Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 22/06/2016, 17:11 PM

77 năm khai đạo, cần góc nhìn rộng mở về Phật giáo Hòa Hảo

77 năm kỷ niệm ngày khai đạo Phật giáo Hòa Hảo là kỷ niệm chuỗi thời gian tồn tại và phát triển của một tôn giáo còn non trẻ so với kỷ niên nhân loại. 

 
Trong thời gian ít ỏi đó, đạo Phật giáo Hòa Hảo trải qua bao biến thiên lịch sử kéo theo những tích cực lẫn tiêu cực do những tín giả đương thời hành xử phủ lên một tôn giáo nội sinh nhiều lớp áo huyền thoại, nhiều bi kịch hào hùng, để rồi, nghiễm nhiên được chính thức là một trong 14 tôn giáo được hợp pháp hóa hiện nay.

Mỗi năm, Ban Đại diện Đạo Phật giáo Hòa Hảo đều long trọng tổ chức kỷ niệm ngày khai Đạo của một vị giáo chủ trẻ nhất, năng động nhất, sáng tạo nhất..., xuất hiện trong một giai đoạn nước nhà tăm tối nhất thời cận đại. Vì không có cơ sở khả dĩ dung chứa hàng trăm đồng đạo và đại biểu về tham dự, vì thế Ban đại diện đã phải tạm nhờ nhà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tại 202 đường Võ Thị Sáu, P7, Q.3 - Sài Gòn.

Về sinh hoạt hàng năm, vẫn không có gì thay đổi, vẫn nghi thức hành chánh sau khi tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự, nghi thức tôn giáo thật đơn giản trước khi đọc diễn văn khai mạc. Sau đó đọc thư chúc mừng, tặng quà; đọc bài "Sứ mạng của thầy"... và không quên trao học bổng Hương Sen Hòa Hảo cho học sinh sinh viên nghèo, học giỏi. Liên hoan thân mật kết thúc vào lúc 11 giờ. Trong ba tiếng, Ban tổ chức gói gọn đầy đủ nội dung từ báo cáo hoạt động Đạo sự cho đến phát biểu của chính quyền, đọc tâm thư của BTS Trung ương. Có cả một vài Tôn giáo bạn tham dự.

Đồng hành cùng dân tộc: 

Tinh thần chung của người con Phật, "Tứ trọng ân - đó là: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại." Thật rất quan trọng đối với các hệ phái và tôn giáo nội sinh như đạo Phật giáo Hòa Hảo. 

Tiền thân của Đạo Phật giáo Hòa Hảo là Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Ngài Đoàn Minh Huyên khai sáng. Trong giai đoạn lịch sử, miền Nam Việt Nam bị bảo hộ bởi thực dân Pháp vào năm 1867, triều đình nhà Nguyễn cắt nhượng cho Pháp, đây là vùng đất đầu tiên Pháp chiếm được trong quá trình xâm lược Đại Nam. Từ vùng Nam Bộ phù sa, xuất hiện một nhân vật lịch sử đầy lòng yêu nước thương dân, Đoàn Minh Huyên (dân tôn kính gọi là Phật thầy Tây An). Đạo hiệu là Giác Linh, dưới hình thái một tôn giáo mệnh danh là Bửu Sơn Kỳ Hương, vừa giúp dân khai mở dinh điền, khai hoang nhiều vùng đất Nam bộ giáp ranh Campuchea, vừa truyền đạt tinh thần yêu nước bảo vệ cõi bờ cho những nông dân chân chất lúc bấy giờ, vừa học Phật tu Nhân. Xuất thân từ Sa Đéc vào năm 1807, tại làng Cái Tàu Thượng, nay là huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.

