Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 26/02/2012, 13:50 PM

Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ III (1992-1997) của GHPGVN tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV

Có được những thành tựu đó là do Giáo hội có đường hướng đúng đắn, phù hợp với Đạo pháp, Dân tộc trong xu thế phát triển của xã hội và thời đại. Đó là đường hướng “Trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, trang nghiêm Giáo hội”

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh.

Kính thưa Đoàn Chủ toạ

Kính thưa Quý vị Khách quý

Kính thưa Quý vị Đại biểu,.

Hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm, hòa hợp, hoan hỷ chung của Đại hội, tất cả những người con Phật chúng ta từ mọi miền Đất nước vân tập về đây để cùng nhau điểm lại những Phật sự của Tăng, Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện trong 5 năm của nhiệm kỳ III, thông  qua chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IV của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nhiệm kỳ nối liền thế kỷ XX và thế kỷ XXI. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin trình bày tóm tắt các mặt hoạt động Phật sự trong năm năm qua như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Năm năm qua, tiếp tục công cuộc đổi mới, nhân dân ta đã từng bước đưa Đất nước ổng định và phát triển trên các lĩnh vực, nổi bật nhất là kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và ngoại giao mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng dân giàu nước mạnh, hòa hợp và hữu nghị với cộng đồng các nước trên thế giới. Việt Nam đã chính thức gia nhập khối ASEAN và có triển vọng sẽ trở thành nước phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc bầu cử Quốc hội khoá X đã thành công tốt đẹp. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng nhằm tiếp tục sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước. Thực hiện xã hội công bằng văn minh.

Các vị giáo phẩm tiêu biểu của Giáo  hội vừa được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá X nói lên sự hòa nhập tích cực giữa Phật giáo với cộng đồng dân tộc, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Tăng, Ni,Phật tử và nhân dân đối với Đạo Pháp và Dân tộc .

Trong tinh thần hòa hợp đoàn kết phụng Đạo yêu nước, Giáo  hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra, chương trình hoạt động của Giáo  hội phù hợp với tâm tư nguyện vọng của Tăng, Ni Phật tử Việt Nam tạo thành một sức sống mãnh liệt và là nguồn cổ vũ lớn lao cho Tăng, Ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước tin tưởng vào chủ trương và đường lối lãnh đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng trang nghiêm, phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người lợi dụng hình thức Phật giáo gây ảnh hưởng không tốt đối với sự thống nhất Phật giáo. Nhưng với tinh thần hòa hợp, gắn bó với đất nước độc lập Tăng, Ni, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vững bước đi lên trong lòng dân tộc, lớn mạnh theo uy tín và niềm tin của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, có ảnh hưởng tốt với cộng đồng Phật giáo quốc tế.

Mặt khác, trên cơ sở chương trình hành động 6 điểm của Giáo  hội cũng như các Ban, Ngành, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội, qua 5 năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã củng cố sắp xếp được nhân sự các Ban, Ngành, Viện trực thuộc Trung ương Giáo  hội làm việc đồng bộ, thực hiện có hiệu quả đường lối hoạt động của Giáo  hội. Các Ban, Ngành như Tăng sự, Giáo dục Tăng, Ni, Hoằng pháp, Văn hoá, Phật giáo quốc tế v.v... đã có những bước chuyển biến tích cực. Mỗi Ban, Ngành, Viện đều có chương trình hoạt động cụ thể, sinh động và đa dạng. Tất cả những hoạt động đó đều dựa trên nguyên tắc thống nhất ý chí và hoạt động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đặc biệt là đã thể hiện nhuần nhuyễn tinh thần đoàn kết hòa hợp tăng trưởng đạo tâm, trang nghiêm Giáo  hội.

Từ những đặc điểm đó, hôm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IV (1997-2002), không chỉ tổng kết các mặt hoạt động Phật sự trong lần III (1992-1997) mà còn thể hiện sự kế thừa xuyên suốt hoạt động Phật sự của Giáo  hội Phật giáo Việt Nam. Đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của lịch sử Phật giáo Việt Nam, những năm cuối của thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, mở ra một kỷ nguyên mới.

II. CÁC THÀNH QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

A. VỀ MẶT TỔ CHỨC

1. Các Ban, Ngành, Viện Trung ương

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ III, theo tinh thần Hiến chương đã được tu chỉnh. Giáo hội có 10 Ban Ngành, Viện hoạt động trực thuộc Trung ương Giáo  hội. Mỗi Ban đều có Nội quy sinh hoạt và văn phòng làm việc đặt tại Văn phòng Trung ương Giáo  hội, hoạt động hài hòa dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo  hội Phật giáo Việt Nam.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã tiến hành công tác tu chỉnh nội quy hoạt động của Ban Thường trực, quy chế hoạt động của các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, chỉ đạo các Ban Trung ương soạn mới hoặc tu chỉnh Nội quy các Ban để trình thông qua và được phép thực hiện.

Đồng thời, tại các địa phương, thực thi Thông tri của Trung ương Giáo hội, các Ban Trị sự Tỉnh, Thành  hội Phật giáo đã triển khai thực hiện nội dung quy chế. Nội quy hoạt động của mình và của các Ban, Ngành, Viện Trung ương, góp phần tăng cường công tác xây dựng, củng cố  và phát triển Phật sự tại địa phương, đề ra phương hướng hoạt động chung của các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, thực hiện có hiệu quả chương trình hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội và Tỉnh, Thành  hội, giúp cho bộ máy làm việc của các Ban Trị sự sinh động và phong phú hơn.

2. Cơ sở Văn phòng

Giáo  hội Phật giáo Việt Nam có 2 Văn phòng - Văn phòng 1 đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Văn phòng 2 đặt tại chùa Xá Lợi, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đầu năm 1993, sau khi Giáo  hội tiếp nhận Trung tâm Quảng Đức cũ nay là Thiền viện Quảng Đức, Văn phòng 2 Trung ương Giáo  hội được dời về Thiền viện Quảng Đức. Điều này tác động mạnh mẽ đến các hoạt động của Giáo  hội, chẳng những Giáo  hội có được mặt bằng hoạt động một cách độc lập và nơi làm việc cho các Ban, Ngành, Viện mà còn có thêm một số phòng ốc để làm cơ sở văn phòng Giáo  hội.

Văn phòng 1 đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước và sự ủng hộ Tài chính của Tăng  Ni, Phật tử , đã khởi công trùng tu, nay công tác đã hoàn tất với kinh phí hàng tỉ đồng. Văn phòng 2 tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tu bổ một số phòng làm việc, xây dựng mới cổng Thiền viện Quảng Đức, tiếp nhận 3/6 phòng của dãy lầu 294 Bis đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, để sử dụng vào các Phật sự của Giáo  hội. Tuy nhiên cơ sở Thiền viện Quảng Đức do xây dựng quá lâu, đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Do đó cần có kế hoạch trùng tu, để giúp cho Giáo  hội có cơ sở hoạt động được hữu hiệu hơn.

3. Xây dựng và củng cố các cấp Giáo  hội tại địa phương

Thực hiện tinh thần Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được tu chỉnh nhằm kiện toàn hệ thống lãnh đạo, tổ chức và tăng cường hiệu năng hoạt động của Ban Trị sự các Tỉnh, Thành trong nhiệm kỳ qua đã có 47 đơn vị Tỉnh, Thành  hội đã tổ chức Đại hội theo đúng thời gian quy định. Trên tinh thần trang nghiêm và trẻ hoá hàng kế thừa các cấp, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo kết hợp hài hòa giữa các quy định của Hiến chương và thực tế tại địa phương. Mỗi thành viên Ban Trị sự phải hội đủ các yếu tố phẩm chất đạo đức và năng lực điều hành các hoạt động Phật sự ngày càng đa dạng, phong phú theo đà phát triển của xã hội. Trên lĩnh vực này, nhiều Tỉnh, Thành đã đi đầu và điển hình như: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Tây, Ninh Bình, Thái Bình, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh...

Đối với những tỉnh mới phân chia địa giới hành chính, được hướng dẫn của Trung ương Giáo hội và sự quan tâm của chính quyền, Mặt trận địa phương Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đã kịp thời bổ sung thành phần nhân sự hoặc tổ chức Đại hội bầu Ban Trị sự nhiệm kỳ I như các Ban Trị sự thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bình Dương, Cà Mau, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Bắc  Ninh, Bắc Giang v.v... hoặc bầu Ban Trị sự Tỉnh lâm thời để hoạt động nhịp nhàng và đồng bộ với các Ban Trị sự tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước.

Những đơn vị có nhiều khó khăn về mặt khách quan cũng như chủ quân ở giai đoạn đầu, nhờ sự hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, tận tình giúp đỡ của các cấp lãnh đạo chính quyền, đã khắc phục khó khăn, tiến hành Đại hội bầu Ban Trị sự tỉnh, Thành hội Phật giáo thành công tốt đẹp. Trong đó có các tỉnh như: Thừa Thiên-Huế, An Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Kon Tum v.v...Tuy nhiên tại Gia Lai, do những điều kiện khó khăn khách quan và cả trong Tăng  Ni, Phật tử địa phương, vẫn chưa tiến hành được Đại hội Phật giáo Tỉnh nhiệm kỳ I. Vấn đề này đang được Trung ương Giáo hội và địa phương quan tâm. 

B. VỀ CÁC MẶT HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CHUYÊN NGÀNH

1. Về Tăng sự

Kế thừa những thành quả đã đạt được của nhiệm kỳ II, Ban Tăng sự, theo chức năng và nhiệm vụ của mình, đã bám sát và triển khai các công tác trọng tâm theo chương trình hoạt động một cách xuyên suốt có hiệu quả.

Công tác thống kê Tăng, Ni, Tự viện là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội từ nhiệm kỳ I. Từ năm 1984, Giáo  hội đã tiến hành thống kê Tăng Ni, Tự viện, nhưng mới chỉ là bước đầu, đến nhiệm kỳ II công tác đạt được kết quả tương đối, cuối nhiệm kỳ III công tác tạm hoàn tất ở mức độ cụ thể và chính xác. Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước có:

*Tăng  Ni: 28.787 vị. Trong đó: Bắc tông 19.221, Nam tông 7.687, Khất sĩ 1.879.

