Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của Thiền sư Không Lộ
Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ.
Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.
Thiền sư bí ẩn nhất Việt Nam
Theo sách “Trùng san Thần Quang tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu”, Thiền sư Không Lộ là đời thứ 9 Thiền phái Vô Ngôn Thông. Từ một người chuyên làm nghề chài lưới ven sông, ông theo Thiền sư Lôi Hà Trạch xuất gia cùng làm bạn với các Thiền sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh.
Theo nhiều nguồn tư liệu khác nhau, có thể tóm lược tiểu sử của vị đại danh sư như sau: Ngài tên thật là Nguyễn Chí Thành, quê ở thôn Điềm Xá, phủ Trường An (nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Cha là ông Nguyễn Sùng, mẹ là Dương Thị Mỹ, quê bà ở làng Phả Lại, phủ Từ Sơn (nay làng Phả Lại, xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Gia đình Dương Không Lộ chuyên nghề chài lưới ven sông. Khi lớn lên, ông lấy việc câu cá, quăng chài làm vui và thường du ngoạn nhiều nơi danh lam thắng cảnh, tuỳ hứng ngâm vịnh, sáng tác thơ ca.
Năm Giáp Thân (1044) triều Lý Thái Tông, ông 29 tuổi, bỏ nghề đánh cá để theo học đạo thiền. Ban đầu ông theo học Noãn cư sĩ làng Bảo Tài (chưa rõ nay ở đâu). Sau ông đắc đạo, trở thành Tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông, một thiền phái được thành lập ở nước ta vào đầu thế kỷ thứ IX.
Tương truyền, sau khi đắc đạo, thiền sư có thể bay lên không trung, hoặc đi trên mặt nước giống như Sư tổ Đạt Ma. Thiền sư đi vào rừng sâu, núi cao cọp thấy cũng phải cúi đầu, rồng gặp cũng phải nép phục. Những pháp thuật của Thiền sư không thể đo định được. Chẳng thế mà, như một người nhìn thấy trước tương lai, Thiền sư cùng với các Thiền sư khác đã nhìn nhận về sự ra đời của vương triều nhà Lý. Sau đó, chính thiền sư là người đã có công phò tá để vua Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra thời đại thịnh trị cho nước ta.
Không chỉ có vậy, vì là một người giỏi y thuật, từng chữa khỏi bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông nên để thưởng công, nhà vua đã phong cho Ngài làm Quốc sư, lại ban 100 cân vàng và 100 khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa.
Theo chính sử, vua còn ban cho sư một số làng xã có vài trăm gia đình để lấy tô thuế ăn lộc, có người phục vụ công việc ở chùa, vài trăm hộ ấy không phải đóng tô thuế và cùng sưu dịch cho nhà nước nữa, từ đó Nguyễn Minh Không được gọi là Lý Quốc Sư.
Trong lịch sử nghiên cứu Phật giáo và văn hóa Việt Nam, cho đến nay người ta vẫn còn tranh cãi về việc hai nhân vật Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai hay một người. Tuy nhiên, dù có là hai hay một thì vai trò của ông đối với nhân dân đã trở thành một biểu tượng đậm nét trong đời sống tâm linh nhuốm màu Phật giáo của người dân Việt Nam.
Ở những vùng Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình còn lưu giữ nhiều câu chuyện truyền thuyết về thần Khổng Lồ như “Ông Khổng Lồ gánh núi”, “Ông Khổng Lồ bắt lươn”, “Núi Đó và lò nước của ông Khổng Lồ”… Việc thần thoại hóa vị sư họ Nguyễn thành vị thần Khổng Lồ là một mô típ độc đáo trong nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng châu thổ sông Hồng.
Sử sách còn ghi lại, ngày 3 tháng 6 năm Hộ Trường Khánh thứ 10 (1119) đời Lý Nhân Tông, Thiền sư Không Lộ viên tịch. Theo các sư tăng thời nay, khi ấy môn đồ của Thiền sư đã làm lễ hoả táng, thu xá lợi Phật, xây tháp thờ ở trước chùa Nghiêm Quang là nơi sư trụ trì. Tuy nhiên, cũng có một truyền thuyết dân gian còn được lưu lại nơi chùa Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) kể rằng trước khi viên tịch, Ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng ngày nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.
Việc tu hành cốt ở tâm thanh tịnh
Ngàn năm đã trôi qua, dấu ấn của thiền nhân Không Lộ vẫn còn lưu lại tại ngôi chùa khi xưa sư trụ trì. Nhiều vị cao tăng ngày nay khẳng định, thiền nhân đã để lại cho hậu thế một tấm lòng bao dung vị tha, dùng ngôn ngữ của bậc giác ngộ qua những bài kệ để chuyên hoá tâm thức chúng sinh. Tác phẩm mà Không Lộ để lại phải kế đến là bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông”.
“Vạn lý thanh giang vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
Ngư ông thụy trước vô nhân hoán
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền’
Dịch:
“Sông xanh muôn dặm trời muôn dặm
Một xóm dâu gai, xóm khói mây
Ông chải ngủ say không ai gọi
Quá trưa tỉnh dậy tuyết đầy thuyền”.
Bài thơ có bốn câu và hai mươi tám chữ nói lên tinh thần giác ngộ về vô thường của thiền sư. Bài thơ đưa chúng ta đến một khung cảnh thơ mộng, thiên nhiên và con người hòa quyện trong sự thanh bình của tâm thiền. Chan hòa giữa thiên nhiên, nhưng nhờ có tâm thiền mà cảnh giới của thiền sư vẫn có một vị trí đặc biệt trong vô thường trùng điệp.