Năm 1849 tại Nam kỳ xảy ra mất mùa và đại dịch, nhân dân lâm vào cùng cực khổ đau và chết chóc, Ngài từ Tòng Sơn xuất hiện chữa bệnh cho dân, từ đó hướng dẫn khai hoang lập trại ruộng để giải quyết sinh kế và nạn đói. Việc làm ích lợi dân và được lòng dân như thế, chính quyền địa phương bắt giam và chỉ định cư trú, buộc ngài quy y cửa Phật vào dòng Lâm Tế, tại chùa Tây An dưới chân núi Sam - Châu Đốc.

Tuy trụ thế 49 năm (1807-1856) Ngài đào tạo được những đệ tử giỏi, đầy tinh thần yêu nước như Cố Quản Trần văn Thành (nổi tiếng chống Pháp), Tăng Chủ (Bùi Đình Thân), Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến), Đạo Lập (Phạm Thái Chung), Đạo Thắng (Nguyễn Văn Thắng),v.v...

Trong những lời sấm truyền của Phật Thầy để lại cho đệ tử có câu: 

Chừng nào gốc mộc nên chồi, 
Ta vưng sắc lệnh tái hồi trần gian.

Hay câu: 
Nay già đã hết già hóa trẻ ,
Nên giữa đồng bỗng lại có sông.

Một điều nữa, Phật Thầy Tây An cổ có ba ngấn, sau này Đức Huỳnh Phú Sổ ra đời cũng có ba ngấn cổ và Ngài viết ra quyển 2 sấm giảng nhắc lại bút tích Phật Thầy nên hầu hết tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo đều nhìn nhận chung một gốc. 

Phật Thầy Tây An là một nhà yêu nước ẩn dưới chiếc áo nhà tu. Ngài vừa trị bệnh cứu người, vừa quy tụ nông dân nghèo khai hoang, vừa phổ biến "Tứ ân", mà trong đó "ân đất nước" rất được chú trọng. Điểm đáng lưu ý nữa, đó là những "trại ruộng" mà Ngài lập ra, vừa làm kinh tế dân sinh, vừa là căn cứ tập hợp nông dân chống lại chính sách cai trị hà khắc của nhà Nguyễn. Sau này, khi thực dân Pháp đến xâm lược, thì những nơi ấy trở thành những căn cứ chống ngoại xâm, nhiều tín đồ của Ngài trở thành nghĩa quân (để đền ơn đất nước), mà cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 -1873) do Trần Văn Thành (đại đệ tử của Phật Thầy Tây An) phát động, là một minh chứng.

Đây là phong trào khởi nghĩa dưới hình thức tôn giáo tại miền Tây Nam bộ do Phật thầy Tây An khởi lập để rồi tiếp theo truyền thừa có những vị như Đức Phật Trùm (1868- 1875), Đức Bổn sư Ngô Lợi (1831- 1890), sư Vãi Bán khoai (1901-1902), ông Cử Đa rồi tới Đức Huỳnh Phú Sổ (1920 - 1947).

Đức Huỳnh Phú Sổ sinh ngày 15 tháng 1 năm 1920, nhằm ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang); con của ông Hương Cả - Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm. Thuở nhỏ Người thông minh, học hết bằng sơ học yếu lược Pháp - Việt nhưng hay bị đau ốm nên đành bỏ dở việc học. Thời gian lên núi Sam học đạo với Bửu Sơn Kỳ Hương và chữa lành bệnh.  sau đó về lại đồng bằng trị bệnh cho dân và khai đạo tại làng Hòa Hảo. Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (4 tháng 7 năm 1939), Người đứng ra cử hành lễ "đền linh Khứu Sơn trung thọ mạng" khai đạo, lấy tên là Phật giáo Hòa Hảo.
  
Từ đó Đức Huỳnh đi chữa bệnh, tiên tri, thuyết pháp và sáng tác thơ văn, kệ giảng. Văn chương của Người rất bình dân nên dễ đi vào lòng người. Chỉ trong một thời gian ngắn số tín đồ và ảnh hưởng của Người càng ngày càng gia tăng và trở thành một phong trào tín ngưỡng mạnh mẽ khiến thực dân Pháp lo ngại. Tuy mới 20 tuổi, trong tay Người đã có hàng triệu tín đồ tại miền Tây Nam bộ.

Ngày 18 tháng 8 năm 1940, họ đưa Người đi quản thúc tại Sa Đéc, rồi chuyển Người sang làng Nhơn Nghĩa, tỉnh Cần Thơ nhưng cả hai nơi này đều được đông đảo quần chúng đến xin nghe thuyết pháp và quy y.

Sau đó, nhà cầm quyền Pháp đưa đức Thầy vào bệnh viện Cần Thơ và chuyển lên nhà thương điên Chợ Quán tại Sài Gòn.

Tháng 6 năm 1941, Người bị đưa đi quản thúc ở Bạc Liêu. Tại đây Người không được phép trị bệnh và thuyết pháp.

Tháng 10 năm 1942, trước tin tức người Pháp sẽ đưa Huỳnh Phú Sổ đi đày ở Ai Lao (Lào), các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và hiến binh Nhật đã giải cứu Người rồi đem về Sài Gòn.

Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1945, Đức Huỳnh đi thuyết pháp và khuyến nông tại 107 địa điểm ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tiếp nối truyền thống tứ ân hiếu nghĩa của tiền nhân. Người chủ trương "học Phật tu nhân" và đáp đền ân đức đất nước.

Trong thời gian Pháp thuộc, Người cùng đệ tử thành lập và tham gia các phong trào chống Pháp. Trước lực lượng của Pháp và chính quyền đương thời quá mạnh, Người khôn khéo tùy nghi làm mọi phương tiện để bảo tồn lực lượng yêu nước còn yếu kém. Đôi khi một vài lực lượng các nơi phải giả hàng Pháp để lấy vũ khí, sau đó đánh lại Pháp, vì vậy bị hiểu lầm là "sáng đầu tối đánh".

Dẫu sao, lực lượng Hòa Hảo lúc bấy giờ đã thể hiện lòng yêu nước không kém so với các tổ chức chống Pháp lúc bấy giờ. Người không chỉ tổ chức và tham gia các phong trào chống Pháp, còn giúp dân khai hoang lập ruộng, dạy dân đời sống đạo đức tu thiện, giữ gìn phong hóa dân tộc như mặc đồ đen, búi tóc, thờ cúng cửu huyền thất tổ, đoàn kết tình làng nghĩa xóm. Bình dân hóa kinh điển giáo lý nhà Phật qua văn vần dễ hiểu dễ nhớ, dịch và chuyển thành thơ tỳ ni nhật dụng rất giản dị khi mà nông dân nhìn chữ Hán như đám rừng vô nghĩa. Pháp tu là hằng ngày niệm Phật, cầu nguyện, không thờ hình cốt và nghi thức rườm rà, nếu không trường trai thì cũng phải nhị trai, lục trai tiến dần lên.

Sau khi đất nước chấm dứt chinh chiến, tín đồ đạo Phật giáo Hòa Hảo hướng đến công tác từ thiện như mở bếp ăn tình thương giúp đỡ bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân nghèo trong các bệnh viện. Phong trào này phủ trùm hầu hết các tỉnh miền Tây Nam bộ và lan tràn lên thành phố lớn như Cần Thơ, Sài Gòn, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai... Xây nhà tình thương, làm cầu, đóng giếng, hỗ trợ học sinh nghèo, cấp thuốc từ thiện, cho xe chuyển vận bệnh nhân nghèo từ Tỉnh lên Thành phố hoặc ngược lại, bảo trợ quan tài, xe lăn... Tuy làm từ thiện âm thầm, không phô trương quảng cáo, nhưng vẫn không thiếu đâu đó mạnh thường quân chung tay góp phần hỗ trợ.

Việc từ thiện là hành động truyền thống con nhà Phật có từ xa xưa dù là trong thời chiến, tuy không phát triển đa dạng như ngày nay. Lúc bấy giờ chỉ mở phòng thuốc Nam từ thiện do Tịnh Độ cư sư chủ trương và một ít chùa. Sau năm 1975, một vài địa phương do cán bộ phía Bắc vào quản lý, không đồng ý phát thuốc miễn phí, buộc phải thu tiền, và những việc từ thiện khác họ không tin vào việc làm xa lạ khó hiểu khi Miền Bắc chưa hề có như thế, vì ngại rằng, đây là âm mưu chính trị, hay thủ đoạn lừa lọc nào đó. Nhưng sau một thời gian họ đã hiểu, vì thế, bao chướng ngại lá lành đùm lá rách được cởi mở, và sau hơn 40 năm, nay là lá rách đùm lá nát được nhân rộng dưới mọi hình thức. Tín đồ đạo Phật Giáo Hòa Hảo vẫn nằm lòng câu "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng".

Tinh thần hộ pháp và hộ quốc an dân:

Từ ngày Trịnh Nguyễn phân tranh, người dân đổ dần về hướng cực Nam, trong suốt 45 năm nội chiến mà lãnh thổ ta đã được rộng mở. Trước kia, Hán tộc đã đẩy lùi tổ tiên ta về đồng bằng sông Hồng mà dân ta từng tồn tại nơi dãy đất hẹp Quảng Đông, Quảng Tây cho đến Nghệ An. Vào thế kỷ 11 đến 14, dưới sự lãnh đạo của các triều đại Phật giáo mà nhân dân ta đã tồn tại độc lập ngang hàng với phương Bắc. Qua nhiều cuộc chiến nội loạn ngoại xâm, cha ông ta đã dần rộng mở bờ cõi cho đến khi đại đế Quang Trung thống nhất nước nhà, địa đầu giới tuyến của ta chấm dứt tại mũi Cà Mau. Những di dân từ miền Trung vào miền Tây là những cộng đồng mang nặng dòng máu tín Phật, đến đâu đều lập chùa ở đấy. Nhưng đến thế kỷ 19 bị Pháp xâm lược, đưa Thiên Chúa giáo vào miền lục tỉnh, người dân chân lấm tay bùn thiếu học, lam lũ nơi miền đất mới, không được học hỏi giáo lý uyên thâm đầy chữ Hán, nên việc tin Phật có phần mê tín.

Một số tăng sĩ lớn tuổi cũng khó lòng đối đầu với trào lưu văn hóa mới, không có điều kiện tiếp thu kiến thức Phật học trong thời buổi nhiễu nhương, nên đành co cụm trong thôn xóm, gần gũi dân qua ma chay đám cúng, đành lập gia thất để có người kế thế truyền thừa Tam bảo. Cũng từ đó, chư tăng biến thành thầy đám, oai nghi mất dần thì niềm tin của quần chúng cũng mất dần. Để phục hồi sự trong sáng của đạo Phật cũng như bảo vệ truyền thống văn hóa ông cha, Đức Phật thầy Tây An và lần lượt các thế hệ tiếp theo chấn hưng một Phật giáo nông dân qua giáo lý đơn giản, giữ vững đạo đức dân tộc qua chủ trương "Học Phật tu nhân" thật gần gũi với quần chúng. Chính tinh thần cốt lõi của Phật giáo, qua giáo lý Tứ ân đã có một giáo chủ non trẻ Huỳnh Phú Sổ làm điểm tựa tâm linh và tinh thần yêu nước cho nông dân Nam bộ.

Từ giáo lý "tứ ân hiếu nghĩa" đến "học Phật tu nhân" trải qua 5 thế hệ mang đậm nét Phật giáo dân tộc, đã một phần an định biên cương khi một số thổ phỉ ngoại tộc được thấm nhuần đạo lý của người dân Nam bộ. Ngay cả trong số truyền thừa đó, có cả người Miên được gọi là Phật Trùm, chính nhân vật này đã bình ổn người dân Miên và hòa hợp với người dân Nam bộ đem lại thời kỳ an hòa giữa hai dân tộc chung sống tại địa đầu giới tuyến. Một khi ổn định được quần chúng thì điều ắt có và đủ để chống ngoại xâm của người dân Nam bộ dưới sự điều động của vị giáo chủ trẻ Huỳnh Phú Sổ.

(Cuộc xâm chiếm Việt Nam của giặc Pháp phần lớn là do sự xúi dục của các nhà truyền đạo Thiên Chúa Giáo. Giám Mục E Huc gởi thư cho Hoàng Đế Napoléon III trong tháng 1 năm 1857 thúc giục Pháp đem quân xâm lăng Việt Nam. Trong đó có đoạn "đánh chiếm Việt Nam sẽ dễ dàng hơn hết, sẽ không gây phí tổn gì cho nước Pháp. Dân chúng hiền lành, cần cù, rất thuận lợi cho việc tuyên truyền lòng tin Thiên Chúa Giáo... Họ sẽ đón tiếp chúng ta như những người giải phóng và những ân nhân". Lịch Sử Việt Nam, q 2, t 32).

Với lý do như thế, mặc dù Thiên Chúa giáo lúc bấy giờ được Pháp nâng đỡ, vẫn không thể phát triển tại miền Tây Nam bộ, để rồi tinh thần học Phật tu nhân (chỉ tu đạo làm người thôi) đã lan truyền nhanh và mạnh khắp xứ Lục Tỉnh.

Năm 1966, phong trào đấu tranh của Giáo hội PGVNTN tại miền Nam Việt Nam, một số anh em Thiên Chúa Giáo Hố Nai do linh mục cực đoan đã sách động, kéo lên loạn sát Phật giáo tại Việt Nam Quốc Tự, lựu đạn tung vào cô nhi viện Quách Thị Trang, một số thanh niên phật tử trong các trường trung học đã ra tay bênh vực chư tăng, một thanh niên phật tử bị chặt lìa tay ở chợ Phú Nhuận. Sau đó, 200 thanh niên Phật giáo Hòa Hảo từ miền Tây kéo lên bảo vệ Phật giáo, số anh em Hố Nai đành phải rút về trú xứ.

Mặc dù ngày nay, có một vài tăng sĩ trẻ chưa hiểu nhiều tinh thần hộ đạo và giáo lý thuần nông của tôn giáo nội sinh như Phật giáo Hòa Hảo, có những nhận định chưa chính xác, xem Hòa Hảo là không phải Phật giáo. Chả lẽ họ là Thiên chúa giáo, Tin Lành giáo mà ăn chay niệm Phật?

Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được chính phủ công nhận là một trong những tôn giáo có mặt sinh hoạt hợp pháp tại Việt Nam, đồng đẳng với các tôn giáo, có nghĩa GHPGHH không phải là GHPGVN trên phạm vi tổ chức và hành chánh, nhưng vẫn được xem là một hệ phái của Phật giáo Việt Nam như Tịnh Độ cư sĩ hiện nay.

Nếu bảo PGHH không có một hệ giáo lý đặc thù mà góp nhặt từ Phật giáo thì Đạo Phật có bị ảnh hưởng giáo lý nhân quả, luân hồi của Ấn Độ giáo, an cư kiết hạ có phải đó là hình thái đặc thù của Phật giáo hay đã có từ những giáo phái đương thời của Ấn Độ?

