10 đại hạnh người học Phật không nên mong cầu
Vừa muốn hiểu thấu đáo đạo thì ma cảnh đã hiện trước, một điều lỡ tâm thì vạn thiện đều mất. Vì thế, căn cứ vào kinh, lập ra mười hạnh gây trở ngại lớn, đặt tên là Thập Bất Cầu Hạnh:
1. Một là nghĩ đến thân chẳng cầu không bịnh. Không bịnh thì tham dục sanh, ắt phá giới thối đạo. Biết tánh của bệnh là không, bệnh chẳng não được. Vì thế lấy bệnh làm thuốc hay.
2. Hai là ở đời chẳng cầu không nạn. Ðời không nạn thì kiêu ngạo, xa xỉ nổi dậy, ắt muốn đè ép hết thảy. Hiểu nạn vốn là vọng thì nạn cũng chẳng làm gì được. Vì thế hoạn nạn là giải thoát.
3. Ba là cứu xét tâm đừng cầu không chướng. Tâm không chướng thì học qua loa, chưa đắc đã nói là đắc. Hiểu chướng chẳng có cội rễ thì chướng tự lặng. Vì thế dùng ma chướng để tiêu dao.
4. Bốn là lập hạnh chẳng cầu không có ma sự. Hạnh không có ma sự thì nguyện chẳng kiên cố, ắt sẽ chưa chứng mà nói là chứng. Thấu hiểu ma là giả có, ma nhiễu sao nổi! Vì thế lấy quần ma làm pháp lữ.
5. Năm là mưu sự chẳng cầu dễ thành. Sự dễ thành thì chí khinh mạn, ắt sẽ xưng mình có tài. Hiểu rõ việc được thành là tùy theo nghiệp, chứ chẳng phải do tài năng. Vì thế lấy sự khó làm điều an vui.
6. Sáu là giao tình (tình quen biết, giao du, bầu bạn với nhau) chẳng cầu mình được lợi. Mong lợi mình thì thiếu đạo nghĩa, ắt sẽ thấy người khác sai trái. Xét rõ tình vốn có nhân thì tình sẽ nương theo duyên. Vì thế, lấy mối giao tình tệ bạc làm tư lương.
7. Bảy là chẳng cầu người khác thuận thảo với mình. Người ta thuận thảo thì trong lòng [mình] sẽ kiêu căng, ắt chấp mình là phải. Chúng ta sống trong đời, người khác chỉ đáp trả mình. Vì thế lấy kẻ nghịch làm vườn rừng.
8. Tám là thí đức chẳng cầu mong được báo đáp. Làm điều công đức mà mong được báo chính là có ý đồ, muốn phô phang tiếng tốt. Hiểu rõ đức vô tánh mà cũng chẳng thật. Vì thế coi việc thí đức như bỏ đôi dép rách.
9. Chín là thấy lợi chẳng cầu được hưởng phần. Ðược hưởng phần lợi thì tâm si phát động, ắt bị tham lợi hủy hoại mình. Thấu rõ lợi vốn là không, chẳng vọng cầu lợi. Vì thế, coi lợi sơ bạc là phú quý.
10. Mười là bị chèn ép chẳng cầu kêu oan. Bị chèn ép mà kêu oan thì còn giữ lòng nhân ngã, ắt oán hận sẽ nẩy nở. Chịu đựng chèn ép, khiêm tốn thì sự chèn ép tổn thương gì được mình? Vì thế lấy việc bị chèn ép làm hạnh môn.
Như thế thì chịu đựng chướng ngại mà lại thành thông suốt, cầu thông suốt mà lại bị chướng ngại. Những chướng ngại ấy đều thành diệu cảnh. Bởi lẽ đó, đức Như Lai đắc Bồ Ðề đạo ngay trong chướng ngại. Dù là lũ La Sát, Ca Lợi hay bọn Ương Quật, Ðề Bà [*] đến tạo nghịch, Phật đều thọ ký, giáo hóa họ trở thành Phật, há chẳng phải là lấy cái nghịch kia làm cái thuận cho mình, lấy cái hủy báng của họ làm điều thành tựu cho mình ư?
Huống hồ, lúc thời bạc, thế ác, nhân sự dị thường, lẽ nào người học đạo không có chướng ngại! Nếu chẳng đã ở trước trong chướng ngại thì sao bài trừ nó cho được, khiến cho đại bảo của Pháp Vương vì đó bị mất đi, chẳng tiếc lắm ư!
[*] Ca Lợi: khi đức Phật còn tu nhân, trong tiền kiếp làm một vị tiên nhẫn nhục. Vua Ca Lợi vì ghen, cắt xẻo tay, chân, mắt, mũi của ngài, nhưng Phật trọn chẳng có lòng sân hận, khiến vua Ca Lợi sám hối, phát tâm Bồ Ðề.
Ương Quật là cách gọi tắt của Ương Quật Ma La, người đã giết 99 người lấy ngón tay với hy vọng được đắc thần thông đệ nhất. Khi ông này định giết mẹ ruột để đủ 100 ngón tay, Phật đã hóa độ ông, khiến ông trở thành một vị thánh giả, ngay hiện đời chứng A La Hán.
Ðề Bà tức là Ðề Bà Ðạt Ða, em họ của Phật. Ông này chuyên môn làm nghịch hạnh, phá hoại Tăng chúng, chống đối Phật. Ðó là nghịch hạnh của bậc Bồ Tát để Phật có cơ hội chế giới và thuyết giảng về các tội ngũ nghịch, vô gián…
Trích dẫn Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ của Tứ Minh Diệu Hiệp đại sư thời Minh
Diệu Hiệp đại sư bảo: “Mười hạnh trên, duy người trí huệ hùng tâm mới áp dụng nổi. Nếu biết xét soi giác ngộ, giữ vững mười điều này, thì tuy vào cảnh giới ma không bị ma làm thối chuyển. Dù cho ở trong cảnh sắc thinh, danh lợi, thương ghét, thị phi, thạnh suy, đắc thất… vẫn được an nhiên.”
Cho nên nếu không biết, thì tất cả sự tốt đẹp thuận lợi có thể thành duyên chướng đạo. Như xét thấu tất cả bệnh khổ cùng ma chướng đều giả dối không căn, tất nó cũng không làm chi được. Đối với mười điều trên, lối xử dụng của bậc trí lực là:
1. Lấy bệnh khổ làm thuốc hay.
2. Lấy hoạn nạn làm giải thoát.
3. Lấy chướng ngại làm tiêu dao.
4. Lấy các ma làm bạn pháp.
5. Lấy việc khó làm an vui.
6. Lấy bạn xấu làm giúp đỡ.
7. Lấy kẻ nghịch làm vườn hoa.
8. Lấy sự quên việc thi ân như quên bỏ chiếc dép rách.
9. Lấy thanh đạm làm giàu sang.
10. Lấy sự oan ức làm duyên tiến đạo.
Xem đây suy rõ sự hay dở, được mất vẫn tùy tâm. Thế nên, người mới tu rất sợ chướng duyên, bậc tu lâu có khi lại muốn thử đương đầu với chướng cảnh. Xin thuật ra đây một đôi chuyện để làm ví dụ:
Thuở xưa, ngài Thần Quang sau khi đắc pháp với tổ Đạt Ma, liền hạ mình đi làm mướn, như bửa củi, giã gạo hoặc gác cửa cho người. Có kẻ đến hỏi: “Ngài là bậc kế truyền Tổ vị, sao lại thấp mình đi làm những việc tầm thường như thế?” Ngài đáp: “Ta muốn hàng phục cái tâm của ta, chẳng phải chỗ ông biết!”
Để so sánh về các hạnh tu, xin kể tiếp thêm vài chuyện:
Một sư cô nọ muốn dứt trừ lỗi lầm, nguyện kiết thất và tịnh khẩu (không nói 100%) trong ba tháng. Buổi chiều kia, cô đang ngồi bên cửa sổ lần chuỗi niệm Phật. Có ông đạo trông thấy liền nói chuyện với người bạn, bảo cô nhiều nghiệp, nhiều tánh xấu. Cô nghe nóng giận đỏ mặt, nhưng vẫn làm thinh tiếp tục niệm Phật. Giây lát ông đạo bảo:
- Tôi rình thấy cô này lấy một ông ở bên hàng xóm.
Cô giận quá, nhịn không được nói lớn tiếng lên:
- Huynh nói tôi lấy ai phải xác nhận lại, chớ tôi không chịu bỏ qua vụ này đâu?
Ông đạo cả cười đáp:
– Đó là tôi cố ý thử cô mà thôi. Cô đã nguyện tịnh khẩu sao lại còn nói chuyện? Vả lại tịnh khẩu là cốt để tịnh tâm, mà cô tịnh tâm không được, thì tịnh khẩu có ích gì?
Sư cô ấy nghe xong chợt tỉnh ngộ, hổ thẹn làm thinh. Trong hai đoạn trên, ta thấy sư cô nọ muốn phá phiền não, song chỉ theo hình thức mà thôi. Còn ngài Thần Quang biết tất cả phiền não đều không, và cội gốc do nơi tâm chấp ngã, nên mới giả làm kẻ thấp hèn chịu người sai mắng, để xem tâm nhân-ngã thị phi còn động chăng để dứt trừ.
Để kết luận, bậc trí lực chẳng những không ngại chướng duyên, mà còn mượn chướng duyên để tu tiến. Các vị ấy không còn chấp nê hình thức, vì hình thức chỉ là phương tiện mà nội tâm mới là cứu cánh.
Trích Niệm Phật Thập Yếu
Cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Các tôn hiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Kiến thức 21:00 14/11/2024Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện nay. Đức Phật Tổ có nhiều tôn hiệu khác nhau. Tất cả những tôn hiệu này đều xuất hiện sau khi Ngài tu hành đắc đạo và thuyết pháp độ chúng.
“Muốn biết nhân đời trước hãy xem quả đời này”
Kiến thức 15:20 14/11/2024Ngày nay tai nạn trong đời sống rất nhiều, thường gặp phải những chuyện không vừa ý, quả báo bệnh khổ, chết yểu. Nguyên nhân là gì?
Chúng ta mãi “quanh quẩn trong vòng buồn giận”
Kiến thức 14:45 14/11/2024Có thể ta đã từng mắc kẹt vào những tranh chấp được mất, thị phi và lao đao trong ghét thương buồn tủi; và ta đã "Xem thường bảo vật trong tay" như sức khỏe, thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ... Để rồi "Dày đạp lên trên hạnh phúc" mà đi, thật xót xa vô cùng.
Tâm lìa tướng ngôn ngữ
Kiến thức 13:20 14/11/2024Tâm, lìa tất cả tướng, lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn ngữ, lìa tất cả tướng của động tác (nhướng mày chớp mắt) và lìa tất cả tướng tâm duyên hư vọng. Tâm thể lìa tất cả tướng ấy, nói có cũng không đúng, nói không cũng sai luôn.
Xem thêm