Mở đầu bài thơ thiền sư đưa chúng ta đến một thế giới bất tận như không có điểm dừng “Sông xanh muôn dặm trời muôn dặm” với ý nghĩa sông dài bao nhiêu thì trời theo dài bấy nhiêu... Cảnh trời nước mênh mang thanh bình không kém phần lãng mạn đó không hề có hư cấu, không suy diễn theo duy lý ý niệm, đó là nó đang là trong cuộc sống vô thường này. Câu thơ cho thấy bút pháp tài tình, độc đáo của tác giả khi diễn tả một trải nghiệm thú vị nên thơ về cuộc sống.
Bằng phương pháp ẩn dụ, thông qua diễn tả cảnh trời nước, thiền sư còn muốn chúng ta có một cái nhìn, cái biết sâu sắc hơn nữa của một tâm thiền đối với thực cảnh vô thường. Đó chính là một tâm thiền không uế nhiễm. Khi có một tâm thiền không uế nhiễm thì cái thấy cái biết trở nên vô hạn. Cái biết, cái thấy của tâm thanh tịnh không chỉ dừng ở một điểm, không chỉ trong thời gian hiện tại mà trải rộng bao trùm lên vạn vật.
“Một xóm dâu gai xóm khói mây”, câu thơ miêu tả khung cảnh của đời sống phàm tục với một xóm dâu gai, xóm khói mây. Câu thơ này được sử dụng đối cảnh với câu thơ “Sông xanh muôn dặm trời muôn dặm”. Ở đâu có “vạn nước”, ở đó có “vạn trời” thì một “xóm dâu gai, xóm khói mây”; trong khi có bao nhiêu nước xanh thì có bấy nhiêu trời xanh biếc thì trong phàm tục với những chằng chịt dâu gai.
Bằng hai câu đối cảnh, thiền sư đã cho chúng ta thấy rõ, người sống với tâm thiền, thoát khỏi phàm tục thì luôn an bình và thấu rõ muôn vạn cõi, khi đã thấu rõ rồi thì tâm càng được mở rộng thênh thang. Người còn trầm luân trong phàm tục thì si mê mộng ảo như khói như mây, không thể nhìn thấy gì xa hơn nữa. Cuộc đời tu hành của thiền sư sống giữa cuộc đời mộng ảo, với xóm làng, với khói mây nhưng không vương nhiễm, không bận lòng cũng chẳng ưu phiền.
Nếu chỉ dừng ở ngôn từ và cảnh thực, có lẽ chúng ta chỉ thấy một ông chài quên cuộc đời qua câu thơ: “Ông chài ngủ tít không ai gọi”. Nhưng thiền sư diễn tả cái cảnh ngủ của ông chài không phải là cái ngủ thông thường, mà đó là tâm thiền, tự tại an nhiên dù cuộc đời đầy luyến ái, sân si.
“Quá trưa tỉnh dậy tuyết đầy thuyền”, nghĩa là quá trưa tỉnh dậy tuyết đã đầy thuyền. Câu thơ diễn tả cảnh ông chài ngủ đến quá trưa, xung quanh nóng hay lạnh vẫn mặc tình, chỉ đến khi thoát khỏi trạng thái thiền, bước vào cảnh đời mộng ảo mới thấy tuyết đã rơi đầy thuyền. Bằng nghệ thuật tả thực và phương pháp ẩn dụ, thiền sư đã phác họa cái ngủ của ông chài nhằm đưa chúng ta vào cảnh giới của trạng thái thiền, thấy rõ, biết rõ nhưng không tham đắm, không bận lòng.
Bằng những hình ảnh sinh động và gợi cảm giác đa chiều ở người cảm thụ, bài thơ đã khắc họa cho chúng ta thấy một bức tranh thanh bình của một làng quê với con sông, làng xóm và khói mây. Qua đó, Thiền sư Không Lộ muốn mang đến cho chúng ta một thông điệp về việc tu luyện tâm thanh tịnh. Khi có tâm thanh tịnh không uế nhiễm thì cái biết, cái thấy là vô hạn. Người còn phàm tục sân sỉ thì như khói, như mây che lấp, sẽ mãi trôi lăn trong vô thường mộng ảo.
Nguồn: https://baophapluat.vn/
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của Thiền sư Không Lộ
Tư liệu 09:36 13/11/2024Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ.
Từ bi thôi chưa đủ, cần có trí tuệ dẫn dắt
Tư liệu 11:46 10/11/2024Nếu Từ bi mà không có Trí tuệ thì sao? Từ Bi vô nguyên tắc và mù quáng thì chỉ đem lại những tác dụng tiêu cực. Cho nên nói, chỉ có Từ bi thôi thì chưa đủ mà cần phải có Trí tuệ để dẫn dắt.
Cụ bà bị ung thư tỉnh táo niệm Phật, tự tại vãng sanh
Tư liệu 14:45 09/11/2024Cả nhà chẳng tin Phật, bà nội niệm Phật, mọi người trong nhà không tin, nên chỗ nào cũng gặp chướng ngại. Bà cụ niệm thầm trong tâm, chưa bao giờ niệm ra tiếng. Khi mất, cụ tỉnh táo, sáng suốt. Cụ bị bệnh ung thư, nói theo người khác thì sẽ rất đau khổ; nhưng cụ chẳng bị đau khổ.
Trăm sự chẳng màng, ba năm niệm Phật thấy Phật vãng sanh
Tư liệu 15:00 07/11/2024Một bà nhà giàu ở Hàng Châu đến am Hiếu Tử hỏi Đạo Nguyên Hòa thượng rằng: “Tu pháp môn nào nội một đời chắc chắn thoát khỏi biển khổ?”.
Xem thêm