Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hiến chương này gồm có 11 chương và 48 điều được Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước soạn, duyệt, nhất trí thông qua và biểu quyết năm 1981
(được tu chỉnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp tại Hà Nội ngày 22-23 tháng 11 năm 1997)
LỜI NÓI ĐẦU
Trong gần hai ngàn năm hiện diện trên Đất nước Việt Nam, hòa mình cùng dân tộc, Đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc, với truyền thống yêu nước, suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa, cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên tin cậy trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã thực hiện từ lâu, nhưng chưa được trọn vẹn. Nay trong bối cảnh dân tộc đã độc lập, Tổ quốc đã thống nhất, cả nước đang đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Phật giáo Việt Nam đã có đầy đủ cơ duyên thực hiện nguyện vọng thống nhất ấy.
Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, nhưng các truyền thống Hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp vẫn được tôn trọng, duy trì
Lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh là lập trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
CHƯƠNG I
DANH HIỆU - HUY HIỆU - TRỤ SỞ
Điều 1: Tổ chức Phật giáo Việt Nam cả nước lấy danh hiệu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viết tắt là GHPGVN.
Điều 2: Huy hiệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hình tròn, ở giữa vòng trong có hoa sen trắng 8 cánh, trên nền xanh lá cây đậm, với gương sen 8 hột, vòng ngoài có dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” màu trắng.
Điều 3: Trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt tại chùa Quán sứ, số 73 Phố Quán Sứ - Hà Nội.
CHƯƠNG II
MỤC ĐÍCH - THÀNH PHẦN
Điều 4: Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hòa hợp nhất các Hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới.
Điều 5: Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo đúng Luật Phật chế và trong khuôn khổ luật pháp. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là người đại diện chính thức của Phật giáo Việt Nam trong mọi quan hệ đối ngoại và quốc tế.
Điều 6: Thành phần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm các hệ phái Phật giáo Việt Nam, các Tăng, Ni và các cư sĩ thuộc các hệ phái Phật giáo Việt Nam, tự nguyện gia nhập và chấp hành bản Hiến chương này.
Điều 7: Thành phần nhân sự các cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những Tăng Ni và cư sĩ có năng lực, đạo đức và tiêu biểu của các hệ phái Phật giáo Việt Nam, có công đức với đạo pháp, dân tộc và trung thành với Tổ quốc.
Điều 8: Các thành viên của Giáo hội có quyền được đề cử và được suy cử vào các cấp Giáo hội, có quyền thảo luận và biểu quyết các công việc của Giáo hội trong các kỳ Đại hội hay Đại hội của Giáo hội, có nhiệm vụ chấp hành Hiến chương, nội quy và các nghị quyết của Giáo hội.
CHƯƠNG III
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
Điều 9: Hệ thống tổ chức hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm:
1. Cấp Trung ương gồm có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự
2. Cấp Tỉnh, Thành là Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo được thành lập Ban Đại diện cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố trực thuộc tỉnh với chức năng và quyền hạn được quy định theo Nội quy do Giáo hội ban hành.
CHƯƠNG IV
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH
Điều 10: Hội đồng Chứng minh của Giáo hội gồm các vị Hòa thượng tiêu biểu của các hệ phái Phật giáo Việt Nam, có 70 tuổi đời, 50 tuổi đạo trở lên, không giới hạn số lượng, do Hội đồng Trị sự giới thiệu và được Đại hội Phật giáo toàn quốc suy tôn.
Điều 11: Các vị Hòa thượng trong Hội đồng Chứng minh tại vị trọn đời. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt mới phải phế vị do quyết định của Hội đồng Chứng minh với đa số quá bán biểu quyết tán thành.