+ Tỷ khiêu: 2.662, Tỷ khiêu  Ni: 2.436, Thức xoa: 971,

+ Sa di: 3.889, Sa di  Ni: 4.087.

+ Tỷ khiêu, Sa di Nam tông: 7.687.

+ Điệu Tăng 2.342, Điệu  Ni: 2.224.

* Về Tự viện có 14.048 ngôi

+  Bắc tông: 10.383

+ Nam tông: 469

+ Tịnh xá Khất sĩ: 516

+ Tịnh thất: 1.295

+  Niệm Phật đường: 1.385

Việc xuất gia tu học, tạm trú, nhập khẩu hợp thức tại các Tự viện được tiến hành một cách có hiệu quả. Việc này đã giúp Trung ương Giáo hội cũng như địa phương quản lý Tăng, Ni, tại các cơ sở tự viện nhất tâm đoàn kết xung quanh Giáo  hội. Đến nay Trung ương Giáo hội đã cấp 7.072 chứng nhận Tăng, Ni trong cả nước. Nhưng tại một số ít nơi, một số vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới việc bổ nhiệm Trụ trì hoặc thu nhận Tăng, Ni trẻ vào những Tự viện v.v...vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương.

Thực hiện tinh thần duy trì Tỳ  Ni Luật tạng Phật chế, trưởng dưỡng đạo tâm,

trang nghiêm Giáo hội, tu tập Tam vô lậu học “Giới - Định - Tuệ”. Giữ gìn qui củ tùng lâm, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội, trong nhiệm kỳ III, 40 Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tổ chức An cư kiết Hạ có từ 9.000 - 10.000 Tăng Ni an cư tập trung, 10.000 - 15.000 Tăng, Ni an cư tại chỗ, trong tinh thần hòa hợp đoàn kết, không phân biệt. Về nội dung tu học trong 3 tháng Hạ, Ban Giảng huấn các Trường Hạ trích giảng các môn Kinh, Luật, Luận theo chương trình Cao cấp Phật học, các Ban Phật học, một số môn sinh hoạt ngoại khoá như sinh hoạt Giáo  hội v.v...Đồng thời mời đại diện các Cơ quan Tôn giáo, Ban Tuyên huấn, Mặt trận Tổ quốc v.v... đến trình bày một số chuyên đề về chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước cho Tăng, Ni các Trường Hạ được thông suốt, để góp phần làm “tốt Đời đẹp Đạo” theo đúng chủ trương của Giáo hội. Qua đó, Trung ương Giáo hội đã cấp 9.906 chứng điệp an cư cho Tăng  Ni trong toàn quốc.

Đáp ứng yêu cầu thụ giới tu học, hành đạo của Tăng, Ni và để trang nghiêm Tam bảo, Trung ương Giáo  hội và các tỉnh, Thành hội Phật giáo đã quan tâm tổ chức các giới đàn. Số lượng giới tử ngày càng đông, các giới đàn được tổ chức nghiêm túc, đúng theo qui phạm tùng lâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm và mối quan tâm hàng đầu của các vị Tôn túc lãnh đạo Giáo hội từ Trung ương đến Tỉnh, Thành hội. Mặc dù một số đơn vị Tỉnh hội trong công tác tổ chức giới đàn vì quá chú trọng số lượng mà chưa chú trọng đầy đủ chất lượng của Giới tử, nên đã ảnh hưởng đến một phần ý nghĩa và giá trị của Đàn giới.

Trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội đã tổ chức 57 giới đàn với 10.390 Giới tử gồm: 1.845 Tỷ khiêu, 1.256 Tỷ khiêu  Ni, 971 Thức xoa, 3.114 Sa di và 3.206 Sa di  Ni. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước khi tổ chức Đại giới đàn, đã chú ý việc thụ giới theo nghi thức riêng giữa Bắc tông và Nam tông. Đồng thời có sự quan tâm đến những nghi thức biệt truyền của Tăng  Ni Khất sĩ trong việc khảo hạch Giới tử về môn Luật và nghi thức tụng  Niệm theo Hệ phái. Ban tổ chức, Thập sư truyền giới bao gồm các thành phần giáo phẩm của Hệ phái cùng chủ trì và thực hiện một cách tốt đẹp trong tinh thần đoàn kết hòa hợp của người con Phật.

Cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường là những tế bào của toàn thân Giáo  hội. Do đó, công tác quản lý và điều hành cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng tại địa phương là điều rất quan trọng. Căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, được sự tận tình giúp đỡ của cơ quan chức năng lãnh đạo địa phương, Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đã tổ chức 356 Tăng, Ni Trụ trì các cơ sở Tự viện của Giáo hội trong toàn quốc.

Để tăng cường hiệu năng quản lý sinh hoạt, điều hành, hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử tu học, sinh hoạt về tín ngưỡng tại cơ sở, vị Trụ trì có chức năng làm là gạch nối, là cán bộ tại địa phương trong phạm vi sinh hoạt tôn giáo. Cùng Trung ương Giáo  hội, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội đã phối hợp tổ chức các khoá bồi dưỡng Trụ trì trong mùa An cư kiết Hạ hoặc sau mùa Hạ. Qua đó, đã bồi dưỡng được 864 Tăng  Ni Trụ trì các cơ sở Tự viện của Giáo hội thuộc 11 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo, thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Sông Bé (Bình Dương), Khánh hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng v.v... 

Nhìn chung, tình hình sinh hoạt Tăng Ni, Tự viện tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước tương đối ổn định, đoàn kết hòa hợp, tuân thủ Hiến chương Giáo  hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, thực hiện tốt các chính sách pháp luật, làm trọn bổn phận công dân, thực hiện hữu hiệu phương châm của Giáo  hội “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”.

2. Về giáo dục Tăng  Ni

a) Nhằm đào tạo một thế hệ Tăng, Ni có trình độ cao về Phật học và thế học, để đảm nhận các công tác Phật sự của Giáo  hội từ Trung ương  đến địa phương và tham gia hoạt động quốc tế của Phật giáo, trong chương trình giáo dục của Giáo hội, ở nhiệm kỳ đầu trường cao cấp Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã đào tạo được 49 Tăng  Ni sinh. Cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo được 59 Tăng Ni sinh. Khoá II cơ sở II đào tạo được 101 Tăng  Ni sinh.

Năm 1994, trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã tiếp tục khai giảng khoá II với 78 Tăng, Ni sinh và đang chuẩn bị tốt nghiệp vào cuối năm 1997.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ và bổ sung những kiến thức cần thiết về Phật học và thế học cho các Tăng, Ni sinh, Ban Giám hiệu trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I đã kết hợp với trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức lớp Đại học Triết học phương Đông cho 62 Tăng, Ni sinh, gồm một số đã tốt nghiệp khoá I và một số đang theo học khoá II, trong thời gian 4 năm.

 Khoá III trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất chương trình giảng dạy, tổ chức thi tốt nghiệp và phát bằng cho 234 Tăng Ni sinh vào tháng 1 năm 1997.

Rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, điều hành ở các khoá trước, khoá III trường Cao cấp Phật học đã có nhiều cải tiến trong chương trình học và dạy. Ngoài những Giảng sư về Phật học, Ban Giám hiệu cũng đã liên hệ mời thêm các vị Giảng sư có nhiều kinh nghiệm tại các trường Đại học đến giảng dạy để Tăng, Ni được trang bị đầy đủ những kiến thức nhất định về Phật học và thế học, có thể góp phần phục vụ cho Đạo pháp và Dân tộc một cách thiết thực và đạt hiệu quả cao hơn.

Đồng thời, Ban Giám hiệu trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam) đã tổ chức thi tuyển sinh và khai giảng năm học thứ nhất-khoá IV (1997-2001) vào ngày 25-6-1997 cho 290 Tăng, Ni sinh, với một chương trình Phật học được nâng cao và phong phú hoá, để phù hợp với nhu cầu phát triển của Giáo  hội Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại.

Thực hiện Di huấn của đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc thành lập 3 trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại ba miền đất nước. Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế đã đề nghị Trung ương Giáo hội thành lập trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Huế. Được phép của Chính phủ, nhà trường đã tuyển sinh và khai giảng năm học thứ nhất vào ngày 12-9-1997, với 165 Tăng  Ni sinh theo học.

Để phù hợp với danh xưng và hệ thống giáo dục-đào tạo trong nước và quốc tế, Đại hội Đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ III đã quyết nghị xin đổi tên trường Cao cấp Phật học Việt Nam thành trường Đại học Phật giáo Việt Nam. Qua tham khảo ý kiến chung, Giáo hội đã thống nhất xin đổi thành Học viện Phật giáo Việt Nam, và đã được Chính phủ chấp thuận theo Quyết định số 19 ngày 23-6-1997. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 3 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, thành phố Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan chức năng thành phố đã làm lễ khởi công xây dựng cơ sở Học viện, đánh dấu một bước phát triển mới của Học viện Phật giáo Việt Nam.

