còn chúng ta bắt chước Ngài, sử dụng pháp của Ngài là quá dễ. Việc phát minh của Phật tuy khó mà Ngài làm được và sau khi Phật Niết-bàn, pháp Phật có sẵn, chúng ta chỉ làm theo, nhưng không ai làm được như Phật. Vì vậy, chỗ không hiểu, không làm được là bí mật tạng. Người tu Pháp hoa tìm được bí mật nào thì có kết quả đó, trong khi có người tụng Pháp hoa suốt đời, nhưng không tìm được gì trong đó để sử dụng. Vì vậy, kho tàng của Phật mà số người sử dụng được rất hiếm.
Sau khi Phật Niết-bàn, có ba người tìm được điều bí mật trong kinh Pháp hoa để sử dụng cho mình. Một là Bồ-tát Long Thọ là người đầu tiên phát hiện được điều bí yếu của kinh Pháp hoa. Ngài nói rằng kinh Pháp hoa là chất độc nhưng là thuốc cứu người, còn tất cả thuốc khác không chữa khỏi, nên dùng độc để trị độc. Ngày nay với khoa học tiến bộ, điều này dễ hiểu, người ta sử dụng được chất độc để chữa bệnh cho người. Thí dụ thuốc trụ sinh là chất độc chữa được nhiều bệnh, thậm chí cả nọc độc của rắn cũng dùng chữa bệnh.
Sau Long Thọ 500 năm, người thứ hai ở Trung Quốc phát hiện được điều bí mật khác của kinh Pháp hoa, đó là Trí Giả đại sư được tôn danh là tiểu Thích Ca hay Phật Thích Ca của Trung Quốc. Ngài tìm được Triền Đà la ni và chứng được pháp này thì những gì đọc qua, ngài nhớ rõ không sót. Cho nên ngài trở thành người phi thường. Lịch sử ghi nhận rằng suốt ba tháng an cư, ngày nào ngài cũng giảng một chữ Diệu, không giảng gì khác, nhưng người nghe không chán, càng nghe càng say mê, thậm chí vua phải bãi triều để nghe ngài giảng pháp. Khi vua Tùy Dạng Đế thống nhất được Trung Hoa thì tìm ngài Trí Giả đảnh lễ và cầu thọ Bồ-tát pháp của ngài.
Tùy Dạng Đế kính trọng ngài Trí Giả và trước khi ngài viên tịch, đã viết thư cho Tùy Dạng Đế bảo rằng nếu bệ hạ xây dựng được chùa Quốc Thanh thì đất nước sẽ an bình viên mãn. Vì vậy, Tùy Dạng Đế quyết tâm xây chùa Quốc Thanh. Ngôi chùa này vẫn còn tồn tại tính đến nay đã trải qua 1.500 năm. Chùa Quốc Thanh mà ngài Trí Giả nói là bí mật tạng, trong khi Tùy Dạng Đế lại hiểu theo nghĩa bình thường của con người. Nghĩa là Ngài dạy vua xây dựng ngôi chùa tâm linh, nhưng ông lại xây dựng chùa vật chất. Hai điều này hoàn toàn khác nhau. Chùa vật chất mà thiếu tâm linh là chùa không có hồn; nhưng tâm linh thiếu vật chất thì không có gì thể hiện được. Vật chất thể hiện tâm linh và tâm linh duy trì sự sống của vật chất. Yếu lý mà ngài Trí Giả muốn dạy nhà vua là nếu ông cố gắng tu hành và giữ được đạo hạnh như hoa sen không dính nước và có được tâm hồn trong sáng như viên ngọc thì đất nước sẽ thanh bình. Vì vậy, thọ trì Pháp hoa là giữ đời sống phạm hạnh thanh tịnh tiêu biểu cho Liên hoa và đời sống trí tuệ là Diệu pháp.
