Ba nghĩa của Sa môn
Sa môn có nghĩa là người nghèo, người chuyên cần, người đoạn dứt: “Người nghèo” là người chịu sống an phận nghèo để vui đạo (Bần giả); “Người chuyên cần” là người chuyên cần tu giới, định, huệ (Cần giả); “Người đoạn dứt” là người dứt trừ tham, sân, si (Tức giả).
Người nghèo
“Người nghèo” là điều đầu tiên mà tất cả mọi người tu đều phải có. An trong phận nghèo để vui với đạo là phẩm cách thanh cao của người xuất gia. Nếu như không chịu nghèo thì không thể nào có niềm vui trong đạo.
Yên nơi phận nghèo là biết đủ với những cái đã có và ít muốn với những cái chưa có, gọi là “Ít muốn biết đủ”.
Biết đủ với ba chiếc y, mấy bộ đồ, vài quyển kinh, một chiếc xe để đi học. Hoặc người lớn tuổi thì có thêm cặp mắt kiếng để xem kinh, một cái đơn để ngả lưng là đủ. Nếu luôn có tâm không biết đủ thì suốt ngày nhìn ngó và tự than trách. Nhìn thấy người nổi tiếng hơn mình hoặc có nhiều đồ đạc hơn, thì khởi tâm tham muốn và mong cầu. Người không biết đủ, an bần thì tâm sẽ không bao giờ yên, mỗi khi nghe tiếng hay gặp sắc là tâm liền rối động vì không thể ở yên nơi vị trí của nó. Chịu làm một người nghèo thì mới có thể làm người tu chân chánh.
Đức Thế Tôn từ địa vị ở trên muôn ngàn vạn người vinh hoa tột đỉnh của trần thế, nhưng đã vứt bỏ tất cả để làm một người ẩn sĩ sống một mình trong rừng núi hoang vắng. Hoặc ngài Trần Nhân Tông xem ngai vàng cung vua, điện ngọc giống như đôi giày rách buông xuống nhẹ nhàng. Chính vì chí khí siêu phàm của các Ngài, mà ngày nay mọi người đều tôn thờ. Trong văn học Phật giáo, chúng ta thường hay thấy bức tranh vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi chéo chân trên mỏm đá bên bờ suối cầm một cây quạt lá rất đơn sơ, áo mão của nhà vua và chiếc đai bằng ngọc đang trôi theo dòng nước, kế bên đó là hai câu thơ:
Áo mão kim đai theo dòng nước
Chuông từ mõ trúc vọng chân không.
Đức vua Trần Nhân Tông đã cởi bỏ hết tất cả áo mão kim đai cho trôi theo dòng nước và chỉ cầm trên tay một cây quạt lá phe phẩy nhẹ nhàng thảnh thơi thoát tục, thưởng thức hương vị ngọt ngào của thiên nhiên. Đấy cũng là hình ảnh của một người an bần lạc đạo, làm khuôn mẫu cho Trời người. Ngoài ra, còn có rất nhiều bậc vua chúa, thái tử, vương tôn, công tử cao quý ở các nước như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Nhật Bản... đã từ địa vị cao tột vứt bỏ hết mọi thứ để “đầu trần chân đất” xuất gia tu hành. Các Ngài thì như thế, không lẽ bây giờ chúng ta là con cháu lại đi tìm thêm cho nhiều? Thấy rõ bản chất của một người xuất gia thì chúng ta sẽ trừ bỏ được sự ngã mạn và kiêu hãnh. Buông bỏ hết tất cả là bản chất cao thượng của người tu. Tại sao? Bởi vì dù đang ở địa vị cùng tột, giàu sang khiến người nể sợ hoặc nổi tiếng khắp thế giới cũng vẫn bị tám thứ khổ hành hạ, chi phối không thể tránh khỏi. Cuối cùng, họ cũng phải quay về tìm người chân tu, mong chỉ dạy cho con đường thoát khổ.
Người xuất gia là người chỉ con đường sáng cho chúng sinh, soi rọi ánh đèn Bát-nhã cho ba cõi, phải thấy được vị trí, giá trị như vậy mới có thể làm đúng, hành trì tốt và thật sự có lợi ích rộng lớn.
Người xưa nói:“Việc của người xuất gia không phải quan văn hay tướng võ có thể làm được”. Đại tướng quân có thể chiến thắng trăm trận, đánh bại muôn người; hay thừa tướng, quan văn đứng đầu triều thần cầm bút giũ mực thành chương, vang danh thiên hạ; thì cũng không thể sánh với việc làm của người xuất gia, bậc chiến thắng chính mình.
An phận với cái nghèo và vui được với đạo đó là bước thứ nhất cần phải làm được, như vậy mới có thể thành tựu được bước thứ hai và thứ ba.
Người chuyên cần
“Người chuyên cần” là người siêng năng ngày cũng như đêm, trong từng phút giây lúc nào cũng chuyên tâm trong Giới học, Định học, Tuệ học. Trong kinh A-hàm có đoạn: “Sở dĩ Ta và các người trôi lăn trong sinh tử vô lượng vô biên ức kiếp là tại vì không thấy được Giới học của Hiền Thánh, Định học của Hiền Thánh, Tuệ học của Hiền Thánh. Do Ta thành tựu được Giới, Định, Tuệ của Hiền Thánh xuất thế, cho nên ngày hôm nay mới chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Giới-Định-Tuệ là cánh cửa giải thoát muôn đời không thể thay đổi được. Là cánh cửa chung cho tất cả Hiền Thánh quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong khi nghe pháp là đang nhiếp về Tuệ học; lúc tĩnh tọa niệm Phật là nhiếp về Định học; còn khi tụng oai nghi giới luật, thu nhiếp sáu căn thuộc về Giới học. Nếu hiểu thấu triệt thì sẽ thấy trong giới có định, tuệ và ngược lại trong tuệ cũng có định, giới. Khi đã thọ giới rồi thì hằng ngày phải thường tụng đọc mười giới Sa-di để ghi nhớ và giữ gìn.
Từ Giới học, Định học, Huệ học sinh ra pháp thân huệ mạng của người tu. Thân mạng bằng da thịt này mong manh tạm bợ như giọt sương đầu ngọn cỏ, như đám mây nổi trên nền trời thoáng chốc liền tan, chỉ có Pháp thân huệ mạng mới là cái chân thật muôn đời không biến đổi.
Người đoạn dứt
“Người đoạn dứt” là điều kiện thứ ba mà người tu cần phải đạt được. Từ sự siêng năng tu tập giới, định, tuệ mà có thể chấm dứt tham, sân, si.
Giới dứt trừ tham dục
Định dứt trừ sân nhuế
Tuệ dứt trừ si mê.
Tất cả phương pháp giáo dục của đức Phật đều nhắm thẳng vào trọng tâm, dùng giới, định, tuệ để phá vỡ tham, sân, si vượt ra khỏi ba cõi.
Trước tiên, đức Phật chỉ cho chúng ta thấy được nguyên nhân hình thành đau khổ và não phiền. Sau đó, Ngài chỉ bày những phương pháp đập tan và bứng tận gốc rễ của nó.
Trong sách Luật Thiện Kiến có ghi: “Lành thay! Bậc trượng phu biết rõ cuộc đời vô thường, xả tục hướng đến Niết-bàn thật là người hiếm có khó nghĩ bàn được”. Với ba ý nghĩa như trên thì chữ “Sa môn” là một danh xưng khiêm nhường của người xuất gia.
Ngoài ra, bậc Tỳ-kheo còn có ba ý nghĩa khác là Khất sĩ, Bố ma và Phá ác.
“Khất sĩ” là người trên cầu chánh pháp của Phật, dưới nhờ sự cúng dường thực phẩm của đàn việt để giáo hóa chúng sinh.
“Bố ma” là người làm cho ma quân khiếp sợ. Chúng ta tu hành thanh tịnh, làm thầy của Trời người có định lực, đạo lực, tuệ lực khiến cho ma khiếp sợ, kính nể. Ngược lại, chẳng những không có công phu tu hành mà còn khiếp sợ ma quân, gọi là “Ma bố», thì làm sao thành tựu được Đạo quả.
“Phá ác” là phá trừ nghiệp ác để thành tựu chỗ chí cao chí thiện. Khi ngồi dưới gốc cây Bồ-đề tu Đạo, Thái tử Tất-đạt-đa đã phát nguyện dù có thịt nát xương tan cũng phải gắng sức đạt tới chỗ phải đạt đến, và cuối cùng Thái tử đã đạt được Phật quả. Như vậy nếu hạ quyết tâm, tinh tấn nỗ lực, thì rốt cuộc chúng ta sẽ hoàn thành được mục đích của việc xuất gia là thành tựu phạm hạnh. Noi theo hạnh nguyện của đức Thế Tôn, người tu phải có ý chí mạnh mẽ, dù thịt nát xương tan cũng phải gắng sức đạt tới chỗ cần phải đạt đến, không nên vừa thấy khó khăn, trở ngại hoặc nhọc nhằn một chút thì liền bỏ dở nửa chừng. Nếu chúng ta luôn tìm cho mình con đường dễ dàng hoặc tìm chỗ an ổn, ấm áp thì sẽ mãi luẩn quẩn trong sáu nẻo luân hồi, thậm chí thân người còn không được huống nữa là tấm thân thanh tịnh của bậc Hiền Thánh.
Thái tử Tất-đạt-đa phát nguyện tiếp: “Nếu nơi này ta không đắc đạo dù cho xương tan thịt nát cũng không lìa khỏi chỗ ngồi này. Nếu thực đúng như lời của Ta, thì khi quăng bình bát xuống nước, hãy trôi ngược trở về”.
Với chiếc bát trôi ngược dòng nước cùng hình ảnh Thái tử Tất-đạt-đa ngồi dưới cội Bồ-đề quyết tâm tìm đạo đã minh chứng cho những thế hệ xuất gia sau này tâm hùng liệt, ý chí thấu trời của một người quyết tâm tu hành giải thoát khỏi sinh tử. Cũng vậy, tất cả những bậc Cao Tăng về sau này đều là những người “Nhẫn được những điều khó nhẫn; làm được những việc khó làm”, thậm chí hy sinh cả thân mạng để tìm cầu chánh pháp và làm lợi lạc cho chúng sinh.
Xuất gia không phải để tìm nơi có cuộc sống nhẹ nhàng thoải mái, cũng chẳng phải để tìm bạn bè đông vui, đạo tràng lớn nổi tiếng... Nếu vì những mục đích đó thì tốt hơn nên ở tại gia. Trong kinh Công Đức Người Xuất Gia có nói: “Sự xuất gia dù chỉ trong một ngày một đêm đi nữa cũng được hai trăm vạn kiếp không sa đọa vào đường ác. Thường sinh trong chỗ thanh tịnh, hưởng được phước trí thù thắng, gặp được thiện tri thức,vĩnh viễn không có thối chuyển. Hằng gặp chư Phật được lãnh lời thọ ký Bồ-đề, ngồi tòa Kim Cang thành bậc Đại Giác”. Một ngày chúng ta ở trong đạo tràng tu tập đúng theo những gì đức Phật đã nói ở trên thì phước đức, nhân duyên và quả báo to lớn không thể nghĩ bàn. Khi một người phát tâm xuất gia chân chính với chí nguyện rộng lớn thì sẽ làm chấn động tất cả các cung Ma trong Tam thiên Đại thiên thế giới. Điều đó báo hiệu có một bậc đại anh hùng với trí tuệ siêu việt có thể làm lợi ích rộng lớn cho chúng sinh trong ba cõi sẽ xuất hiện ở nơi đời.
Đại sư Liên Trì nói: “Xuất gia như người xưa thì cung Ma chấn động; còn xuất gia như bây giờ, không chịu tu tập thì cung Ma ăn mừng”. Nghe câu nói sâu sắc này, chúng ta nên xem xét, kiểm điểm kỹ lưỡng bản thân của mình.
Đại đức Thích Minh Thành
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Phật giáo thường thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Nghi thức tụng Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 6 (Phát đại thệ nguyện)
Phật giáo thường thức 21:13 22/12/2024Theo Hòa Thượng - Pháp Sư Tịnh Không, đối với những Phật tử bận rộn, không có nhiều thời gian để tụng trọn bộ Kinh Vô Lượng Thọ quá dài trên 2 giờ thì có thể phân ra thời khóa buổi sáng tụng Phẩm thứ 6 (Phát đại thệ nguyện) và buổi tối tụng từ phẩm thứ 32 (Thọ lạc không cùng tận) đến phẩm thứ 37.
Kinh Nhất Thừa là gì?
Phật giáo thường thức 15:45 22/12/2024Pháp môn nào có thể chứng đắc Phật quả rốt ráo trong một đời sẽ gọi là Nhất Thừa, pháp môn ấy cũng là pháp môn Nhất Thừa, kinh ấy cũng là kinh Nhất Thừa.
Cõi đời phiền não hay là mình phiền não cõi đời?
Phật giáo thường thức 15:12 22/12/2024Nên biết tất cả sự trói buộc gốc từ mình mà ra, nên bỏ cũng từ mình chớ không phải ở bên ngoài. Cho nên Phật bảo “buông” là buông cảnh, đừng dính với nó. Ta cứ đổ thừa cảnh dính mình, không ngờ mình dính cảnh.
Xem thêm