Nhằm thực hiện chương trình giáo dục nâng cao trình độ Phật học cho Tăng, Ni đã được cụ thể hoá trong chương trình giáo dục của Giáo  hội, năm 1995, Giáo  hội cho phép Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa-Vũng Tàu mở lớp Cao đẳng Phật học tại Đại tòng lâm với 144 Tăng, Ni sinh, năm 1996, Giáo  hội cho phép Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh mở lớp Cao đẳng Phật học với 291 Tăng, Ni sinh, năm 1997, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được Uỷ ban Nhân dân thành phố cho phép chiêu sinh gối đầu khoá II lớp Cao đẳng Phật học, có 453 Tăng, Ni sinh theo học. Đồng thời, Trung ương Giáo hội cũng đã cho phép Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Cần Thơ mở lớp Cao đẳng Phật học dành cho Tăng, Ni sinh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khu vực bên kia sông Hậu và đã được các cơ quan lãnh đạo địa phương chấp thuận trên nguyên tắc.

b. Song song với chương trình giáo dục hệ Đại học Phật học trong nhiệm kỳ qua, Trung ương Giáo hội cũng đã kiện toàn cơ chế tổ chức và hệ thống giáo dục Trung đẳng Phật học thông qua các Trường Cơ bản Phật học trong cả nước. Giáo  hội hiện nay có 25 trường đang giảng dạy từ năm thứ 1 đến năm thứ 4, hầu hết đã mở khoá II. Các tỉnh phía Bắc có 5 trường, các tỉnh phía Nam có 20 trường, với hơn 1.500 Tăng, Ni sinh theo học, trong đó đã có 16 Trường làm lễ mãn khoá I cho 2.600 Tăng  Ni sinh. Các Tăng Ni sinh tốt nghiệp tại các Trường Cao cấp Phật học cũng như Cơ bản Phật học đa số đang tích cực phục vụ tại các Ban, Ngành, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Ban Giám hiệu các trường Phật học hoặc Trụ trì tại các trú xứ để quản lý, điều hành các cơ sở Tự viện tại địa phương. Có thể nói, trên nhiều lĩnh vực, các Tăng, Ni này đã hoàn thành tốt trọng trách được giao, và điều đó một lần nữa khẳng định đường lối giáo dục Tăng, Ni của Giáo hội trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, đạt hiệu quả cao và ngày càng phát triển.

c. Nhằm tạo điều kiện căn bản cho những Tăng, Ni mới xuất gia tu học Phật pháp đồng thời làm cơ sở cho việc tuyển sinh tại các trường Cơ bản Phật học (tức Trung đẳng Phật học), các lớp Sơ cấp Phật học đã được tổ chức và đi vào hoạt động tại một số Tỉnh, Thành  hội theo chương trình giáo dục hệ 3 cấp. Có hơn 1.200 Tăng, Ni sinh đã tốt nghiệp và hơn 1.200 Tăng  Ni sinh đang theo học tại các lớp Sơ cấp Phật học tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình, Hà Bắc v.v...

d. Đối với chư Tăng Nam tông Khmer tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, được sự giúp đỡ của các chính quyền lãnh đạo cơ quan, Mặt trận, Ban Dân tộc ở Trung ương và địa phương, Giáo  hội đã mở các lớp Pali và Vini sơ cấp (1.700 Tăng sinh), Trung cấp (425 Tăng sinh), Cao cấp Phật học Pali (156 Tăng sinh), tổng cộng gần 2500 chư Tăng Khmer theo học. Các lớp này đang hoạt động có nề nếp và đạt hiệu quả khả quan, góp phần tốt đẹp vào chương trình giáo dục Tăng  Ni của Giáo  hội.

e. Trong những nhiệm kỳ qua, được sự giúp đỡ của Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương và địa phương, Giáo hội đã cho gần 100 Tăng, Ni du học tại các nước. Trong đó, do mối giao lưu văn hoá giáo dục Việt Nam và Ấn Độ, nên đã có 60 Tăng  Ni sinh du học tại đây. Ngoài ra, gần 40 Tăng, Ni sinh du học tại các nước khác như: Sri Lanka (3), Nhật Bản (2), Trung Quốc (4), Pháp (2), Đức (1), Úc (1), Mỹ (3), Đài Loan (13) v.v.... Thượng toạ Thích Chơn Thiện đã tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại trường Đại học Delhi Ấn Độ với hạng tối ưu, Đại đức Thích Tâm Đức và Sư cô Thích nữ Liên Tín đã trình luận án Tiến sĩ Phật học, 10 Tăng  Ni sinh đang thực hiện luận án phó Tiến sĩ và Tiến sĩ Phật học, 20 Tăng Ni sinh đang theo học chương trình Cao học Phật học. Như vậy Giáo  hội đã đào tạo được 3 Tăng, Ni sinh có trình độ Tiến sĩ Phật học, 10 Tăng, Ni có trình độ Phó Tiến sĩ, 20 Tăng, Ni sinh có trình độ Cao học, 750 Tăng, Ni có trình độ cử nhân, 783 Tăng  Ni đang theo học các lớp Cao đẳng Phật học, 2.600 Tăng, Ni đã tốt nghiệp và đang theo học chương trình Trung đẳng và hơn 1.000 Tăng, Ni sinh có trình độ Sơ đẳng Phật học.

Nhìn chung, công tác giảng dạy và nội dung học tập tại các trường này có kết hợp hài hòa giữa mặt nội điển và ngoại điển. Thái độ học tập rất nghiêm túc chuyên cần. Nề nếp sinh hoạt của nhà trường cũng như đời sống tu học của Tăng Ni sinh được Ban Trị sự và Ban Giám hiệu quan tâm giúp đỡ và cải tiến.

Bên cạnh những thành quả rất đáng tự hào đó, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng do nội dung chương trình giảng dạy và học tập mà Giáo hội đề ra chưa hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở một vài địa phương. Mặt khác, nói chung chất lượng đào tạo và kết quả học tập khá nhiều Tăng, Ni sinh chưa cao.

3. Công tác Hoằng pháp

Trong sự nghiệp Hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh của Giáo hội, chương trình thuyết giảng Phật pháp tại các lớp giáo lý, các giảng đường lớn ở những Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã được thực hiện liên tục và phát triển đồng bộ từ hình thức đến nội dung. Có một số đơn vị Tỉnh, Thành hội đã phát triển chương trình thuyết giảng Phật pháp đến tận Quận, Huyện, thị xã, đơn vị Tự viện như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Tây, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp v.v... mỗi nơi , hàng năm, trung bình có từ 1.700-2.000 thời pháp được thuyết giảng, mỗi địa điểm có từ 200 đến 500 hoặc 1.000 Phật tử thính pháp.

Nhằm phát hiện những nhân tố mới còn tiềm ẩn trong Phật giáo, nhân mùa an cư kiết hạ, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đã tổ chức hội thi diễn giảng cho Tăng, Ni Trường Hạ tại các nơi như Văn phòng 2 Giáo hội, Tỉnh, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp...tuyển chọn các Tăng, Ni giảng sinh có năng khiếu để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, đào tạo một thế hệ kế thừa cho ngành Hoằng pháp. Kết quả đã đào tạo được hơn 500 giảng sinh cho Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

Để nâng cao kiến thức và khả năng chuyên môn thuyết giảng, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức các Lớp bồi dưỡng giảng sinh mỗi khoá 3 năm cho 239 Tăng Ni (khoá I: 145 giảng sinh, khoá II: 94 giảng sinh thuộc các tỉnh phía Nam) tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội. Đồng thời đã tổ chức các khoá bồi dưỡng giảng sinh ngắn hạn ở một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo (tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội 2 khoá, thành phố Hồ Chí Minh 1 khoá, Cần Thơ 1 khoá, Thừa Thiên-Huế 1 khoá), đạt kết quả tốt đẹp. Và cũng là lần đầu tiên, sau 16 năm thành lập Giáo hội, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức được các khoá bồi dưỡng Giảng sư ngắn hạn và dài hạn tại Trung ương và một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Ban Hoằng pháp cũng đã cho ấn hành các tập tài liệu nghiên cứu diễn giảng để phục vụ cho giảng sinh và uỷ viên hoằng pháp các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước.

Nhân mùa An cư kiết Hạ hằng năm, Ban Hoằng pháp phối hợp cùng Văn phòng Trung ương tổ chức đi thăm và thuyết giảng tại các trường Hạ miền Bắc, miền Trung, miền Đông, miền Tây và thuyết giảng trên 1.700 thời pháp, tạo nên một bầu không khí học Phật sôi nổi, phát huy chính tín, chính kiến cho Tăng, Ni, Phật tử, đồng thời khẳng định sự phát triển vững mạnh và sinh hoạt đồng bộ về mặt truyền bá chính pháp một cách trong sáng và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, góp phần hạn chế sinh hoạt mê tín dị đoan, không phù hợp với chính pháp.

Điểm đặc biệt trong công tác hoằng pháp ngày nay là không những thực hiện đúng theo tôn chỉ mục đích của chính pháp, mà còn được vận dụng một cách “khế lý khế cơ” vào hiện thực cuộc sống, trên hai phương diện lý thuyết và thực hành. Với kết quả như vậy, chứng tỏ rằng chính yếu tố đoàn kết thống nhất các tổ chức Hệ phái Phật giáo trên qui mô cả nước đã đưa đến sự thống nhất về quan điểm tư tưởng và giáo lý trong chương trình thuyết giảng Phật pháp tại các đạo tràng, Tự viện và trong Tăng, Ni, Phật tử ngày nay.

4. Về Nghi lễ

Với những đặc thù của truyền thống từng Hệ phái, từng địa phương, từng vùng, do đó thực hiện được hình thức nghi lễ thống nhất vốn là việc khó áp dụng. Tuy nhiên, trên đại thể của tinh thần Phật giáo, nghi lễ đã được chấp nhận thống nhất về hình thức và một số nội dung dành cho các ngày lế lớn hàng năm như: Phật đản, Vu lan, Phật thành Đạo, và các lễ tưởng niệm v.v...Trung ương Giáo  hội đã có Thông bạch hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo. Đại lễ Phật đản hàng năm được tổ chức long trọng trang nghiêm tại các đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Đặc biệt ở Hà Nội, Nam Hà, Hà Bắc, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sông Bé, Đồng Tháp v.v... tại các lễ đài tập trung, có hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử tham dự trong không khí trang nghiêm và hoan hỷ. Có nơi tổ chức xe hoa, rước kiệu Phật, thả đèn trên sông, đốt pháo hoa để chào mừng và cúng dường ngày Đản sinh đức Phật một cách long trọng.

Một số đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tổ chức các lễ đài tập trung tại các Quận, huyện trong các ngày đại lễ. Điều này đã khẳng định sự Phật tử và ổn định của các sinh hoạt Phật giáo từ Trung ương đến cơ sở trong tinh thần hữu hảo, đoàn kết, nhất tâm hướng về các ngày kỷ niệm lịch sử thiêng liêng của những người con Phật trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Lễ Vu lan báo hiếu thường trùng hợp với ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 hàng năm. Cho nên đây cũng là một thắng duyên để Tăng, Ni Phật tử cả nước thể hiện trọn vẹn tinh thần đền ơn đáp nghĩa đối với Tổ quốc và nhân dân, qua các lĩnh vực uỷ lạo thương bệnh binh, trợ giúp và đỡ đầu các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, ủng hộ các công trình xã hội tặng quà tình nghĩa cho người nghèo, già cả, neo đơn v.v..., báo đáp bốn ân trong muôn một của người con Phật, mang màu sắc tôn giáo và dân tộc, tạo sự hài hòa Đạo pháp trong lòng dân tộc Việt Nam, thể hiện phương châm hoạt động  của Giáo  hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” một cách sâu sắc và đầy  ý nghĩa.