Điều 12: Hội đồng Chứng minh suy cử một Ban Thường trực gồm có Đức Pháp chủ, các vị phó Pháp chủ, một vị Giám luật, một vị Chánh Thư ký, các vị Phó thư ký. Nếu có chức vị trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh bị khuyết thì Ban Thường trực thỉnh thành viên Hội đồng Chứng minh để bổ sung. Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh có nhiệm vụ:
a. Chứng minh các Đại hội Trung ương và Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
b. Hướng dẫn và giám sát các hoạt động của Giáo hội về mặt đạo pháp và giới luật.
c. Phê chuẩn tấn phong chức vị giáo phẩm Hòa thượng, Thượng toạ, Ni trưởng, Ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Điều 13: Nhiệm kỳ của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh là 5 năm, ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự.
CHƯƠNG V
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
Điều 14: Hội đồng Trị sự thành phần có tối đa là 70 thành viên gồm các vị Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng, Ni và Cư sĩ của Giáo hội, do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tiền nhiệm đề cử và Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy cử.
Thành viên của Hội đồng Trị sự có thể bị bãi miễn nếu quá bán tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành.
Điều 15: Hội đồng Trị sự là cấp điều hành cao nhất của Giáo hội về các mặt hoạt động của Giáo hội giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hội đồng Trị sự ấn định chương trình hoạt động hằng năm của Giáo hội theo đúng Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam, đôn đốc và kiểm soát việc thực hiện chương trình đó.
Điều 16: Hội đồng Trị sự có nhiệm vụ suy cử vị Chủ tịch, các phó Chủ tịch và suy cử Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội theo thành phần được quy định ở điều 20.
Điều 17: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có tối đa không quá 34 thành viên.
Điều 18: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội thay mặt Hội đồng Trị sự điều hành các hoạt động và các ngành hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hoạt động theo quy chế của mình, có đệ trình Hội đồng Chứng minh kính tường.
Điều 19: Các ngành hoạt động của Giáo hội gồm có:
1. Ban Tăng sự.
2. Ban Giáo dục Tăng, Ni.
3. Ban Hướng dẫn Phật tử (chia làm hai phân ban: Phân ban cư sĩ Phật tử và Phân ban gia đình Phật tử).
4. Ban Hoằng pháp.
5. Ban Nghi lễ.
6. Ban Văn hoá.
7. Ban Kinh tế Tài chính.
8. Ban Từ thiện Xã hội.
9. Ban Phật giáo Quốc tế
10. Viện Nghiên cứu Phật học Việt
Các Ban và Viện có thể thành lập các phân ban, phân viện để phụ trách các chuyên ngành hoạt động theo nội quy riêng được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y.
Điều 20: Thành phần Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội gồm có:
- Chủ tịch.
- Ba Phó chủ tịch thường trực.
- Các Phó chủ tịch.
- Tổng Thư ký.
- Hai Phó tổng thư ký.
- Trưởng ban Tăng sự.
- Trưởng ban Giáo dục Tăng, Ni.
- Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử.
- Trưởng ban Hoằng pháp.
- Trưởng ban Văn hoá.
- Trưởng ban Nghi lễ.
- Trưởng ban Kinh tế Tài chính
- Trưởng ban Từ thiện xã hội.
- Trưởng ban Phật giáo Quốc tế
- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt
- Các Phó ban.
- Các uỷ viên Thư ký.
- Hai uỷ viên Thủ quỹ.
- Bốn uỷ viên Kiểm soát.
Điều 21: Nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự là 5 năm.
Điều 22: Khi chưa hết nhiệm kỳ, nếu có chức vị trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội bị khuyết, thì Ban Thường trực báo cáo đề nghị Hội đồng Trị sự bổ sung trong Đại hội gần nhất của Hội đồng. Trong khi chờ đợi, Ban Thường trực có thể cử người trong Ban Thường trực quyền kiêm nhiệm.
Điều 23: Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội thay mặt Giáo hội về mặt pháp lý Nhà nước trong các mối quan hệ ở trong và ngoài nước. Một trong ba Phó chủ tịch Thường trực thay thế Chủ tịch khi Chủ tịch vắng mặt.
CHƯƠNG VI
TỈNH HỘI - THÀNH HỘI
Điều 24: Mỗi Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có Tăng Ni và cư sĩ Phật tử được thành lập một Tỉnh hội, Thành hội trực thuộc Trung ương Giáo hội do một Ban Trị sự Tỉnh, Thành điều hành. Ban Trị sự không quá 37 thành viên và bầu ra Ban Thường trực gồm có:
- Trưởng Ban Trị sự.
- Phó Ban thường trực.
- Các Phó ban.
- Các Uỷ viên phụ trách các ngành thể theo các Ban Trung ương.
- Một Chánh thư ký.
- Hai Phó thư ký.
- Một Thủ quỹ.
- Hai Kiểm soát.
Điều 25: Ban Trị sự do Đại hội Đại biểu Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử thuộc Tỉnh hay Thành phố trực thuộc Trung ương suy cử trong hàng Tăng, Ni và cư sĩ tại địa phương, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y bằng quyết định. Trưởng Ban Trị sự phải là Tăng sĩ (trường hợp nếu tại tỉnh không có Tăng sĩ thì cử một vị Ni tiêu biểu làm trưởng ban). Ban Trị sự có thể thỉnh quý Hòa thượng, Thượng toạ tại địa phương vào Ban Chứng minh cho Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội.
Nơi nào không đủ điều kiện thành lập Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội thì lập một Ban Đại diện gồm có: Một Chánh Đại diện, hai phó Đại diện, một Thư ký và một Thủ quỹ và các uỷ viên. Chánh Đại diện phải là một vị Tăng hoặc Ni do Trung ương Giáo hội chỉ định.
Điều 26: Nhiệm kỳ của Ban Trị sự là 5 năm.
Điều 27: Thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, Quận, huyện có Tăng Ni và cư sĩ, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội sẽ bổ nhiệm một Ban Đại diện gồm: Một Chánh Đại diện, một phó Đại diện, một Thư ký, một Thủ quỹ, một Kiểm soát và các uỷ viên trong hàng Tăng, Ni, cư sĩ ở địa phương.
Những phường, xã có Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường và có Tăng Ni, cư sĩ thì Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội bổ nhiệm một đại diện phường, xã tại địa phương, để giúp Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội hoặc Ban Đại diện Phật giáo Quận, huyện liên hệ với các cơ sở của Giáo hội về mặt sinh hoạt tín ngưỡng.
Điều 28: Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường.
CHƯƠNG VII
ĐẠI HỘI - HỘI NGHỊ
Điều 29: Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp 5 năm một kỳ, do Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội triệu tập để:
1. Kiểm điểm hoạt động của Giáo hội trong 5 năm qua.
2. Ấn định chương trình hoạt động 5 năm tới.
3. Suy cử Hội đồng Trị sự.
4. Sửa đổi Hiến chương của Giáo hội nếu cần và thông qua Hiến chương sửa đổi.
Điều 30: Thành phần Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm:
- Hội đồng Chứng minh.
- Hội đồng Trị sự.
- Đại biểu các Tỉnh hội, Thành hội do Đại hội đại biểu các Tỉnh hội, Thành hội đề cử.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội sẽ quyết định số lượng Đại biểu của Đại hội và số Đại biểu của mỗi địa phương tham dự Đại hội.
Đại hội quyết định theo đa số đại biểu có mặt, trừ trường hợp sửa đổi Hiến chương quy định ở điều 46. Đại hội hợp lệ phải có số đại biểu có mặt quá 2/3 tổng số Đại biểu được triệu tập.
Điều 31: Đại hội Hội đồng Chứng minh do Đức Pháp chủ triệu tập 5 năm một kỳ để :
- Kiểm điểm Phật sự của Giáo hội đã thi hành.
- Duyệt xét chương trình Phật sự sẽ thi hành.
- Suy cử Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh.
Điều 32: Khi cần, Đức Pháp chủ sẽ triệu tập Đại hội Hội đồng Chứng minh bất thường, do Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh chấp thuận hoặc quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Chứng minh đề nghị.
Điều 33: Đại hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội triệu tập mỗi năm một kỳ để:
- Kiểm điểm hoạt động một năm qua.
- Căn cứ nghị quyết của Đại hội thảo luận và ấn định chương trình hoạt động trong năm tới.
- Thảo luận và ấn định những vấn đề về tổ chức và nhân sự của Giáo hội nếu có.
Thành phần Đại hội Trung ương Giáo hội gồm có:
- Thường trực Hội đồng Chứng minh.
- Hội đồng Trị sự.
Điều 34: Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội sẽ triệu tập Đại hội Trung ương Giáo hội bất thường sau khi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội biểu quyết, hoặc do quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Trị sự đề nghị. Thành phần Đại hội Trung ương bất thường, thể theo thành phần Đại hội Trung ương quy định điều 33.
Điều 35: Đại hội Đại biểu các Tỉnh hội, Thành hội do Trưởng Ban Trị sự triệu tập 5 năm một kỳ để:
- Báo cáo Tổng kết hoạt động trong 5 năm qua.
- Thảo luận, ấn định chương trình hoạt động trong 5 năm tới.
- Suy cử Ban Trị sự.
- Thành phần và số lượng đại biểu dự Đại hội Tỉnh hội, Thành hộị do Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành ấn định. Đại hội Đại biểu các Tỉnh hội, Thành hội quyết định theo đa số đại biểu có mặt. Số Đại biểu có mặt phải quá 2/3 tổng số Đại biểu Tỉnh hội, Thành hội được ấn định.
Điều 36: Đại hội Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội do Trưởng Ban Trị sự triệu tập 3 tháng một kỳ để kiểm điểm và hoạch định chương trình hoạt động hàng quý. Trưởng Ban Trị sự có thể triệu tập Đại hội bất thường của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội nếu thấy cần thiết và phải được 2/3 tổng số thành viên thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội biểu quyết chấp thuận.
CHƯƠNG VIII
GIÁO PHẨM
Điều 37: Được tấn phong Hòa thượng những Thượng toạ từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và Dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Đại hội Trung ương thông qua hay Đại hội Phật giáo Toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do đức Pháp Chủ ban hành.
Điều 38: Được tấn phong Thượng toạ những tăng sĩ từ 45 tuổi đời, 25 tuổi đạo trở lên có đạo hạnh, công đức với Đạo pháp và Dân tộc do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn và tấn phong tại Đại hội Trung ương Giáo hội và Đại hội Phật giáo Toàn quốc, với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do đức Pháp chủ ban hành.
Điều 39: Cấp bậc giáo phẩm của Ni chúng là Ni trưởng và Ni sư. Tiêu chuẩn và điều kiện để tấn phong giáo phẩm của Ni chúng như quy định của hàng Tăng giới ở điều 37 và 38.
CHƯƠNG IX
TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC - KỶ LUẬT
Điều 40: Thành viên của Giáo hội có nhiều thành tích với đất nước và công đức với Đạo pháp sẽ được Giáo hội tuyên dương.
Thành viên vi phạm Hiến chương, nội quy của Giáo hội tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ, Giáo hội sẽ xử lý theo Luật đạo.
Thành viên có các hoạt động làm thương tổn đến thanh danh, đến sự hòa hợp, đến quyền lợi của Giáo hội, phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân, đến hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc, Giáo hội sẽ xử lý theo Luật đạo và do Nhà nước xử lý theo Luật pháp hiện hành.
Thành viên nào của Giáo hội mất quyền công dân thì đương nhiên mất quyền hạn là thành viên Giáo hội. Các thành viên bị khai trừ, sau khi biết hối cải, có thể xin gia nhập lại Giáo hội. Trường hợp mất quyền công dân mà đã được phục hồi quyền công dân thì có thể được xin phục hồi quyền hạn thành viên Giáo hội
Điều 41: Việc tuyên dương công đức đối với thành viên thường, do Ban Trị sự quyết định, đối với thành viên trong Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội quyết định, đối với thành viên Hội đồng Trị sự, do 2/3 thành viên Hội đồng Trị sự biểu quyết chấp thuận và được Thường trực Hội đồng Chứng minh ấn chứng.
Điều 42: Việc thi hành kỷ luật đối với thành viên thường do Ban Trị sự quyết định, đối với thành viên trong Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội quyết định, đối với thành viên Hội đồng Trị sự, do 2/3 thành viên Hội đồng Trị sự biểu quyết và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn.
Điều 43: Đối với những Tăng Ni vi phạm về giới luật, thì ngành Tăng sự các cấp phối hợp cùng Ban Đại diện và Ban Trị sự căn cứ Luật Phật chế để xét xử và giải quyết. Trường hợp không giải quyết được, Ban Trị sự trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để giải quyết, nếu vẫn không được thì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trình Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh xử lý theo Luật đạo.
CHƯƠNG X
TÀI CHÍNH - TÀI SẢN
Điều 44: Tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt
1. Niên liễm do các thành viên đóng góp.
2. Tài chính do các Tăng Ni, Phật tử và tư nhân trong và ngoài nước cúng
dường hợp pháp.
3. Tài chính do Giáo hội tự tạo hợp pháp.
Điều 45: Tài sản của Giáo hội Phật giáo gồm có:
Động sản và bất động sản hợp pháp:
a. Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến
cúng hợp pháp.
b. Do các thành viên Tăng, Ni, Phật tử của Giáo hội xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ.
CHƯƠNG XI
SỬA ĐỔI HIẾN CHƯƠNG
Điều 46: Chỉ có Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có quyền sửa đổi Hiến chương này và phải được 2/3 tổng số Đại biểu Đại hội biểu quyết.
Điều 47: Dự án sửa đổi Hiến chương do Hội đồng Trị sự đề nghị lên Đại hội Phật giáo Toàn quốc biểu quyết thông qua.
Điều 48: Hiến chương này gồm có 11 chương và 48 điều được Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước soạn, duyệt, nhất trí thông qua và biểu quyết năm 1981, được tu chỉnh lần thứ nhất tại Đại hội toàn quốc lần thứ II năm 1987, lần thứ hai tại Đại hội toàn quốc vào năm 1992 và lần thứ ba được tu chỉnh thông qua tại Đại hội toàn quốc kỳ IV ngày 23-11-1997. Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ ban hành sau khi được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn.
Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 1997
TM. ĐOÀN THƯ KÝ ĐẠI HỘI TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH ĐẠI HỘI
ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ IV
Hòa thượng THÍCH HIỂN PHÁP Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH
Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thông báo: Chấp thuận Hiến chương sửa đổi và nhân sự mới của Trung ương GHPGVN
Kỳ IV 15:37 14/03/2012Thủ tướng Chính phủ chấp nhận Hiến chương sửa đổi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân sự Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đại hội suy tôn, suy cử và đề nghị của Giáo hội
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Kỳ IV 15:31 14/03/2012Hiến chương này gồm có 11 chương và 48 điều được Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước soạn, duyệt, nhất trí thông qua và biểu quyết năm 1981
Thư của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV gửi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước
Kỳ IV 14:46 13/03/2012Giáo hội kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước, báo đáp Phật ân, đồng tâm hiệp lực xây dựng Giáo hội, quyết chí ủng hộ các công tác của Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam
Thư của Đại hội gửi Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Kỳ IV 14:43 13/03/2012Đại hội đã thành công tốt đẹp về mặt tổ chức và nội dung. Thành tựu này một lần nữa, chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo ở trong lòng Đất nước và dân tộc, được Nhà nước và quần chúng nhân dân ủng hộ
Xem thêm