Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 20/11/2022, 15:00 PM

Ý nghĩa về bài kệ “Cư trần lạc đạo” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

“Cư trần lạc đạo” là bài kệ được trích từ bài phú cùng tên của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, được xem là “tài sản” quý báu của Phật giáo Việt Nam đời Trần. Đây là một tác phẩm mang triết lý sâu sắc giữa đạo và đời.

y-nghia-sau-xa-ve-bai-ke-cu-tran-lac-dao-cua-phat-hoang-tran-nhan-tong-210217

Bởi thông qua bài kệ, người đọc có thể hiểu và áp dụng được những phương pháp tu tâm ngay giữa chốn trần gian nhiều phiền não.

Vậy bài kệ “Cư trần lạc đạo” mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp như thế nào? Kính mời quý Phật tử đón đọc bài viết dưới đây.

Nguyên văn chữ Hán của bài kệ:

"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền".

Bản dịch:

"Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn nhọc ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Câu phú thứ nhất nghĩa là: Dù chúng ta sống trong chốn trần gian thì việc tu đạo cũng ở ngay chính tại nơi tâm chúng ta mà không phải tìm ở nơi nào đó quá xa xôi như vào rừng sâu hoang vu hay lên vách núi chót vót,..

Liên hệ tới Đức vua Trần Thái Tông (ông nội vua Trần Nhân Tông), xưa kia khi Ngài quyết định rời bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử xuất gia cầu đạo, Ngài nói với Quốc sư Phù Vân rằng:

- Trẫm muốn vào trong núi để tìm Phật.

Quốc sư Phù Vân đã khuyên Ngài:

- Thưa Hoàng thượng, trong núi vốn không có Phật. Mà Phật ở ngay trong tâm của Ngài. Nếu tâm Ngài mà lắng yên và chiếu sáng thì đó là Phật sống (tức là tính Phật tồn tại trong tâm).

Nghe vậy, Đức vua Trần Thái Tông liền quay trở về hoàng cung tiếp tục lãnh đạo đất nước và tu hành Phật Pháp (tức là trở thành người cư sĩ).

Đến đây, có thể người đọc sẽ thắc mắc tại sao Quốc sư Phù Vân lại khuyên Ngài để Ngài có quyết định như vậy? Có ba lý do khiến Quốc sư Phù Vân khuyên như vậy, đó là:

Thứ nhất, tại thời điểm đó, khi vua Trần Thái Tông quyết định đi xuất gia là vì trong tâm có nhiều rối bời, bất an, từ chuyện thế sự, nỗi khổ gia tộc cho đến bất lực của bản thân. Ngài muốn đi tu để trốn tránh mọi sự chứ không phải vì Ngài giác ngộ giải thoát cho mình và cho chúng sinh.

Thứ hai, Quốc sư Phù Vân cũng hiểu rõ nếu vua Trần Thái Tông đi xuất gia lúc đó thì đất nước sẽ rơi vào tình cảnh loạn lạc, dân tình lầm than, nội chiến giữa anh em trong dòng tộc,... Khi đó, giặc ngoại xâm sẽ có cơ hội sang xâm chiếm đất nước ta.

Thứ ba, Quốc sư Phù Vân cũng rõ rằng nếu vua Trần Thái Tông trở về làm vua, lãnh đạo, trị vì đất nước mà áp dụng Phật Pháp thì đất nước sẽ an ổn, nhân dân bình an.

Qua câu chuyện vua Trần Thái Tông vào núi tìm Phật, chúng ta hiểu rằng: Không phải vào trong núi tìm kiếm một vị Phật nào ngồi ở đó, mà phải tu tập để tâm lắng yên, không còn nổi sóng nhưng vẫn biết được mọi thứ, thì khi đó Phật tồn tại ngay ở nơi tâm chúng ta.

Tiếp theo, chúng ta hãy cùng phân tích hai chữ “tùy duyên”. Trong đạo Phật, hai chữ “tùy duyên” không phải dễ hiểu, dễ thực hành. Nếu chúng ta hiểu “tùy duyên” là thế nào cũng được, vui đâu chầu đấy thì không đúng bản chất của “tùy duyên”. Ví như người khác rủ đi uống rượu, mình lại tùy duyên đồng ý để rồi dẫn đến những hậu quả khôn lường; hay đi dọc đường thấy quán cờ bạc rồi tùy duyên vào chơi để phung phí tiền bạc,... thì những việc làm đó không được gọi là “tùy duyên”.

Vậy “tùy duyên” thế nào mới đúng? Người xưa có câu: “Tùy duyên bất biến”, bởi tùy duyên là phải bất biến. Muốn đạt được năng lực để tùy duyên thì phải thấy được sự chân thật, thấy được tánh thể (bản chất) của mình thì mới tùy duyên được. Nếu chúng ta chưa thấy được điều đó thì đứng trước cám dỗ cuộc đời, chúng ta sẽ đánh mất bản thân. Đó là tùy duyên mà đánh mất mình chứ không phải tùy duyên mà bất biến.

Cho nên, người mà vui với đạo thì phải biết tùy duyên nhưng để tùy duyên tốt đẹp thì họ phải có định lực lớn trong tu tập.