Không có cái gì tự sinh, vì cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh. Kito giáo La Mã cũng từ nền tảng Do Thái giáo mà thành. Giáo lý Đạo Hồi cũng thấp thoáng truyền tích kinh Cựu Ước. Đó là quy luật biến thiên của sự tiến hóa. Nếu Ấn Độ không bị đè nặng giai cấp của Bà La Môn giáo thì không có tôn giáo cách mạng như Đạo Phật. Phật giáo ngày nay phát triển mạnh nhờ các hệ phái dưới dạng Đại thừa. Các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo Nguyên thủy chỉ co cụm tại Srilanka, Myanmar, Lào, Thái, Campuchea để giữ bản sắc nguyên thủy. Trong khi đó, Phật giáo phát triển (đại thừa) đã thiên biến vạn hóa từ giáo lý cơ bản; kinh qua các quốc độ, biến thành Kim Cang thừa, Hoa Nghiêm tông, Pháp Hoa tông, Thiền Tông, Tịnh độ tông, ngay cả Thiền tông cũng đa dạng... 

Phương Tây đầu tiên biết đến Phật giáo qua cửa ngõ Phật giáo Bắc truyền, qua các thiền sư Nhật Bản. Cái gì phát triển cũng đều mang đủ tính chất tích cực và tiêu cực.

Phật giáo Đại thừa càng phát triển thì càng nhuốm màu mê tín của tế lễ, hình tướng của một tôn giáo mà đức Phật không hề mong muốn lập thành một tôn giáo như các tôn giáo có mặt trong xã hội Ấn đã có. Phật giáo cũng như vài giáo phái thuộc khuynh hướng tâm linh, muốn đưa con người thoát khỏi hệ thống tôn giáo lúc bấy giờ, nên đức Phật không khuyến khích mọi hình thức sinh hoạt tôn giáo; càng đi sâu vào hình tướng mà kinh Kim Cang đã cảnh báo "Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai". Tuy nhiên, với sự đa dạng của Phật giáo phát triển, đạo Phật đã dễ dàng đi vào mọi ngõ ngách tâm linh và tình cảm của người dân. Một khi Phật giáo phổ biến dưới nhiều hình thức, đó là biểu tượng cái cây đang phát triển, cây phát triển thì cành lá sum sê. Cũng có thể phát triển theo từng thổ nhưỡng mà bản sắc cây giống đã bị lai căn. Cây mà suôn đuột không cành không lá thì cây sẽ chết dần chết mòn.

Tại sao có nhiều tôn giáo, trong tôn giáo phát sinh nhiều hệ phái? Cũng như dược phẩm, ngoài Tây dược sao còn có Đông dược, Nam dược? Cơ địa mỗi người thích hợp một dược phẩm. Cũng thế, trình độ và căn cơ quần chúng không thuần nhất thì không thể có một Tôn giáo duy nhất, và một tôn giáo không thể không phát sinh nhiều sắc màu đa dạng để tương thích với căn cơ tín chúng. Người hợp với Tịnh độ thì không thể buộc họ tu thiền, người hợp thiền thì không thể theo Kim Cang thừa... Vì thế không thể buộc họ đứng vào tín tuyến của mình theo kiểu cực đoan, để rồi lên án nhau.

Đạo Phật giáo Hòa Hảo cũng thế, từ một xã hội ngoại thuộc về văn hóa, tín ngưỡng, thậm chí kinh tế, một giáo chủ non trẻ đã đứng về phía nông dân, đem đạo Phật nguyên thủy, đơn giản, đến với người dân, tạo kinh tế nông nghiệp cho dân, giữ an bờ cõi Tây Nam khi mà lòng thù hận của một thiểu số còn muốn đòi lại đất mà cha ông ta đã thu hồi hợp lý, và tuy tay trắng, vẫn nêu cao ngọn cờ chống ngoại xâm, giữ gìn bản sắc dân tộc trong lúc một bộ phận lớn của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ đang phải thúc thủ. Phật giáo Hòa Hảo ra đời trong tình huống với những công trạng như thế, phải chăng đã là "Hộ Pháp an dân"! Tội hay công đã được lịch sử phán xét.

Ngoại đạo mở rộng vòng tay đón nhận bất cứ ai, bất cứ tôn giáo nào quy phục họ. Giáo Hoàng tiền nhiệm cũng đã từng chìa tay cho anh em Cơ đốc giáo, Tin Lành, chính Thống giáo, Hồi giáo mong được giao hảo thì tại sao chúng ta xua đẩy anh em cùng niềm tin vào Tam Bảo, phủ nhận dòng máu Thích Ca mà Đức Huỳnh giáo chủ từng xác nhận: "Tôi là đệ tử trung thành của đức Phật". Khuyến khích tín đồ tôn kính và cúng dường Tam Bảo. Chưa bao giờ Người xúc phạm bậc chân tu mà chỉ lên án những ác tăng lúc bấy giờ làm suy tổn đạo Phật.

Những nhà trí thức như Phạm Công Thiện, Ngô Trọng Anh, Lê Hiếu Liêm, Bs Trần Nguơn Phiêu, triết gia Kim Định, giáo sư sử học Phạm Cao Dương, Gs Trần Nguyên Bình, Gs Minh Chi, Nguyễn Hiến Lê, nhà văn Sơn Nam... Nhiều nhà trí thức trong và ngoài nước không tiếc lời ca tụng một giáo chủ trẻ nhất trong thời gian ngắn nhất có một lượng số tín đồ đông nhất, xiển dương tinh thần yêu nước hộ đạo trong giới nông dân thuần nhất mà trên thế giới chưa Tôn giáo nào có được, đem đến cho quần chúng một đạo Phật dễ hiểu, trong sáng nhất lúc bấy giờ.

Trong cuốn Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ, Lê Hiếu Liêm nhận định: "Từ Đức Phật Thầy Tây An đến Đức Huỳnh Giáo Chủ, trải qua suốt 90 năm, là một dòng sinh mệnh Phật giáo đặc thù Việt Nam và đặc biệt Nam Bộ nhưng nó không tách lìa, trái lại, là một phần bất khả phân ly của 2.000 năm Phật giáo Việt Nam và 2.500 năm của Phật giáo Thế Giới. So với rất nhiều tông phái Phật giáo khác tại Việt Nam và trên thế giới, thì Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo có đặc chất và màu sắc Phật giáo rất rõ rệt và đậm nét, chưa kể là nó còn mang được tính chất trong sáng và truyền thống của đạo Phật". 

Hiện nay, đạo PGHH song song việc truyền giảng giáo lý, một việc không thể thiếu trong đạo sự, đó là công tác từ thiện. Người dân miền Tây không giàu nhưng rất giàu lòng từ bi của con nhà Phật, đã chia sẻ miếng cơm manh áo cho bệnh nhân và đồng bào nghèo. Lúc Phật giáo hữu sự, họ sẵn sàng chung tay, lúc gặp nạn họ không hề từ chối, vì Tam Bảo vẫn là niềm tin vững chắc trong mọi tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Một tôn giáo phát sinh từ vùng phù sa thì bản chất đạo đức từ bi cũng tràn đầy màu sắc phù sa tâm đạo.

Một tôn giáo nội sinh đặc thù như thế, không có chức sắc tăng lữ điều hành, không có giáo sản, không có cơ sở vật chất tầm vóc của một tôn giáo, không có trường lớp đào tạo... thế nhưng, huynh đệ đồng đạo vẫn sách tấn nhau tu tập, vẫn giữ trai tịnh tinh khiết, vẫn đoàn kết nội bộ, vẫn xã kỷ vị tha, niềm tin Tam Bảo luôn vững chắc, luôn thể hiện tấm lòng con Phật mà không hề quảng bá tôn xưng. Bấy nhiêu cũng đủ để ngoại đạo ngả mũ chào, đủ để xã hội tôn quý. Việt Nam hãnh diện từng có những tôn giáo nội sinh Đời - Đạo song hành, họ luôn mở rộng trái tim thì tại sao ta không có một vòng tay dành cho anh em con một cha?

Đứng góc độ riêng để phán xét đánh giá người khác là tự ta cô lập kiến thức và làm nghèo tình cảm, từ bi, làm sao có được sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau? Có hiểu mới có thương. Có thương mới có lòng từ bi của người con Phật.

