Ấm lòng những bữa cơm từ thiện "ngon và lành" nơi xóm nghèo
Lời cảm ơn của người dân dành cho "anh Tám, chú Tám, bác Tám" khi được một bữa ăn nơi xóm nghèo khiến tôi tò mò. Người đàn ông này làm từ thiện bằng cái tâm suốt thời gian dài, nhiều người biết đến những suất ăn "ngon và lành" của ông, tôi cũng muốn thưởng thức để cảm nhận hết những ân tình…
Thắm đượm ân tình
Trưa 29-7-2022, tôi chen chúc trong dòng xe cộ đông đúc trên đường Nguyễn Tất Thành từ hướng Q4 sang Q7, TPHCM. Nắng như đổ lửa, cùng với bụi, khói, xe ken kín mặt đường, rẽ vào xóm nhỏ, khu phố bình yên trong con hẻm số 60 đường Lâm Văn Bền, thuộc KP4, P.Tân Kiểng, Q7, bỗng nghe các anh chị kháo nhau: "Cảm ơn, vì cơm ngon quá...". Trước ngôi nhà số 60/76, nhiều người đang chờ vào bên trong nhận những phần cơm, trong đó có mấy em bé quần ống thấp, ống cao đang chờ. Một phụ nữ đứng tuổi đầu đội cái nón lá rách tả tơi che khuôn mặt đen sạm nhoẻn miệng cười khi thấy tôi tò mò hỏi chuyện. "Chú có vào lấy cơm không? Chú Tám đang phát nè, cơm ở đây cơm ngon lắm đó nghen!", chị nói và hướng dẫn: "Đã mấy năm rồi, cứ vào mùng 1 âm lịch và ngày rằm hàng tháng, chú Tám đều phát cơm từ thiện, mà đặc biệt là các món ăn rất ngon... nên ai cũng muốn được thử".
Giữa trưa nắng, nghe vậy, tôi bỗng thấy mát lòng. Trong nhà, ông Tám cùng một số phụ nữ, trong đó có các chị Trần Thu Thủy, Trần Thị Nhút... đang thoăn thoắt xúc cơm cùng thức ăn theo từng suất rồi tận tình trao cho bà con đang đứng chờ. Treo hàng chục hộp cơm lên chiếc xe máy cũ kỹ, chị Nhút bảo: "Mang đến cho mấy bác, mấy chú lao động ngoài kia". Thấy cháu bé chừng 11 tuổi đến xin 5 suất, tôi lân la hỏi chuyện thì bé trả lời: "Dạ bác Tám cho cơm ngon lắm nè, con xin luôn cho cả nhà. Cứ mùng Một, rồi ngày Rằm, con lại đại diện gia đình đến xin cơm và đồ ăn, bác Tám biết nhà con nghèo nên lúc nào cũng ưu tiên trẻ em được nhận trước...". "Cơm từ thiện chẳng những no, mà còn rất ngon nữa nè”, bà cụ cầm mấy suất cơm trên tay vui mừng nói với tôi lúc trở ra từ nhà chú Tám. Tôi cũng xin được một hộp cơm chay và thú thật là ngon quá, khó thể diễn tả bằng lời. Cách nấu của ông Tám cùng hai chị Thủy, Nhút khiến những người được thưởng thức phải trầm trồ vì độ đậm đà của gia vị, sự tươi mới của thực phẩm được lựa chọn rất kỹ trước khi chế biến...
Tâm từ thiện của người cán bộ hưu trí
Ông là Nguyễn Văn Đực, năm nay đã 62 tuổi. Quê ở Vĩnh Long nhưng lớn lên tại TPHCM, chứng kiến nhiều hoàn cảnh nghèo khó là vậy, nên ngay từ ngày còn là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, ông đã ấp ủ sau này sẽ làm từ thiện, của ít lòng nhiều chia sẻ giúp bà con, mà trước hết là những hoàn cảnh khó khăn nơi địa phương mình ở. Là cán bộ chuyên về xuất nhập khẩu, sau đó chuyển sang ngành điện tử của TPHCM, đi nhiều, gặp gỡ nhiều, cái tâm làm từ thiện trong ông Tám ngày càng lớn khi gặp những hoàn cảnh éo le. Nay về nghỉ hưu tại địa phương, với đồng lương ít ỏi (khoảng 4 triệu đồng/tháng), ông bắt đầu thực hiện quyết tâm của lòng mình: làm từ thiện. Nhưng điều khác biệt ở ông là ngoài việc ăn no, còn phải làm sao để ăn ngon nữa. Từ đồng lương hưu hàng tháng, ông Tám xoay xở ngăn phòng cho thuê để kiếm thêm kinh phí, bởi ông không muốn dựa vào người khác.
Ông cho biết: "Tôi ngăn được 8 phòng tại chính ngôi nhà mình đang ở để cho thuê, với giá 2 triệu đồng/tháng/ phòng, cộng với khoản lương hưu ít ỏi, vì tôi cũng chẳng phải chăm sóc ai ngoài mình, nên đã dồn hết tâm sức cùng kinh phí mình kiếm được từ tiền cho thuê phòng để làm từ thiện".
Thực phẩm được ông Tám cùng những người phụ giúp chuẩn bị trước đó một ngày. Từ đi chợ, lựa nguyên liệu, đến tuyển các loại gia vị, thực phẩm tươi ngon rồi chế biến, nấu nướng từ sáng sớm tinh mơ cho đến trưa là sẵn sàng các suất ăn trao đến tận tay bà con nghèo, khu người lao động. Đều đặn việc thiện nguyện được thực hiện từ năm 2016 đến nay, giúp nhiều hoàn cảnh thêm ấm lòng giữa lúc khó khăn.
Ông Tám tâm sự: "Thương lắm những bà con đến muộn nên hết suất ăn, có người thẫn thờ mãi không rời đi, tôi đành phải dúi vội ít tiền và dặn lần sau bà con chịu khó đến sớm". Nhìn người đàn ông tóc đã "muối nhiều hơn tiêu" vừa xong câu chuyện đã vội quay đi lo việc khác, tôi chợt nghĩ có lẽ ông đang cố kìm nén cảm xúc khi nhắc đến những trường hợp này...
Tự hứa với lòng mình "thương thì thương cho trót", ông sẽ cố gắng duy trì bữa cơm từ thiện "ngon và lành" theo cách của mình đều đặn hàng tháng để giúp đỡ mọi người...
Hỏi về niềm vui lớn nhất khi làm từ thiện, ông Tám bảo: "Trước đây tôi suy nghĩ mãi, cũng đã có nhiều người làm từ thiện lắm, chỉ cần giúp bà con ấm bụng là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng tôi quyết tâm làm sao để món ăn dù mình làm từ thiện nhưng phải ngon và bổ dưỡng, để bà con cảm nhận được tấm chân tình của mình mang lại".
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm