10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng
Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.
Bá Hưng, 30 tuổi, ở ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức là người mê sách từ bé. Anh lớn lên với những bài thơ của bà, với giá sách đầu tiên làm từ dây thép treo trong ngăn tủ nhỏ của cha hay những ngày lang thang trên bờ đê với quầy quang gánh của chị bán sách. Khi làm dự án, Hưng chỉ muốn truyền tình yêu sách đến với trẻ em quê mình và kéo chúng khỏi những thiết bị, trò chơi điện tử.
Thư viện Dương Liễu hoạt động được ba năm, người đồng hành cùng anh nghỉ việc nên chỉ còn mình Hưng duy trì dự án. Những ngày đầu của thư viện không dễ dàng. Khó khăn về đường lối, kinh phí là một, thay đổi tư tưởng khó gấp nhiều lần. Người dân làng và cả bố mẹ thường nói Hưng "vác tù và hàng tổng", thậm chí có người còn nói cậu chưa thành công bằng ai thì nên tập trung sự nghiệp đừng suốt ngày chơi với con nít.
Hưng nói, những lúc buồn nhất là nghe tin có em bị bố mẹ cấm đến thư viện để "chuyên tâm học hành".
Thời ấy Hưng làm việc trong nội thành, mỗi ngày đi về hơn 40 km để tranh thủ mở cửa thư viện. Nhiều lần một mình ngồi nhập sách hoặc làm thẻ, Hưng trăn trở làm sao để thu hút bọn nhỏ đến và gắn bó lâu dài. Anh biết, nếu chỉ thu hút bằng sách thì thư viện của mình chắc chắn sẽ thất bại.
"Mình ngẫm ra để một đứa trẻ đọc sách trước tiên phải đưa được nó đến thư viện đã. Vậy thư viện phải thú vị, không nhàm chán như kiểu truyền thống", Bá Hưng nói.
Chàng trai đăng tuyển tình nguyện viên và bắt đầu lồng ghép các hoạt động cho trẻ con như thi đấu cờ vua, đọc sách, tập làm nhà phát minh, nhà khoa học nhí. Nhóm Hưng kết hợp với học sinh trung học tổ chức làm bánh Trung thu và bánh chưng để tặng các cụ già mỗi dịp lễ Tết.
Theo thời gian số đầu sách tăng lên, các hoạt động đa dạng, không chỉ cho trẻ con, mà cả học sinh, sinh viên và phụ huynh, giáo viên. Đó là WeWatch - dự án giáo dục thông qua hình thức chiếu phim cho các bạn đọc nhí; Siêu sáng tạo - dự án chuyên làm đồ chơi và sản phẩm thủ công, hướng đến khôi phục các trò chơi truyền thống.
Gần nhất, dự án WeHere, thường xuyên tổ chức các talkshow về tâm lý học đường cho phụ huynh và giáo viên trên địa bàn, có sự đồng hành của chuyên gia. Trong một buổi nói chuyện về tâm lý tuổi dậy thì gần đây, các phụ huynh bộc bạch không hiểu được con thế nào, có những người đã khóc bởi trong lòng luôn mong muốn tốt cho con nhưng lại không biết cách nói chuyện.
Sau một thời gian, dân làng dần nhận thức được tầm quan trọng của đọc sách và tin tưởng Hưng, đặc biệt từ khi anh và Thư viện Dương Liễu được truyền thông ghi nhận về những đóng góp cho quê hương. Nhiều phụ huynh góp tiền, góp sức cho thư viện.
"Sự chuyển hóa kỳ diệu nhất là lũ trẻ, chúng cứ đến thư viện và nghiện sách lúc nào không hay. Từ phòng sách nhỏ này, nhiều em đã tìm thấy đam mê, vào đại học, đi du học", Hưng cho hay.
Anh Nguyễn Kiến Hưởng, 46 tuổi, một người dân ở thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu cho biết ba con được hưởng lợi từ thư viện. Cậu đầu tiên đến đây đọc sách khi mới vào cấp hai, năm nay đã vào đại học với điểm khối C cao nhất trường cấp ba. Thần tượng Bá Hưng, hiện con lớn của anh đang học đúng ngành đại học của Hưng. Nay đến người con thứ hai của anh, cũng đang là tình nguyện viên cho thư viện.