Tuy 77 năm khai đạo, tinh thần đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo luôn hiếu hòa hữu hảo, việc tổ chức kỷ niệm thường niên không có sắc thái mới lạ, nhưng cái mới lạ là tinh thần tu học của đồng đạo không hề suy giảm; có những đồng đạo về các chùa hỗ trợ phụ giúp công quả. Ngôi chùa Hoằng pháp nổi tiếng trong và ngoài nước vẫn có những tín hữu PGHH âm thầm tham gia các khóa tu tập và đích thân góp tay trong các phần sinh hoạt thường nhật. 

Anh Tư Mắt Kiếng, tuổi gần 80, ngày ngày vẫn ngồi trên xe nhiều hơn đi trên đất để vào các vùng sâu giúp dân xây cầu đóng giếng, cứu trợ dân nghèo. Thầy thuốc nhân dân Lê văn Lợi tháng ngày lặng lẽ châm cứu trị bệnh giúp dân miễn phí. Vợ chồng anh Quang ở Bình Tân mở lớp học giúp cho con em lao động nghèo. Và còn bao nhiêu tấm lòng nhân ái của đồng đạo con Phật xuất thân từ Phật giáo Hòa Hảo không đủ để ta mở rộng vòng tay và con tim đón nhận người con Phật độc hành lẻ loi "Học Phật tu nhân" như thế sao?

Bởi họ vẫn nhớ lời Phật dạy: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", thì không lý gì phân biệt thân thù khi các con đều cùng một cha.

Minh Mẫn

Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm, cách hành văn riêng của tác giả, là cư sĩ Phật giáo đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ninh "quản lý hòm công đức" và một góc nhìn!

Ý kiến – Diễn đàn 13:37 09/11/2018

Vậy thì, trước khi ban hành Công văn số 489/UB-VX1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được chủ sở hữu tài sản “ủy quyền” định đoạt hoặc ủy quyền được tham gia định đoạt tài sản chưa? Đã có trong tay quy định nào từ văn bản luật làm căn cứ pháp lý ban hành chưa? Nếu “chưa” thì rõ ràng là không ổn rồi!

Âm mưu phá hoại Phật giáo của Pháp Luân Công

Ý kiến – Diễn đàn 15:30 07/11/2018

Pháp Luân Công, một tổ chức ngụy trang Phật giáo, đã bóp méo giáo lý của Phật giáo. Cộng đồng Phật giáo phản đối việc đăng ký của Pháp Luân Công cũng là để làm sáng tỏ và bảo vệ Phật giáo chính thống thì lại bị buộc tội không coi trọng nhân quyền. Ai là kẻ vi phạm nhân quyền, phá hoại tôn giáo khác và ai mới là người bảo vệ tôn giáo chính thống?

Suy nghĩ đôi điều về sự cầu siêu và cúng thí thực

Ý kiến – Diễn đàn 15:10 11/10/2018

Cầu siêu là cầu mong siêu thoát, nghĩa là dùng phương pháp nào đó để giúp vong linh của người đã chết vượt qua khỏi cảnh khổ đau. Ý nghĩa thì như vậy, nhưng có siêu thoát được hay không, đây là vấn đề thuộc phương pháp siêu độ hay nói đúng hơn là Pháp thuật vi diệu nào đó mới siêu độ nổi vong linh người quá cố.

Nhà Phật có cấm đánh ghen không?

Ý kiến – Diễn đàn 05:15 09/10/2018

“Tinh tinh”... tiếng chuông tin nhắn vang lên. “Nhà Phật có cấm đánh ghen không mày?”, đọc tin cô bạn thân gửi mà tôi vừa thấy buồn cười lại vừa lo lắng. Tôi vội nhấc điện thoại hẹn gặp bạn ngay để hỏi thăm tình hình, phòng trường hợp bạn “giận quá mất khôn”.

Xem thêm