Đói đến thì ăn nhọc ngủ liền

Câu phú thứ hai có ý nghĩa là: Đói và ngủ là việc làm bình thường hàng ngày, từ đó thể hiện rằng đạo không phải là điều gì đó xa lạ. Không phải đi vào chỗ xa xôi, khuất lánh mọi người, không phải lên tận đỉnh núi cao, vào trong hang động mới là đạo. Tìm đạo ở chính tâm này, tâm an tĩnh, lắng trong ấy là đạo. Ngay chính tâm được bình thường, được an định thì đạo sẽ hiển lộ. Khi đói thì ăn cơm, mặc áo, đi ngủ cũng là đạo.

Tuy nhiên, tâm chúng ta hầu hết luôn bất thường mà chúng ta không nhận ra. Sáng vui, chiều buồn, hôm nay yêu, ngày mai ghét; suốt ngày nổi sóng. Đó là tâm bất bình thường, tâm bất an. Tâm quyết định sự thành hay bại của chúng ta. Vậy nên, tâm rất quan trọng. Tất cả quá trình chúng ta tu học Phật Pháp đều là để điều luyện tâm, không biến bản thân mình thành nô lệ của tâm. Tức là bây giờ chúng ta tu tập, rèn giũa, thanh lọc để tâm được trở lại trạng thái thanh tịnh mà chúng ta gọi là “tâm bình thường”.

Như vậy, qua ý nghĩa hai câu kệ mở đầu, chúng ta nhận thấy trí tuệ nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông rằng Ngài đã thấu tỏ được bản tính chân như của đạo. Giúp hàng hậu học hiểu rằng tâm bình thường, an tĩnh chính là đạo.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Nếu như ở hai câu kệ đầu, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã làm rõ ý nghĩa quan trọng của việc tu đạo thì đến câu kệ thứ ba, Ngài chỉ ra ý nghĩa của tâm thanh tịnh, đó chính là của báu mà ai cũng có.

“Trong nhà có báu” tức là ngay nơi bản tâm chúng ta có của báu vô giá là viên ngọc minh châu, viên ngọc tâm thanh tịnh. Khi thấy được viên ngọc báu này rồi thì không có một của báu nào của trần gian sánh bằng. Vì thế, việc nỗ lực tu học, rèn sửa thân tâm là vô cùng quan trọng. Bởi có như vậy thì viên ngọc tâm thanh tịnh (hay còn gọi là tâm Phật) mới hiển lộ, mới mang lại giá trị tốt đẹp cho bản thân và mọi người.

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền

Người đối trước trần cảnh mà tâm bất động, không xao động, không bị nhiễm. Ở cảnh trần gian có bát phong (hay còn gọi là tám cảnh giới trần gian) : hỉ, nộ, ái, ố, ai, ưu, lạc; chính là buồn vui, yêu ghét, sầu bi, khổ sướng. Nếu chúng ta đối trước những cảnh giới của cuộc đời, những tham dục của trần gian mà tâm không bị xao động thì người này thật là “vô tâm”.

Vì vậy, chúng ta hãy lấy luôn cảnh giới để luyện tâm mình. Đối với Phật tử tại gia thì trong nhà, trong đạo tràng là môi trường rất tốt để mình rèn giũa thân tâm. Chư Tăng ở chùa thì lấy đại chúng tại chùa để luyện tâm mình. Thực chất, trên đời này, ở đâu cũng có người yêu, người ghét, người thuận, người nghịch với mình nhưng chúng ta hãy lấy những cảnh giới ấy mà quyết chí rèn luyện, tiến tu, không thối chuyển.

Hy vọng, từ bài viết trên quý Phật tử đã phần nào hiểu được những điều căn bản sự tu hành của người đệ Phật với tâm thanh tịnh, chân thật qua bài kệ “Cư trần lạc đạo”. Chúc quý Phật tử luôn tinh tấn, thực hành lời Phật dạy để mang lại niềm hạnh phúc, an vui cho bản thân và gia đình.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Học cách Phật dạy con

Kiến thức 13:52 01/11/2024

Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-Hầu-La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.

Hạnh phúc của sự buông bỏ

Kiến thức 11:00 01/11/2024

Thời Phật tại thế có Tỳ kheo Bạt Đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi quy y Phật chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và chuyên cần thực hành thiền quán.

Nói về mười điều thiện

Kiến thức 10:15 01/11/2024

Người nào tụng đọc hiểu, thực hành mười đều lành này thì sau khi mạng chung sẽ được quả báo sanh vào các cõi trời tốt lành hoặc tái sanh làm người thì sanh vào các gia đình hiền đức phú quý.

Ngũ căn - ngũ lực: Năm cội rễ, sức mạnh đưa đến an vui giải thoát

Kiến thức 08:30 01/11/2024

Ngũ căn, ngũ lực là nền tảng sức mạnh thúc đẩy tu tập các thiện pháp đưa đến an lạc, hạnh phúc giác ngộ giải thoát sinh tử luân hồi khổ đau bất tận.

Xem thêm