Đồng thời, lễ tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp và xây dựng đất nước như Quý cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận – Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Giác Nhu - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Trí Thủ - Chủ tịch đầu tiên Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Chân, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Siêu Việt, - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Từ Hạnh - Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng II Trung ương Giáo  hội v.v... một cách trang nghiêm trọng thể, có hàng ngàn Tăng, Ni Phật tử tham dự, thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật.

Nhân dịp Đại hội về “Hòa bình và giải trừ quân bị” do Trung tâm Quốc gia ABCP Nhật Bản phối hợp với Trung tâm Quốc gia ABCP Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội cuối tháng 3 năm 1993, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trên toàn quốc tổ chức mít tinh, chúc mừng Đại hội thành công, lấy chữ ký, cầu nguyện hòa bình tại các Tỉnh, Thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, Long An, Lâm Đồng v.v... kết quả vô cùng tốt đẹp, nói lên lòng hiếu hòa, tôn trọng sự sống, góp phần xây dựng và củng cố nền hòa bình nhân loại.

Ngoài ra, Giáo  hội cũng có những hướng dẫn đúng đắn trong lĩnh vực vận động Tăng, Ni, Phật tử thực hiện nếp sống văn hoá mới, hạn chế các hủ tục và những hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, hoàn toàn xa lạ với chính pháp, không phù hợp với trào lưu tiến hoá của xã hội.

Tuy nhiên, đây là một việc làm rất tế nhị, đòi hỏi chúng ta phải phân định chính xác những khác biệt của các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian với các hoạt động mê tín, hủ tục. Vì thế, bên cạnh việc ban hành các thông tri, thông bạch nhắc nhở sinh hoạt nghi lễ đúng chính pháp, thực hiện của Giáo hội Trung ương cũng như địa phương đã từng bước động viên, cổ vũ Tăng, Ni, Phật tử thường xuyên đến chùa nghe pháp, hướng dẫn đọc và nghiên cứu các tập Văn, báo Giác Ngộ của Giáo hội, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá lành mạnh, có tính giáo dục, phân tích và phê phán những hoạt động hủ tục, dị đoan sai lệch và những hậu quả tiêu cực do các hoạt động này mang lại, để qua đó, Tăng, Ni, Phật tử tự hiểu rõ thế nào là một niềm tin chân chính, tự tạo cho mình một phong cách trang nghiêm trong sinh hoạt tín ngưỡng, từng bước xa rời các hoạt động mê tín dị đoan và hủ tục, tích cực góp phần phát huy sự trong sáng của nền giáo lý đạo Phật.

5. Hoạt động Văn hoá Phật giáo

Với tinh thần phát huy nền văn hoá nhân bản, đạo đức và mang bản sắc dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn quan tâm thực hiện các mặt công tác trong lĩnh vực văn hoá.

Tập Văn định kỳ của Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội được ra ngay từ đầu nhiệm kỳ I, đến nay đã được 39 số, mỗi số từ 3.000 đến 5.000 bản. Các Tập Văn luôn luôn cải tiến về hình thức và nâng cao nội dung, để đáp ứng nhu cầu của độc giả ngày càng sâu rộng. Do nhu cầu độc giả ngày càng nhân rộng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn thư xin phép các cơ quan chức năng để chuyển đổi Tập Văn thành Tạp chí Văn hoá Phật giáo và đến nay đang chờ được giải quyết.

Báo Giác Ngộ tuy chính thức là tiếng nói của Thành  hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì Phật giáo chỉ có một tờ báo duy nhất nên cũng được xem là tờ báo thông tin chung của Giáo hội. Kể từ ngày có sự thay đổi cơ chế quản lý và tăng cường bổ sung nhân sự, mà cơ quan chủ quản là Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Báo Giác Ngộ đã không ngừng cải tiến từ hình thức đến nội dung, đáp ứng được yêu cầu của độc giả Tăng, Ni, Phật tử thành phố và cả nước. Khi còn là bán nguyệt san đã phát hành được 1.640.000 bản. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Ban Biên tập đã hoàn thành xuất sắc công tác thông tin đại chúng. Báo Giác Ngộ đã phản ảnh thông tin kịp thời về các ngày lễ lớn trong năm của dân tộc và Phật giáo, về thành quả và nội dung của các kỳ họp thường niên của Hội đồng Trị sự cùng các Đại hội Phật giáo Tỉnh, Thành hội, về các hoạt động xã hội và tình hình chung trong nước cũng như ngoài nước một cách sinh động và phong phú. Từ tháng 4/1996, Báo Giác Ngộ chuyển thành Tuần báo và thêm Nguyệt san. Đến nay đã ra mắt độc giả 87 số tuần báo, mỗi kỳ từ 12.000 đến 15.000 bản và 20 số Nguyệt san, mỗi số từ 7.000 đến 8.000 bản, với nội dung cải tiến và khởi sắc, thêm nhiều cộng tác viên có tên tuổi, uy tín tại Thành phố và trong nước tham gia. Tuần báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ đáp ứng được nhiều yêu cầu của độc giả. Tăng, Ni, Phật tử tại Thành phố, trong, ngoài nước đã tiếp nhận với một tinh thần lạc quan tin tưởng vào tương lai phát triển của nền báo chí Phật giáo nước nhà.

Ngoài ra, Ban Biên tập đã tổ chức hội thi nhiếp ảnh nghệ thuật nhân kỷ niệm 20 năm thành lập báo Giác Ngộ đạt được kết quả tốt đẹp. Để chào mừng Đại hội Phật giáo các Tỉnh, Thành và Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IV, Ban Biên tập Báo Giác Ngộ đã thông báo về việc tổ chức thi truyện ngắn với chủ đềPhật giáo và con người hướng về tương lai” Mặt khác, Ban học bổng Hiểu và Thương của báo Giác Ngộ đã duyệt xét và cấp 262 học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, học giỏi, tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Ban Từ thiện báo Giác Ngộ cũng đã thực hiện các mặt công tác từ thiện xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tổng trị giá hàng tỷ đồng.

Công tác xuất bản

Tại Trung ương Giáo  hội, Ban Văn hoá mỗi năm xuất bản khoảng 12 đầu kinh sách đã được chọn lọc kỹ về nội dung và chất lượng. Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản 237 đầu sách kinh, luật, luận, sử và truyện cổ Phật giáo, phát hành trên 1.900.000 bản sách. Một số Tỉnh, Thành trong toàn quốc đã thực hiện được 76 đầu sách các loại, tổng cộng trên 500.000 bản, đáp ứng được phần nào yêu cầu nghiên cứu, đọc tụng, học tập cho Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.

Công tác bảo tồn, trùng tu cơ sở Phật giáo

Được sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan, chư Tăng, Ni, Phật tử đã đứng ra chung lo trùng tu, kiến tạo hàng ngàn cơ sở Tự viện, Tổ đình và góp phần trang nghiêm hàng trăm danh lam cổ tự như chùa Bút Tháp, chùa Dâu (Bắc  Ninh), chùa Côn Sơn (Hải Dương), chùa Láng, chùa Kim Liên (Hà Nội), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Thầy, chùa Hương (Hà Tây), chùa Dư Hàng (Hải Phòng)..., tạo thêm vẻ mỹ quan cho xã hội. Nhất là khu di tích lịch sử Yên Tử, Quảng  Ninh, đã tu bổ xong ngôi chùa Đồng, chùa Hoa Yên, chùa Giải Oan, am Ngoạ Vân..., đường lên các ngôi chùa trên đã được sửa sang để phục vụ khách hành hương lễ bái. Thành  hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tham gia Ban xây dựng công trình đền tưởng niệm Bến Dược-Củ Chi, là một công trình lớn nhất của thành phố mang tính thế kỷ và đã ủng hộ một Đại hồng chung cỡ lớn, trị giá trên 100 triệu đồng. Đồng thời, 401 cơ sở Tự viện trong cả nước được Bộ Văn hoá thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Hoạt động văn nghệ

Đây cũng là một bộ phận hoạt động văn hoá hữu hiệu và khởi sắc. Các đoàn văn nghệ Phật giáo, câu lạc bộ ca nhạc, cải lương Phật giáo, các nghệ sĩ Phật tử chuyên và không chuyên đã tích cực thực hiện chương trình văn nghệ phục vụ quần chúng và Tăng, Ni Phật tử vào những ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, Vu lan báo hiếu, Thành đạo...các vở Quan Âm Thị Kính, Thái tử A Xà Thế, Thoát vòng tục luỵ, Tâm hướng đài sen...đã được dàn dựng. Phong trào văn nghệ quần chúng được dấy lên một cách rộng rãi, mang tính nhân bản và đạo đức Phật giáo. Đồng thời thực hiện hơn 10.000 video, cassete ca cổ nhạc Phật giáo, đáp ứng nhu cầu văn hoá văn nghệ cho Tăng  Ni Phật tử và nhân dân trong cả nước.

Đặc biệt trong những dịp tết cổ truyền của dân tộc Khmer như Thol Thal Smay, Dolta, Bocombok v.v...nhân dân địa phương đã tổ chức các lễ hội truyền thống như diễn Dù kê, đua thuyền, thả đèn lồng, dâng hoa, cầu phúc v.v... một cách trang nghiêm và trọng thể hòa trong sinh hoạt văn hoá chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Biên soạn các tài liệu lược sử Phật giáo

Nhằm làm tiền đề, cơ sở cho Giáo  hội biên soạn bộ Lược sử Phật giáo Việt Nam, với khả năng khiêm tốn và tài liệu cho phép, một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo như: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Nam Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận,  Ninh Thuận, Sông Bé, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang v.v...đã và đang từng bước hoàn chỉnh tài liệu tiểu sử các chư Tổ hoặc Lịch sử Phật giáo địa phương. Cụ thể như Thành hội Phật giáo Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành được bản sơ thảo bộ Lịch sử Phật giáo địa phương và sẽ ra mắt độc giả trong một tương lai gần.

Hội thảo

5 năm qua, Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Viện Khoa học thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Đạo đức Phật giáo, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện tại và hội thảo một số chủ đề: Phật Giáo  hội nhập vào nền văn hoá dân tộc : Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong việc dịch Kinh Phật, Phật giáo trong thế kỷ mới v.v... tại thành phố Hồ Chí Minh và tại Thiền viện Trúc Lâm Paris. Hàng trăm bài tham luận của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước tham gia. Các tập Kỷ yếu đã được ra mắt ngay sau đó, để ghi lại sự thành công của các hội thảo.

Đồng thời, một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tổ chức những cuộc hội thảo mạn đàm về ý nghĩa ngày Vu lan Báo hiếu, ngày Phật đản, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa Cách mạng Tháng 8 như ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Sông Bé v.v... tạo thành không khí nghiên cứu,  sinh hoạt văn hoá  đạo đời hòa quyện.

Triển lãm tranh ảnh Phật giáo

Nhằm giới thiệu tài năng, nghệ thuật sáng tác của các giới  Phật tử, Giáo  hội đã tổ chức  các cuộc triển lãm hội hoạ tranh ảnh, nghệ thuật điêu khắc, nhiếp ảnh, nhân tết Nguyên đán, lễ Phật đản, mùa Vu lan Báo hiếu như ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Sông Bé, Hải Phòng và tại các Đại hội Phật giáo Tỉnh, Thành trong toàn quốc.

Đồng thời, nhận lời yêu cầu của các cơ sở  cơ quan chức năng liên hệ, Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã phối hợp cùng với các Nhà Truyền thống, Viện Bảo tàng Cách mạng, triển lãm những hiện vật, tranh ảnh Phật giáo về các ngôi chùa thắng cảnh, các  hoạt động của những cơ sở, phong trào Tăng, Ni, Phật tử đóng góp công sức của mình trong hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8, sinh nhật Hồ Chủ tịch và thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhìn chung hoạt động văn hoá đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên mấy năm gần đây còn một số khó khăn về thủ tục xin xuất bản. Vì vậy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị các cơ quan chức năng cho thành lập nhà xuất bản chuyên trách nắm vững chuyên môn về tôn giáo để việc xuất bản kinh sách tôn giáo được thuận tiện, dễ dàng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo theo chính sách, pháp luật.

6. Về hoạt động Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử

Thực hiện tinh thần tứ chúng đồng tu của người con Phật trong ngôi nhà Giáo  hội Phật giáo Việt Nam, những năm qua, Ban Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử Trung ương, Tiểu ban Hướng dẫn nam nữ Phật tử các Tỉnh, Thành  hội đã triển khai Nghị quyết của Đại hộiĐại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ II, đặc biệt là của nhiệm kỳ III, với Hiến chương đã được Giáo hội tu chỉnh, cũng như chương trình hoạt động và Nội quy của Ban Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử Trung ương, các Nghị quyết, Thông bạch số 455, 570, 577 của Trung ương Giáo hội về việc củng cố và ổn định sinh hoạt gia đình Phật tử dưới sự lãnh đạo chung của Ban Trị sự Tỉnh, Thành  hội Phật giáo.

Được sự chỉ đạo của ngành Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử và các Ban Trị sựTỉnh, Thành hội Phật giáo, với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng tại địa phương theo Thông tư 01 của Ban Tôn giáo Chính phủ, tổng kết sơ khởi đã có khoảng 650 đơn vị gia đình Phật tử đăng ký với Tỉnh, Thành hội Phật giáo, với gần 44.407 đoàn sinh, 5409 huynh trưởng sinh hoạt trong Giáo hội. Đồng thời chương trình sinh hoạt gia đình Phật tử được triển khai có hệ thống như ra quyết định tạm thời công nhận Gia đình Phật tử, mở các khoá huấn luyện Huynh trưởng, Đoàn trưởng, Đầu thứ đàn, trại sinh hoạt hè, trại truyền thống v.v... tại các Tỉnh, Thành hội như thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam Đà Nẵng, Đắc Lắc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Dương, Cà Mau v.v... với hàng chục ngàn đoàn sinh tham dự.

Tuy nhiên, một số địa phương có hiện tượng gia đình Phật tử còn sinh hoạt ngoài phạm vi quản lý của Giáo hội, do một số huynh trưởng không thực hiện đúng các quy định  của Trung ương Giáo hội, Sự kiện đó đã tạo thành hai hệ thống gia đình Phật tử sinh hoạt song song tại một số địa phương, gây nên những khó khăn cho sự quản lý thống nhất về gia đình Phật tử. Giáo hội đang nỗ lực hướng dẫn, quản lý sinh hoạt gia đình Phật tử đi vào nề nếp dưới sự lãnh đạo chung của Giáo hội và các Tỉnh, Thành  hội Phật giáo.

Sinh hoạt của các Đạo tràng như Pháp Hoa, Dược Sư, tu Bát quan trai, Thập thiện, Tịnh độ, Tu thiền...thuộc các giới nam nữ Phật tử phát triển có nề nếp và được nhân rộng tại các cơ sở Tự viện của Giáo hội trong toàn quốc. Trung bình mỗi Đạo tràng có từ 100-500 Phật tử tham dự tu tập, sinh hoạt, nhất là các sinh hoạt tín ngưỡng của nam nữ Phật tử trung, lão niên, như nghe Pháp, tụng Kinh, thọ hành Đầu đà, học hỏi giáo lý hàng tháng là thức ăn tinh thần không thể thiếu của người con Phật tại gia. Nhìn chung, các giới nam nữ Phật tử đã thực hiện trọn vẹn tinh thần và bổn phận của người  Phật tử đối với đạo pháp và xã hội. 

7. Về Kinh tế Tài chính

Song song với các hoạt động về đạo pháp, các hoạt động lao động sản xuất, góp phần xây dựng đất nước, thực hiện kinh tế tự túc tại các Tự viện cũng đã được Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo các địa phương quan tâm. Trung ương Giáo hội đã hướng dẫn cụ thể thống nhất nào về mặt này. Do đó, hầu hết các Tăng, Ni tại các cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường đều tự giác thực hiện tự tạo kinh tế để ổn định cuộc sống bằng sức lao động của chính mình. Việc tu học của Tăng, Ni được kết hợp hài hòa với lao động sản xuất, tạo ra những nhu cầu vật chất tối thiểu trong cuộc sống tu hành.

Tăng, Ni tuỳ theo khả năng của từng chùa, thế mạnh của từng miền, từng vùng để làm kinh tế thích hợp. Như ở vùng nông thôn, đồng bằng Tăng, Ni tập trung trồng lúa, trồng hoa màu, cây ăn trái các loại, ở vùng cao nguyên đất đỏ, trồng trà, cà phê, hồ tiêu, bạch đàn, ở thành thị có các tổ hợp chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất gia công, tiểu thủ công nghiệp, làm ra hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, tận dụng mặt bằng, phát triển du lịch. Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ mang tính tự cấp tự túc tại các cơ sở Tự viện. Phần lợi nhuận trích nộp về quỹ hoạt động của Giáo hội Trung ương và địa phương còn khiêm tốn.

Thêm vào đó, hoạt động kinh tế của các cơ quan hành chánh của Giáo hội cũng gặp nhiều khó khăn, nên rất hạn chế kinh phí để thực hiện chức năng hướng dẫn lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động Phật sự. Hàng năm, Giáo hội chỉ nhận được một ít ngân khoản từ Trung tâm ngoại ngữ Quảng Đức của Văn phòng II hợp đồng với Trung tâm ngoại ngữ SEATIC trích nộp và công đức phí do Tăng, Ni Phật tử trong toàn Giáo  hội đóng góp.. Giáo hội cũng chỉ mới khai thác 21 mẫu đất trồng bạch đàn tai tượng tại tỉnh Lâm Đồng để tạo nguồn kinh phí hoạt động cho Giáo hội trong tương lai. Vì vậy, vấn đề hoạt động kinh tế đòi hỏi phải có những phương hướng cụ thể, để xây dựng cơ sở kinh tế ổn định, nhằm tài trợ cho những  hoạt động Phật sự tại các cơ quan Trung ương và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

(Về tài chính thu chi: có báo cáo chuyên đề)

8. Hoạt động Từ thiện xã hội

Chương trình Từ thiện Xã hội là những  hoạt động đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, đượm nét từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Vì thế Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã  hoạt động tích cực và có hiệu quả cao. Hiện nay trong toàn quốc có 25 Tuệ Tĩnh đường, nổi bật nhất là Tuệ Tĩnh đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu v.v... với 655 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động một cách có hiệu quả, đã khám và phát thuốc trị giá trên 9 tỷ đồng. Chương trình phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh đường đang mở rộng mạng lưới xuống các Quận, huyện, phường, xã trong cả nước.

Trong phạm vi cả nước có trên 196 lớp học tình thương và 116 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nhà nuôi trẻ em mồ côi, khuyết tật v.v... với trên 6467 em. Tuy nhiên, lực lượng giáo viên chuyên môn do Tăng, Ni, Phật tử đảm trách còn hạn chế. Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội đã tổ chức khoá bồi dưỡng nuôi dạy trẻ cho 92 Tăng, Ni, Phật tử học viên và phối hợp với trường Đào tạo Cán bộ Y tế Trung cấp của thành phố Hồ Chí Minh mở lớp bồi dưỡng cán bộ y tế sơ cấp trong thời gian một năm cho 69 Tăng, Ni, Phật tử theo học, để tăng cường hiệu năng hoạt động về y tế và Thượng toạ xã hội. Đặc biệt Tuệ Tĩnh đường Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh qua hai khoá (mỗi khoá 4 năm và 1 năm thực tập) đã đào tạo được 99 lương y, góp phần tăng thêm lực lượng Đông Y sĩ cho Giáo hội và xã hội, chia xẻ một phần gánh nặng cho xã hội và nhân dân trên tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật. Đồng thời đã ấn hành 2 tập Kỷ yếu Lạc Thiện với nội dung phong phú, hình thức trang nhã để Tăng, Ni, Phật tử và đồng bào nghiên cứu tham khảo.

Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và đạo lý của dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo và Tăng, Ni, Phật tử cả nước, dưới sự chỉ đạo của Giáo  hội, đã nỗ lực vấn đề tài chính, phẩm vật cứu trợ đồng bào bị bão lụt tàn phá thuộc các tỉnh miền Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Tăng, Ni, Phật tử cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ nhân dân Cu Ba anh em, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ tuyến đầu Tổ quốc, chiến sĩ biên phòng hải đảo, thăm viếng uỷ lạo thương bệnh binh và bệnh nhân nghèo khó tại các bệnh viện, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, ủng hộ quỹ bảo thọ, trợ cấp học bổng v.v...

Cụ thể như sau:

- Tuệ Tĩnh đường: 30.000.000.000 đ

- Ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa: 5.400.000.000đ.

- Ủng hộ và nuôi mẹ Việt Nam anh hùng: 2.250.000.000 đ.

- Trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học: 2.430.000.000 đ

- Nuôi cô nhi, trẻ khuyết tật, khiếm thị, cụ già neo đơn: 5.500.000.000 đ

- Trợ cấp lương giáo viên các lớp học tình thương: 950.000.000 đ

- Xây dựng đường xá, bắc cầu: 5.850.000.000 đ

- Cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt, đồng bào nghèo: 52.554.000.000

- Ủng hộ nhân dân Cu Ba: 447.230.000 đ

- Xoá đói giảm nghèo: 6.351.609.800 đ

Tổng cộng: 111.732.839.800 đ

Ngoài ra, Ban Từ thiện xã hội còn xây dựng 12 trường Tiểu học, Mẫu giáo, ủng hộ 121.889 áo quan, 740.118 tấn gạo, 890 xuồng và hàng chục ngàn tấn quần áo, thuốc men.

9. Về hoạt động quốc tế Phật giáo

Trong tinh thần hòa bình và hữu nghị với các nước Phật giáo trên thế giới, để hợp tác hoằng dương chinh pháp và góp phần xây dựng, củng cố nền hòa bình cho nhân loại, trước sự mở cửa và bang giao rộng rãi của nhà nước Việt Nam tạo ra thuận duyên tất yếu, chương trình hoạt động Phật giáo quốc tế của Giáo hội đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Giáo  hội đã tích cực thể hiện tư cách thành viên của tổ chức ABCP và liên kết thân hữu với Phật giáo Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Mông Cổ, Sri Lanka, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đài Loan v.v... Đồng thời đã đón tiếp và làm việc với rất nhiều phái đoàn Phật giáo đến thăm hữu nghị Việt Nam và Giáo hội tại trụ sở Trung ương Giáo hội ở Hà Nội và Văn phòng II tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, Giáo  hội đã tổ chức đi thăm hữu nghị một số nước Phật giáo ở Đông Nam Á và Tây Âu cũng như thực hiện các cuộc hội thảo chuyên đề về văn hoá, đạo đức, giáo dục Phật giáo và môi trường v.v... đạt được những kết quả đáng kể.

Nhìn chung, công tác Phật giáo giao lưu quốc tế trong những năm qua đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch hoạt động. Với nhận thức đúng đắn, hành động thiết thực trong tinh thần với Phật giáo các nước bạn, công tác quốc tế Phật giáo đã từng bước vượt qua các khó khăn trở ngại, hoàn thành được Giáo hội giao phó. Đây chính là những thành tựu tốt đẹp của Ban Phật giáo Quốc tế đáng được ghi nhận, góp phần tạo uy tín và sự hiểu biết nhiều hơn nữa cho Giáo  hội Phật giáo Việt Nam trong nước và thế giới. Sự hợp tác quốc tế về việc hoằng dương chính pháp, nghiên cứu thấm nhuần giáo lý đức Phật, khế hợp với thời đại phát triển khoa học ngày nay của Ban Phật giáo Quốc tế phù hợp với điều kiện mở cửa giao lưu văn hoá  của nước ta và góp phần tích cực cho hoạt động quốc tế Phật giáo của Giáo hội ta ngày càng phát triển. (có báo cáo chuyên đề).

Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 năm qua, đã phối hợp cùng với Văn phòng II Trung ương Giáo  hội đón tiếp 34 phái đoàn Phật giáo và khách quốc tế như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Malaixia, Indonexia, Ấn Đô, Sri Lanka, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Pháp và Đài Loan ..., góp phần trao đổi những kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực: văn hoá , giáo dục và Từ thiện xã hội thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị đối với Phật giáo các nước trong vùng và trên thế giới. Đồng thời, Văn phòng I Trung ương Giáo hội và nhiều Tỉnh, Thành hội trong cả nước, nhất là những nơi có di tích lịch sử-văn hoá, cũng đã đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về các mặt lịch sử, văn hoá  sinh hoạt tín ngưỡng, hoạt động của Giáo hội. 

10. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Thực hiện chương trình hoạt động của Viện, năm năm qua hoạt động của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Phân viện tại Hà Nội rất đa dạng, phong phú, trên cơ sở tiềm năng sẵn có và ý thức về vai trò Phật giáo trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa vă hoá  nhân loại. Điểm này đã được thể hiện cụ thể như sau:

Ban Phật giáo chuyên môn

Tiếp tục tập trung nghiên cứu một số vấn đề chuyên môn, trong chủ đề của một số Kinh quan trọng đang được giảng dạy tại các trường cao cấp Phật học và cơ bản Phật học trong toàn quốc: Kinh Viên Giác, Trung Quán luận, Duy Thức luận, Thanh Tịnh Đạo luận...tiếp tục dịch chú thích và ấn hành Bộ Câu Xá Luận của ngài Thế Thân từ bản Hán văn của ngài Huyền Trang. Kết hợp với Ban Phật giáo Việt Nam nghiên cứu các đề tài Phật giáo các thời Lý, Trần, Lê, chú trọng vấn đề tư tưởng văn hoá Phật giáo ảnh hưởng trong các triều đại này.

Ban Phật giáo Việt Nam

-  Sưu tập và sắp xếp các tài liệu văn hoá Phật giáo Việt Nam có sự tham gia của các học giả và giáo sư các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh .

- Tham gia bài viết “Phật giáo Việt Nam quá khứ và hiện tại” quyển sách này do Nhật Bản thực hiện để giới thiệu về Việt Nam. Hoàn thành tập 1 Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam và đang biên soạn tập 2 bộ sách này.

-  Tham gia hội thảo về chủ đề “lịch sử văn hoá Việt Nam”. Một số vấn đề về tư tưởng Hồ Chí Minh của Ban Khoa học Xã hội Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh  tổ chức.

- Đã phối hợp với các Ban, Ngành, Viện và tổ chức khác, thực hiện các cuộc hội thảo trong nước và quốc tết: “giáo dục Phật giáo, đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại”. Sự hội nhập của Phật giáo vào nền văn hoá dân tộc, giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á, Tôn giáo và sự phát triển. Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để dịch kinh Phật, Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền học Việt Nam. Phật giáo Thiền đời Trần, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thuyết Phân kỳ của lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thiền Nguyên thuỷ, Thiền phát triển, Vấn đề Uẩn xứ giới, nhất là chủ đề “Phật giáo trong thế kỷ mới, thời đại mới” tại Paris, Pháp v.v...các tập Kỷ yếu cũng đã được thực hiện để ghi lại sự thành công của các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế.

Ngoài ra Ban cũng đã biên soạn các tác phẩm có giá trị từ hình thức đến nội dung như Các vấn đề Phật học, Thiền học đời Trần, Cơ sở triết học Ấn Độ, Thuyết Tứ đế, Tôn giáo học vầ tôn giáo Đông Á và dịch chữ Hán quyển: Tin tức từ biển tâm, Tam Tổ Thực Lục v.v...

Ban Phật giáo quốc tế (có báo cáo riêng)

Ban Thư viện

Bốn thư viện Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Vạn Hạnh, Quán Sứ vẫn sinh hoạt đều đặn. Các Tỉnh, Thành  hội, có hàng ngàn phòng đọc và hàng ngàn phòng phát hành kinh sách Phật giáo, với trên 15.000 đầu sách đủ loại, đã góp phần phát triển hệ thống thư viện phục vụ độc giả một cách có hiệu quả. Thư viện Xá lợi đã nhận thêm 12 bộ kinh, sách quý do Ban Quản trị chùa Xá Lợi, Ban in ấn Thành  hội và các cá nhân gửi tặng. Các thư viện Vạn Hạnh, và Quán Sứ, Hà Nội 5 năm qua đã nhận 1.300 kinh sách chữ Hán gồm Đại Tạng Kinh, Phật Quang Đại Từ điển và các đầu sách khác, do Phật giáo Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan gửi tặng. Các thư viện Tỉnh, Thành  hội Phật giáo trong toàn quốc đã có 45 Bộ Đại Tạng Kinh và hàng chục ngàn đầu sách quý đủ loại.

Ban Báo chí in ấn

Khi Luật Xuất bản mới ban hành, Ban Báo chí in ấn có bị ảnh hưởng. Tuy vậy, hàng năm, Ban vẫn đảm bảo in ấn phát hành đúng kỳ hạn 3 Tập Văn Phật đản, Vu lan, Phật thành đạo. Ban cũng kịp thời thực hiện kế hoạch in ấn hàng năm bằng cách xuất bản bổ sung các tác phẩm: Lối vào Nhân minh học, Kinh Pháp Cú, Phật học Khái luận, Câu chuyện tiền thân đức Phật, Đường Tăng thỉnh kinh, Khoá Hư Lục, Hoàng Bá truyền tâm pháp yếu, Tam Tổ Thực lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ ng lục, Đạo Phật ngày nay, Tạng thư sống và chết, Pháp Hiền nhà chiêm bái, Phật giáo Nguyên thuỷ và Nhân sinh, Tìm vào thực tại, Chính pháp và hạnh phúc, Thiền hạnh phúc kỳ diệu, Tuyển tập truyện ngắn và kịch Phật giáo...

 Ban thực hiện Đại Tạng Kinh

Trong thời gian vừa qua, Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng phải vừa làm việc, vừa từng bước củng cố hoàn tất tốt công tác in ấn và phát hành 25 tập với trên dưới 18.000 trang, được dịch từ chữ Hán hoặc chữ Pali sang tiếng Việt, đó là  Trường Bộ Kinh 2 tập, Trung Bộ Kinh 3 tập, Trung A Hàm 3 tập, Trường A Hàm 2 tập, Tạp A Hàm 3 tập, Tăng Nhất A Hàm 1 tập (trọn bộ 3 tập), Tương Ưng Bộ Kinh 4 tập. Hiện đang hiệu đính các Bản kinh Đại Thừa Hán Tạng và sẽ ấn hành trong thời gian tới 

Giáo hội và Tăng, Ni, Phật tử đánh giá cao chất lượng hiệu đính các tập kinh trên. Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam tại hải ngoại cũng rất phấn khởi trước Phật sự trọng đại này, nên đã liên lạc về nước xin thỉnh nhiều kinh tạng đã được in. Do đó, mỗi lần xuất bản, Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam đều cho phát hành sang Pháp và Đài Loan hàng trăm tập để đáp ứng nhu cầu của Tăng  Ni, Phật tử Việt Nam tại hải ngoại.

Nhìn chung, trong thời gian qua, công việc của Hội đồng Phiên dịch tương đối gặp thuận duyên. Sau khi đã hoàn tất công tác hiệu đính, Hội đồng sẽ bắt tay vào việc phiên dịch trực tiếp các phần còn lại của Đại Tạng Kinh.

Giáo  hội cũng đánh giá rất cao sự nhiệt tình hỗ trợ cả hai mặt tâm lực và tài lực của một số Ban Trị sự các Tỉnh, Thành, Ban Đại diện các Quận, huyện và đông đảo Tăng  Ni, Phật tử trong và ngoài nước đã tích cực ủng hộ lời kêu gọi của Giáo  hội Phật giáo Việt Nam trong việc tiếp nhận, phát hành, phổ biến đọc và nghiên cứu rộng rãi Đại Tạng Kinh Việt Nam. Việc thành lập Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành đồng thời tập hợp rộng rãi sự ủng hộ đối với công trình Đại Tạng Kinh tiếng Việt càng chứng tỏ trách nhiệm và quyết tâm của Giáo  hội Phật giáo Việt Nam đối với Phật sự có ý nghĩa lịch sử này của Phật giáo và nền văn hoá nước nhà.

Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong bước đầu xây dựng, song do nhu cầu nghiên cứu của Tăng, Ni Phật tử các Tỉnh, Thành  hội phía Bắc, được sự chỉ đạo của Giáo  hội mà trực tiếp là Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Phân viện nghiên cứu Phật học tại Hà Nội đã từng bước đi dần vào ổn định và hoạt động  thu được một số kết quả nhất định. Phân viện đã nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản được một số đầu sách như Phật giáo với văn hoá dân tộc, Phật giáo với vấn đề triết học, Thiền Uyển Tập Anh, Kinh Phạm Võng, Kinh Thiện Sinh, Phật giáo chính tín, Phật học quần nghi, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Lịch sử Phật giáo thế giới tập 1 và 2, Khuyến phát Bồ đề tâm, Bát Nhã dư âm, Kinh Lương Hoàng Sám, Kinh Bi Hoa, Kinh Từ Bi Thuỷ Sám...ngoài ra còn tái bản một số kinh sách khác phục vụ việc học tập và đọc tụng của  Tăng, Ni Phật tử.

Trong việc nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản, Phân viện còn tổ chức biên soạn và đã xuất bản Bộ Từ điển Hán Việt Phật học với gần 3 vạn từ, in thành hai tập lớn, phát hành rộng rãi trong và ngoài nước, đáp ứng được phần nào yêu cầu của  Tăng, Ni Phật tử và giới nghiên cứu Phật học. Đây là bộ Từ điển Phật học lớn nhất ở Việt Nam, được nhiều người tán thán.

Thực hiện chương trình phiên dịch, xuất bản Đại Tạng Kinh của Giáo  hội, Phân viện đảm nhận phần phiên dịch Luật Tạng và đến nay đã hoàn tất việc phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ Phần để xuất bản thành 4 tập, tập đầu đã in xong và đã đến tay Tăng  Ni để nghiên cứu tu, học, 3 tập còn lại đang chờ kinh phí mới in. Bên cạnh đó, Phân viện cố gắng duy trì tờ Nội san Nghiên cứu Phật học, cho ra mắt độc giả đều đặn mỗi năm 4 số. Sau 5 năm hoạt động , tháng 1-1996, tờ Nội san được nâng lên thành Tạp chí Nghiên cứu Phật học, ra 2 tháng một số, và đã duy trì được mỗi năm đủ 6 số. Đến nay, cả thảy đã có 20 số Nội san và 11 số Tạp chí của Phân viện ra mắt độc giả, tuy về nội dung và hình thức còn có mức độ, song cũng được nhiều Tăng  Ni Phật tử trong và ngoài nước khích lệ.

Thành quả nói trên là do sự vận động tự thân của Phân viện, đồng thời nhờ có sự hảo tâm công đức của quý Hòa thượng, Thượng toạ, Tăng, Ni Phật tử. Nếu như không bị hạn chế về vật chất, hy vọng chương trình hoạt động của Phân viện có thể được thực hiện đầy đủ hơn và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu Phật học tốt hơn.

C. THAM GIA XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, gắn bó với dân tộc, phụng sự chúng sinh là cúng dàng chư Phật, trang nghiêm cho thế gian tức là trang nghiêm Tịnh độ chư Phật tại thế gian, với tư cách là thành viên của khối Đại đoàn kết dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam luôn luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động vì Tổ quốc hùng cường, nhân dân an lạc, xã hội công bằng, văn minh. Đó chính là thực hiện phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”. Các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc đã thường xuyên động viên Tăng, Ni, Phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các công tác ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá trên địa bàn dân cư, góp phần củng cố chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, góp ý kiến cho các báo cáo chính trị của Đảng ở Trung ương và địa phương, tham gia các hoạt động  xã hội, vì lợi ích của Đất nước và dân tộc.

Tham gia Quốc hội khoá IX và khoá X có quý Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Dương Nhơn, tham gia Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quý Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng  Dương Nhơn, Hòa thượng Danh Nhưỡng, Thượng toạ Thích Trí Quảng, Ni sư Ngoạt Liên, Đạo hữu Võ Đình Cường...Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có sự tham gia của nhiều vị Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng, Ni Phật tử, thể hiện truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam. Nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt” của  Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước xuất hiện.

  Nhà nước đã tặng thưởng các Huân chương cao quý về công lao cống hiến Đất nước như Huân chương Hồ Chí Minh cho cố Hòa thượng  Pháp chủ Thích Đức Nhuận, cố Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực Thích Thiện Hào và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho trường hợp Ni sư Đàm Mấn (Hải Dương),  Ni sư Đàm Thuấn (Ninh Bình), Ni sư Đàm Quảng (Ninh Bình), Ni trưởng Thích nữ Đạt Nhiễn (thành phố Hồ Chí Minh), Phật tử Hồ Thị Huệ...đã trực tiếp nuôi dưỡng nhiều thanh  Niên Phật tử hy sinh cho Tổ quốc. Hàng trăm Huy chương “Vì sự nghiệp Đại Đoàn kết toàn dân” cũng đã được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng. Đặc biệt Thượng toạ Thích Thanh Tứ được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương là chiến sĩ Cách mạng bị đế quốc cầm tù ở Hoả Lò và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trao tặng huy chương về công tác thương binh xã hội. Hàng ngàn thanh niên tu sĩ hoàn thành nghĩa vụ giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trở lại đời sống tu hành đã tiếp tục nêu cao tinh thần phụng đạo yêu nước. Hàng Phật tử Việt Nam thật sự chứng tỏ là một lực lượng công dân to lớn đã và đang hăng hái đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá nước nhà, cùng toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.

III. NHẬN XÉT ƯU - KHUYẾT ĐIỂM

Kính thưa chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh

Kính thưa Đoàn Chủ toạ,

Kính thưa Chư vị Khách quý,

Kính thưa Quý vị Đại biểu,

Thông qua các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ II, trên cơ sở chương trình hoạt động 6 điểm của Giáo hội, về cơ bản Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng củng cố, phát triển các mặt hoạt động của Giáo hội, tăng cường sự đoàn kết hòa hợp các Hệ phái Phật giáo, các thành viên Tăng, Ni, cư sĩ, Phật tử trong toàn Giáo hội. Từ những thành tựu này, cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam rút ra những kinh nghiệm và nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm và các mặt tồn tại như sau:

1. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Với tinh thần đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo  hội, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong những năm qua đã góp phần thực hiện có hiệu quả tôn chỉ mục đích đúng đắn của Giáo hội đề ra Hiến chương và chương trình hoạt động 6 điểm. Những thành quả Phật sự đạt được chính là do sự chung tay, góp sức, nhất tâm đoàn kết của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, không phân biệt Hệ phái, xuất gia hay tại gia, ở trong nước hay nước ngoài.

Thực tế hiện nay bộ máy lãnh đạo thống nhất của Giáo hội được thành lập hơn 16 năm qua đã tự hoàn thiện, không ngừng củng cố, mở rộng về nhân sự và chất lượng, trình độ để thể hiện trọn vẹn các nguyên tắc thống nhất đã đề ra. Đó là tính đoàn kết hòa hợp cao độ, thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đặt sự nghiệp chung vì Đạo pháp và Dân tộc lên trên sinh hoạt Hệ phái, cá nhân. Chính vì thế, những thành quả Giáo hội đạt được đã khẳng định một số ưu điểm lớn, quyết định sự phát triển lâu dài của Giáo  hội Phật giáo Việt Nam.

Mặt khác, với truyền thống ngàn đời yêu nước, gắn bó cùng dân tộc của Phật giáo chúng ta, Tăng, Ni cũng như Phật tử đã noi gương các bậc Tổ sư, tiền bối, luôn một lòng một dạ tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hoá xã hội, quốc phòng...đều có sự đóng góp nhiệt thành của Tăng, Ni, Phật tử, trong đó không hiếm những cống hiến xuất sắc, xứng đáng với truyền thống hộ quốc an dân của Tăng, Ni, Phật tử suốt chiều dài lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam.

Những thành qủa tốt đẹp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ qua đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng đất nước, đồng thời một lần nữa khẳng định niềm tin của Giáo hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa niềm tin của những bậc chân tu tiền bối trong các giai đoạn lịch sử và cách mạng Việt Nam - một niềm tin sáng suốt, xuất phát từ lòng yêu nước, thấm nhuần tư tưởng từ bi và trí tuệ của đạo Phật Việt Nam đã được kiểm nghiệm lâu dài trong thực tiễn.

Mặt khác, tinh thần “khế lý, khế cơ” của giáo lý đức Phật cũng là một trong những yếu tố quan trọng hướng dẫn chúng ta ứng dụng vào các mặt tổ chức và điều hành công việc của Giáo  hội. Tinh thần “khế cơ” dạy chúng ta phải biết vận dụng chân lý ấy cho thích hợp với tâm lý, căn cơ, hoàn cảnh của đất nước và thời đại.

2. ƯU - KHUYẾT ĐIỂM

A. Về mặt ưu điểm

Trên cơ sở chương trình hoạt động nhiệm kỳ III, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai công tác một cách cụ thể, bằng sự vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin Đạo pháp của các thành viên Tăng, Ni, Phật tử cả nước. Qua đó, Giáo hội đã thành tựu nhiều Phật sự và đạt được những kết quả như sau:

a. Từng bước triển khai và thực hiện có kết quả các mặt hoạt động của Giáo hội từ các Ban, Ngành, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội đến các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc. Qua phát huy những thành quả tốt đẹp đã đạt được, Giáo  hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, huy hoàng hơn trong lòng dân tộc.

b. Văn phòng Trung ương Giáo  hội đã được củng cố và tăng cường nhân sự hợp lý, quan hệ chặt chẽ, thông tin và giải quyết kịp thời nhiều Phật sự cần thiết. Văn phòng đã hoạt động tương đối có nề nếp, nhất là trong công tác tổ chức các Đại hội thường niên của Trung ương Giáo hội, kịp thời phổ biến các thông tri, chỉ đạo của Trung ương Giáo hội đến các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

c. Trung ương Giáo  hội đã hướng dẫn cho các Tỉnh, Thành hội Phật giáo chủ động tổ chức học tập, hội thảo về các văn kiện của Trung ương Giáo hội một cách có hiệu quả. Qua đó, các Tỉnh, Thành hội đã phát huy được vai trò kỷ cương lãnh đạo của Trung ương Giáo hội cũng như các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội theo đúng Hiến chương và các quy chế của Giáo hội.

d. Do bám sát chương trình hoạt động, luôn luôn quan tâm đến công tác Phật sự và tình hình sinh hoạt tại mỗi địa phương, nên khi có vấn đề bất ổn, Trung ương Giáo hội đã kịp thời cử đại diện về giải quyết, giúp địa phương ổn định tình hình sinh hoạt có hiệu quả tốt như Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Đắc Lắc, Kon Tum v.v...

e. Qua các hoạt động phụng sự Đạo pháp trong nước và các cuộc Đại hội, hội

thảo quốc tế tham quan nước ngoài, sự hiểu biết của Tăng, Ni, Phật tử trong nước cũng như uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng thế giới đều tăng thêm.

f. Trong bất cứ tình huống nào, Tăng, Ni Phật tử cả nước vẫn luôn luôn khẳng định vai trò, vị trí, tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất, đại diện cho Phật giáo và Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước. 

g. Do đường lối đổi mới và mở cửa, cũng như chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng cũng như sự yểm trợ chân tình của các cơ quan lãnh đạo ở Trung ương các các cấp, Giáo hội đã có thuận duyên để tiếp tục phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại.

h. Mặc dù trong những năm qua, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển phức tạp, lại có những âm mưu gây chia rẽ phá hoại sự thống nhất Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khắc phục và vượt qua mọi trở ngại, để hoàn thành sứ mệnh cao cả là Giáo hội của toàn thể Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tồn tại trong lòng dân tộc. 

B. Về mặt khuyết điểm

Bên cạnh các ưu điểm đã đề cập, trong quá trình hoạt động 5 năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tự nhận thấy và rút ra những mặt còn hạn chế, khuyết điểm, tồn tại nhất định:

a. Mặc dù có tăng cường nhân sự của Hội đồng Trị sự, các ban, ngành, viện nhưng việc điều hành quản lý và giải quyết công tác Phật sự còn tương đối chậm. Do đó, Giáo hội chưa giải quyết kịp thời một số hiện tượng mất đoàn kết phát sinh và những yêu cầu Phật sự cấp thiết tại một số địa phương.

b. Về mặt xây dựng tổ chức và củng cố cơ sở, đến nay có nơi như tỉnh Gia Lai, vẫn chưa tiến hành tổ chức được Đại hội Phật giáo Tỉnh, do nhiều điều kiện khó khăn khách quan và chủ quan, trong đó có việc mất đoàn kết nội bộ của một số Tăng  Ni Phật tử tại địa phương.

c. Một số công tác Phật sự của Giáo hội đã đề ra trong những năm qua đến nay vẫn chưa thực hiện được như việc xin chuyển Tập Văn của Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội thành Tạp chí văn hoá Phật giáo, các Ban, Ngành, Viện có liên quan chưa có chương trình và phương hướng hoạt động cụ thể, chưa tổ chức được khoá bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính cho các bộ phận văn phòng của Tỉnh, Thành hội, chưa biên soạn giáo trình, giáo án giảng dạy thống nhất các trường Phật học trong cả nước, chương trình phát triển văn hoá Phật giáo tại các vùng sâu, vùng xa, vùng cao nguyên và dân tộc ít người vẫn chưa được thực hiện (vì những khó khăn: chưa có kinh phí, thiếu nhân sự...)

d. Giáo hội chưa đặt rõ vấn đề kiểm tra thực hiện Hiến chương và các quy chế tại một số đơn vị Tỉnh, Thành hội, để tăng cường kỷ cương lãnh đạo và làm việc, nhằm ổn định tổ chức nhân sự, dựa trên cơ sở tôn trọng kỷ luật, trang nghiêm Giáo  hội trong tinh thần Đạo pháp, tạo sự lãnh đạo nhất quán giữa Trung ương và địa phương.

e. Do Giáo hội chưa có kế hoạch tạo nguồn kinh tế tài chính lâu dài và dự trữ để hoạt động nên một số công tác Phật sự trong nhiệm kỳ qua chỉ đạt được ở mức khiêm tốn.

IV. KẾT LUẬN

Qua năm năm hoạt động của nhiệm kỳ III, Giáo hội Phật giáo Việt Nam  đã thành tựu được nhiều Phật sự trọng đại. Có được những thành tựu đó là do Giáo hội có đường hướng đúng đắn, phù hợp với Đạo pháp, Dân tộc trong xu thế phát triển của xã hội và thời đại. Đó là đường hướng “Trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, trang nghiêm Giáo hội” đoàn kết hòa hợp Phật giáo và phát huy truyền thống ngàn đời gắn bó hòa quyện Phật giáo với dân tộc như “sữa hòa trong nước” trên đường tiến lên theo phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”. Chính trên nền tảng đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra và thực hiện thành công chương trình hoạt động 6 điểm của nhiệm kỳ III.

Yếu tố cơ bản để thực hiện đường hướng cũng như tạo nên những thành tựu nói trên là do Trung ương Giáo hội, xuyên suốt quá trình lãnh đạo của mình, đã luôn luôn có ý thức vun bồi, bảo vệ sự nghiệp đoàn kết, thống nhất Phật giáo Việt Nam và tôn trọng truyền thống tu học đúng chính pháp.

Giáo hội ta cũng mạnh dạn nhìn vào thực tế, nhận xét, đánh giá đúng đắn những ưu khuyết điểm và những hạn chế, tồn đọng khó khăn trong 5 năm qua, để rút kinh nghiệm và tạo cơ sở nhận thức đề ra chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IV. Tất cả Tăng, Ni, Phật tử chúng ta nhất tâm những kết quả tốt đẹp chúng ta nhất tâm phát huy những kết quả tốt đẹp đã thành tựu, những nội dung tư duy tích cực đã tích luỹ, thống nhất ý chí và hoạt động để phấn đấu hoàn thành chương trình hoạt động của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV đề ra.

Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam  tin tưởng rằng với sức mạnh đồng tâm hiệp lực phục vụ Đạo pháp của toàn thể Tăng, Ni, Phật tử  Việt Nam trong và ngoài nước dưới sự hướng dẫn sáng suốt có kỷ cương của Giáo hội, được sự quan tâm hỗ trợ tận tình và trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam cùng nhân dân cả nước, nhất định sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh phụng sự Tổ quốc và nhân loại của Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường vững chắc, đạt những kết quả to lớn, sâu bền và tốt đẹp hơn nữa.

Với tinh thần đó, chư Tăng, Ni, Phật tử hãy quán triệt tinh thần, nội dung chương trình hoạt động 6 điểm của Giáo hội trong nhiệm kỳ IV, ứng dụng hài hòa với tình hình xã hội, Đất nước và thế giới có nhiều cơ duyên thuận lợi đồng thời đòi hỏi phải khắc phục không ít khó khăn trên đường đi tới, để công đức tu học, phụng sự của mỗi người không ngừng tinh tiến, các mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội đều hoàn thành viên mãn, tiếp tục trang nghiêm vững mạnh ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Tăng, Ni, Phật tử chúng ta và đất nước ta bước vào thế kỷ XXI.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu  Ni Phật.


Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thông báo: Chấp thuận Hiến chương sửa đổi và nhân sự mới của Trung ương GHPGVN

Kỳ IV 15:37 14/03/2012

Thủ tướng Chính phủ chấp nhận Hiến chương sửa đổi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân sự Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đại hội suy tôn, suy cử và đề nghị của Giáo hội

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Kỳ IV 15:31 14/03/2012

Hiến chương này gồm có 11 chương và 48 điều được Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước soạn, duyệt, nhất trí thông qua và biểu quyết năm 1981

Thư của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV gửi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước

Kỳ IV 14:46 13/03/2012

Giáo hội kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước, báo đáp Phật ân, đồng tâm hiệp lực xây dựng Giáo hội, quyết chí ủng hộ các công tác của Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam

Thư của Đại hội gửi Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Kỳ IV 14:43 13/03/2012

Đại hội đã thành công tốt đẹp về mặt tổ chức và nội dung. Thành tựu này một lần nữa, chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo ở trong lòng Đất nước và dân tộc, được Nhà nước và quần chúng nhân dân ủng hộ

Xem thêm