Bản ngã và sự bám chấp
Nếu biết giữ thái độ an nhiên thư thái trước tất cả, chúng ta có thể hạnh phúc dù chỉ với một tách trà nóng trong một ngày trời lạnh, dù ta đang có hay không chiếc iPhone đời mới nhất thì cũng chẳng sao.
Là một người hướng đạo tâm linh, tôi đi khắp nơi trên thế giới, lắng nghe mọi người chia sẻ những khó khăn và cố gắng tìm ra lối thoát tinh thần cho họ.
Mặc dù thế giới này đầy rẫy những thảm họa thiên tai, nghèo đói, chiến tranh xung đột, nhưng tôi nhận thấy phần lớn những khổ đau mà con người phải gánh chịu lại bắt nguồn từ tâm bám chấp vào tiền tài, danh vọng, hay các mối quan hệ. Tâm chấp thủ bấu víu vào mọi thứ - niềm tin, con người, của cải – khiến cuộc sống trở nên chật chội và ngột ngạt. Tâm chấp thủ luôn ao ước những thứ ta không thể có, giống như kẻ đứng núi này trông núi nọ. Chúng ta bám chấp vào những ước muốn của bản thân, thấy bất hạnh nếu không được thỏa mãn, hết than thân trách phận lại đổ lỗi cho người. Khi thất vọng vì không được toại nguyện, chúng ta dễ nổi cáu và nản lòng. Một ước muốn đơn giản ban đầu dần dần bị thổi phồng và đè nặng lên chúng ta bởi sức mạnh của tham ái và chấp thủ. Chúng ta đã biến chúng trở thành điều kiện của hạnh phúc, thay vì nhận thấy những ước mơ đó có thể thành sự thực nhưng cũng có thể không. Bám chấp quá nhiều như vậy sẽ khiến cuộc sống trở nên căng thẳng nặng nề một cách không cần thiết.
Tư tưởng then chốt trong triết lý sống Phật giáo có liên quan tới phạm trù “bám chấp” và việc lý giải những bám chấp của chúng ta vào sự vật, hiện tượng, con người chính là nguyên nhân dẫn đến vô vàn đau khổ và bất an trong tâm. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần trưởng dưỡng tình yêu thương hoặc vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, không được quyền có tham vọng và mong muốn làm tốt mọi việc trong cuộc sống. Song chúng ta cần hiểu được bản chất của bám chấp, đó là điểm mấu chốt. Ngay khi những mong muốn của chúng ta chuyển thành sự bám chấp, hay sở hữu do bản ngã chi phối, những mong muốn đó sẽ trở thành nguồn gốc tiềm tàng của khổ đau. Ban đầu, nỗi khổ đau đó dường như không đáng kể nhưng nó sẽ là nhân cho những nỗi thống khổ tiếp theo và lớn hơn sau này. Chúng ta thường có xu hướng bám chặt vào những tham ái chấp trước, muốn mọi thứ nguyên vẹn bất biến song trên thực tế vạn pháp vốn chẳng có gì thường hằng. Các mối quan hệ đều biến dịch theo thời gian, công việc sẽ thay đổi hoặc đôi khi ta có thể bị thất nghiệp, ngay cả gạch ngói hay những bức tường thành cũng có ngày sụp đổ và trở về cát bụi. Mỗi chúng ta đến với cuộc đời với hai bàn tay trắng và chắc chắn cũng sẽ từ giã cõi đời cũng hoàn toàn trắng tay. Ấy vậy mà trong cuộc sống, ta luôn muốn cóp nhặt, tích trữ thật nhiều sở hữu. Việc mong ước một cuộc sống viên mãn với đầy đủ của cải, vật chất, danh tiếng thực ra không phải là điều xấu. Điều tôi muốn nhấn mạnh là bạn đừng bao giờ quá bám chấp và hệ lụy vào những điều này. Khi có khả năng đón nhận mọi việc đến rồi đi một cách bình thản, bạn đã có thể làm tâm bất an lắng dịu.