Vua nghĩ xây chùa thì đất nước thái bình, nhưng xây chùa xong, đất nước lại bị loạn; vì bấy giờ, ngôi chùa chỉ có xác mà không có hồn. Thật vậy, khi ngài Trí Giả còn sống, nhà vua hướng tâm về ngài và được ngài hộ niệm, nên tâm ông rất sáng suốt. Nhưng khi Trí Giả mất thì lực gia trì cho nhà vua không còn, ông cảm thấy tâm hồn trống trải, buồn phiền, nên thường tìm đến thú vui do người dâng tặng là vui trong ngũ dục thế gian, tất nhiên là vua đã bị sa đọa nên mất nước.
Tuy nhiên, khi kinh Pháp hoa được truyền sang Nhật Bản, ngài Nhật Liên đã phát hiện được ngôi chùa tâm linh, mới đưa ra pháp tu tam đại bí pháp. Bồ-tát Long Thọ ra đời cách Phật 500 năm. Ngài Trí Giả cũng hiện hữu cách Long Thọ 500 năm và ngài Nhật Liên cũng cách Trí Giả 500 năm; đó là đường chỉ xuyên suốt thế giới tâm linh. Như vậy, chúng ta nhìn về lịch sử của thế giới vật chất để phát hiện ra thế giới tâm linh.
Ngài Nhật Liên bảo rằng tuy ngài cách Phật 2.000 năm, nhưng thâm nhập được hội Pháp hoa của Phật, nên ngài đề xướng Bổn môn Pháp hoa. Như vậy, tu theo Bổn môn nghĩa là đi thẳng tới Phật và nhận kinh Pháp hoa để thọ trì, không qua lịch sử truyền thừa. Nếu truyền thừa theo lịch sử thì từ Phật truyền xuống Bồ-tát Long Thọ, rồi tiếp đến Trí Giả và Nhật Liên; nhưng tu Bổn môn Pháp hoa là đi thẳng tới đạo tràng của Phật Thích Ca tham dự, nghe pháp. Và thâm nhập đạo tràng Pháp Hoa của Đức Thích Ca mới có chúng hội Bồ-tát, còn ở đạo tràng vật chất tụng vô số bộ kinh Pháp hoa cũng vẫn cách Phật rất xa và phải chấp nhận khổ đau.
Trí Giả hay Nhật Liên phát hiện pháp bí yếu và các ngài biết rõ, sử dụng được pháp đó, còn chúng ta không biết được. Đức Phật cũng khẳng định những gì mà Ngài nói ví như lá trong tay, những gì mà Ngài biết là lá trong rừng. Tất cả những gì mà các ngài tu chứng và sống trong sở đắc thì chúng ta hoàn toàn tuyệt phần, chỉ biết được hình thức bên ngoài của các ngài mà thôi. Điển hình là Trí Giả bảo rằng một chữ nói cùng kiếp không hết. Điều này chúng ta không hiểu nghĩa của nó nên không sử dụng được. Ngài dạy rằng không nên chấp pháp nào, vì tất cả các pháp luôn biến đổi. Chúng ta không chấp pháp nào dù chứng được cũng buông bỏ thì chúng ta còn lại trí tuệ ví như viên minh châu tỏa sáng soi rọi cho chúng ta hành đạo đúng pháp. Và theo Trí Giả, khi tâm chúng ta sáng thì trong một niệm tâm, ba ngàn thế giới hiện ra.
Như vậy, quá trình tu chứng của Trí Giả từ Triền Đà-la-ni nghe tất cả pháp không quên cho đến Pháp âm phương tiện Đà-la-ni thì triển khai pháp cả đời không hết và tu chứng sau cùng của ngài là có được từng thế giới theo từng niệm tâm, từng hơi thở. Vì vậy, luôn có sự đổi mới, cho nên chấp vào cái gì cũng trở thành lạc hậu. Đối với Trí Giả, thế giới xuất hiện theo từng niệm tâm. Còn chúng ta tu suốt đời giậm chân tại chỗ, tức thế giới nội tâm không sáng ra, hay trong ba tháng an cư, hiểu biết và đức hạnh không đổi khác.
Sự tu chứng của Trí Giả, theo đó mỗi niệm tâm là một thế giới khác, nghĩa là từ khi tu hành cho đến đắc đạo và Niết-bàn, thế giới này luôn thay đổi. Ngài Nhật Liên nhận ra ý tưởng Nhứt niệm tâm của Trí Giả như vậy, ngài đưa ra tam đại bí pháp. Tam đại bí pháp là ba điều: Bổn môn Bổn tôn, Bổn môn Đề mục và Bổn môn Giới đàn; đó là ba điều bí mật mà ngài phát hiện. Thật vậy, cuộc đời của ngài chúng ta khó hiểu, vì ngài sống như chúng ta, nhưng kết quả hành đạo của ngài rất phi thường.
Điều một là Bổn môn Bổn tôn, tức Đức Phật mà chúng ta tôn thờ. Phật Thích Ca là Bổn tôn của chúng ta, vì chúng ta tu pháp của Ngài. Người tu Tịnh độ thì coi Phật Di Đà là Bổn tôn. Thuở nhỏ tôi tu Tịnh độ, nhưng nghĩ rằng theo Phật Di Đà thì bỏ Phật Thích Ca hay sao. Vì vậy, tôi vừa lạy Phật Thích Ca và lạy cả Phật Di Đà. Thực tế chúng ta tu vậy, nhưng theo ai, Phật Thích Ca ở Ta-bà, Phật Di Đà ở Cực lạc. Theo Di Đà mà bỏ Thích Ca thì không đành, nhưng nếu ở Ta bà khổ quá không chịu được. Nhưng khi nghiên cứu Bổn tôn của Nhật Liên, tôi thấy khác.
Theo Nhật Liên, kính lễ Bổn tôn: Nam-mô cửu viễn thật thành đại ân giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Vì ngài căn cứ vào phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 của kinh Pháp hoa dạy rằng không phải Đức Thích Ca mới thành Phật trong kiếp này. Chúng ta sai lầm khi có ý niệm rằng Phật Thích Ca là thái tử vượt thành, xuất gia và thành Phật là Bổn sư của chúng ta. Điều quan trọng là phải tìm tông tích của Phật Thích Ca, Ngài từ đâu tới đây và sau khi Niết-bàn, Ngài về đâu. Nhận được yếu lý của Bổn môn Pháp hoa, tôi cảm thấy an tâm, chúng ta vẫn học pháp của Đức Thích Ca và đang sống với pháp của Phật Thích Ca và chết cũng về thế giới của Ngài.
Đức Phật nói trong phẩm Như Lai thọ lượng rằng: "Từ Ta thành Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, thường ở Ta-bà thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ thuyết pháp giáo hóa vô số chúng sanh, thọ mạng sai khác, tùy theo loại hình mà khai phương tiện chỉ bày chân thật thậm thâm vi diệu…”. Bổn sư của chúng ta là người như thế, cho nên chúng ta thường đọc là thiên bá ức hóa thân Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thật sự Đức Phật có ba thân là thanh tịnh Pháp thân, thiên bá ức hóa thân và viên mãn Báo thân. Thanh tịnh Pháp thân thì vĩnh hằng bất tử. Báo thân là phước đức trí tuệ của Phật tròn đầy gia hộ cho chúng ta và thiên bá ức hóa thân là Phật thành Phật ở chỗ này có tên này, ở chỗ khác Ngài có tên khác.
Nhận thức sâu sắc như vậy, tôi yên tâm, không nghĩ theo Phật Di Đà bỏ Thích Ca; vì Phật Di Đà là hóa thân của Tỳ Lô Giá Na Phật và Phật Thích Ca là ứng thân của Tỳ Lô Giá Na Phật, tùy theo yêu cầu mà Ngài hiện thân ra. Phật Thích Ca hiện thân trên cuộc đời này để cứu độ chúng sanh, không phải Ngài mới thành Phật. Trong phẩm Thí dụ thứ ba nói rằng ông trưởng giả chạy vào Nhà lửa tam giới, vì có những người con bị mê hoặc. Phật phải tìm cách dụ dẫn họ ra khỏi Nhà lửa. Nhà lửa tam giới cũng đã được Phật nói trong kinh Nikaya, nhưng diễn tả cách khác. Thật vậy, khi Phật đến thôn Ưu Lầu Tần Loa, chỉ trong một đêm mà Ngài đã độ được 1.000 đồ chúng, tức những người con ham vui chạy vào Ta-bà. Gốc của họ là con của Phật đã tu rồi, nên sanh vào Ta-bà, họ vẫn tu; nhưng vì không gặp Phật lãnh đạo, họ phải theo ngoại đạo tu cách này cách khác. Cũng như chúng ta có căn tu mới xuất gia học đạo; người không có căn tu không thể tu được.
Phật chỉ độ người có căn tu, đó là người đã tu ở Phật quá khứ còn sót lại ở Ta-bà, nên Ngài đến độ họ. Hai là chúng ta đã là con của Phật chỉ vì một phút sai lầm mà chúng ta sanh lại cuộc đời này. Từ thế giới không sanh tử, tức ở chơn tánh, nhưng một phút vô minh là "ngu đột xuất” mới sanh vào thế giới này và mang thân ngũ uẩn, bị nó chi phối. Phật thương mới cứu chúng ta ra khỏi Nhà lửa. Trong truyện Tây du diễn tả rằng đồng tử ở thiên đường nhưng một phút bỏ trốn xuống trần gian và sư tử, voi cũng trốn theo xuống đây. Các loại hình khác cũng ở thế giới Phật nhưng một phút vô minh lọt vô thế giới này thì Phật phải vô đây cứu và Ngài cũng chỉ cứu được những người này thôi, còn những người không có duyên không dễ cứu.
Khi Đức Phật mới đắc đạo, từ Lộc Uyển, Ngài đến thôn Ưu Lầu Tần Loa độ được 1.000 người xuất gia và khi xuống Vương Xá, Phật độ thêm Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và 200 đồ chúng. Chúng ta thấy rõ suốt một đời Phật thuyết pháp, số người theo Phật thêm tuy có, nhưng chỉ có người bình thường thôi. Như vậy, có thể nhận ra rằng 1.250 vị La-hán trong một phút vô minh nổi dậy, nên từ chơn tánh mà các ngài hiện thân nơi đây và khi được thấy Phật, tâm các ngài liền bừng sáng, chỉ nghe Phật nói đơn giản câu "Thiện lai Tỳ-kheo” là Xá Lợi Phất liền ngộ đạo. Còn đối với chúng ta, dù có kêu một ngàn tiếng, chúng ta vẫn không ngộ. Đó chính là yếu nghĩa của bí mật tạng, là những người con của Phật sanh vô Ta-bà mà Ngài phải đến độ và tùy theo phương tiện mà Ngài khai ngộ.
"Cửu viễn thật thành đại ân giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” là ý nói rằng Đức Phật Thích Ca thành Phật từ lâu xa, đó chính là Bổn sư của chúng ta và Ngài khai phương tiện hiện thân chỗ này chỗ khác. Vì vậy, Phật ở đâu thì ta theo đến đó là chúng ta đi theo phương tiện tu Bồ-tát đạo, trở thành quyến thuộc Bồ-đề. Vì chúng ta không đủ sáng để tự tu, không đủ khả năng giáo hóa chúng sanh; nhưng nương công đức của Phật thì ta giáo hóa được chúng sanh, hay ta bắt đầu làm quyến thuộc của Bồ-tát. Bồ-tát coi Phật là Thầy, nên coi chúng ta là người em, là pháp lữ. Trên nền tảng của yếu lý như vậy, theo Phật tu hành, cuộc đời chúng ta hoàn toàn đổi khác, vì Phật hộ niệm ta. Vì vậy, người nào tu được Phật thừa nhận, hộ niệm và thọ ký sẽ đạt được kết quả vi diệu, khác với người thường. Hành giả Pháp hoa được Phật thừa nhận thì trên được Phật hộ niệm, kế đến được tất cả Bồ-tát trợ lực và Hộ pháp Long thiên cũng giúp đỡ.
Bổn tôn chúng ta tôn thờ là đại ân giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Câu này do ngài Xá Lợi Phất nói. Phật Thích Ca là đại ân giáo chủ của ngài và ngày nay chúng ta sống an ổn cũng thấy Phật Thích Ca là bậc đại ân của chúng ta thờ kính. Xá Lợi Phất tu theo ngoại đạo thờ thần lửa. Ngài là đại Luận sư vì trí tuệ của ngài là trí tuệ của vị Thánh La-hán. Ở trong ngoại đạo, ngài là bậc nhất, nhưng không được giải thoát. Đến khi gặp Mã Thắng dắt về với Phật, ngài liền nhận ra chơn tánh, chứng quả A-la-hán, trở về với thế giới Tịch Quang của mình. Như vậy, tu Pháp hoa là phải ngộ tánh, nhưng vẫn hiện thân làm lợi ích cho chúng sanh; tuy nhiên, vì thấu tỏ nơi đây không phải là thế giới của ta, nên hành giả không bị mất gốc. Còn ở Ta-bà mà bị nhiễm ô là mất gốc. Thân ở Ta-bà nhưng tâm ở Tịch Quang chơn cảnh.
Xá Lợi Phất trở về bản tánh thanh tịnh của mình, nhưng một phút vô minh nổi dậy, chạy vào Nhà lửa; vì vậy, Phật phải vào Nhà lửa để cứu mạng ngài và những người hữu duyên. Cảm nhận sâu xa lòng đại từ bi của Phật, Xá Lợi Phất bộc bạch rằng nếu không có Phật cứu độ, con theo ngoại đạo tu vất vả rất nhiều, nhưng khổ vẫn hoàn khổ. Và bốn vị A-la-hán là Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề và Phú Lâu Na cũng thổ lộ rằng suốt đời các ngài tu theo ngoại đạo, nhưng chỉ hưởng được cái giá nửa ngày.
Thật vậy, các thầy thử nghiệm xem nếu tu theo ngoại đạo thì được gì và nếu là người thế gian thì được gì. Trong khi chúng ta mặc áo Phật, thọ pháp Phật, cuộc đời chúng ta thay đổi hoàn toàn. Điển hình là Sunita chưa tu theo Phật thì làm nghề gánh phân bị mọi người xem thường, thậm chí ông cũng không được phép nhìn trưởng giả, nếu lỡ trông thấy trưởng giả cũng bị đánh đập. Nhưng khi ông mặc áo Phật, tu trong pháp Phật thì vua Ba Tư Nặc cũng phải kính lạy ông. Tuy nhiên, điều nguy hiểm mà chúng ta cần lưu ý, nếu mặc áo Phật, nhưng tâm hành không giống Phật thì phước báo không thể hưởng lâu dài.
Đối với người thực tu, được xuất gia thọ giới Phật là đã thọ ơn tế độ của Phật quá lớn lao, nên coi Phật là đại ân giáo chủ. Bổn môn Bổn tôn mà chúng ta tôn thờ và tu hành theo là ở trên cuộc đời này, chúng ta có Đức Phật Thích Ca mang thân tứ đại ngũ uẩn đã Niết-bàn, nhưng còn lưu lại xá-lợi và tôn tượng. Nhưng xa hơn, đối tượng niềm tin của chúng ta đặt ở Báo thân viên mãn Phật. Đức Phật cũng là người, nhưng phước đức trí tuệ của Ngài quá cao siêu, nên ta tôn thờ phước đức trí tuệ của Phật, tôn thờ việc làm thánh thiện của Ngài; như vậy, chúng ta đã thâm nhập vào thế giới tâm linh. Nếu thấy phước đức trí tuệ của Phật và nương vào đó để tạo phước đức của mình và nương vào kinh điển để phát huy trí tuệ của mình, thì Báo thân của mình lần lần sẽ thăng hoa. Người tu có kết quả thì Báo thân Bồ-tát sanh ra, nên người quý trọng sự hiểu biết và đạo đức của họ. Còn tu lâu nhưng không phát triển được Báo thân mà lại phạm sai lầm như ngài Quy Sơn đã quở rằng "Niên cao lạp trưởng, không phúc cao tâm”. Tu như vậy thử hỏi có xấu hổ hay không. Phần phát triển nội tâm không có, phước đức trí tuệ không có, chỉ có "Thọ dụng ân phồn, thí lợi nùng hậu!”.
Chúng ta tu một ngày, một giờ, học được gì? Cần phải phát huy trí tuệ và đức hạnh. Phật khuyên chúng ta dũng mãnh tinh tấn trên con đường phạm hạnh, bỏ lại phía sau những con ngựa yếu què. Ta sừng sững đi tới, phạm hạnh cứ thế mà vững tiến, trí tuệ cứ thế mà thăng hoa. Thành tựu như vậy là Báo thân của chúng ta sanh ra. Ban đầu lấy Báo thân Phật làm Báo thân mình, nhưng tu hành lần lần phát hiện được Báo thân của mình. Thật vậy, mới tu phải nương Phật, vì không nương Phật thì không ai cúng dường mình. Phật tử đến chùa cúng dường, đặt tiền vào thùng phước sương để chùa lấy tiền này nuôi Tăng. Nhưng chúng ta tu một thời gian, nếu Phật tử cúng thẳng cho ta thì biết phước ta sanh, Báo thân của ta sanh và ta sử dụng tiền này để làm Phật sự. Ban đầu họ cúng Phật và vì kính Phật nên họ trọng Tăng, không phải thực sự trọng chúng ta. Nếu cởi bỏ áo Phật, mình sẽ như thế nào thì tự biết. Xúc phạm Tăng, người sợ tội, nên không dám; nhưng nếu ông Tăng quá đáng, cũng bị luật pháp trừng trị.
Nương Phật để phát huy Báo thân của chúng ta và khi Báo thân của chúng ta phát triển ngang qua Báo thân Phật, được Phật gia bị sẽ tạo thành thế giới gọi là Thật báo trang nghiêm độ, bấy giờ đó là thế giới sống của ta, Tịnh độ của ta. Và từ Thật báo trang nghiêm độ của Báo thân tiến đến đỉnh cao nhất làTịch Quang chơn cảnh, đó là thế giới của Pháp thân. Thâm nhập được thế giới này thì hiện hữu sanh thân của hành giả mới có khả năng giáo hóa chúng sanh.
Tóm lại, theo ngài Nhật Liên, trải qua quá trình tu hành, quán sát sanh thân mà phát hiện Báo thân và tiến tu, căn cứ trên Báo thân biết được Pháp thân vĩnh hằng bất tử. Sau cùng căn cứ trên Pháp thân tu là tu trên gốc gọi là Bổn môn Bổn tôn. Nói cách khác, hành giả Pháp hoa tu Bổn môn là lội ngược dòng, từ thế giới vật chất tiến vào thế giới tâm linh, vào thiền định để phát hiện ra Bổn tôn của chúng ta là Pháp thân Phật vĩnh hằng bất tử, theo đó chúng ta từng bước phát huy Báo thân của mình đến mức viên mãn sẽ kết thành Pháp thân như Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Ăn chay hồi hướng cho cha mẹ được khỏi bệnh
Tư liệu 12:20 28/10/2024Thái Phúc là một nông dân sống Trong thị trấn Tân Trang, Đài Bắc, Đài Loan. Cha của anh tên là Thái Qua Tử, bị bệnh hen suyễn đã lâu, mỗi khi đến mùa đông, tiết trời se lạnh, bệnh cũ bắt đầu hành hạ, nhiều khi dường như đứt hơi.
Hành thiện sâu dày thoát nạn động đất
Tư liệu 10:50 28/10/2024Sau khi được cứu sống ông Tường mới biết toàn bộ tòa nhà nơi mình sinh sống đều bị vùi lấp trong đống gạch ngói, duy chỉ có một góc phòng khách của ông có khe hở, còn những gian phòng khác trong nhà ông đều bị san thành bình địa giống như cả tòa nhà.
Xem thêm