Thời gian trước biết thư viện Dương Liễu phải trả lại địa điểm cho chủ cũ, anh Hưởng đã chủ động đề xuất cho mượn nhà của nhà mình. Hiện tại trẻ con xã Dương Liễu và các xã lân cận được đến đọc sách trong không gian rộng đẹp 50 m2.
"Tôi chỉ là nông dân thôi, thấy các bạn làm việc có ích cho làng xóm, tôi cũng có khả năng cũng muốn giúp. Có lũ trẻ đến càng thêm vui cửa, vui nhà", anh Hưởng cho biết.
Và không chỉ có được sự đồng hành của những người dân như anh Hưởng, năm nay là lần đầu tiên Thư viện Dương Liễu có một nhà tài trợ chính thức.
Từ một thư viện làng, Phùng Bá Hưng và các tình nguyện viên đã biến nó thành một không gian văn hóa nổi nổi danh khắp Việt Nam. Từ những năm 2018 đến nay, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân, nhiều người ở tận miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây đã liên hệ Hưng để học hỏi.
Từ đây, chàng trai quyết định thành lập Local Bookable, một mạng lưới thư viện với mục tiêu kết nối, hỗ trợ chuyên môn và kinh nghiệm điều hành cho các thư viện tư nhân và cộng đồng trên khắp cả nước. Đến nay đã có 36 thư viện ở hơn 15 tỉnh thành trong cả nước được Hưng truyền kinh nghiệm vận hành.
Cuối năm 2019, chàng trai có cơ hội đến thăm và thực tập tại thư viện công cộng Missoula, bang Montana, Mỹ. Thành phố này có dân số hơn 80.000 người nhưng hơn 70.000 người có thẻ đọc sách và trung bình một năm thư viện tổ chức hơn 600 các sự kiện khác nhau.
"Chuyến đi 6 tuần đã truyền cảm hứng cho tôi quay trở lại với đam mê thuở ban đầu là theo đuổi ngành thư viện", Hưng nói. Anh quyết định nghỉ công việc truyền thông triển vọng, dành thời gian để theo đuổi học bổng thạc sĩ Fulbright ngành thư viện.
Với Hưng, quá trình theo đuổi học bổng này cũng trường kỳ khó khăn như thời gian gần 10 năm điều hành thư viện làng của mình. Tại vòng phỏng vấn kéo dài hơn 40 phút, ban giám khảo hỏi Hưng rất nhiều, trong đó có câu: "Những năm qua làm thư viện, bạn lấy gì để sống?".
Chàng trai Dương Liểu kể, lúc đó xúc động quá suýt không kiềm chế nổi nước mắt. "Trong cuộc sống, mỗi người có rất nhiều lựa chọn. Thư viện, với tôi cũng là một lựa chọn như thế. Nếu đã là lựa chọn, là cuộc sống của mình, thì mình cứ 'sống' với nó thôi", Hưng trả lời.
Tháng 3/2023, Phùng Bá Hưng nhận được thông báo trúng tuyển thạc sỹ ngành Thông tin Thư viện (Library & infomation science) tại Đại học Syracuse, New York.
Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết từ khi chương trình Fulbright bắt đầu tại Việt Nam năm 1992 đến nay đã trao 649 suất học bổng thạc sĩ. Bá Hưng là một trong hai người giành học bổng thạc sĩ ngành thư viện.
Mùa khai trường năm nay là khoảng thời gian hân hoan của Phùng Bá Hưng và tụi nhỏ. Thư viện làng kỷ niệm 10 năm thành lập. Hiện thư viện có trên 10.000 đầu sách, hàng trăm hoạt động mỗi năm, có 3.600 bạn đọc đăng ký mượn sách thường xuyên, với 100 tình nguyện viên hỗ trợ. Mỗi tối, có tới cả trăm bạn nhỏ tới đọc sách, vui chơi."Tôi không biết hai năm tới sẽ ra sao và điều gì sẽ xảy ra sau khi học xong nhưng có một điều chắc chắn thư viện là một phần cuộc sống và tôi thực sự hạnh phúc với sự gắn bó này", chàng trai nói.
Ảnh về Thư viện làng Dương Liễu.
Nguồn: https://vnexpress.net
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo
Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.
Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần
Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.
Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học
Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người
Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.
Xem thêm