Lấy một ví dụ đơn giản về sự bám chấp. Giả sử tôi có một chiếc đồng hồ thời thượng và tôi đập vỡ nó ngay trước mặt bạn. Bạn có thể phản ứng, “Ôi, chắc Ngài bị mất trí!” hoặc “Chiếc đồng hồ này đẹp quá! Nhưng Ngài đã đập vỡ mất rồi”. Chỉ vậy thôi. Nhưng nếu tôi tặng bạn chiếc đồng hồ này và năm phút sau tôi đập vỡ nó. Khi đó, chắc hẳn bạn sẽ vô cùng tức tối “Tại sao Ngài lại đập đồng hồ của tôi?” Lý do là gì? Tôi vẫn là tôi, bạn vẫn là bạn, cái đồng hồ cũng vậy. Nó vẫn chỉ là một vật vô tri vô giác, giống hệt như lúc trước, nhưng giờ đây, khi bạn đã khởi tâm bám chấp và coi nó là của mình, thì sự mất mát ấy bỗng biến thành khổ đau.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta rất dễ bị bám chấp vào những tiện nghi xa xỉ. Thậm chí bạn sẵn sàng coi chúng là mục tiêu phấn đấu chính trong đời. Quả thật chúng ta nên phấn đấu và nỗ lực hết mình, nhưng bạn cũng cần biết nhìn nhận mọi thứ theo đúng bản chất của nó. Nhu cầu cơ bản của con người để có được hạnh phúc chỉ là cơm ăn áo mặc và mái nhà trú thân. Nếu bám chấp vào bất cứ thứ gì khác, bạn đang đẩy mình vào sự bất an, bởi lẽ bạn sẽ luôn phải cạnh tranh để có được nhà mới, xe sang hoặc những kỳ nghỉ xa xỉ hơn. Đến lúc nào đó, lẽ đương nhiên chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng, vì vậy chúng ta không nên đánh đồng những thứ bên ngoài đó với hạnh phúc. Tôi không có ý can ngăn các bạn ở trong khách sạn sang trọng và cũng không gợi ý bạn chọn cách sống khổ hạnh. Song tôi nghĩ chúng ta cần tự do tự tại một cách tùy duyên, nếu muốn, ta có thể ở trong khách sạn hoặc vận quần áo thơm tho đẹp đẽ, song cũng hoàn toàn có thể ngủ một giấc ngon lành trong lều tranh xoàng xĩnh. Cuộc sống như thế thật khoáng đạt và phù hợp với sự vô thường không bằng phẳng của dòng đời. Trên thực tế, việc nghỉ qua đêm trong khách sạn là một bài pháp thú vị. Khi nghỉ ở một khách sạn 5 sao, chúng ta tận hưởng từng phút giây mọi tiện nghi xa xỉ sẵn có, nhưng khi trả phòng vào sáng hôm sau, chúng ta chẳng bao giờ than phiền do biết rõ đã đến lúc phải ra đi. Trong khi thường thì chúng ta sẽ rất gắn bó và cảm thấy vô cùng đau khổ nếu phải lìa xa ngôi nhà lâu năm của mình.
Cuộc sống luôn đầy ắp thăng trầm. Nếu không biết chấp nhận, không chuẩn bị sẵn sàng đón nhận, chúng ta sẽ khổ đau khi biến cố chướng ngại ập đến. Trong suốt cuộc đời, chúng ta phải trải qua muôn vàn khó khăn. Điều quan trọng là thay vì quá bận tâm đến những thử thách này, chúng ta cần học cách đương đầu với chúng một cách dũng cảm và trí tuệ. Khi đã rèn luyện tâm tự tại và mạnh mẽ, chúng ta có thể đối diện với bất kỳ điều gì.
Tôi cũng hiểu rằng loài người có quyền tự do ham muốn và tham vọng, có quyền viên mãn các sở nguyện của mình. Song chúng ta cũng cần linh hoạt và hiểu rằng mọi thứ đều có thể thay đổi, vì vậy bám chấp thái quá sẽ chẳng đem lại ích lợi. Nếu biết giữ thái độ an nhiên thư thái trước tất cả, chúng ta có thể hạnh phúc dù chỉ với một tách trà nóng trong một ngày trời lạnh, dù ta đang có hay không chiếc iPhone đời mới nhất thì cũng chẳng sao.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm